Những giải thưởng phát triển thanh niên - bài 2

Khi khen nhiều, thưởng ít

Khi khen nhiều, thưởng ít
TP - Không ít danh hiệu bị thu hẹp quy mô, tiền thưởng cũng giảm đi, và gánh chịu những thiệt thòi này là hàng nghìn thanh thiếu nhi tiêu biểu.

>> Bài 1

Khi khen nhiều, thưởng ít ảnh 1
Ba gương mặt đoạt giải (nhất, nhì, ba) tại cuộc thi Thắp sáng tài năng kinh doanh  trẻ 2008

Quỹ lớn cũng cạn vốn

Quỹ Hỗ trợ Tài năng Trẻ ra đời từ năm 1993 theo sáng kiến của báo Nhi Đồng (T.Ư Đoàn) với sự khuyến khích của Thủ tướng Võ Văn Kiệt. Ông trở thành Chủ tịch Danh dự đầu tiên của Quỹ (Chủ tịch danh dự là các Thủ tướng đương nhiệm).

Giám đốc Điều hành Quỹ Vũ Quang Vinh (Tổng Biên tập báo Nhi Đồng) cho hay, Quỹ được sáp nhập từ 14 giải thưởng, học bổng của các cơ quan T.Ư Đoàn nên có nguồn kinh phí dồi dào để tổ chức trao hàng nghìn học bổng, giải thưởng uy tín.

Ngay sau khi sáp nhập, năm 1994, Quỹ tổ chức cấp học bổng cho 1.046 học sinh nghèo học giỏi. Tuy nhiên đến năm sau con số này giảm gần một nửa.

Đến năm 1997, theo thống kê, có 20 học sinh nghèo học giỏi nhận được học bổng từ Quỹ. Đây là năm có số học sinh nhận học bổng thấp nhất của Quỹ (hơn 10 năm tiếp theo, mỗi năm Quỹ trao trên 200 suất học bổng, trung bình từ 200 đến 500.000  đồng/suất).

Tuy nhiên, 15 năm trôi qua, giá trị học bổng không những không tăng mà thậm chí còn giảm. Khen thưởng chỉ mang tính động viên chứ chưa trở thành nguồn hỗ trợ vật chất đủ mạnh cho học sinh nghèo.

Tương tự, giải thưởng gương mặt trẻ tiêu biểu nhất của năm được Quỹ bắt đầu bình chọn từ năm 1997 có giá trị giải thưởng tương đối lớn vào thời điểm đó, năm triệu đồng!

Giá trị giải thưởng được coi là cao ấy chỉ duy trì đến  năm 2000, khi giảm còn ba triệu đồng và duy trì mức đó cho đến nay.

Việc trao thưởng cho học sinh đoạt giải trong các cuộc thi quốc gia, quốc tế, vận động viên, huấn luyện viên tiêu biểu hàng năm của Quỹ cũng bị giảm cả số lượng và tiền thưởng.

“Trong điều lệ Quỹ không quy định số tiền thưởng bởi không có nguồn ngân sách của Nhà nước. Hoạt động của Quỹ hoàn toàn phụ thuộc vào sự đóng góp của các nhà tài trợ.

Có thời điểm, việc trao học bổng hoàn toàn phụ thuộc vào khoản lãi từ số tiền gốc ban đầu. Riêng năm nay, chỉ có khoảng 100 – 200 triệu đồng được huy động thêm” – Giám đốc điều hành Quỹ Vũ Quang Vinh nói.

Theo ông Vinh, việc huy động nguồn lực không dễ dàng bởi quan điểm điều hành của Quỹ là không muốn đáp ứng những đòi hỏi tế nhị của nhiều nhà tài trợ như trích phần trăm hoa hồng từ số tiền đóng góp, tường thuật trực tiếp trên sóng truyền hình hoặc quảng cáo rầm rộ cho đơn vị tài trợ khi trao giải...

Nguồn lực cạn, đối tượng chịu sự thiệt là những gương mặt tiêu biểu, học sinh nghèo học giỏi hàng năm.

Thêm khó vì chính sách thuế

Quỹ học bổng thiếu nhi nghèo vượt khó Hội đồng Đội T.Ư ra đời năm 1991 khi đơn vị này tổ chức liên hoan thiếu nhi nghèo vượt khó lần thứ nhất - đến nay ngưng trệ.

