Băm nát rừng đặc dụng để làm du lịch

Băm nát rừng đặc dụng để làm du lịch
TP - Ngay từ năm 2002, Bộ NN&PTNT đã cho thí điểm mô hình doanh nghiệp “thuê môi trường rừng làm du lịch sinh thái”. Cả ngàn ha rừng đặc dụng đã được cho thuê.
Băm nát rừng đặc dụng để làm du lịch ảnh 1
Biệt thự, bể bơi mọc lên giữa rừng đặc dụng

Nhiều ban quản lý Vườn quốc gia đang đứng trước nguy cơ mất quyền kiểm soát trên diện tích đất rừng đã cho thuê làm du lịch, trong khi đó, NN&PTNT vẫn dự kiến mở rộng mô hình nói trên.

Bê tông hóa lá phổi xanh

Vườn quốc gia (VQG) Ba Vì là đơn vị tiên phong việc phát triển du lịch sinh thái trong rừng đặc dụng.

Có ưu thế nằm ngay trên địa bàn Thủ đô, lại là nơi có động, thực vật phong phú với gần 400 loài thực vật có giá trị làm thuốc, nhiều loại chim thú quý như: Chồn bay, beo, gà lôi trắng… nên đây là nơi khá lý tưởng để kinh doanh du lịch.

Hiện nay có 20 đơn vị đang kinh doanh du lịch với nhiều hình thức khác nhau trong địa bàn Vườn.

Đặc biệt, là hai doanh nghiệp (DN) là Công ty công nghệ Việt- Mỹ và Công ty Cổ phần đầu tư và du lịch Bình Minh đã được Bộ NN&PTNT “mạnh tay” phê duyệt phương án đầu tư và hoạt động du lịch sinh thái.

Có được quyết định này, VQG Ba Vì đã tiến hành ký hợp đồng cho thuê môi trường rừng đối với 2 đơn vị trên.

Hợp đồng chính thức “mở đường” cho 2 DN này được quyền xây dựng hàng loạt các công trình hạ tầng kiên cố như biệt thự, bể bơi, “bê tông hóa” suối nước trong Vườn để thu hút khách du lịch.

Tổng số tiền mà các đơn vị kinh doanh du lịch đầu tư xây dựng hạ tầng sau 6 năm đã lên tới 250 tỷ đồng.

Theo ông Đỗ Khắc Thành, Giám đốc VQG Ba Vì, lợi ích kinh tế của việc cho thuê môi trường rừng là khá lớn. Với khung giá cho thuê tạm thời do Cục Kiểm lâm ban hành, mỗi năm Vườn cũng thu được hơn 300 triệu đồng từ cho thuê môi trường rừng.

Thông qua kinh doanh du lịch, ngân sách địa phương đã được tăng đáng kể, nếu như năm 2002 các đơn vị kinh doanh du lịch chỉ đóng góp cho huyện Ba Vì 60 triệu đồng thì năm 2008 là gần 4 tỷ đồng.

Bí thư Huyện ủy Ba Vì Hoàng Thanh Vân khẳng định, nhờ du lịch mà tỷ lệ hộ nghèo tại khu vực có rừng thấp hơn khu vực đồng bằng trong huyện.

Dân trí của đồng bào các dân tộc đã được nâng lên đáng kể. Ông Vân dẫn chứng việc nâng cao dân trí là “rất ít thấy bà con mặc sắc phục dân tộc mà đã có điều kiện mặc đồ Tây”. 

Cơ sở pháp lý chưa rõ ràng

Băm nát rừng đặc dụng để làm du lịch ảnh 2
Liệu những khu rừng đặc dụng này có tuột khỏi tầm quản lý của Nhà nước (?)   Ảnh: Hà Nhân

Ông Nguyễn Hữu Dũng, Cục phó Cục Kiểm lâm (Bộ NN- PTNT) tỏ ra lo ngại bởi tính pháp lý của những hợp đồng cho thuê môi trường rừng mà các VQG ký với DN du lịch.

Hiện cơ sở pháp lý của việc cho thuê môi trường rừng cơ bản còn thiếu. Đề án thí điểm nhưng lại không rõ về trình tự, thủ tục, thẩm quyền cho thuê.

Lo ngại hơn nữa là chưa có cơ sở pháp lý để xử lý các tranh chấp, khiến rất khó huỷ hợp đồng thuê.

Điều này cũng dẫn đến tình trạng VQG không quản lý được diện tích đã cho thuê và mất luôn vai trò là người chủ rừng trên những diện tích này.

Ông Trương Quang Bích, Giám đốc VQG Cúc Phương bày tỏ, nếu vấn đề pháp lý không rõ ràng thì rất dễ xảy ra tranh chấp. Nếu bây giờ các DN không tiếp tục đầu tư mà chuyển nhượng lại khu du lịch thì ai đứng ra xác nhận?

DN đã đầu tư hạ tầng nếu nhà nước muốn thu hồi thì có phải đền bù hay không cũng chưa rõ. Ông Lê Xuân ái, Giám đốc VQG Côn Đảo băn khoăn: “Chúng tôi không rõ thẩm quyền cho thuê môi trường rừng là cơ quan nào, chính quyền địa phương, Bộ NN&PTNT hay VQG?”.  

Giám đốc VQG Ba Vì Đỗ Khắc Thành cũng thừa nhận: Việc xác định tỷ lệ sử dụng diện tích đất lâm nghiệp trong rừng đặc dụng để xây dựng cơ sở hạ tầng; tỷ lệ phần trăm cho phép bị tác động (tiếng ồn, khói, bụi, rác thải…) do du khách gây ra vẫn chưa hề có văn bản pháp luật nào quy định.

Ngoài ra, cũng chưa hề có hướng dẫn việc sử dụng nguồn tiền thu được từ việc cho thuê môi trường rừng.

Bảo tồn các khu rừng đặc dụng với mục đích tối thượng là giữ lại những “lá phổi xanh”.

Sự tác động của con người với bất kỳ mục đích gì đến rừng đặc dụng cũng là vấn đề nhạy cảm bởi các quy định chặt chẽ của Luật Bảo vệ và phát triển rừng, quy định về bảo tồn đa dạng sinh học.

Nếu chỉ vì lợi nhuận mà Bộ NN&PTNT vội vàng cho nhân rộng mô hình cho thuê môi trường rừng, để các DN kinh doanh du lịch sinh thái tiến sâu thêm vào các khu rừng đặc dụng là điều hết sức đáng lo ngại.

MỚI - NÓNG