Dân nhậu sắp phải đi taxi về nhà

Dân nhậu sắp phải đi taxi về nhà
Tài xế ôtô uống rượu, bia hoặc người điều khiển xe môtô, xe máy trong máu có nồng độ cồn vượt quá 50 miligam/100 mililít máu hoặc 0,25 miligam/lít khí thở sẽ bị phạt nặng, tước bằng lái xe và có thể bị tạm giữ cả xe.

Đó là một trong những nội dung của nghị định sửa đổi nghị định về phạt hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ mà Bộ Giao thông Vận tải đang phối hợp với các cơ quan chức năng soạn thảo.

Dân nhậu sắp phải đi taxi về nhà ảnh 1
Tới đây, những người uống rượu, bia vượt quá nồng độ sẽ bị phạt khi lái xe. Ảnh minh họa: HTD

Uống rượu, bia cỡ nào thì “dính”?

Theo một thành viên ban soạn thảo nghị định sửa đổi nghị định xử phạt hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, hành vi uống rượu, bia là một trong những nguyên nhân chính gây ra các vụ tai nạn giao thông. Do đó, những trường hợp uống rượu, bia quá ngưỡng cho phép không chỉ bị phạt tiền mà còn bị tước bằng lái xe.

Trường hợp người bị phạt không có người điều khiển xe đủ tiêu chuẩn thay thế thì sẽ bị tạm giữ xe trong một thời hạn nhất định. Đến khi nào người vi phạm bố trí được người lái thế thì mới được cho phép mang xe về.

Theo giải thích của các thành viên ban soạn thảo, quy định trên nhằm ngăn ngừa tình trạng người say xỉn sau khi bị xử phạt, tước bằng lái xe nhưng vẫn cố tình điều khiển phương tiện dễ dẫn đến gây tai nạn giao thông.

Ông Nguyễn Văn Quyền, Phó Cục trưởng Cục Đường bộ Việt Nam, cho biết khi đưa vào Luật Giao thông đường bộ năm 2008 quy định người điều khiển xe môtô, xe máy trong máu có nồng độ cồn vượt quá 50 miligam/100 mililít máu hoặc 0,25 miligam/lít khí thở sẽ bị phạt, cơ quan soạn thảo đã nghiên cứu kỹ kinh nghiệm của các nước và thể trạng của người Việt Nam, từ đó đưa ra mức trung bình phù hợp với thể trạng, sức khỏe của người dân.

Ông Quyền khuyến cáo khi nghị định xử phạt hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ mới có hiệu lực sắp tới, để không bị phạt thì mọi người trước khi nhậu cần biết ngưỡng tửu lượng của mình.

Ngược lại, Đội trưởng Đội dẫn đoàn Phòng CSGT đường bộ (Công an TP Hà Nội) Đoàn Văn Hòa cho rằng tùy thuộc tửu lượng mỗi người, thời gian uống, cách uống sẽ cho ra các thông số rất khác nhau.

Thực tế rất khó xác định ngưỡng tửu lượng của từng người, như phải uống bao nhiêu ly rượu hoặc bao nhiêu chai bia thì đạt được con số quy định nồng độ cồn trong máu không vượt ngưỡng luật quy định.

Hơn nữa, qua kiểm tra, xử phạt của CSGT TP Hà Nội cho thấy có những người uống ít chừng hai, ba ly rượu nhưng vẫn vượt mức nồng độ cồn cho phép. “Cách tốt nhất để tránh bị phạt là không nên uống rượu, bia khi tham gia điều khiển phương tiện giao thông” - ông Hòa nói.

Máy đo nồng độ cồn: Sẽ trang bị nhiều đầu ngậm

Theo ông Hòa, năm 2006, tổ chức Jaica (Nhật Bản) phối hợp với TP Hà Nội triển khai dự án tăng cường năng lực giao thông đô thị, trong đó có việc xử lý vi phạm về uống rượu, bia mà lái xe trên các tuyến quốc lộ 3, 5 và đường Thăng Long - Nội Bài.

Dù ống thở của máy đo nồng độ cồn đã được khử trùng sạch sẽ nhưng tâm lý người dân vẫn e dè, sợ bẩn và các dịch bệnh có thể lây lan từ người nọ sang người kia nên nhiều người kiên quyết không chịu ngậm ống thở nên hiệu quả xử lý đạt rất thấp. Có người dân còn yêu cầu được nộp phạt lỗi uống rượu, bia nhưng xin được phép miễn ngậm ống thở! Có những ngày cả Đội dẫn đoàn chỉ xử lý được 1-2 trường hợp vi phạm.

Để việc xử lý hành vi lái xe khi say xỉn có hiệu quả thì cần đổi mới thiết bị đo nồng độ cồn. Về vấn đề này, đại tá Nguyễn Anh Tuấn, Phó Cục trưởng Cục CSGT đường bộ - đường sắt, cho biết hiện mỗi máy đo nồng độ cồn đều được trang bị nhiều đầu ngậm. Các đầu ngậm được khử trùng sạch sẽ sau mỗi lần sử dụng nên người dân có thể yên tâm sử dụng.

Ông Nguyễn Văn Thuấn, Quyền Vụ trưởng Vụ An toàn giao thông (Bộ GTVT), cho biết dự thảo nghị định xử phạt hành chính trong lĩnh vực an toàn giao thông đường bộ sẽ kiến nghị mức xử phạt thật nghiêm khắc đối với các bác tài say xỉn. Sắp tới, người dân muốn đi nhậu nên đi bộ hoặc đi taxi, xe ôm. Như thế vừa an toàn cho bản thân vừa không bị CSGT phát hiện, xử lý.

Nên lập chốt CSGT gần quán nhậu?

Theo quy định tuần tra kiểm soát, lực lượng CSGT chỉ được phép dừng phương tiện khi phát hiện có dấu hiệu vi phạm. Như vậy, nếu CSGT đứng dưới đường quan sát từ xa thì sẽ khó phát hiện người điều khiển xe có uống rượu, bia hay không để buộc dừng xe kiểm tra khí thở.

Trường hợp người điều khiển xe máy đội mũ bảo hiểm có kính chắn phía trước thì CSGT càng khó phát hiện họ có say xỉn hay không. Một cái khó nữa là người dân chủ yếu uống rượu, bia vào giờ tan tầm (17 giờ đến 19 giờ), CSGT càng khó phát hiện vi phạm vì trời tối.

Có người đề xuất sắp tới, CSGT cần thành lập các đội kiểm tra, xử lý vi phạm của lái xe trên các đoạn đường gần các khu vực có nhiều quán nhậu, đám tiệc cưới hỏi...

Theo Thành Văn
Báo Pháp Luật

MỚI - NÓNG