Tư duy theo cách của 10 năm trước

Tư duy theo cách của 10 năm trước
TP - Trước bản dự thảo chiến lược giáo dục 2009-2020, đã có bản “Chiến lược phát triển giáo dục giai đoạn 2000-2010” được nhiều chuyên gia gọi là chiến lược tụt hậu.

Một chiến lược thứ 2 nữa là “Đổi mới cơ bản và toàn diện giáo dục đại học giai đoạn 2006-2020” thì kết quả thực hiện đáng kể nhất hai năm qua là cho ra đời trong thời gian kỷ lục hàng trăm đại học, cao đẳng tư vì-lợi-nhuận với chất lượng trời ơi và được nhiều đại biểu quốc hội chất vấn trong kỳ họp vừa qua.

Tư duy theo cách của 10 năm trước ảnh 1
GS Hoàng Tụy: “Để xây dựng giáo dục, chỉ có tâm huyết thôi chưa đủ”

Khác với hai văn bản đó, bản chiến lược 2009-2010 xuất phát từ ý tốt muốn mau chóng làm thay đổi cục diện giáo dục của đất nước theo chiều hướng tích cực, thể hiện tâm huyết đối với giáo dục.

Đó là ưu điểm căn bản. Tuy nhiên, để xây dựng giáo dục, nhất là trong thời đại này, chỉ có tâm huyết thôi chưa đủ. 

Trong giáo dục không phải mọi sự cạnh tranh đều tốt, và tuy mấy năm gần đây ở nhiều nước phát triển một số biện pháp quản lý doanh nghiệp bắt đầu được vận dụng để nâng cao hiệu quả hoạt động của các đại học, người ta cũng đã cảnh báo những hiểm họa của việc vận dụng máy móc cơ chế thị trường vào giáo dục đại học.  Vận dụng vào giáo dục phổ thông thì càng nguy hiểm hơn.

Phần I và II của dự thảo trình bày thực trạng giáo dục của ta và bối cảnh trong nước và quốc tế, theo đúng công thức: thành tựu là chính, to lớn, cơ bản, nhưng còn nhiều yếu kém, bất cập.

Chỉ tiếc là có chỗ chưa thật trung thực, như khi kể về đánh giá của quốc tế thì chỉ nêu tiến bộ về chỉ số HDI (chỉ số phát triển con người) từ 2000 - 2005, không nói đến báo cáo giám sát toàn cầu về giáo dục của UNESCO năm 2008 vừa công bố, theo đó Việt Nam tiếp tục mất điểm về chỉ số phát triển giáo dục cho mọi người (EDI) và tụt chín bậc trong bảng xếp hạng EDI trong năm năm, từ 2004 - 2008, đứng dưới cả Malaysia, Indonesia, Trung Quốc là những nước trước đây thua kém Việt Nam về EDI.

Nhiều số liệu quốc tế đáng tin cậy cho thấy sự tụt hậu rất xa của đại học ta so với ngay cả đại học của Thái Lan hay Malaysia. Theo đánh giá của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF), đào tạo và giáo dục đại học là một trong ba lĩnh vực yếu nhất, đáng lo ngại nhất của Việt Nam.

Sự yếu kém giáo dục cũng được phản ảnh rõ trong việc năng lực cạnh tranh toàn cầu của Việt Nam năm 2008 tụt thêm hai bậc, sau khi đã tụt bốn bậc năm 2007.

Còn nhớ nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải khi từ nhiệm đã thừa nhận chúng ta không thành công trong giáo dục. Tôi ngạc nhiên vì sao bản dự thảo cứ cố chứng minh điều ngược lại. Nhiều người thất vọng vì cách suy nghĩ, nhận định như vậy hoàn toàn theo nếp tư duy cũ, không khác gì mười năm trước.

Đáng chú ý là Phần III và IV về các quan điểm chỉ đạo phát triển giáo dục và mục tiêu chiến lược giai đoạn 2009-2020. Triết lý giáo dục trình bày ở đây rất lộn xộn,  nhiều điểm thừa, nhiều điểm lặp lại những điều rất đúng, nhưng chưa đủ, đã có đâu đó trong Luật Giáo dục và các văn bản khác.

Nhưng, một là, thời gian qua các nguyên lý ấy chưa được thực thi hoặc được thực thi sai; hai là, một số nguyên lý ấy có thể hiểu theo nhiều cách khác nhau, kể cả cách hiểu giáo điều tai hại nhất. Cho nên lặp lại những nguyên lý ấy mà không giải thích cách hiểu và thực hiện đúng đắn thì khó tránh khỏi phạm lại những sai lầm cũ.

Chưa kể lại bổ sung vào đó những yếu tố phiêu lưu trong bản đề án đổi mới đại học 2006-2020, như quan điểm 5, phần III.

Phần V của dự thảo về các giải pháp chiến lược thật ra là một bản kế hoạch dài hạn 12 năm, được vẽ ra một cách duy ý chí theo tư duy và phương pháp kế hoạch hóa tập trung quan liêu thời bao cấp đã phá sản từ những năm đầu 80 thế kỷ trước.

Thời đại chúng ta đang sống đầy biến động khó lường, năng lực dự báo kinh tế của ta lại rất yếu. Dự báo ngắn hạn đã khó, huống hồ dự báo cho 12 năm tới.

Khi không có dự báo kinh tế tin cậy được, căn cứ vào đâu có thể tính toán chi tiết 74 (bây giờ rút xuống còn 50) chỉ tiêu phát triển giáo dục trong 12 năm tới như trong bản dự thảo? Có chăng đây chỉ là một bảng kê các ước muốn tốt đẹp của lãnh đạo, thể hiện tâm huyết đáng trân trọng, nhưng không thể coi là dựa trên tính toán cân đối khả năng, nguồn lực và yêu cầu.

Hơn nữa, các chỉ tiêu, biện pháp chỉ nặng về phát triển qui mô dễ gây ấn tượng mà không tính đến các khó khăn và thách thức, xem nhẹ chuyển biến về chất, về đường lối, triết lý, mà đấy mới chính là điều quan trọng nhất để chống lại suy thoái hiện nay.  

MỚI - NÓNG
Những bộ phim đầu tiên về chiến dịch Điện Biên Phủ
Những bộ phim đầu tiên về chiến dịch Điện Biên Phủ
TP - Ngày 15/3/1953, nền Điện ảnh Cách mạng Việt Nam được thành lập tại chiến khu Việt Bắc. Một năm sau, ngày 13/3/1954, Chiến dịch Điện Biên Phủ diễn ra. Khi đó, trước và sau chiến dịch Điện Biên Phủ, điện ảnh Việt Nam đã có những bộ phim đầu tiên nói về chiến dịch này.