Dọc đường Xuân Tây Bắc - Kỳ 2

Dọc đường Xuân Tây Bắc - Kỳ 2
TP - Chất ngất chồm lên những ngọn núi cực bắc của Tổ quốc, thiên tạo ban cho Sìn Hồ độ cao tương đương và khí hậu như Sa Pa. Vậy nên đường từ thị xã Tam Đường tỉnh lỵ Lai Châu lên Sìn Hồ đã đành một nhẽ tinh dốc là dốc.

>> Kỳ trước

Kỳ 2: Đường sương Sìn Hồ

Nhưng sáng sớm, nhằm cữ gần rằm tháng Chạp này, 60 cây số đường quanh co uốn lượn, tinh những sương là sương. Chẳng những sương mãn thiên trong thơ cổ mà là nhoè nhoẹt một đường sương rừng sương.

Dọc đường Xuân Tây Bắc - Kỳ 2 ảnh 1
Trung tá Mùa A Sinh với trẻ em xã Xà Dề Phìn. Ảnh: Xuân Ba

Đột ngột nhô ra trong sương những chiếc ô rồi sát sạt bên xe mới nhận ra một cặp váy đang đung đưa của các cô gái Mông. Nhưng là người Mông của Sìn Hồ gian khó tất bật làm lụng đi nương địu củi chứ không được nhàn tản đung đưa như nhịp váy Mông bên Sa Pa của Lao Cai vẫn thường xôm tụ du lịch tứ mùa.

Dọc đường Xuân Tây Bắc - Kỳ 2 ảnh 2
Người dân xã Xà Dề Phìn

Từ chỗ gieo trồng một vụ đã gieo cấy hai vụ trong năm; diện tích gieo trồng năm 2000 chiếm 5%, đến năm 2005 đạt từ 30-40%; Năng suất lúa năm 2000 bình quân đạt 20-25 tạ/ha đến 2005 đạt 35-40 tạ/ha.

Đồng bào Mông, Khơ Mú đã yên tâm định canh, định cư, nhiều gia đình xây dựng nhà vững chắc, mua sắm được tiện nghi sinh hoạt có giá trị; năm 2005, có một xã thoát khỏi diện đặc biệt khó khăn.

Nhưng gắng đến như thế mà hiện nay vẫn trên 40% hộ đói lẫn nghèo. Đã ló dạng những đường hướng thoát nghèo.

Đó là việc trồng cây cao su hiện nay đang được bà con các dân tộc tiếp cận khá mặn mà. Hàng chục hécta cao su bén xanh tươi tốt ra được ba tầng lá.

Cũng chợt nhô trong sương như thế lờ mờ một trụ sở công an huyện Sìn Hồ. Rặng đào trước cửa đang cữ hàm tiếu vạc ra trong mờ đục của sương những khối hình bắt mắt. Chỉ ít bữa nữa thôi, cành ấy cây ấy sẽ là lập loè những hoa cùng nụ.

Giống đào phai kép này là thứ của hiếm ở mạn xuôi. Một trung tá Mùa A Sinh rắn rỏi nhô ra trong sương đưa chúng tôi về bản Xà Dề Phìn, một nẻo còn gian khó của Sìn Hồ.

...Tôi cố tưởng tượng ra người sĩ quan rắn rỏi, chả phải ảo giác do sương Sìn Hồ một sáng áp Tết này đang quây kín, đang vây bọc tạo ra.

Mùa A Sinh hẵng còn măng lắm vậy mà đã 31 tuổi quân! Cũng  phải thôi, năm 13 tuổi, cậu bé người Mông Mùa A Sinh đã vào trường thiếu sinh quân của lực lượng vũ trang. Tuổi quân hay là thâm niên công tác được tính từ thời điểm đó?

Lại cũng nối thêm trong sương chút hồi tưởng về ông chủ tịch người Mông huyện Sìn Hồ Mùa A Tủa mà tôi gặp vài lần họp ở Hà Nội đã lẩu lâu. Đậm trong trí nhớ một ông chủ tịch huyện nhỏ người nhưng rắn rỏi hệt anh con đây. Lại có khiếu hài hước. 

Mùa A Sinh cười là khi về hưu bố tôi không đủ tiền để dựng nổi căn nhà cấp bốn khi tôi hỏi có nhận xét gì về thời gian 10 năm làm chủ tịch huyện của cha mình! Câu chuyện trên xe lúc đứt lúc nối về khát vọng xóa đói thoát nghèo được ngấm đến lớp cán bộ trẻ của Sìn Hồ, đến cả anh cán bộ công an huyện đây.

Qua một khu móng nham nhở dấu tích của một khu nhà hoang phế, Mùa A Sinh cho biết đây là cơ ngơi sót lại của Nông trường Dược liệu Sìn Hồ. Một ngày có đủ  tiết của bốn mùa xuân hạ thu đông với độ cao trên 1.500m so với mặt biển, nhiệt độ trung bình hàng năm 20-22 độ C.

