Chỉ số giá tiêu dùng tháng 10 giảm 0,19%

Chỉ số giá tiêu dùng tháng 10 giảm 0,19%
TPO- Tổng cục Thống kê vừa công bố chỉ số giá tiêu dùng cả nước trong tháng 10 với mức giảm 0,19%, và đây là tháng giảm duy nhất tính từ đầu năm đến nay. Với mức giảm này, CPI 10 tháng của năm 2008 đạt mức 21,64%.
Chỉ số giá tiêu dùng tháng 10 giảm 0,19% ảnh 1

Thống kê cho thấy trong 10 nhóm hàng được đưa vào tính rổ hàng hóa, nhóm phương tiện đi lại, bưu điện và nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống cùng nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng là những nhóm có mức giảm mạnh nhất với mức giảm lần lượt 0,94%, 0,42% và 1,08%.

Trong nhóm hàng ăn, chỉ số giá của nhóm lương thực tháng thứ 3 liên tiếp giảm mạnh với mức giảm tới 1,91% trong khi nhóm hàng thực phẩm tăng rất nhẹ 0,01% còn nhóm ăn uống ngoài gia đình cũng chỉ tăng 0,47%.

Nhóm có mức tăng giá mạnh nhất trong tháng 10 là đồ dùng gia đình với các mức tăng 0,85% và 0,73%.

Nhóm đồ uống và thuốc lá chỉ tăng 0,67% trong khi nhóm may mặc, mũ nón, giầy dép tăng 0,7%. Nhóm mặt hàng dược phẩm, y tế tháng này cũng chỉ tăng rất nhẹ ở mức 0,58% so với tháng 9.

Hai nhóm mặt hàng còn lại trong rổ hàng hóa là Giáo dục và văn hoá, thể thao, giải trí có mức tăng khá sát nhau 0,69% và 0,38%. Số liệu cũng cho thấy chỉ số giá vàng trong tháng 10 đã tăng 3,21% so với tháng trước trong khi chỉ số giá đô la Mỹ giảm nhẹ 0,05%.

Xét về khía cạnh địa phương, trong số 10 địa phương lớn nhất nước chỉ có 4 địa phương có chỉ số giá tiêu dùng tăng (Hà Nội 0,16%, Hải Phòng 0,08%, Đà Nẵng 0,02% và Gia Lai 0,86%- địa phương có mức tăng giá cao nhất cả nước).

6 tỉnh, thành khác đều có mức giảm (TP.HCM giảm 0,24%, Thái Nguyên 0,69%, Thừa Thiên – Huế 0,01%, Đắc Lắc 0,1%, Vĩnh Long 0,93% và Cần Thơ 0,12%).

Trao đổi với Tiền phong, TS Vũ Đình Ánh, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu khoa học thị trường giá cả, Bộ Tài chính cũng nhận định sở dĩ, tháng 10 CPI giảm là do các biện pháp kiềm chế lạm phát, chính sách thắt chặt tiền tệ được áp dụng trong những tháng trước đó tiếp tục phát huy tác dụng.

Cùng với đó, giá lúa gạo tiếp tục giảm là một trong những tác nhân chính kéo CPI xuống thấp bởi đây là nhóm chiếm tỷ trọng lớn nhất trong rổ hàng hoá chung.

Cùng với đó giá các mặt hàng như dầu, thép đều giảm do tác động của suy thoái kinh tế toàn cầu, sức mua trong nước cũng giảm (do tâm lý lo ngại khủng hoảng tài chính toàn cầu nên người dân chuyển một phần tiêu dùng sang tiết kiệm để đề phòng) cũng là nguyên nhân kéo chỉ số giá của tháng giảm.

“Với mức giảm CPI của tháng 10 dự báo mức lạm phát của năm 2008 sẽ chỉ ở quanh mức 24% và rất có thể đà giảm âm của CPI sẽ tiếp tục diễn ra trong tháng 11”- Ông Ánh cho biết.

Cũng theo, TS Vũ Đình Ánh, tại thời điểm này rất khó đưa ra dự báo về tình hình lạm phát năm 2009, còn từ nay đến cuối năm tình hình thị trường sẽ không có biến động lớn dù theo quy luật hàng năm quý IV là quý thường có mức tăng CPI cao hơn trong năm.

Trả lời báo chí, ông Cao Sỹ Kiêm, thành viên Hội đồng tư vấn tiền tệ quốc gia cũng cho rằng, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 10 âm so với tháng 9 và các tháng trước đó trong năm là do nhiều mặt hàng giảm giá trong đó có 3 mặt hàng thiết yếu là xăng dầu, lương thực.

Đặc biệt, xăng dầu giảm kéo theo đầu vào giảm là hai nhóm quyết định giảm CPI kéo theo các nhóm khác. Ông Kiêm cũng lưu ý dù lạm phát đã có chiều hướng giảm nhưng vẫn ở mức cao nên phải đề phòng bởi có thể tăng trở lại.  Vì thế, mọi biện pháp phải đặt trong tình huống lạm phát vẫn rất cao, ảnh hưởng đến đời sống và sản xuất.

MỚI - NÓNG
Phát triển nghề đông y trên phố Lãn Ông gắn với du lịch Hà Nội
Phát triển nghề đông y trên phố Lãn Ông gắn với du lịch Hà Nội
TPO - Ngày 20-4, tại Trung tâm Giao lưu Văn hoá Phố cổ Hà Nội số 50 Đào Duy Từ, Hoàn Kiếm đã diễn ra buổi toạ đàm “Nghề Đông y Hoàn Kiếm gắn với sự phát triển phố nghề Lãn Ông”. Sự kiện nằm trong chuỗi hoạt động văn hóa “Giữ nghề xưa trên phố”, nhằm tôn vinh nghề đông y cổ truyền và Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác.