Vi phạm của Vedan phải xử lý đến cùng

Vi phạm của Vedan phải xử lý đến cùng
TP - "Đối với Cty Vedan, không thể châm chước một điều gì. Doanh nghiệp này đã gian dối ngay từ khi xây dựng nhà máy, nên phải xử lý đến cùng" - Bộ trưởng Bộ Tài nguyên & Môi trường Phạm Khôi Nguyên cho biết sáng qua, 22/10.
Vi phạm của Vedan phải xử lý đến cùng ảnh 1
Một phần hệ thống xử lý nước thải "dởm" của Vedan.

“Vedan đã vi phạm đạo đức kinh doanh, vi phạm đạo đức đối với môi trường, lừa dối pháp luật và Nhà nước” - Ông Nguyên nói.

Bộ trưởng Phạm Khôi Nguyên cho biết: “Tôi đã theo đuổi Vedan từ năm 1997, họ lừa dối và xảo quyệt, khi đổ 1 tấn chất thải sau lên men vào rừng cao su, người dân được 100.000 đồng và tung tin là có lợi cho cây trồng. Rồi thông tin, chất sau lên men tạo rong biển, thức ăn cho cá để đổ ra biển Vũng Tàu. Chính tôi lúc đó đã kịch liệt ngăn chặn”.

Người dân có thể kiện Vedan

Thưa Bộ trưởng, việc xử lý Vedan hiện nay ra sao?

Bộ TN&MT đã thành lập các nhóm chuyên gia để khảo sát, đánh giá 10km sông Thị Vải “chết” từ mặt sinh học, chất lượng nước, đến thiệt hại kinh tế ra sao. Các nhà khoa học đã bắt đầu vào cuộc, bắt buộc Vedan phải có trách nhiệm. Tuy nhiên, trước mắt mới xử lý hai việc: xử phạt vi phạm pháp luật môi trường với số tiền gần 270 triệu đồng;

Thứ hai, truy thu tiền trốn phí nước thải từ năm 2004 trở lại đây, với số tiền 127 tỷ đồng. Còn những vấn đề khác đang tiến hành. Nhưng theo tôi biết, mức độ bồi thường là không nhỏ đâu.

Theo tính toán của ông, mức bồi thường của Vedan sẽ khoảng bao nhiêu, căn cứ vào tiêu chí nào?

Lợi nhuận Vedan thu về hàng năm sau thuế là 15 triệu USD. Cty Vedan thuộc hạng mục công trình công nghệ vi sinh, lẽ ra phải đầu tư 10-15% tổng mức đầu tư cho xử lý môi trường, tức phải bỏ ra từ 50  - 70 triệu USD, nhưng hiện nay họ mới bỏ ra 3 triệu USD. Còn thực tế, khi có đoàn thanh, kiểm tra, Cty này mới cho qua bể xử lý, nên  không phát hiện được sai phạm.

Họ sử dụng đến 4 hệ thống đường ống, trong đó 2 hệ thống đường ống nước thải không qua xử lý, hai hệ thống đường ống nước dịch không xử lý, cắm sâu rồi thải ra sông.

Vậy Cty này đã nộp phạt 127 tỷ phí môi trường chưa, thưa ông?

Tôi được nghe thông tin là công ty này đang cố tình trì hoãn và kéo dài thời gian nộp phạt. Tuy nhiên, quan điểm của tôi vẫn phải kiên quyết xử lý công ty này. Tôi cho một thời hạn cụ thể nếu không nộp đủ thì sẽ không cho mở cửa sản xuất trở lại.

Cty Miwon (Phú Thọ) đã bị đình chỉ ngay sau khi bị phát giác vi phạm, thế nhưng sai phạm của công ty Vedan lớn gấp nhiều lần lại chưa được xử lý dứt điểm, còn tỉnh Đồng Nai thì chần chừ? Ông có bình luận gì?

Đúng là UBND tỉnh Phú Thọ làm rất tốt  vấn đề này. Còn đối với Cty Vedan (Đồng Nai), quan điểm dứt khoát là phải đóng cửa. Bộ TN&MT sẽ làm đến cùng cho đến khi Vedan phải làm lại toàn bộ hệ thống nước thải nổi trên mặt đất và nước thải phải qua hệ thống xử lý đạt chuẩn mới cho ra môi trường.

Tôi đã làm việc với Bí thư, Chủ tịch tỉnh Đồng Nai và Bộ TN&MT đã có văn bản hướng dẫn. Việc xử lý của Bộ TN&MT là đúng. Ai gây ô nhiễm người đó phải bỏ tiền bồi hoàn thiệt hại. Người dân bị ảnh hưởng cũng có quyền kiện ra tòa đòi bồi thường.

