Đà Nẵng dẫn đầu về năng lực cạnh tranh cấp tỉnh

Đà Nẵng dẫn đầu về năng lực cạnh tranh cấp tỉnh
TP - Ngày 11/12, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cùng Dự án nâng cao năng lực cạnh tranh Việt Nam (VNCI) đã công bố chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI năm 2008.
Đà Nẵng dẫn đầu về năng lực cạnh tranh cấp tỉnh ảnh 1
Cơ sở hạ tầng yếu kém ảnh hưởng đến hoạt động của doanh nghiệp. Ảnh: Phong Cầm

Kết quả điều tra PCI năm thứ tư này đại diện cho tiếng nói của 7.820 doanh nghiệp trên cả nước. Đà Nẵng đã vượt Bình Dương để dẫn đầu bảng xếp hạng.

Có sự đảo chiều

Ông Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch VCCI cho biết, PCI là chỉ số đánh giá chất lượng điều hành kinh tế cấp tỉnh được xem là toàn diện nhất ở Việt Nam hiện nay.

Qua chỉ số PCI, cho phép chúng ta so sánh mức độ phát triển giữa các tỉnh, thành phố tương đối bình đẳng; thúc đẩy các địa phương thực hiện tốt hơn qua các gợi ý chính sách; PCI cũng giúp Chính phủ giám sát, đánh giá việc thực hiện chính sách trên thực tế.

Chỉ số PCI năm 2008 được đưa ra dựa trên 10 chỉ số thành phần gồm: Chi phí gia nhập thị trường thấp; Doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận đất đai và có mặt bằng kinh doanh ổn định; Môi trường kinh doanh công khai minh bạch, doanh nghiệp tiếp cận công bằng thông tin cần cho kinh doanh; Chi phí không chính thức ở mức tối thiểu; Thời gian doanh nghiệp thực hiện các thủ tục hành chính và thanh kiểm tra ít nhất; Không thiên vị đối với bất kỳ thành phần kinh tế nào, đặc biệt là doanh nghiệp nhà nước; Lãnh đạo tỉnh năng động và tiên phong....

Theo kết quả xếp hạng, nhóm các tỉnh dẫn đầu trong “khu vực” rất tốt có: Đà Nẵng, Bình Dương, Vĩnh Phúc với các điểm số lần lượt là 72,18; 71,76 và 69,37.

Các tỉnh được xếp hạng trong “khu vực” thấp là: Kon Tum (41,94), Cao Bằng (41,02), Đắk Nông (41,01), Bạc Liêu (40,92), Bắc Kạn (39,78), Điện Biên (36,39).

Có 10 tỉnh cải cách trong PCI mạnh nhất là Hà Nam cải thiện được 20 bậc, Bình Phước (17 bậc), Long An (15 bậc), Đăk Lăk (15 bậc), Cà Mau (11 bậc), Nghệ An (10 bậc), Hà Tĩnh (8 bậc), Bình Thuận (8 bậc), Ninh Thuận (8 bậc), Bến Tre (7 bậc).

Trong 10 tỉnh này, Cà Mau tăng hạng 20 bậc do cải thiện được tính năng động và tiếp cận đất đai; Long An vượt 15 bậc nhờ chỉ số đào tạo lao động và ưu đãi doanh nghiệp nhà nước; Hà Nam dù tăng 20 bậc, xếp thứ 26 song vẫn xếp sau Cà Mau (xếp thứ 18) và Long An (thứ 6). Hà Nội tụt 4 bậc, còn TP Hồ Chí Minh tụt 3 bậc so với năm 2007.

Ông Trần Hữu Huỳnh - Trưởng ban Pháp chế VCCI cho rằng, chỉ số PCI năm nay đã có sự đảo chiều. Điểm PCI của tỉnh ở khu vực giữa bảng xếp hạng giảm 2,4 điểm so với năm 2007, từ 55,56 xuống 53,17 điểm.

Ngoài ra, số tỉnh trong nhóm rất tốt và tốt đã ít hơn năm 2007. Đã có hai tỉnh (Bình Định; Vĩnh Long) rớt khỏi nhóm rất tốt và hai tỉnh mới gia nhập nhóm thấp.

Doanh nghiệp kêu về chi phí ngầm, giao thông, cúp điện...

Ông Vũ Tiến Lộc thừa nhận rằng, năng lực cạnh tranh cấp tỉnh dù có nhiều tiến bộ nhưng PCI 2008 vẫn còn nguyên 3 “nút thắt tăng trưởng” là: Thủ tục hành chính, lao động và vấn đề cơ sở hạ tầng.

Phiền hà bởi thủ tục hành chính không những không giảm mà còn tăng cao so với năm 2007 khi có tới 22,99% doanh nghiệp phải dành 10% quỹ thời gian vào việc này.

Trong khi đó, một số doanh nghiệp cho rằng họ còn thường xuyên phải chi các khoản chi phí ngầm. 27,71% doanh nghiệp cho rằng, việc chi trả các khoản chi phí không chính thức đang gây khó khăn cho hoạt động của họ.

