Tự mổ bụng uy hiếp kẻ thù

Tự mổ bụng uy hiếp kẻ thù
TP- Những ngôi nhà có im ắng, mái ngói tường vôi nằm trong thành phố hoa Đà Lạt gợi một cảm giác êm đềm. Ít ai ngờ hơn 30 năm trước, nơi này đã từng là nhà lao có lẽ là duy nhất ở Việt Nam và trên thế giới dùng để cầm tù hơn 600 chiến sĩ cách mạng nhỏ tuổi.

Tại đây nhiều chuyện khó tin về những người tù thiếu niên đã diễn ra như: Tự mổ bụng để uy hiếp kẻ thù, tiêu diệt ác ôn, nổi đậy, vượt ngục khiến cho Mỹ và chính quyền Sài Gòn hoảng sợ phải tự giải tán nhà lao.

PV Tiền phong đã tìm gặp những người tù thiếu niên Đà Lạt ngày ấy và nhiều bí mật đã được hé lộ...

Nhà lao tàn bạo ở thành phố mộng mơ

Sau khi bị dư luận trong nước và thế giới lên án vì giam giữ tù nhân nhỏ tuổi trong các địa ngục trần gian như  khám Chí Hòa, Côn Đảo… Mỹ ngụy đã nhân cơ hội này thực hiện một chủ trương cách ly các chiến sĩ cách mạng nhỏ tuổi khỏi sự dìu dắt của các chiến sĩ cách mạng thuộc thế hệ cha anh.

Chính vì thế nhà lao thiếu nhi Đà Lạt đã ra đời để tập trung giam giữ đặc biệt các chiến sĩ nhỏ tuổi trong hệ thống nhà tù toàn miền Nam và  trực  thuộc Nha cảnh sát đô thành Sài Gòn.

Thật trớ trêu, nhà tù hà khắc để giam giữ những thiếu niên nhỏ tuổi lại được đặt không phải Côn Đảo giá lạnh xa xôi, không phải là một Sài Gòn chật chội oi bức, cũng chẳng phải một tỉnh miền Trung bỏng rát nào mà tại Đà Lạt mộng mơ, ngay cạnh hồ Than Thở.

Đà Lạt khí hậu mát mẻ, hoa cỏ khoe sắc bốn mùa, có vẻ phù hợp với tên gọi “Trung tâm giáo huấn thiếu nhi”, để chứng minh với dư luận rằng đây chỉ là nơi tập trung học tập. Thế nhưng  ngay từ những ngày đầu tiên, những người tù thiếu niên đã phải nếm mùi của cái gọi là “trung tâm cải huấn”: Ăn đói, mặc rét, thường xuyên bị đánh đập tra tấn, bắt chào cờ ba que của chính quyền Sài Gòn.

Mái tóc để dài gần tới vai, gương mặt chữ điền phảng phất những nét phong trần, anh Mai Bốn (Mai Thanh Minh) từng là một trong những nhân vật “nổi tiếng” ở nhà lao Đà  Lạt và khiến các cai ngục phải e sợ nhất.

Mai Bốn dường như không quên bất cứ chi tiết nào về những năm tháng ở nhà lao đặc biệt ấy: “Địch muốn đè bẹp tinh thần phản kháng của anh em chúng tôi, nhưng chúng tôi không khuất phục.

Biết không dễ gì bắt nạt chúng  định đưa một số người “cứng đầu” nhất trở lại nhà lao Chí Hòa và chuẩn bị mở một cuộc đàn áp. Sau khi còng tay sẽ xé lẻ, đánh đập và đưa vào các nhà lim. Biết trước ý đồ đó, chúng tôi  đã đưa ra một cách đấu tranh mới có vẻ rất rùng rợn: Tự mổ bụng để uy hiếp kẻ thù”.

Mới nghe qua tôi đã rùng mình nhưng nét mặt ông Mai Bốn hết sức bình thản: “ Chủ trương mổ bụng để uy hiếp kẻ thù đã có từ nhiều nhà tù khác. Tôi và các anh em khác đã từng trực tiếp đăng kí tham gia vào việc mổ bụng khi còn nằm ở Chí Hòa, Côn Đảo… Ở nhà lao Đà Lạt, ngay trong đợt đầu phát động rất nhiều người xung phong mổ bụng.

