Vào mảnh đất được bảo vệ nghiêm ngặt nhất hành tinh

Vào mảnh đất được bảo vệ nghiêm ngặt nhất hành tinh
TP - Nhâm Thìn Các gợi lên nỗi buồn man mác bởi những câu chuyện biệt li, còn đường đến Dorasan, ga cuối trong tuyến đường sắt chạy về hướng Bắc của Hàn Quốc, bắt đầu khiến người ta e ngại bởi súng đạn, binh lính, trạm gác, từng đoàn xe quân sự chạy rầm rập…

>> Kỳ I - Chuyện ghi ở cầu Tự Do bên giới tuyến quân sự

Làm kinh tế ở khu phi quân sự

Vào mảnh đất được bảo vệ nghiêm ngặt nhất hành tinh ảnh 1
Trạm kiểm soát ở cầu Thống Nhất (ảnh chụp lại)

Theo quy định tại Nhâm Thìn Các, mọi du khách trong ngoài nước đều phải chuyển lên xe buýt chuyên dụng, chạy theo giờ, theo tuyến nhất định để vào sâu trong khu phi quân sự (DMZ).

Giọng nữ hướng dẫn viên du lịch kiêm lái xe cất lên rành rọt khiến cả đoàn hơn 40 người Hàn Quốc và nhiều khách nước ngoài ngồi im phăng phắc: Du khách không được phép uống rượu bia trước khi đi; không được mặc quần bò, áo ngắn tay, đi dép lê; không được cười nói quá to, có cử chỉ đáng ngờ và đặc biệt quần áo không được giống như quân phục để đề phòng xảy ra sự hiểu lầm đáng tiếc từ binh lính Hàn Quốc và CHDCND Triều Tiên. Cũng theo hướng dẫn viên, quân đội có thể yêu cầu thay đổi lịch trình hoặc tuyến đường mà không cần phải báo trước.

DMZ luôn là tour đắt khách nhất tại Hàn Quốc. Ngay sân bay quốc tế Incheon và hầu hết khách sạn ở thủ đô Seoul đều có tờ rơi mời chào đi khám phá vùng đất được cho là kỳ lạ và đáng ngại nhất hành tinh. So với cách đây vài năm, giá tour đến DMZ hiện đã tăng.

Mỗi tour đến cầu Tự Do, ga Dorasan và hầm ngầm xuyên biên giới trong vòng 6- 9 tiếng... có giá từ 46.000 won – 55.000 won (580.000 – 700.000 VNĐ).

Tuy nhiên, nếu muốn đến Bàn Môn Điếm, nơi duy nhất trong DMZ nối liền liên lạc giữa Hàn Quốc và Triều Tiên, mỗi khách phải trả thêm 70.000 won (890.000 VNĐ). Ngay cả khi quan hệ hai bên căng thẳng như trong dịp này, người ta vẫn đổ xô đến DMZ trong điều kiện an ninh được thắt chặt hơn và các quy định cũng khắt khe hơn bình thường. 

Xe rời Nhâm Thìn Các khoảng 2 km đã phải dừng lại trước trạm kiểm soát đầu tiên trên đường Tongil đặt tại cầu Thống Nhất. Hàng chục binh lính mặt lạnh tanh, súng lăm lăm trong tay, phía sau rào chắn là xe thiết giáp và vũ khí hạng nặng luôn trong tư thế sẵn sàng.

Một sĩ quan quân đội vũ trang tận răng vào trong xe kiểm tra hộ chiếu của người nước ngoài và thẻ căn cước của khách nội địa. Teoh Hee La, nữ phóng viên báo buổi sáng Tảo Báo ở Singapore, run bắn người lên khi không mang theo hộ chiếu.

Được sự giải thích của một quan chức Hàn Quốc đi theo đoàn và sau khi trình các loại thẻ hành nghề do chính quyền Singapore cấp, cuối cùng Teoh cũng được phép tiếp tục cuộc hành trình.

Qua trạm kiểm soát, biển chỉ dẫn cho biết đi thẳng từ cầu Thống Nhất đến Bàn Môn Điếm cách 9,5 km, còn đường đến ga Dorasan rẽ trái, nhưng gần hơn. Hướng dẫn viên du lịch tiếp tục cảnh báo du khách hạn chế tối đa chụp ảnh, chĩa máy ảnh vào binh lính vì đây là thời điểm quan hệ giữa hai bên đang căng thẳng.