Những năm xa trước đây, nông trường từng trồng được rất nhiều cây thuốc quý hiếm. Vùng cao nguyên Sìn Hồ và Lai Châu nói chung, qua khảo sát, có trên 600 loại cây dược liệu quý như ngũ gia bì, tam thất, quế, hoàng tinh, hoàng liên, hoàng đằng, mã tiền, phụ tử, thảo quả, sa nhân vv... Nông trường dược liệu Sìn Hồ từng là đơn vị cung cấp cây dược liệu lớn (có thời điểm thu hoạch 160 tấn/năm).

Dọc đường Xuân Tây Bắc - Kỳ 2 ảnh 3
Gia đình ông Mùa Dài

Thế mà bỗng chốc tan tác sạch bách khi nông trường giải thể cũng như chững lại việc thu mua dược liệu. Mùa A Sinh cho biết, có thời gian đồng bào dân tộc ở một số xã vùng sâu tự phát trồng cây thuốc phiện để có thu nhập. Cố gắng lắm để dẹp bỏ được cây thuốc phiện thì lại tạo ra sự hụt hẫng, bà con không biết trồng cây gì để ổn định được cuộc sống.

Vừa may Cty Dược Bảo Long dưới xuôi tìm đến Sìn Hồ. Huyện bàn giao cho Cty 20 ha đất ruộng hoang hóa tại xã Xà Dề Phìn để trồng thảo dược. Lại nghe đâu có chính sách bảo trợ cho con em đồng bào dân tộc học nghề, học văn hóa, chế biến, bảo quản dược liệu.

Nếu cứ cái đà Bảo Long  tổ chức thu mua tại chỗ một số thảo dược do đồng bào thu hái được, tránh tình trạng ép giá của tư thương, đồng thời phối hợp mở các lớp tập huấn cho các hộ nông dân về kỹ thuật bảo quản, cách gieo trồng, thế mạnh dược liệu của Sìn Hồ sẽ có cơ hồi sinh.

Ấy là Mùa A Sinh mong ước thế... Mùa A Sinh ngại nhất là có ai đó dán lên những chai rượu bổ dương tráng khí với giá ngất ngưởng hàng trăm ngàn đồng những thương hiệu nổi tiếng một thời của dược liệu Sìn Hồ để bày bán những nơi này nơi khác! 

Tôi tới muộn nên không kịp dự hội nghị tổng kết công tác Đoàn năm 2008 của xã Xà Dề Phìn. Nhưng cũng kịp trò chuyện cùng hai cô gái Mông từng dự hội nghị bữa nay thay mặt cho gia đình nhận quà cứu trợ cho những hộ đặc biệt khó khăn. Ánh mắt miệng cười của những em gái Mông hình như không được tươi tắn lắm? Rồi bên bếp lửa nhà ông Mùa Dài mà tôi ghé trưa nay, gương mặt ai cũng loà nhoà sau màn khói chợt như đang thiếu vắng đi những nét cười?

Xà Dề Phìn cùng những em gái Mông lẫn anh cán bộ công an huyện Mùa A Sinh mà dân bản rất mến đã mờ ảo sau làn sương lạnh. Chéo lù. Chéo lù (tiếng Mông là gặp lại).

Mong sao những lần sau lên Sìn Hồ, trong đường sương về bản Xà Dề Phìn nói riêng hay nhiều nẻo về bản khác của Sìn Hồ, rõ rệt hơn, hiển hiện hơn một đường hướng làm ăn thoát đói thoát nghèo. Chắc chắn thi vị tươi mới hơn trong đường sương Sìn Hồ những gương mặt mà lần sau mình còn gặp lại!

Sìn Hồ là huyện vùng cao của tỉnh Lai Châu có 38 km đường biên giới tiếp giáp với Trung Quốc, huyện có 24 xã, thị trấn. Diện tích đất tự nhiên 203.084,6 ha, trong đó đất nông nghiệp 23.793 ha, đất lâm nghiệp 62.073 ha, với 15 dân tộc sinh sống, dân số 74 ngàn người trong đó dân tộc Mông 32,7%, Thái 25%, Dao 24%, Kinh 4,1% còn lại là các dân tộc khác.

Trên 90% dân số Sìn Hồ sống bằng nghề sản xuất nông nghiệp. Đã có 23/24 xã, thị trấn có đường ôtô đến trung tâm; mạng lưới giao thông liên bản, liên xã phát triển tạo điều kiện cho sản xuất, sinh hoạt, thúc đẩy sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông lâm nghiệp.

Từ chỗ chưa có điện lưới quốc gia, đến nay, 9/24 xã, thị trấn có điện lưới; 100% xã có điện thoại, điểm bưu điện văn hóa xã, trường trung học cơ sở, lớp học mầm non, trạm y tế, công trình cấp nước sinh hoạt tập trung; trên 50% dân số được phủ sóng truyền hình; 97% dân số được phủ sóng phát thanh; 95% trẻ em trong độ tuổi đi học được đến trường.

Kỳ III: Gặp cháu của Vừ A Dính

MỚI - NÓNG