Ông có ủng hộ việc người dân khởi kiện Cty này không?

Để khởi kiện, người dân phải có tổ chức đứng ra đòi quyền lợi, với những đánh giá về tổn hại cho sức khỏe do ngành y tế xác định, hoặc thiệt hại cây trồng, thủy sản do ngành nông nghiệp tính toán. Người dân mà bị ảnh hưởng thì không ai cản trở họ kiện. Người dân hoàn toàn có quyền theo quy định của pháp luật.

Bia, giấy, dược liệu vào tầm ngắm

Vi phạm của Vedan phải xử lý đến cùng ảnh 2

Bộ trưởng TN&MT Phạm Khôi Nguyên

Thưa Bộ trưởng, ngoài Vedan, Miwon, dư luận cho rằng còn nhiều Cty có vi phạm về môi trường?

Tới đây chũng tôi sẽ cho lắp hệ thống quan trắc điện tử để đo các chỉ số hoạt động của nhà máy Vedan, mọi chỉ số sẽ hiện lên cụ thể. Chúng tôi làm điều này không những chỉ xử nghiêm Vedan, mà là lời cảnh báo đối với các nhà máy,  xí nghiệp khác nữa.

Đồng thời, chúng tôi sẽ tiếp tục đề nghị UBND các tỉnh kiểm tra tất cả các nhà máy bột ngọt, các nhà máy dược liệu, nhà máy bia, hoá chất, giấy… Đây là lĩnh vực có lượng chất thải nguy hại ghê gớm; các khu công nghiệp gây ô nhiễm.

Như ông nói, phải chăng Bộ đã phát hiện dấu hiệu vi phạm của các ngành sản xuất  bia, dược liệu, giấy...?

Tôi nói như vậy có nghĩa là những nơi này đang có vấn đề.

Nhưng hiện mức phạt tối đa là 500 triệu đồng, so với lợi nhuận hàng chục triệu USD, các DN sẽ  sẵn sàng nộp phạt để vi phạm?

500 triệu đồng ở đây là xử phạt tối đa cho 1 hành vi,  ví dụ như Vedan hiện nay vi phạm tới 10 hành vi nếu cộng lên thì con số cũng rất lớn.

Đề xuất sửa Luật

Hiện nay đang có một số vướng là trong khung hình sự chỉ xử lý cá nhân. Nên khi Vedan có chuyện, Tổng giám đốc đã về bên kia, chỉ còn Phó TGĐ làm thuê. Đối với các DN nước ngoài, luật pháp vẫn chưa kín kẽ. Đây cũng là một bài học.

Tới đây cần phải có điều chỉnh, vì gần như ta chưa khởi tố đối với cá nhân, doanh nghiệp nước ngoài vi phạm pháp luật, và môi trường sẽ đi tiên phong. Chúng tôi đã ngồi lại với VKSNDTC, TANDTC, Bộ Công an để bàn xem sẽ sửa đổi như thế nào để lấp những lỗ hổng của Luật.

Hồng Phúc ghi

MỚI - NÓNG
Hà Nội: Một quận có tới 12 trường ngoài công lập
Hà Nội: Một quận có tới 12 trường ngoài công lập
TPO - Ở bậc THPT, Hà Nội hiện có hơn 100 trường tư thục. Trong đó, Quận Nam Từ Liêm có số lượng nhiều nhất với 12 trường. Mức học phí các trường từ 1,8 triệu đồng/ tháng đến gần 600 triệu đồng/ tháng. Tuy nhiên, năm học 2024-2025, chỉ có 9 trường được Sở GD&ĐT Hà Nội giao chỉ tiêu tuyển sinh lớp 10. 
Cảnh báo 'sốt ảo' đất vùng ven Hà Nội, hành vi chiếm đất bị phạt đến 1 tỷ đồng
Cảnh báo 'sốt ảo' đất vùng ven Hà Nội, hành vi chiếm đất bị phạt đến 1 tỷ đồng
TPO - Đất nền vùng ven Hà Nội tăng giá, chuyên gia cảnh báo 'sốt ảo'; Chủ đầu tư dự án bất động sản nợ thuế, loạt lãnh đạo bị tạm hoãn xuất cảnh; Lãnh đạo 'xộ khám', loạt dự án bất động sản thay tên đổi chủ; Chiếm đất, hủy hoại đất bị phạt đến 1 tỷ đồng... là những thông tin hot về BĐS đáng chú ý tuần qua.