EVN lý giải về đề xuất trích thưởng 1.002 tỷ đồng

EVN lý giải về đề xuất trích thưởng 1.002 tỷ đồng
TP- Ông Đinh Quang Tri - Phó Tổng Giám đốc EVN - khẳng định từ năm 1995 đến nay EVN không hề lỗ. Nếu chi phí năm 2007 không bị đội lên thì EVN phải lãi tới trên 6.000 tỷ đồng. Việc xin trích 1.002 tỷ là để đảm bảo quyền lợi cho người lao động.

Trao đổi với Tiền phong, ông Đinh Quang Tri cho biết: Trong cách tính doanh thu năm 2007 của EVN do không tách phần chênh lệch giá điện cũ và mới nên tính ra số lãi của EVN thu từ các khoản đầu tư, tài chính là trên 3.800 tỷ đồng, trong đó có cả lãi do chênh lệch tăng giá điện là 2.763 tỷ đồng.

Theo báo cáo của EVN, trong năm 2007, tập đoàn này đã lãi trước thuế 3.842 tỷ đồng (số làm tròn). Ngoài khoản thuế thu nhập doanh nghiệp 28% phải đóng, EVN đã chi khác 21,3 tỷ đồng, trích quỹ thưởng ban điều hành 2,55 tỷ đồng và chi nhiều quỹ khác. Nếu chuyển toàn bộ chênh lệch giá điện để đầu tư theo chỉ đạo của Thủ tướng, lợi nhuận trước thuế của EVN chỉ còn khoảng 1.100 tỷ đồng.

Theo EVN, điều này là không phù hợp với quy định của Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp. Vì vậy, thay vì chuyển tiền vào đầu tư, EVN cho rằng: “Việc ưu tiên tăng vốn đầu tư là cần thiết, song cũng cần xem xét quyền lợi của 84.000 cán bộ công nhân viên ngành điện”. Do đó, EVN kiến nghị xử lý tổng lợi nhuận thực hiện năm 2007 theo hướng cho trích quỹ khen thưởng phúc lợi 1.002 tỷ đồng, còn lại 1.490 tỷ đồng sẽ bổ sung vào quỹ đầu tư phát triển.
                                     
Theo Tuổi Trẻ

Do giá dầu tăng làm đội chi phí lên hơn 3.000 tỷ trong năm 2007 và EVN cũng phải gánh. Nhưng với nỗ lực của mình chúng tôi đã lãi hơn 3.842 tỷ đồng trước thuế. Nếu không đáng nhẽ lợi nhuận của chúng tôi là phải trên 6.000 tỷ nếu giá dầu, giá điện mua ngoài không tăng cao như vậy.

Trích thưởng để đảm bảo quyền lợi người lao động

Vậy EVN căn cứ vào đâu để xin trích 1.002 tỷ đồng làm quỹ khen thưởng phúc lợi?

Chúng tôi căn cứ vào tổng lợi nhuận năm 2007 của EVN và các đơn vị thành viên do EVN giữ 100% vốn sau khi nộp thuế thu nhập doanh nghiệp 28%, trích quỹ dự phòng tài chính. Đơn vị xin trích 3 tháng lương bình quân thực hiện để làm quỹ khen thưởng phúc lợi.

Mức tính trên cơ sở mức lương bình quân của các cán bộ, công nhân viên EVN là 3,9 triệu đồng/tháng của 84.000 cán bộ, công nhân viên ngành điện nhân với 3 tháng để làm quỹ chia thưởng. Đây là cách tính theo mục 5 điều 27 Nghị định 199 của Chính phủ. Nếu không lo cho người lao động thì họ sẽ không yên tâm làm việc.

Mức trích quỹ phúc lợi của EVN các năm trước ra sao?

Lợi nhuận năm 2007 của EVN tăng cao hơn các năm trước mặc dù lạm phát, giá cả tăng cao. Năm nay chúng tôi xin ở mức cao nhất theo quy định là 3 tháng. Còn trước đây chúng tôi chỉ xin 1 – 2 tháng. Các năm trước số lượng cán bộ công nhân viên ít hơn năm nay.

Mức trích quỹ phúc lợi những năm trước theo thời giá của từng năm và theo từng đơn vị. Có những đơn vị lợi nhuận cao thì khá còn đơn vị nào lỗ thì không có. Năm nay do có những đơn vị thấp nên chúng tôi kiến nghị lại.