Danh sách tạm thời gút lại có 3 đồng chí được chấp nhận thực hiện trước, đó là các anh Nguyễn Văn Thu, Thái Bá Tro và tôi. Được hướng dẫn từ Côn Đảo, Chí Hòa, chúng tôi đều thống nhất phải mổ nhanh về phía phải vì phía bên phải là ruột già. Khi mổ, sẽ gây ra thương tích nhưng khó bị chết vì nếu chết là thất bại”.

Tự mổ bụng uy hiếp kẻ thù ảnh 1
Anh Mai Bốn vạch áo để lộ vết sẹo do mổ bụng để uy hiếp kẻ thù

Khoảng 15 giờ chiều 21/11/1971, theo thông báo, địch sẽ chuyển anh em về lại Chí Hòa với lí do đây là trại giáo huấn không dung thứ những đứa trẻ không chấp hành nội quy và chống chào cờ.

Biết địch lên kế hoạch đàn áp, tất cả đã chuẩn bị sẵn sàng. Những người mổ bụng mặc đồ trắng  vì màu trắng khi ra máu nhiều sẽ tạo nên hình ảnh ghê sợ, dễ áp đảo kẻ thù.

Trước khi mổ bụng, 3 người tù sẽ uống nhiều sữa bò để máu loãng ra.  Những người được lựa chọn phải tìm cách ghép vào nhau sao cho địch chỉ còng tay trái của mình trước khi đưa ra ngoài. Tay phải còn lại chính là tay để mổ bụng.

Xung phong … tự mổ bụng

Nhưng một vấn đề nảy sinh: Chỉ 3 người “được” mổ bụng trong khi có rất nhiều người xung phong. Thế rồi anh em nghĩ ra một cách là: “bốc thăm”. Hình thức “bốc thăm” mổ bụng để phản đối sự đàn áp tàn bạo của cai ngục ở các nhà lao thời Mỹ và chính quyền Sài Gòn đã có tiền lệ từ khám Chí Hòa.

Tại nhà lao thiếu niên Đà Lạt, “chỉ tiêu” đưa ra là 3 người mổ bụng, nhưng tùy tình hình mà con số ấy có thể là 6,9…Những người được... mổ bụng là Lê Văn Hiệp, Nguyễn Văn Thu, Lê Mai, Mai Bốn, Thái Mười, Thái Bá Tro.

Khi các tù nhân được tập hợp ra sân, lính Bảo an và lực lượng Giám thị đã chuẩn bị tấn công phủ đầu. Bọn địch đẩy một số anh em qua khu nữ. Mai Bốn cùng nhiều người hô to: “Phản đối nhà cầm quyền Sài Gòn đàn áp tù nhân, nếu đàn áp, chúng tôi sẽ mổ bụng”.

Tiếng hô của Mai Bốn được nhiều anh chị em ủng hộ lan thành đợt sóng. Địch bắt đầu xông vào đánh. Không khí nóng bỏng bởi tiếng la ó phản đối của anh em tù nhân, tiếng ủng hộ của chị em trong nhà lao, tiếng roi vọt của kẻ thù. Nguyễn Văn Thu mổ bụng đầu tiên. Lưỡi dao lam xắn ngọt da thịt, máu tuôn đỏ cả bộ đồ trắng. Mọi người nắm chặt tay, liên kết lại, không để cho kẻ thù xé lẻ và che chắn cho Mai Bốn và Thái Bá Tro hành động.

Mai Bốn cười, kể tiếp: “Đến lượt tôi rạch bụng, do ấn mạnh, lưỡi lam bị gãy phải rạch nhiều lần. Tê dại. Máu vọt ra. Nhìn sang thấy các anh mổ bụng lênh láng máu, ruột đổ ra ngoài. Máu, tiếng la hét, roi vọt… kéo dài đến xế chiều trong sự kiệt sức của đôi bên. Bọn địch hoảng sợ giãn ra. Đêm đó, các tù nhân mổ bụng được đưa đi bệnh viện, số còn lại bị còng chéo vào nhau và bị tra tấn dã man.

Nguyễn Văn Thu, Thái Bá Tro và Mai Bốn mỗi người một nơi được đưa đi băng bó và khâu lại vết thương. Sau đó, họ tiếp tục tuyệt thực 3 ngày 4 đêm. 

