Không nên đề nghị thưởng khi chưa hoàn thành nhiệm vụ!

Không nên đề nghị thưởng khi chưa hoàn thành nhiệm vụ!
TP- Xung quanh thông tin về việc EVN đề nghị trích thưởng tới 1.002 tỷ đồng, ông Nguyễn Đình Xuân - Ủy viên Ủy ban KHCN và MT của Quốc hội đã có cuộc trao đổi với báo chí bên lề kỳ họp, hôm qua (20/10).

>> EVN lý giải về đề xuất trích thưởng 1.002 tỷ đồng
>> Không có lý do gì để thưởng cho EVN!
>> EVN xin 1.002 tỉ đồng để khen thưởng...!

Ông Xuân cho biết: EVN được giao nhiệm vụ phục vụ nhân dân, nhưng họ chưa hoàn thành nhiệm vụ thì không thể được thưởng. Chưa kể, thu nhập bình quân của ngành điện là thuộc loại cao. Tôi biết ở Nghệ An có những thầy giáo cô giáo đi dạy mỗi tháng chỉ được 500 ngàn, mà công sức đóng góp như thế.

Tôi không phủ định đóng góp của ngành điện, nhưng xét về nhiệm vụ họ đã không hoàn thành. Còn đề xuất tăng giá điện, tôi không hiểu tại sao có lãi rồi vẫn tăng nữa.

EVN bảo lỗ, nhưng vừa rồi lại báo cáo lãi (?!). Con số hơn 2.000 tỉ đồng họ cho là ít, nhưng thực sự nó gấp hơn một lần rưỡi thu ngân sách của tỉnh Tây Ninh năm vừa qua (1.500 tỉ đồng).

Nếu EVN không lỗ thì vì sao phải tăng giá, còn nếu để đầu tư thì đã có nguồn khác, không thể lấy từ giá bán điện để đầu tư. Vấn đề là, chúng ta chấp nhận phải có thị trường điện mang tính cạnh tranh, trả tiền điện theo giá thị trường.

Ông nghĩ sao về việc Bộ Tài chính đồng ý cho EVN trích 668 tỉ đồng khen thưởng, còn Bộ Công Thương không đồng tình?

Việc đề nghị khen thưởng có một cơ sở là Luật DN cho phép, nhưng với tư cách là một DN. Đó là về mặt lí thuyết, còn thực tế, một DN muốn được thưởng thì phải có lãi thật- lãi trên cơ sở cắt điện để giảm chi phí thì không phải lãi thật.

Và như vậy, EVN không xứng đáng được hưởng cái đó. Bộ Tài chính, có lẽ chỉ làm trên giấy tờ, còn trên thực tế thì hết sức phản cảm. Còn vì sao Bộ Công Thương không đồng tình, tôi nghĩ rằng do xuất phát từ hai góc nhìn khác nhau, hai cách áp dụng văn bản khác nhau.

Vừa qua, EVN đã trả lại 13 dự án điện, mặc dù họ là người có năng lực nhất?

Tôi không biết lí do thực sự của việc trả lại 13 dự án, nhưng về nguyên tắc họ phải giải trình. Đây là nhiệm vụ chứ không phải quyền lợi để trả. Nhiệm vụ Nhà nước giao cho anh phát triển nguồn điện để có điện cho nhân dân, cho sản xuất, chứ không phải quyền lợi mà anh muốn trả thì trả. Nhưng một ngàn tỉ đồng đó, trả lại thì được quá, nộp ngân sách ngàn tỉ đó không ai bàn gì.

Nhưng trả lại dự án, có nghĩa là không hoàn thành nhiệm vụ, phải có lý giải để Chính phủ xem xét trách nhiệm các vị lãnh đạo, khi mà họ có động thái từ chối nhiệm vụ của mình.

Về lâu dài, chúng ta phải sớm chấm dứt độc quyền theo kiểu này. Hiện nay tôi biết có nhiều người muốn xin mua với giá cao nhưng không mua được, nhiều nhà máy muốn bán điện cũng không được.

Ví như một tập đoàn ở Tây Ninh xin bán điện sang Campuchia, đã có đường dây nhưng khi đặt vấn đề thu phí chuyển tải của ngành điện thì không thỏa thuận được.

Vậy ông có nghĩ rằng công tác lãnh đạo, điều hành của EVN có vấn đề?

Có vấn đề cả hai phía. Một là công tác điều hành có vấn đề. Hai là cơ chế, luật pháp và những qui định của chúng ta qui định cho ngành đó có vấn đề. Nếu là một ngành kinh doanh, theo thị trường thực sự thì không dại gì cắt điện cả. Họ sẽ phải cung cấp điện nhiều và người dân dùng càng nhiều càng rẻ thì mới đúng.

 Hồng Phúc
ghi

MỚI - NÓNG