Cách tính chênh lệch tăng giá điện của EVN thời gian qua tính như thế nào để có được số lãi 2.763 tỷ đồng nói trên?

Chênh lệch tăng giá điện, chúng tôi chỉ tính trên cơ sở giá của năm 2007, có 2 mức giá: Mức giá tính theo cơ cấu biểu giá do Thủ tướng duyệt bình quân 842 đồng/kwh. Nhưng khi các đơn vị thực hiện thì họ xóa bán tổng ở nông thôn nên giá bán bình quân tăng lên. Tất nhiên chi phí của họ cũng tăng lên.

Ví dụ trước họ bán ở nông thôn là 390 đồng/số điện thì sau khi xóa công tơ tổng và bán lẻ đến người dân thì giá bán lẻ bình quân sẽ tăng lên 860 đồng/kwh. EVN lãi thêm 600 – 700 tỷ đồng từ cách tính mới này.

Đây phải hiểu không phải là giá tăng mà là do bán lẻ đến từng người dân nên giá tăng lên chứ không phải do điều chỉnh giá lên. Tất cả số này chúng tôi đều đưa vào doanh thu.

EVN lý giải về đề xuất trích thưởng 1.002 tỷ đồng ảnh 1
Ông Đinh Quang Tri - Phó Tổng Giám đốc EVN

Thiếu điện là do cơ chế?

Có ý kiến EVN là đơn vị chịu trách nhiệm chính trong phát triển điện năng cho đất nước nhưng để xảy ra thiếu điện và như vậy là không hoàn thành nhiệm vụ, không xứng đáng được thưởng. Cùng đó, năm 2008 EVN kêu thiếu 5.000 tỷ đồng để đầu tư. Nên chăng EVN dùng để đầu tư cho các dự án?

Phải nói số tiền 1.002 tỷ đồng cho quỹ phúc lợi này không là gì so với tổng số 600.000 tỷ đồng mà chúng tôi đang thiếu. Thực ra có bao nhiêu thì chúng tôi đầu tư bấy nhiêu.

Một doanh nghiệp bao giờ cũng phải đầu tư vào hai mảng: Một là đầu tư vào tài sản và hai là đầu tư vào nhân lực lao động. Thiếu một trong hai cái đó thì không làm được.

EVN vẫn bảo lưu quyết định xin trích quỹ khen thưởng phúc lợi 1.002 tỷ đồng của mình. EVN đang xin ý kiến của hai Bộ Tài chính – Công Thương trước khi trình Thủ tướng quyết định chứ không phải do EVN quyết.

Việc thiếu điện thời gian vừa qua do có nhiều yếu tố khách quan và liên quan đến cơ chế. Điển hình như mua giá cao rồi bán giá thấp. Việc thiếu điện hiện do cơ chế. Nếu cứ để cơ chế hiện hành thì thiếu điện còn trầm trọng nữa. Năm 2007 EVN chưa trích một đồng nào để thưởng cho cán bộ công nhân viên.

EVN lý giải về đề xuất trích thưởng 1.002 tỷ đồng ảnh 2
Sửa chữa hệ thống dây tải điện quốc gia. Ảnh: Công Thắng

Các lãnh đạo EVN tại nhiều cuộc họp đều kêu kinh doanh điện bị lỗ dẫn đến thiếu vốn đầu tư và như vậy thì phải tăng giá điện. Vậy theo ông ngành điện đang lỗ hay lãi?

Như EVN nhiều lần báo cáo là lỗ ở phần mua điện giá cao và bán giá thấp. Về tổng thể thì EVN không lỗ. Nếu EVN không phải để đầu tư tăng trưởng ở mức 15 – 17%/năm và chỉ làm theo năng lực của mình với mức tăng trưởng dùng điện ở mức 5 - 7% thì  tôi nghĩ không cần tăng giá điện. Như vậy chúng tôi sẽ không phải đi mua 7 – 8 cent/kwh rồi bán 5cent/kwh.

Phải nói từ năm 1995 đến nay EVN chưa lỗ. Mức lãi của EVN trên vốn Nhà nước có năm chỉ đạt 2%, có năm 3%, 5% /năm tùy từng năm. Mức lãi này chỉ đủ để đi vay vốn chứ không đủ để đầu tư.

