Nhà đầu tư "đứt tay" vì vàng

Nhà đầu tư "đứt tay" vì vàng
Sự sụt giảm của TTCK trong 2 quý đầu năm cùng với tốc độ gia tăng của lạm phát đã khiến nhiều NĐT chuyển hướng sang nắm giữ vàng. Tuy nhiên, sóng lớn trên thị trường vàng gần đây đã khiến nhiều NĐT phải rút lui khỏi sàn giao dịch.

Làn sóng thành lập sàn vàng đã nhanh chóng được hình thành kể từ những ngày đầu quý II đến đầu quý III/2008. Cùng thời điểm trên TTCK vẫn trong giai đoạn điều chỉnh nên các SGDV mới tham gia cũng thu hút đựơc một số lượng NĐT kinh doanh.

Theo đánh giá của các chuyên gia ngành CK, sở dĩ các SGDV đã thu hút được nhiều NĐT tham gia kinh doanh, vì chỉ cần có mức ký quỹ 7% là nhà đầu tư có thể mua - bán được với giá trị lên đến 100%. Phần còn lại sẽ do NH cho vay.

Chính hình thức mua - bán khống này đã khiến nhiều NĐT đến với sàn vàng. Thế nhưng, trong những ngày qua thị trường vàng đã có những cơn sóng lớn khiến không ít NĐT lao đao.

Giá vàng đã giảm mạnh từ mức 925USD/ounce xuống quanh mức 850USD/ounce và đáng chú ý nhất là phiên giao dịch gần cuối tuần, vàng giảm dưới mức 800USD/ounce chỉ trong một đêm.

Vàng niêm yết trên thị trường thế giới ngày cuối tuần chỉ còn 782USD/ounce. Chỉ trong 2 ngày, vàng mất gần 60USD/ounce.

Vàng biến động với biên độ lớn, NĐT tham gia kinh doanh tại các SGDV trong nước không thể trở tay kịp. Nhiều người cho rằng, vàng đã giảm đáy và đây là cơ hội để kiếm lời, thế nhưng khó tránh được sự đảo chiều bất ngờ của vàng.

Thực tế, với công cụ kinh doanh vàng, NĐT có thể thu một khoản lãi lớn chỉ trong một đêm, nhưng ngược lại cũng có khả năng phát sinh một khoản lỗ lớn chỉ trong một vài giờ. Do đó, theo các chuyên gia, đầu tư vào vàng, NĐT phải biết chấp nhận rủi ro và cần xác định được khả năng lỗ tối đa mà mình có thể chấp nhận để rút lui khỏi thị truờng.

Nhà đầu tư nhỏ rút lui

Trong khi đó, với các NĐT nhỏ lẻ của hiện đang tham gia đầu tư qua các sàn vàng trong nước chủ yếu vay vốn NH để kinh doanh nên khó có thể chế ngự được lòng tham, khi chỉ cần ký quỹ 7% là có thể mua - bán được 100% giá trị cần giao dịch.

NĐT luôn muốn đánh tiếp để mong gỡ được phần vốn đã mất nên tiếp tục phải gánh chịu những khoản lỗ xảy ra khi thị truờng vàng biến động.

Trong khi đó, kinh doanh vàng đòi hỏi  NĐT phải biết nắm bắt cũng như phân tích được các thông tin ảnh hưởng đến giá vàng trên thế giới (đồng USD, giá dầu và tình hình chính trị... ).

Thế nhưng, trong thời gian gần đây dường như vàng không còn phụ thuộc nhiều vào diễn biến của các yếu tố trên. Giá dầu đã giảm dần trong cả tuần trước, xuống dưới 70USD/thùng; đồng USD có lúc tăng giá, nhưng vàng vẫn lội ngược dòng.

Giá vàng gần đây phụ thuộc nhiều vào diễn biến của TTCK Mỹ khiến nhiều người bỏ vốn vào vàng tỏ ra lo ngại khi khó có thể đưa ra được những dự báo về sự lên xuống của vàng.

Bên cạnh đó, vàng trong nước dần thoát ly với giá thế giới khi thị trường nội địa không thể xuất và khó nhập nên giá mua vẫn cao. Mặc dù vàng thế giới còn 782USD/ounce, nếu quy đổi chỉ tương đương 15,675 - 15,685 triệu đồng/luợng, nhưng vàng SJC vẫn niêm yết 16,9 - 17 triệu đồng/lượng.

Sóng lớn trên thị trường vàng gần đây đã khiến nhiều NĐT phải rút lui khỏi SGDV. Điều này được chứng minh qua khối lượng giao dịch tại một số sàn vàng giảm dần. Đơn cử như SDGV Sài Gòn bình quân chỉ  trên 200.000 lượng/ngày, trong khi trước đó đạt mức gấp đôi.

Một số sàn vàng mới mở không khí cũng lắng dần. Theo một chuyên gia trong ngành, đối với NĐT tham gia SGDV do diễn biến giá vàng khá phức tạp, biến động giá qua đêm rất lớn nên trong trường hợp duy trì trạng thái vàng qua đêm cần tính toán mức ký quỹ nhiều hơn mức quy định (hiện nay là 7%).

NĐT cũng có thể tự đặt lệnh tất toán một phần trạng thái trước khi bị hệ thống phần mềm tự động xử lý trong trường hợp tỉ lệ ký quỹ chạm mức xử lý.

Chẳng hạn, với SGDV ACB, khi giá vàng biến động bất lợi làm cho tỉ lệ ký quỹ thực tế của NĐT thấp hơn hoặc bằng tỉ lệ xử lý do NH quy định thì ACB sẽ tiến hành xử lý một phần hoặc toàn bộ tài sản NĐT để đưa tỉ lệ ký quỹ của NĐT về tỉ lệ ký quỹ ban đầu, đảm bảo tuân thủ nguyên tắc bước nhảy về khối lượng đặt lệnh.

Việc xử lý tài sản NĐT nhằm mục đích hạn chế bớt rủi ro có thể thua lỗ nhiều hơn của khách hàng và rủi ro tín dụng của ACB.

Theo Vi Nguyễn
Lao động

MỚI - NÓNG
Năm học 2023-2024, Hà Nội được bổ sung 2.648 biên chế giáo dục.
Hà Nội thiếu hơn 16.000 biên chế giáo dục
TPO - Số biên chế sự nghiệp giáo dục của thành phố Hà Nội thiếu so với định mức do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định là 16.004 người. Năm học 2023- 2024, thành phố đề nghị được giao thêm 8.939 biên chế khối giáo dục nhưng chỉ được bổ sung 2.648 biên chế.