Nghệ An: Tan hoang rừng phòng hộ Khe Lá

Nghệ An: Tan hoang rừng phòng hộ Khe Lá
TP- Hơn 800 ha rừng phòng hộ tại tiểu khu 860, 865 (thuộc xã Nghĩa Dũng, huyện Tân Kỳ, Nghệ An) bị đốn hạ, thiêu trụi trước sự bất lực của Ban quản lý rừng và chính quyền sở tại.

Từ Lạt (Tân Kỳ), chúng tôi ngược Khe Lá để lên khu vực rừng phòng hộ. Phải mất 2 giờ đồng hồ đi bộ, lúc men theo dòng suối, lúc lại chênh vênh bên bờ vực, cuối cùng chúng tôi cũng tiếp cận được khu rừng bị tàn phá.

Trước mắt ngổn ngang những cành khô cháy sém, hàng vạn cây bị đốn tận gốc, phơi mình trên sườn núi. Xa xa, một vài đám khói bốc lên.

Gặp mưa phùn, khói không thể bay cao được, cứ luẩn quẩn ngang đầu rồi sà xuống thung lũng. Đất dưới chân nham nhở vết than đen.       

Tại các tiểu khu 860, 865, rừng bị đốt, cạo trọc, bao phủ một màu tro tàn xám xịt. Chặt phá, đốt đến đâu, các hộ xâm canh liền trồng thế vào đó độc một loại cây keo lai.

Tại khoảnh 19, lô 1, TK 860 diện tích 16,9 ha, theo báo cáo của cán bộ kỹ thuật Ban QLRPH thì nguyên trạng là rừng trạng thái Ic và rừng IIa, nhưng mới hơn 2 tuần, tất cả đã bị xóa sổ không thương tiếc. Những cây gỗ to không cháy được liền bị phạt ngang thân, nằm xoài theo độ dốc.

Khu vực phía dưới, những kẻ đốt rừng đã tập hợp từng chồng gỗ cao ngất để theo con đường mới mở chuyển ra phía ngoài. Một cán bộ xã Nghĩa Dũng đi cùng đoàn cho biết, nếu lâm tặc không bận thu hoạch mùa thì số gỗ kể trên đã được chuyển đi tiêu thụ một cách an toàn.

Một số khoảnh rừng mà chúng tôi đến như: Khoảnh 18, 20, tiểu khu 865, rừng phòng hộ cũng bị triệt hạ vô tội vạ, cây gỗ bị đốt còn nằm chỏng chơ cản lối đi. Các khoảnh này là khu vực mà Ban QL rừng phòng hộ đã xây dựng kế hoạch lập hồ sơ thiết kế để chuyển đổi trồng cây bản địa.

Tuy nhiên, kế hoạch bị phá vỡ cách đây 3 tháng, toàn bộ khu rừng đã bị xoá sổ và thay thế vào đó là cây keo lai được nhanh chóng trồng qua mấy trận mưa đã bén rễ.

Xâm canh ồ ạt, triệt phá rừng xanh

Men theo con đường từ xóm Dương Lễ, xã Nghĩa Dũng mới mở theo chương trình 661 để vào khu vực mà Ban QLRPH đã thiết kế giao trồng theo kế hoạch. Mới đi được một đoạn, đập ngay vào tầm mắt là các hộ xâm canh Quang Thành đã đóng cọc, rào đường, ngăn cản không cho những người bảo vệ rừng và các hộ trồng rừng vào khu vực đã được giao khoán.

Tại đây, các hộ xâm canh tiến hành đào hố, trồng cây nguyên liệu dày đặc. Đi sâu vào phía trong theo con đường mòn, trên những diện tích rừng phòng hộ bị triệt phá, keo lai đã tốt quá đầu người.

Một sự đầu tư khá bài bản là dưới tán  rừng cây keo lai đã xanh tốt, những vườn ươm mi ni theo hộ, nhóm hộ nhiều vô số. Nhờ sự “nguỵ trang” bằng rừng keo lai này mà hàng vạn, hàng triệu cây giống đã được ươm tại chỗ, phục vụ đắc lực có cho việc “đánh nhanh, thắng nhanh” thôn tính rừng phòng hộ, rồi trồng keo lai thay thế.

Tại điểm Vực Già, khoảnh 17, 18, 20, thuộc tiểu khu 865, chúng tôi không khỏi kinh ngạc bởi việc trồng mới nhanh với số lượng diện tích nhiều đến thế. Khoảng gần 100 ha rừng phòng hộ tại các lô, khoảnh kể trên sau bị thiêu trụi cũng được phủ kín bằng cây keo lai.

 Vượt qua một ngọn núi khá cao, trước mắt chúng tôi là một con đường màu đất còn tươi mới kéo dài từ phía Yên Thành sang. Theo báo cáo của Ban QLRPH Tân Kỳ thì đây là con đường có chiều dài gần 5 km do máy ủi đào, ô tô tải có thể đi từ điểm giáp ranh giữa 2 xã Quang Thành (Yên Thành) và Nghĩa Dũng(Tân Kỳ), tư nhân vận chuyển cây giống vào sâu phía trong rừng phòng hộ lập trang trại.

Đường mở đến đâu, rừng phòng hộ bị triệt phá, huỷ hoại tàn khốc đến đó. Tại điểm cuối đoạn đường vừa mới mở 16,9 ha rừng phòng hộ trạng trái IIa, thuộc khoảnh 17, lô 2, tiểu khu 868 đã bị cạo trọc. Những kẻ phá rừng cũng đã tập hợp những cây gỗ to, chất thành đống dọc con đường để chuẩn bị theo con đường mới mở này tuồn ra ngoài.