Còn cụ thể năm 2004, lợi nhuận sau thuế của EVN là 1.558 tỷ đồng. Năm 2005 lợi nhuận sau thuế là 2.327 tỷ đồng. Năm 2006 lợi nhuận 2.256 tỷ đồng. Năm 2007 lợi nhuận sau thuế 2.763 tỷ đồng.

Cách công bố thông tin từ trước đến nay của EVN nhiều khi trái ngược nhau dẫn đến người dân hiểu lầm như ông nói. Ông đánh giá thế nào về cách phát ngôn của tập đoàn?

Thực ra tập đoàn chưa bao giờ phát ngôn một cách nhỏ lẻ như vậy mà do các phóng viên trích dẫn theo kiểu từng mục nhỏ mà không có trích toàn thể. Vừa rồi EVN đề xuất bỏ 13 dự án vì tỷ lệ tự đầu tư của EVN không đạt và không vay được tiền.

Nếu EVN “ôm” nhiều dự án mới quá thì tỷ lệ tự đầu tư sẽ rất cao và tỷ lệ vốn tự có trên tổng vốn đầu tư  sẽ hạ thấp dưới 25% và chúng tôi không thể vay được tiền.

Đây là điểm mấu chốt. Còn nhà máy điện giờ bắt đầu đi xây thì phải 4 – 5 năm nữa mới đi vào hoạt động và giá điện lúc đó nó phải khác. Nếu Chính phủ yêu cầu EVN tiếp tục đầu tư lớn thì tỷ lệ tự đầu tư vẫn phải đảm bảo mức 25% hoặc Chính phủ phải cấp thêm tiền hoặc EVN phải thành lập các Cty cổ phần kêu gọi bên ngoài góp vốn với tỷ lệ 49%.

Xin cảm ơn ông

EVN vẫn chưa hoàn thiện đề án giá điện cuối cùng

Theo khẳng định của ông Đinh Quang Tri, đến chiều 20/10, EVN vẫn chưa hoàn thiện đề án điện cuối cùng để trình Bộ Công Thương trước khi trình Chính phủ.

Bản đề án “Giá điện theo cơ chế thị trường” với 4 phương án điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân giai đoạn năm 2009 - 2012 với mức tăng khoảng 16% được báo chí đưa vài ngày gần đây chỉ là bản đề án cho tổ công tác của EVN tập hợp và bàn thảo chứ không phải là bản đề án chính thức để EVN trình.

Theo bản đề án này, cơ chế điều chỉnh giá bán lẻ khi có yếu tố đầu vào thay đổi sẽ do Thủ tướng phê duyệt. Đề án giá điện chính thức dự kiến sẽ được Tổ này trình Chính phủ vào quý IV năm nay.

 Cần làm rõ khoản chênh lệch giá điện lên tới 2.763 tỷ đồng của EVN

Sau khi Bộ Tài chính có ý kiến về việc EVN chỉ nên trích quỹ khen thưởng phúc lợi theo tính toán của EVN bằng 2 tháng lương thực hiện với tổng số tiền là 668 tỷ đồng, Bộ Công Thương đã có Công văn số 9557/BCT-TC gửi Bộ Tài chính về việc xử lý chênh lệch giá điện năm 2007 của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN).

Theo báo cáo của EVN, giá trị chênh lệch giá điện năm 2007 là 2.763 tỷ đồng và được tính trong phần lãi kinh doanh của EVN. Việc xác định giá trị này được tính trên cơ sở chênh lệch giữa mức giá bán điện bình quân kế hoạch theo Quyết định 276/QĐ-TTg và mức giá thực tế năm 2006.

Bộ Công Thương cho rằng, để đảm bảo đúng quy định của Luật thuế thu nhập doanh nghiệp, quy chế quản lý tài chính của Cty nhà nước… đề nghị việc phân phối lợi nhuận và xử lý chênh lệch giá điện thực hiện theo quy định tại điều 27 Nghị định 199 của Chính phủ. Theo Bộ Công Thương, cách xác định như vậy là chưa phù hợp, đề nghị Bộ Tài chính làm rõ cơ sở để xác định khoản chênh lệch này.

Phạm Tuyên thực hiện

MỚI - NÓNG