Muốn lái xe, phải qua 83 “ải” tiêu chuẩn!

Muốn lái xe, phải qua 83 “ải” tiêu chuẩn!
Bảng tiêu chuẩn của Bộ Y tế, ban hành kèm theo quyết định số 33 ngày 30/9/2008, quy định hết sức chi tiết các tiêu chí về thể lực, chức năng sinh lý, bệnh lý khi muốn điều khiển phương tiện giao thông cơ giới đường bộ

>> 'Ngực lép' không được lái xe trên 50 cc!
>> Nặng dưới 40 kg không được lái xe máy trên 50cm3 
>> Xem xét lại việc "40kg không được đi xe trên 50cm3"
>> Bộ Y tế khẳng định: Dưới 40kg không được đi xe xe máy trên 50cm3

Muốn lái xe, phải qua 83 “ải” tiêu chuẩn! ảnh 1
Người dân muốn lái xe phải qua nhiều "ải". Ảnh minh họa.

Riêng phần thể lực, tiêu chuẩn của Bộ Y tế cho rằng, những người thấp bé, nhẹ cân (chưa cao đủ 1,45m, nặng chưa tới 40kg) hoặc ngực lép (vòng ngực trung bình dưới 72cm) không đủ điều kiện lái xe gắn máy từ 50-175cm3.

Tiêu chuẩn này còn quy định cả lực bóp tay thuận/không thuận, lực kéo thân của một người phải đạt một khối lượng nhất định mới được phép lái xe.

Ngoài sáu tiêu chí về thể lực, Bộ Y tế còn liệt kê thêm 77 tiêu chí khác về các chức năng sinh lý, bệnh tật rất chi li mà người nào có một trong các tiêu chí đó không được phép lái xe.

Điều đáng ngạc nhiên là trong số các tiêu chí về bệnh tật được liệt kê, có nhiều loại bệnh liên quan hệ tiêu hóa rất khó chẩn đoán, phát hiện như viêm loét thực quản, hẹp thực quản, loét dạ dày, sa trực tràng, trĩ, viêm gan mãn tính, to gan, teo gan... người có bệnh cũng không được lái xe.

Người có thị lực nhìn xa từng mắt (không/có điều chỉnh bằng kính) dưới 6/10 cũng bị coi là không đủ điều kiện lái xe hai bánh.

Trong thực tế, nhiều người do tật bẩm sinh hoặc tai nạn bị cụt mất một hoặc vài ngón tay vẫn có thể sinh hoạt, cầm nắm bình thường nhưng theo tiêu chuẩn nói trên, người bị cụt hai ngón tay (ở bất kỳ tay phải hoặc trái) đều không được lái bất cứ loại xe nào, dù là xe gắn máy.

Người cụt hoặc mất chức năng một bàn tay hoặc một bàn chân cũng không được phép điều khiển bất cứ phương tiện giao thông nào. Người có chiều dài hai chân hoặc hai tay không bằng nhau: chênh nhau 2,5cm không được lái ôtô, xe ba bánh..., nếu chênh nhau 5cm không được phép đi xe gắn máy.

Bên cạnh việc liệt kê hàng loạt các tiêu chí trên, Bộ Y tế cũng ban hành kèm theo biểu mẫu giấy chứng nhận sức khỏe đủ điều kiện điều khiển phương tiện giao thông với nội dung khám rất phức tạp.

Người khám sức khỏe sẽ phải trả lời về tiền sử bệnh tật của người thân (có mắc bệnh hen, lao, động kinh, tim mạch... hay không) và của bản thân mình (đánh dấu vào ô tương ứng với 32 loại bệnh tật), nếu có mắc bệnh nào phải mô tả thật chi tiết.

Về phần khám sức khỏe của bác sĩ, ngoài việc kiểm tra cân nặng, chiều cao, lực kéo thân, lực bóp tay, biểu mẫu này còn liệt kê 15 loại chuyên khoa cần khám tiếp như: hô hấp, tiêu hóa, da liễu, tai mũi họng, răng hàm mặt và cả... sản phụ khoa!

Ngoài ra, biểu mẫu khám sức khỏe cũng yêu cầu người điều khiển phương tiện giao thông phải làm các xét nghiệm cận lâm sàng: xét nghiệm máu (tổng phân tích tế bào máu ngoại vi, glucose), nước tiểu, X-quang tim phổi, điện tâm đồ...

Quy định không hợp lý sẽ phải hủy bỏ

* Luật sư Lê Đình Phạt - Đoàn luật sư TP.HCM: Qua một số tiêu chí về thể lực, sinh lý, bệnh tật trong quyết định của Bộ Y tế có thể thấy bảng tiêu chuẩn này đã quy định những điều kiện về thể trạng, sức khỏe quá khắt khe đối với người điều khiển phương tiện giao thông mà không biết căn cứ vào cơ sở, công trình nghiên cứu nào để đánh giá.

Có thể nói, với các điều kiện theo tiêu chuẩn của Bộ Y tế, sẽ có một số lượng lớn người không đủ tiêu chí về thể lực, mắc một số loại bệnh sẽ bị hạn chế tham gia giao thông bằng các loại phương tiện giao thông đường bộ.

Trong khi đó, quyền tự do đi lại là một trong những quyền của công dân đã được hiến pháp công nhận.

Theo tôi, tiêu chuẩn mà Bộ Y tế ban hành mang tính duy ý chí của cơ quan y tế, mà không xuất phát từ thực tế cuộc sống, điều kiện sinh hoạt, thể trạng và tình hình sức khỏe của người dân.

Có thể mục đích của việc ban hành những tiêu chí khắt khe về thể trạng, sức khỏe này nhằm hạn chế việc sử dụng các phương tiện giao thông cá nhân của người dân, nhưng dù thế nào cũng phải hợp pháp và hợp lý.

Trước đây, ngành công an đã từng hạn chế đăng ký xe gắn máy bằng biện pháp không cho người dân sở hữu quá một chiếc xe, nhưng quy định này khi kiểm chứng đã thấy bất hợp lý và phải bãi bỏ.

Rất nhiều tiêu chí sức khỏe bất hợp lý!

* Ông Trương Hải Tú - Phó giám đốc Trung tâm đào tạo và thực nghiệm cơ giới, Trường cao đẳng Giao thông vận tải 3: Tôi nghĩ, Bộ Y tế đã đưa ra rất nhiều tiêu chí sức khỏe bất hợp lý. Chẳng hạn quy định mắt phải đạt từ 6/10, nghĩa là người có mắt bị cận hoặc viễn từ 3 độ trở lên không được lái xe là vô lý.

Với những tiến bộ khoa học hiện nay đã giúp người bị cận hoặc viễn đeo kính hoặc đặt kính sát tròng để quan sát với thị lực gần như người bình thường.

Còn với quy định người bị viêm loét đại tràng (bệnh thuộc về hệ tiêu hóa) hoặc người bị vỡ xương hàm (ảnh hưởng đến sức nhai và thẩm mỹ) mà không cho lái xe là vô cùng… ngớ ngẩn! Bởi các loại bệnh trên không ảnh hưởng gì đến các thao tác lái xe.

Theo V.C.M - Ngọc Ân
Tuổi Trẻ

MỚI - NÓNG