Chủ trang trại Chu Đình Mai ở xóm Trung Nam, xã Quang Thành, huyện Yên Thành. Cuối 2006, ông dựng lán, lập trại. Được xếp vào diện các hộ vào Khe Lá muộn nhất, nhưng vùng đất của ông Mai (thuộc lô 3, khoảnh 14, tiểu khu 865) đã trồng keo dày đặc.

Tôi hỏi: “Ông có biết phá rừng phòng hộ, xâm canh là vi phạm luật bảo vệ rừng không ?”. Trả lời: “Tôi biết phá rừng là vi phạm pháp luật, khi nào cán bộ lâm nghiệp đuổi thì tôi về thôi!”. Ông Mai cho biết ông từ ngày vào đây đã đầu tư làm đường, trồng rừng, làm lán, đắp đập... kinh phí lên đến 294 triệu đồng.

Ông còn nói, hộ ông đầu tư ít chứ bên cạnh ông, hộ bà H. hay sát cạnh phía dưới hộ ông Nguyễn Văn B. trang trại rộng, độ dốc cao, đầu tư tiền mở đường còn nhiều hơn.

Theo báo cáo của Ban QLRPH Tân Kỳ thì đến thời điểm này trong khu vực rừng phòng hộ do Ban được giao trách nhiệm quản lý, bảo vệ vùng thượng nguồn Khe Lá đã có 47 hộ xâm canh, phá rừng với hơn 800 ha rừng phòng hộ bị thiêu trụi.

Có một điều khiến chúng tôi hết sức băn khoăn là các hộ xâm canh như ông Chu Đình Mai nói trên đều nghèo, làm sao có đủ tiềm lực kinh tế để lập trang trại?

Nếu tính theo thiết kế kỹ thuật 1 ha chi phí 10 triệu đồng thì tổng kinh phí để trồng hàng trăm ha keo lai phải tốn kém ít nhất hàng tỷ đồng, chưa kể kinh phí mở đường, đắp đập. Đằng sau tấm bình phong các hộ xâm canh, liệu có sự hỗ trợ, lợi dụng của một số tổ chức, cá nhân nào khác?

Bảo vệ rừng trên…giấy!

Tình trạng các hộ dân xã Quang Thành (huyện Yên Thành) xâm canh, xâm cư phá rừng phòng hộ trong phạm vi Ban QL rừng phòng hộ huyện Tân Kỳ quản lý trên địa bàn xã Nghĩa Dũng không phải bây giờ mới “bùng nổ”, mà đã diễn ra từ lâu.

Năm 2003, khi UBND tỉnh có quyết định thành lập Ban QLRPH Tân Kỳ và thực hiện di chuyển các hộ dân thuộc xóm Dương Lễ, xã Nghĩa Dũng ra khỏi khu rừng phòng hộ để triển khai thực hiện các giải pháp bảo vệ rừng, tạo “thời cơ” cho các hộ dân xã Quang Thành đang xâm canh vùng giáp ranh thực hiện cuộc “đại phá” rừng phòng hộ.

Ngày 13/10/2005, Ban QLRPH Tân Kỳ có báo cáo gửi UBND tỉnh, Sở NN&PTNT, Sở TN-MT tỉnh Nghệ An và lãnh đạo huyện Tân Kỳ, nêu rõ: “Nguy cơ chặt phá rừng phòng hộ hết sức nghiêm trọng, đa số rừng trạng thái IIa và một phần trạng thái Ic”.

UBND tỉnh Nghệ An liên tiếp ra 2 văn bản do Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đình Chi ký (CV số 5717/UBND.NN; CV số 7120/UBND.NN): “Giao cho Sở NN-PTNT chủ trì phối hợp với Sở TN-MT và các huyện Yên Thành, Tân Kỳ kiểm tra, có biện pháp ngăn chặn ngay việc lấn chiếm và sử dụng không đúng mục đích các khu vực rừng phòng hộ”.

Mọi việc có thể sẽ trở nên tốt hơn và rừng phòng hộ không bị huỷ hoại nếu sự chỉ đạo của tỉnh được 2 huyện Tân Kỳ, Yên Thành thực hiện nghiêm túc hai công văn nói trên. Tuy nhiên, dường như công tác bảo vệ rừng chỉ diễn ra…trên giấy!

Tháng 11/2005, Sở NN-PTNT Nghệ An có CV số 1190 BC/NN.LN yêu cầu các huyện Yên Thành, Tân Kỳ có biện pháp chấm dứt tình trạng phá rừng, đưa dân ra khỏi khu vực xâm canh trái phép.

Thế nhưng, máu rừng vẫn chảy, một diện tích lớn rừng phòng hộ Khe Lá tiếp tục bị chặt hạ, đốn trụi trước sự bất lực của BQL và chính quyền sở tại. Mãi đến ngày 3/12/2007, nghĩa là sau 2 năm sau khi UBND tỉnh ban hành văn bản số 5717, 7120, UBND 2 huyện Tân Kỳ- Yên Thành mới họp bàn, giải pháp đưa ra có vẻ kiên quyết nhưng họp xong, đâu lại vào đấy. Khu rừng phòng hộ tiếp tục bị tàn phá, với mức độ ngày càng nghiêm trọng hơn.

Làm việc với PV báo Tiền phong ngày 18/10/2008, Trưởng BQL RPH Tân Kỳ Cao Tiến Hạnh cho biết: “Nhiều vụ đụng độ giữa lực lượng bảo vệ rừng và các hộ dân xâm canh đã xảy ra tại khu vực thượng nguồn Khe Lá. Chúng tôi phối hợp với chính quyền hai huyện Yên Thành, Tân Kỳ tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia giữ rừng, nhưng tình hình không mấy khả quan”.

(Còn nữa)
Quang Long - Hữu Nghĩa

MỚI - NÓNG