Nguồn vốn ban đầu của quỹ do một công ty phát hành xổ số trích 50% số lãi qua một đợt phát hành ủng hộ. Việc trao học bổng từ quỹ đáp ứng tính thời sự, thường gắn liền với những chuyến công tác vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn của Hội đồng Đội T.Ư.

Tùy vào hoàn cảnh của học sinh, mức trao học bổng trung bình từ 200.000 – 500.000 đồng/suất. Sau 17 năm thành lập, quỹ không có thêm nguồn tài  trợ nên học bổng tạm dừng lại.

Báo Sinh viên Việt Nam là đơn vị tài trợ cho hai giải thưởng Lý Tự Trọng và Sao Tháng Giêng. Cả hai giải này do Ban Thanh niên Trường học (T.Ư Đoàn) làm cơ quan thường trực tổ chức.

Giải thưởng Lý Tự Trọng dành cho cán bộ Đoàn là học sinh THPT tổ chức 11 năm liên tiếp, trung bình mỗi năm trao 230 suất. Con số này tương ứng với mỗi huyện có một học sinh được xét trao giải với giá trị 500.000 đồng/suất, duy trì trong nhiều năm. Bắt đầu từ năm 2000, Giải thưởng còn được trao thêm cho 10 nữ sinh xuất sắc (học sinh THPT).

Giải thưởng Sao Tháng Giêng được xét trao cho sinh viên các trường đại  học, cao đẳng xuất sắc trong và ngoài nước cũng được tổ chức liên tục trong tám năm. Những sinh viên được tôn vinh dựa trên việc xét chọn hồ sơ kỹ lưỡng do các trường gửi về T.Ư Đoàn.

Trong cơn bão giá năm 2008, đơn vị thường trực giải thưởng đề nghị tăng mức thưởng lên một triệu đồng/suất nhưng phía tài trợ không thể đáp ứng nổi.

Phó Tổng biên tập báo Sinh viên Việt  Nam Nguyễn Quốc Triển băn khoăn: “Với tình hình kinh tế khó khăn, nguồn kinh phí tài trợ cho các học bổng, giải thưởng lại không được tính vào chi phí sản xuất, phát hành hoặc tái đầu tư mà hoàn toàn lấy ở khoản lợi nhuận sau thuế khiến không chỉ báo Sinh viên Việt  Nam khó tháo gỡ.

Đây là hoạt động xã hội có mối liên hệ không thể tách rời với việc sản xuất của các báo. Việc bị bó buộc bởi quy định hiện hành là khó chấp nhận.

Với 2 giải thưởng này, mỗi năm chúng tôi chi hơn 400 triệu đồng. Nếu tăng mức thưởng lên một triệu đồng - số chi lên tới trên 800 triệu đồng. Mặc dù đeo đuổi nhiều năm, chúng tôi sẽ phải bỏ...”.

Giải thưởng 26/3 dành cho cán bộ Đoàn cơ sở xuất sắc do T.Ư Đoàn tổ chức hàng năm (Báo Tiền Phong tài trợ) cũng gặp không ít khó khăn khi  kinh phí lấy từ lợi nhuận sau thuế.

Việc trao giải không thể đơn giản là chuyển tiền thưởng qua đường bưu điện đến người nhận giải mà các đơn vị tổ chức thường mời những cá nhân xuất sắc về một địa điểm cố định nhằm vinh danh họ trong lễ tuyên dương.

Vì thế, cõng thêm chi phí cho việc ăn ở, đi lại cho các đại biểu cũng là những khoản tương đối lớn đối với các đơn vị tài trợ là cơ quan trực thuộc T.Ư Đoàn...

(Còn nữa)

MỚI - NÓNG
Những bộ phim đầu tiên về chiến dịch Điện Biên Phủ
Những bộ phim đầu tiên về chiến dịch Điện Biên Phủ
TP - Ngày 15/3/1953, nền Điện ảnh Cách mạng Việt Nam được thành lập tại chiến khu Việt Bắc. Một năm sau, ngày 13/3/1954, Chiến dịch Điện Biên Phủ diễn ra. Khi đó, trước và sau chiến dịch Điện Biên Phủ, điện ảnh Việt Nam đã có những bộ phim đầu tiên nói về chiến dịch này.