Lao động và nguồn nhân lực cũng là trở ngại lớn đối với doanh nghiệp khi chỉ có 18,50% doanh nghiệp hài lòng với chất lượng lao động địa phương. Trong hai năm (2007 - 2008), lao động và nguồn nhân lực là một trong 3 khó khăn lớn nhất mà doanh nghiệp tư nhân Việt Nam đang đối mặt.

Trong khi đó, khó khăn về cơ sở hạ tầng đang trở thành gánh nặng với doanh nghiệp. Trung bình mỗi doanh nghiệp mất đến 7,5 ngày làm việc do hệ thống giao thông yếu; 71% doanh nghiệp sản xuất có sản phẩm bị ảnh hưởng do chất lượng giao thông kém.

Tổng giá trị thiệt hại cho mỗi doanh nghiệp trung bình là 43 triệu đồng/năm. Các doanh nghiệp cũng than phiền nhiều về tình trạng bị cắt điện thường xuyên (gần 50 giờ). Mức độ lạc quan của giới doanh nghiệp kém hơn so với trước.

Theo TS. Edmund Malesky, điểm số chung của các tỉnh, thành phố năm 2008 thấp hơn 2007 cho thấy doanh nghiệp tỏ ra thất vọng trước năng lực lãnh đạo tại các địa phương, nhất là về tình hình kinh tế vĩ mô.

Chính quyền các tỉnh cần nỗ lực nhiều hơn để giúp doanh nghiệp tư nhân giảm chi phí giao dịch sau khi đăng ký kinh doanh; chi phí phát sinh từ thủ tục phiền hà và chi phí không chính thức. Đây là rủi ro trong kinh doanh mà doanh nghiệp không tiên liệu được.

Một số địa phương làm méo mó môi trường kinh doanh

* Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan: PCI 2008 có ba lĩnh vực sụt giảm rất đáng lo ngại là chi phí thời gian, chi phí về đào tạo lao động, chính sách phát triển kinh tế khu vực tư nhân. Chi phí thời gian sụt giảm phản ánh cải cách hành chính chưa mang lại hiệu quả thiết thực, thậm chí còn làm cho doanh nghiệp cảm thấy sự cải tiến không bằng trước.

Các quy định vẫn còn nhiều rắc rối, phức tạp. Tôi nghĩ vấn đề này liên quan chặt chẽ đến tham nhũng. Chính phủ chọn năm 2007 là năm đẩy mạnh cải cách hành chính nhưng vẫn chưa đẩy được bệnh quan liêu.

Việc phân cấp, phân định trách nhiệm của chúng ta đang có vấn đề. Phân cấp cho các địa phương, Chính phủ mong muốn giúp cho các địa phương năng động hơn nhưng có lẽ vẫn chưa ổn.

Một số địa phương chưa cải thiện tốt môi trường kinh doanh, thậm chí còn làm méo mó hơn môi trường kinh doanh chung của Việt Nam.

Cần làm rõ sự cạnh tranh không lành mạnh

* TS. Lê Đăng Doanh: Tôi thấy có một số vấn đề cần làm rõ thêm là, một mặt chỉ số ưu đãi với các doanh nghiệp nhà nước cải thiện được 12%, nhưng về chính sách phát triển kinh tế tư nhân lại âm 28%. Ở đây có sự mâu thuẫn.

Cần lưu ý là năm 2009, kinh tế thế giới khó khăn và cũng sẽ là năm khó khăn nhất của Việt Nam tính từ khi thực hiện công cuộc đổi mới. Với tốc độ tăng trưởng, môi trường kinh doanh, khả năng tăng xuất khẩu như hiện nay, việc cạnh tranh không lành mạnh ở cấp tỉnh cần phải làm rõ hơn.

Trong các tỉnh được xếp ở vị trí cao ở Đồng bằng Sông Cửu Long như: Vĩnh Long, Đồng Tháp, Long An, An Giang..., Bạc Liêu lại nằm trong nhóm có môi trường kinh doanh thấp là khó hiểu.

Trong môi trường xung quanh, các tỉnh đều vươn lên, nhưng Bạc Liêu lại giảm xuống. Phải chăng có sự cạnh tranh không lành mạnh giữa các tỉnh.

MỚI - NÓNG
Hà Nội đề xuất có 4 thành phố trực thuộc
Hà Nội đề xuất có 4 thành phố trực thuộc
TPO - Theo định hướng đến năm 2050, Thủ đô có hai TP trực thuộc là Khoa học & Đào tạo Hòa Lạc với TP phía Bắc bao gồm địa giới hành chính huyện Sóc Sơn, Mê Linh và một phần Đông Anh; nghiên cứu hình thành thêm TP Du lịch ở khu vực Sơn Tây – Ba Vì và TP sân bay phía Nam ở Phú Xuyên – Ứng Hòa.