Riêng Thái Bá Tro, do vết thương quá nặng, địch có ý định chuyển vào bệnh viện để điều trị. Thái Bá Tro phản đối và yêu cầu địch: “Nếu các ông muốn đưa tôi vào bệnh viện thì phải thực hiện yêu cầu của tôi là để tôi gặp tỉnh trưởng tỉnh Tuyên Đức. Nếu yêu cầu này không được chấp nhận thì tôi thà chết”.

10 phút sau, tỉnh trưởng Tuyên Đức Nguyễn Hợp Đoàn đến, Thái Bá Tro được anh em giao cho nhiệm vụ đưa ra 5 yêu sách: “1. Không được đàn áp tù nhân. 2. Không bắt buộc, cưỡng ép tù nhân chiêu hồi. 3. Không được dùng người tù cai trị người tù. 4. Được tự do gặp gỡ, liên hệ với anh em bạn tù. 5. Phải trả tự do cho những người hết án và mãn hạn tù”.

Năm yêu sách trên tạm thời được chấp nhận trong thế buộc phải khoan nhượng. Nhưng để trả thù thất bại này, địch càng ngày càng tăng cường các biện pháp dã man, một chặng đường phức tạp với nhiều thử thách mới bắt đầu…

Sau khi đẩy hơn 60 chiến sĩ nhỏ xuống xà lim, cai tù thu hết đồ đạc, áo quần gom lại không cho mặc, trên người chỉ một bộ quần áo mỏng. Đà Lạt mùa đông, khí hậu lạnh như kim châm, dao cắt vò da thịt.

Các bức tường xi măng xỉn nước và nhớp nháp. Không thể nào nói hết được sự chịu đựng của những người tù đang ở độ tuổi thiếu nhi trong hoàn cảnh bi đát này.

Mỗi ngày hai vắt cơm nhỏ và một ít muối hạt. Cơm và muối thì ít nhưng roi vọt thì nhiều. Roi vọt và máu. Cơm lẫn trong trong máu và nước tiểu, phòng giam chật chội không đi lại được. Bốn người bị còng dính vào nhau vòng tròn, không thể nằm sấp bình thường được mà phải nằm chéo lên nhau. Hai người nằm sấp chéo, hai người nằm ngửa chéo, rất khó ngủ. Ốm đau, đói rét, chân tay bị liệt trong cái lạnh thấu xương và những đợt tra tấn liên tục.

Địch đánh thành lệ tại tất cả các xà lim, mỗi ngày 3 đợt vào buổi sáng, trưa, tối. Riêng khoảng 9-10 giờ đêm, khi nhiệt độ bắt đầu xuống thấp nhất trong ngày, chúng dùng nước lạnh dội vào từng người. Mỗi lần đánh 5 roi, từng đòn một, vết roi ngày sau chồng lên vết roi ngày trước. Những thiếu niên nhỏ tuổi trong nhà lao dựa vào nhau để sưởi ấm trong đêm lạnh, tay nắm lấy bàn tay.

Tôi đã đọc nhiều và nghe nhiều chuyện kể về chế độ nhà tù khắc nghiệt dã man trước năm 1975. Điều mà tôi không ngờ và chắc ít người biết là trong thế giới địa ngục trần gian ấy lại có một loại nhà lao dành cho thiếu nhi.

Điều tôi không ngờ thứ hai, thật xúc động và cũng thật tự hào chính là tinh thần đấu tranh bất khuất, táo bạo và khôn ngoan của tập thể thiếu nhi anh hùng trong nhà lao thiếu nhi Đà Lạt để bảo vệ khí tiết cách mạng chống lại chế độ hà khắc trong nhà tù và cuối cùng chính quyền phải nhượng bộ hoàn toàn”.

Nhà nghiên cứu Trần Bạch Đằng

(Còn nữa)
Phùng Nguyên

MỚI - NÓNG
Cựu Giám đốc Trung tâm Công nghệ sinh học TPHCM bị cáo buộc nhận hối lộ 14,4 tỷ đồng
Cựu Giám đốc Trung tâm Công nghệ sinh học TPHCM bị cáo buộc nhận hối lộ 14,4 tỷ đồng
TPO - Cơ quan điều tra cáo buộc, bị can Dương Hoa Xô có trách nhiệm thực hiện đúng các quy định của pháp luật để triển khai mua sắm thiết bị, song quá trình thực hiện, ông chỉ đạo cấp dưới "thông đồng" với Công ty AIC để nâng khống giá gây thiệt hại cho Nhà nước. Đổi lại, bị can được phía AIC hối lộ 14,4 tỷ đồng.