Theo luật, EVN không thể lơ mơ được

Theo luật, EVN không thể lơ mơ được
TP - Đây là ý kiến của ông Trần Viết Ngãi, Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam (nguyên Phó TGĐ EVN) trong cuộc trao đổi với Tiền phong ngày 22/10 xung quanh việc EVN xin trích 1.002 tỉ đồng lợi nhuận cho quỹ khen thưởng phúc lợi.

>> Ngành điện phải tính toán lại việc xin trích thưởng!
>> Không nên đề nghị thưởng khi chưa hoàn thành nhiệm vụ!
>> EVN lý giải về đề xuất trích thưởng 1.002 tỷ đồng

Theo luật, EVN không thể lơ mơ được ảnh 1
Ông Trần Viết Ngãi, Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam

Thiếu vốn, không thưởng, đem tiền đầu tư mới đáng kính trọng

Nhiều ý kiến những ngày qua cho rằng EVN chưa hoàn thành nhiệm vụ nhưng xin trích thưởng tới 1.002 tỷ với lý do lo cho người lao động là không hợp lý. Ông đánh giá sao về ý kiến này?

Những năm gần đây tốc độ phát triển bình quân của ngành điện Việt Nam là 14% – 15%/năm. Nhưng so với tốc độ phát triển của đất nước, trong đó đặc biệt là tốc độ phát triển phụ tải của ngành điện, thì ngành này chưa đạt yêu cầu. Còn nếu xét với yêu cầu phát triển của đất nước thì phải nói là tất cả các ngành kinh tế Việt Nam chưa có ngành nào đạt yêu cầu và hoàn thành nhiệm vụ.

Việc EVN xin trích một phần tiền để thưởng cho cán bộ công nhân viên là chính đáng nhưng cần phải xét số tiền đó trích từ nguồn nào. Theo quy định trong Nghị định 276, Nghị định 199 và theo Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp, sau khi các doanh nghiệp đã hoàn thành nghĩa vụ thuế thì lợi nhuận còn lại được phép trích lập các quỹ, trong đó có quỹ thi đua khen thưởng.

Còn theo Nghị định 276 Chính phủ quy định rất rõ tiền chênh lệch giá điện là phải đưa vào đầu tư phát triển ngành điện. Ở đây EVN cần làm rõ là nguồn vốn Nhà nước giao cho họ tạo ra lợi nhuận là bao nhiêu thì phải trả lại cho Nhà nước số đó để tạo ra lợi nhuận tiếp bằng cách đầu tư phát triển nguồn điện.

Còn nguồn vốn EVN huy động được bên ngoài sau khi xử lý thuế thì doanh nghiệp được trích lập các quỹ. Vậy EVN cần có giải trình thật đầy đủ về lợi nhuận mình có được mà không dính dáng đến việc chênh lệch giá điện.

Xét về con số 1.002 tỷ đồng thì to nhưng nếu chia bình quân cho 84.000 cán bộ nhân viên của EVN thì mỗi người được bình quân 3 tháng lương, tương đương 12 - 13 triệu đồng, thì không có gì là lớn so với mặt bằng giá cả.

Lãnh đạo EVN khẳng định vẫn kiên quyết xin trích thưởng và sẽ trình phương án tăng giá điện vào năm 2009. Việc tăng giá điện này và xin trích thưởng từ chênh lệch bán điện có hợp lý?

Anh đòi tăng giá điện nay lại lấy tiền chênh lệch giá điện mang đi thưởng thì thật là phản cảm. Nhất là hiện nay EVN lại đang xin điều chỉnh giá điện trong khi lấy tiền chênh lệch đó để chia thưởng.

Khi thiếu vốn nếu góp 1 đồng vào đầu tư cũng là đáng quý. Cách làm của EVN không bài bản. Về ý thức con người nếu anh lãi một đồng mà đưa vào đầu tư thì người ta rất kính trọng, ghi nhận.

Nếu tôi là EVN thì sẽ kiên quyết không trích tiền lãi trong chênh lệch giá điện để đưa vào thưởng. Con số xin 1.002 tỷ đưa ra lúc này là không hay, gây phản cảm.

Không dám kiện vì sợ bị cắt điện

Đằng sau bức tranh thiếu điện ở Việt Nam hiện nay có những vấn đề gì cần phải gỡ, thưa ông?

Hiện nay giá điện Việt Nam vẫn thấp hơn giá điện khu vực. Ngoài Phú Mỹ 3, Phú Mỹ 2- 1 của cụm điện Phú Mỹ, ngoài Hiệp Phước… thì hàng chục năm nay không có nhà đầu tư nước ngoài nào đầu tư xây dựng các nhà máy điện ở Việt Nam, đặc biệt là nhiệt điện chạy than.

Nhà đầu tư không vào được do có 3 lý do: Giá thấp, không hấp dẫn đầu tư; Việc ký hợp đồng mua bán điện rất khó khăn và hành lang pháp lý quanh chuyện đấu thầu.

Nếu nhà đầu tư có năng lực thực sự trong việc xây dựng nhà máy nhiệt điện chạy than và đảm bảo cung cấp đủ than cho cả đời dự án và xây dựng đúng tiến độ thì không có lý do gì bắt họ phải đấu thầu trong khi Chính phủ vẫn có thể cho phép các trường hợp đặc biệt không cần đấu thầu.

Về 13 dự án chạy than mà EVN trả lại Chính phủ vừa qua đều là những dự án có công nghệ không giống các dự án đã làm ở Việt Nam. Đó là những dự án không phải 330 MW như các dự án Phả Lại, Uông Bí mà chúng ta đã xây dựng.

Đây là những nhà máy 600 MW với công nghệ khác so với 300 MW.  Đáng nhẽ ra chúng ta cho các đơn vị nước ngoài nhảy vào làm trước 1- 2 nhà máy để đào tạo về người, về xây dựng, lắp máy, vận hành. Sau khi quen rồi thì sẽ giao các đơn vị này làm tiếp.

Liên quan đến việc thiếu điện, EVN cứ thiếu điện là cắt trong khi những lời giải thích hay công khai xin lỗi các khách hàng bị ảnh hưởng gần như không có. Cách hành xử này có phải do độc quyền?

Trong luật có quy định doanh nghiệp, người dân có quyền kiện EVN nhưng chưa ai dám kiện ngành điện do người ta không muốn tạo mâu thuẫn vì sợ bị cắt điện. Nói cách khác trong luật quy định nếu cắt điện gây thiệt hại sản xuất thì anh phải bồi thường. Trong trường hợp sự cố không phải chủ quan mà do khách quan thì EVN phải giải trình cho cơ quan bị mất điện biết.

Trong luật cũng quy định các yếu tố khách quan như: sấm sét gây đứt dây cũng được xem xét để tính bồi thường ở các mức độ. Còn trường hợp cắt điện do quá tải cũng phải bồi thường. Vì quá tải là do EVN, còn tôi ký hợp đồng mua điện của anh thì phải cung cấp đủ. Nếu thực hiện nghiêm theo luật, EVN không thể lơ mơ được.

Xin cảm ơn ông.

Phạm Tuyên
Thực hiện

MỚI - NÓNG