Đường đến ga Dorasan rộng rãi được lát nhựa phẳng phiu và nếu không có bốt gác, hàng rào thép gai, xe thiết giáp, người ta dễ có cảm giác như đang đi vào một khu đô thị mới khang trang ở vùng trung dù không có nhà cao tầng.

Thỉnh thoảng lại có dăm chiếc xe tải dân sự chạy qua, chạy lại giúp chúng tôi bớt căng thẳng. Người bạn Hàn Quốc Lee Kwa Soo cho biết đường đến ga Dorasan cũng dẫn tới khu công nghiệp Khai Thành (Kaeseong) liên kết giữa Hàn Quốc và CHDCND Triều Tiên từ năm 2002, nơi có khoảng 70 doanh nghiệp Hàn Quốc và hàng ngàn lao động CHDCND Triều Tiên đang làm việc.

Gần đây CHDCND Triều Tiên cảnh báo có thể cho trục xuất các doanh nhân Hàn Quốc khỏi Khai Thành, nhưng việc này cũng không làm giảm đi nhịp sống công nghiệp ngay trên DMZ. Để tới Khai Thành sang bên kia giới tuyến khoảng 9 km phải qua nhiều trạm kiểm soát quân sự.

Nhà ga Dorasan nằm sát trạm kiểm soát quân sự đầu tiên ở bên này giới tuyến. Hàng hóa sản xuất ở Khai Thành được chuyển tới các khu nhà kho hiện đại mọc lên san sát xung quanh ga Dorasan để từ đây được đưa đi nhiều nơi khác.

Mua vé tàu đi Bình Nhưỡng ở ... hàng lưu niệm

Vào mảnh đất được bảo vệ nghiêm ngặt nhất hành tinh ảnh 2
Binh lính Hàn Quốc trong nhà ga  Dorasan

Dorasan - ga cuối cùng của tuyến đường sắt phía Bắc Hàn Quốc nằm sát lãnh giới quân sự trong DMZ, nhưng hiện đại và sạch đẹp không kém nhà ga ở các thành phố của Hàn Quốc dù quy mô nhỏ hơn.

Chị bán hàng lưu niệm họ Joo còn nhớ rõ sáng 11/12/2007 diễn ra sự kiện lịch sử khai thông tuyến đường sắt liên Triều đã bị tê liệt từ năm 1953: Chuyến tàu chở hàng đầu tiên gồm 10 toa khởi hành từ Dorasan qua biên giới vào sâu trong lãnh thổ CHDCND Triều Tiên 17 km tới ga Panmun (Triều Tiên) rồi quay trở lại.

Những ngày sau đó, du khách từ khắp nơi đổ về Dorasan đông chưa từng có khiến những người bán hàng lưu niệm tại đây cũng vui lây vì tưởng sắp phát tài khi hàng hóa vừa nhập về đã hết.

Tháng 4/2002, người ta đã cho phá bỏ hàng rào thép gai, bê tông và bãi mìn để mở cửa trở lại Dorasan. Các bức ảnh treo ở nhà ga cho biết nơi đây vào ngày 20/2/2002, Tổng thống Mỹ George Bush và Tổng thống Hàn Quốc hồi đó là ông Kim Dae Jung đã tới thăm. Sau sự kiện này, ga Dorasan bắt đầu thu hút sự quan tâm của toàn thế giới...

“Vậy nhưng - Giọng chị Joo chùng xuống buồn bã - giờ thì chẳng có tàu nào cả, ngừng từ cách đây mấy tháng rồi”. Nói đoạn, chị Joo vừa đếm tiền của khách mua hàng lưu niệm vừa chỉ tay về phía quầy bán vé, khu vực có tấm bảng treo ngay trên cửa ga dẫn vào chỗ tàu đậu in to dòng chữ “To Peongyang” (tới Bình Nhưỡng).

