Đối phó thất nghiệp - Bài II

Ăn mì tôm, nhận một phần lương chờ việc

Ăn mì tôm, nhận một phần lương chờ việc
TP - Mất ruộng đất, nhiều nông dân rời quê lên các khu công nghiệp (KCN) ở Hà Nội kiếm việc. Họ trở thành công nhân với đồng lương ít ỏi. Bây giờ về cũng dở, ở cũng không xong, họ không có Tết.

>> Bài I - 2009 - mừng hay lo?

Ra vỉa hè chờ  Tết

“Năm nay tôi không có thưởng Tết cũng được, miễn là ra Tết được đi làm không thất nghiệp là vui. Nhưng mất việc lúc này thì khó khăn quá”, Chị Nguyễn Thị Thanh Hải, công nhân Công ty Sumimoto vừa nói vừa khóc.

Chị Hải cho biết chị mất việc ngày 26/12 vì Cty ít việc và đối tượng vừa hết hợp đồng phải nghỉ việc. 12 ngày không có việc là 12 ngày chị như ngồi trên đống lửa vì ăn thì vẫn phải ăn mà không có việc làm để có thu nhập. Trước đây, với mức lương 1,4 triệu đồng/tháng chị tằn tiện cũng  đủ tiêu thì nay chị lo 30 ngày tới làm thế nào để sống.

Khi hỏi chị Hải: “Sao chị không về quê?” chị thổ lộ: “Một là mình đợi đến mồng 10/1 mong kiếm được việc gì làm thêm trong mấy ngày có thêm vài trăm nghìn đồng cho mẹ tiêu Tết, nhưng xem ra đến xin chân rửa bát tại các nhà hàng cũng khó chứ đừng mơ xin được làm công nhân trong nhà máy nào cả”.

Công nhân Trịnh Thị Hương, cũng nằm trong tình cảnh tương tự. Chị đã nghỉ việc hơn bốn tháng qua.

Còn Thắm, công ty Ikeuchi cũng mấp mé trong diện ra vỉa hè: “Mấy ngày nay em đợi xem có bị sa thải không, đến 14/1 mới có quyết định chính thức nhưng giám đốc nói sẽ cắt giảm số lượng công nhân trước toàn bộ nhân viên. Lo lắng quá chị ạ vì nhà chẳng có việc phải lên đây xin làm công nhân giờ lại quay về làm ruộng. Nhưng về nhà cũng chẳng có ruộng mà làm”.

Nửa gói mì tôm bằng một bữa

Vì việc ít, bấp bênh nên hầu hết công nhân phải vay mượn tiền của nhau để cầm cự qua ngày. Vừa nhận lương tháng 12, Chiến - công nhân Công ty Ikeuchi  ngồi chia tiền để trả nợ. “Nhiều tháng em nhận lương lúc 11h thì 1h chiều tiền đã hết bay, lại tiếp tục vay tiền đến hết tháng” - Chiến nói.

Cùng chung cảnh ngộ như Chiến, anh Tuân, Công ty của Fuijco (KCN Nội Bài) buồn bã khi mấy ngày nữa mới có lương mà tiền đã hết từ khi nào. Gạo ăn hết, tiền vé xe buýt để đi làm tháng tới cũng không có. Nhiều công nhân may, làm da giày ở KCN Nội Bài và bên Quang Minh lương còn có 800-900 nghìn/tháng thì không biết còn khốn khổ và thiếu thốn đến mức nào”- anh Tuân phân trần.

Chính vì vậy nên bữa ăn của công nhân cũng thất thường và phập phù. Chứng kiến một bữa cơm của công nhân mới thấy bữa ăn của họ chỉ toàn là “canh đại dương” mà hiếm khi có thịt cá.

Sống trong căn phòng rộng 10m2, tường vôi lở loét, ẩm thấp vì liền kề ngay nhà vệ sinh, hai chị em Thắm và Hiền phải trả 500 nghìn/tháng trọ. Nhìn vào nhà không có gì giá trị ngoài 2 chiếc xe đạp mà họ đi làm mỗi ngày.

Nhìn mâm cơm của Thắm và Hiền mà thấy nao lòng, bữa cơm của họ chỉ với hai bìa đậu và đĩa đậu luộc. Nhiều công nhân khác không đủ tiền đành ăn bánh mì qua bữa.

Không có tiền ăn cơm, nhiều công nhân cuối tháng đói lay lắt đành tìm đến món mì tôm để tiết kiệm. Chị Hiền (Sơn Tây- Hà Nội) cho biết nhiều khi  không đủ ăn, mỗi bữa chỉ dám dùng nửa gói mì tôm.

“Mấy tháng nay công ty em không làm ca ba rồi, cũng chẳng có chuyện tăng ca nữa. Từ tháng 11, công ty không có đơn hàng, công ty đang khuyến khích công nhân nghỉ việc hưởng 70% lương”, Nguyễn Vui, công nhân công ty Canon ở KCN Bắc Thăng Long, cho biết. Tết Dương lịch vừa rồi Cty cho công nhân nghỉ hàng loạt từ 25/12 đến hẳn mồng 1 Tết dương lịch.

Công ty hết việc, Yến đồng ý nhận 70% lương hai tháng (tháng 1 và 2) và về quê chờ.

MỚI - NÓNG