Nghệ An: Dịch tiêu chảy cấp và sốt xuất huyết tiếp tục lan rộng

Nghệ An: Dịch tiêu chảy cấp và sốt xuất huyết tiếp tục lan rộng
TP - Tính đến hết chiều 13/10, toàn tỉnh Nghệ An có thêm 18 ca mắc bệnh dịch tiêu chảy cấp, 7 trường hợp dương tính với phẩy khuẩn tả và tăng thêm hơn 300 ca dịch sốt xuất huyết.

Như vậy, tổng số ca nhiễm tiêu chảy cấp ở Nghệ An hiện tại đã lên tới 52 trường hợp (trong đó huyện Quỳnh Lưu 51 trường hợp, thị xã Cửa Lò 1 trường hợp), có 24 trường hợp dương tính với phẩy khuẩn tả và 731 ca mắc bệnh dịch sốt xuất huyết.

Điều đáng nói, mặc dù ngành y tế Nghệ An đã và đang ra sức dập và phòng dịch nhưng chỉ sau một ngày dịch đã lây lan nhanh, ngoài xã Quỳnh Phương, Quỳnh Liên, Quỳnh Lập là tâm điểm vùng dịch thì ngày 13/10 dịch tiêu chảy cấp đã lan nhanh sang xã Quỳnh Vinh (Quỳnh Lưu) và 1 trường hợp ở phường Nghi Thủy (thị xã Cửa Lò), trong đó có 5 trường hợp là học sinh ở vùng ven biển Quỳnh Phương.

Còn dịch sốt xuất huyết hiện đang lan rất nhanh, trong số 731 trường hợp thì  địa bàn Quỳnh Lưu có 499  ca, Diễn Châu 144 ca và Hưng Nguyên (địa bàn giáp TP Vinh) 88 ca.

Được biết, để dập dịch và ngăn chặn lây lan, Sở Y tế Nghệ An đã huy động 6 máy phun và 100 lít hoá chất để khử trùng và tiêu độc ở các vùng trung tâm bão dịch.

Tuy nhiên, theo nhận định của một số chuyên gia, trong tình trạng dịch bệnh lây lan nhanh như hiện nay thì rất có thể số trường hợp nhiễm bệnh còn tăng thêm trong những ngày tới.

Cũng trong ngày 13/10, TS Nguyễn Huy Nga - Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng và Môi trường (Bộ Y tế) cho biết, đáng chú ý trong vụ dịch tả này tại Nghệ An hầu hết bệnh nhân đều ăn hải sản tươi sống, đặc biệt là cá biển. Bệnh nhân từ 15 tuổi đến trên 70 tuổi.

TS Nga nhận định thói quen ăn đồ hải sản tươi sống, trong khi mầm phẩy khuẩn tả vẫn tồn tại ngoài môi trường, có mặt trong nguồn nước sông chính là nguyên nhân làm dịch bệnh bùng phát.

Kết quả xét nghiệm hai mẫu nước sông Mai Giang chảy qua địa bàn huyện Quỳnh Lưu dương tính với phẩy khuẩn tả. Tuy nhiên, TS.Nguyễn Trần Hiển - Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư cho biết sông Mai Giang khá rộng nên không có biện pháp nào có thể diệt hoàn toàn vi khuẩn tả.

Biện pháp tốt nhất là khuyến cáo người dân không sử dụng nước sông để sinh hoạt. Đặc biệt, ngành y tế tỉnh Nghệ An cần khuyến cáo người dân tuyệt đối không ăn gỏi (hải sản sống), không xả thẳng chất thải ra môi trường xung quanh như hiện nay.

Chiều 13/10, một đoàn cán bộ của Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư vào Nghệ An để kiểm tra tình hình dịch tiêu chảy cấp nguy hiểm.

Về nguy cơ dịch tiêu chảy cấp lây lan sang các tỉnh lân cận, ông Nga nhận định có khả năng xảy ra nhưng không lớn. Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng và Môi trường cho rằng năm nay, nếu dịch tiêu chảy cấp nguy hiểm có bùng phát trở lại thì cũng ở quy mô nhỏ và rải rác chứ không trên diện rộng như năm 2007.

Tuy nhiên, theo TS. Nga, việc khống chế hoàn toàn dịch tiêu chảy cấp là việc làm rất khó khăn vì vi khuẩn tả đã tồn tại trong môi trường nhưng ý thức người dân về phòng bệnh lại rất kém.

Thống kê cũng cho thấy dịch bệnh này vẫn xuất hiện rải rác tại nhiều tỉnh, thành cả nước, số ca dương tính từ đầu năm đến nay là gần 800/ hơn 4.600 trường hợp mắc tiêu chảy cấp nguy hiểm.

Cùng ngày, Cục Y tế dự phòng và Môi trường đã có Công văn số 1955/CĐ – DPMT gửi Giám đốc Sở Y tế Nghệ An và Trung tâm Y tế Dự phòng tỉnh đề nghị triển khai ngay các biện pháp phòng chống dịch tiêu chảy cấp. Theo đó, công văn yêu cầu hai đơn vị trên phải điều tra rõ mối liên quan về dịch tễ của các trường hợp bệnh.

Cử các đoàn công tác chống dịch hỗ trợ địa phương, xử lý triệt để môi trường, chất thải tại khu vực lưu trú và điều trị bệnh nhân. Giám sát chặt chẽ, phát hiện sớm, điều trị kịp thời bệnh nhân, không để xảy ra tử vong. Đồng thời tăng cường kiểm tra an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP), xử lý nghiêm khắc các cơ sở vi phạm.

Có biện pháp kiểm soát đảm bảo ATVSTP và môi trường tại các hộ gia đình, các tập thể tổ chức ăn, uống đông người, tránh các vụ ngộ độc lớn xảy ra. Kiểm tra vệ sinh các nguồn nước sinh hoạt, xử lý nguồn nước nhiễm bẩn, đảm bảo cung cấp nước sạch cho người dân ăn uống và sử dụng trong sinh hoạt...

MỚI - NÓNG
Trung ương Đoàn trao tặng công trình số hoá khu di tích lịch sử tại Điện Biên
Trung ương Đoàn trao tặng công trình số hoá khu di tích lịch sử tại Điện Biên
TPO - Trung ương Đoàn thực hiện 3 công trình số hóa các di tích lịch sử, địa chỉ đỏ cho tỉnh Điện Biên nhân dịp kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, gồm: Điểm Di tích Sở Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ ở Mường Phăng, Điểm Di tích Đồi A1 và Điểm Di tích Trung tâm đề kháng Him Lam (Đồi Him Lam), với tổng trị giá 300 triệu đồng.