Hỏi mua vé tàu tới Bình Nhưỡng (thủ đô CHDCND Triều Tiên) ở đâu, chị bán hàng lưu niệm cười bí ẩn: “Mua ở đây, mỗi vé 500 won (6.500 VNĐ). Sáng nay vẫn còn hơn trăm vé, nhưng có mấy đoàn khách đến vét hết rồi”.

Quầy bán vé vắng hoe, không người bán, chẳng kẻ mua, nhưng ở quầy bên cạnh có để sẵn 2 con dấu: Dấu tròn in hình đường sắt và những cánh chim hòa bình với dòng chữ Dorasan Station; Trên con dấu hình vuông, ngoài chữ Dorason còn in rõ đoạn đường từ đây tới Seoul là 56 km và tới Bình Nhưỡng là 205 km. 

Vé tàu đi Bình Nhưỡng hóa ra chỉ mang tính biểu tượng. Du khách mua vé cho những chuyến tàu khởi hành từ Dorasan tới Bình Nhưỡng vào năm ... 2020, 2025...

Ông bà Cho Chang và Kim Sang Lim cũng là khách du lịch đến từ một tỉnh phía Nam Hàn Quốc đang ngồi nghỉ ở khu chờ tàu trong nhà ga cho biết đã mua 2 tấm vé tới Bình Nhưỡng khởi hành năm 2018. Tuy nhiên, ông bà thổ lộ không biết có sống được đến ngày đó không?

Trên bảng điện tử ở Dorasan còn nêu rõ đây không còn là nhà ga cuối cùng của Hàn Quốc nữa mà là nhà ga đầu tiên tới CHDCND Triều Tiên. Không chỉ vậy, người Hàn Quốc còn hi vọng việc mở lại tuyến đường sắt liên Triều sẽ giúp kết nối với hệ thống đường sắt của Trung Quốc và cả của Siberia (Nga)... Nhà ga Dorasan vì thế được kỳ vọng sẽ trở thành một trung tâm ở Đông Bắc Á và là cửa ngõ của khu vực Âu– Á trong tương lai gần.

Mua vé tàu đi Bình Nhưỡng xong, hầu như ai cũng dùng 2 con dấu để trên quầy đóng vào vé, thậm chí có người còn đóng dấu vào cả hộ chiếu như thể đã “xuất cảnh” sang CHDCND Triều Tiên bất chấp lời cảnh báo ghi trên bàn rằng không nên làm việc đó.

Theo hướng dẫn viên, tại sân bay ở một số nước, cơ quan chức năng thậm chí không cho những người mang hộ chiếu có in 2 con dấu ở Dorasan nhập cảnh. Chưa thể kiểm chứng câu chuyện trên có thật hay không, nhưng rõ ràng cách làm du lịch này đang rất đắt khách.

Chưa có tàu chở khách tới Bình Nhưỡng, nhưng ga Dorasan vẫn vận hành đều khi mỗi ngày có 3 chuyến tàu từ Seoul đến (11h05, 11h40 và 12h40) và 3 chuyến tàu về Seoul (12h25, 13h25 và 16h20). Tàu thường chở khách du lịch, hàng hóa và lao động làm trong  khu công nghiệp Khai Thành.

Tuy nhiên, gần đây tàu tới ga Dorasan vắng dần vì du khách chủ yếu đi bằng xe buýt. Du khách khi bước chân vào nhà ga luôn ở trong sự giám sát của các binh lính Hàn Quốc súng ống đầy mình.

Khác với trước đây, những người lính Hàn Quốc làm nhiệm vụ cảnh giới ở Dorasan từ chối chụp ảnh chung cùng du khách với lý do tình hình đang cẳng thẳng.

Kỳ III: Chui hầm ngầm xuyên biên giới

MỚI - NÓNG
Chưa nghỉ lễ đã 'cháy' tour du thuyền vịnh Hạ Long
Chưa nghỉ lễ đã 'cháy' tour du thuyền vịnh Hạ Long
TPO - Những chuyến du thuyền ngắm vịnh Hạ Long đã được đặt kín từ 2-3 tháng trước nên dự báo không đủ sức cung ứng cho dịp 30/4-1/5 cho khách nội địa. Do đó, đại diện một số doanh nghiệp lữ hành chia sẻ rằng liên tục phải từ chối hàng chục cuộc gọi đặt tour này mỗi ngày trong thời gian gần đây.