Tranh hùng giữa các doanh nghiệp sữa?

Tranh hùng giữa các doanh nghiệp sữa?
TP - Vì sao nông dân đổ sữa? Câu hỏi tưởng đơn giản nhưng lại rất khó trả lời!
Tranh hùng giữa các doanh nghiệp sữa? ảnh 1
Nông dân nuôi bò Phù Đổng (Gia Lâm,Hà Nội) đổ bỏ sữa  Ảnh: H.N

Cuộc làm việc giữa Cục Chăn nuôi, đại diện Sở NN&PTNT các địa phương và doanh nghiệp sản xuất sữa lột tả những yếu kém của cơ quan quản lý nhà nước và thái độ vô cảm của doanh nghiệp trước khó khăn của người dân.

Cục trưởng Cục Chăn nuôi Hoàng Kim Giao đưa ra số liệu: Hiện, Hà Nội, Vĩnh Phúc và Bắc Ninh có 8.299 con bò sữa, số đang vắt sữa là 3.969 con, đạt sản lượng 54,8 tấn sữa tươi/ngày. Nhưng số liệu mà các công ty sản xuất sữa báo cáo về Cục lại khẳng định, đã thu mua tại ba địa phương này tới 59 tấn sữa tươi/ngày?

Chỉ nhìn vào số liệu cũng thấy độ vênh lớn! Nếu doanh nghiệp mua nhiều hơn sản lượng thật thì sao nông dân lại bị tồn sữa đến mức phải đổ bỏ cả chục tấn sữa mỗi ngày?

Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Vĩnh Phúc Trịnh Đình Mao tuyên bố: “Vĩnh Phúc tiêu thụ hết sữa cho dân. Nông dân chỉ đổ đi một đến hai tấn”. Còn ông Nguyễn Như Tám ở Yên Lạc, Vĩnh Phúc  quả quyết tính cả bốn tháng qua ông đã đổ hơn 100 tấn”.

Giờ đây người chăn nuôi không còn tin lời hứa sẽ thu mua của một số công ty nữa. Bởi ngay từ giữa tháng 10/2008, Cục Chăn nuôi cũng tổ chức một cuộc họp với chính các công ty này. Khi đó đơn vị nào cũng dõng dạc tuyên bố “việc tiêu thụ sữa không có vấn đề gì, nông dân sản xuất ra bao nhiêu thu mua hết”! Nhưng rồi thực tế bốn tháng qua là câu trả lời minh bạch nhất.

Hanoimilk vì khó khăn không thể kham nổi, trong khi các công ty khác đứng ngoài. Tìm hiểu kỹ mới té ngửa, trước đây lúc sữa đang  lên giá, “cuộc chiến” tranh giành vùng nguyên liệu giữa các doanh nghiệp này là rất gay gắt.

Năm năm qua, Hanoimilk ngày càng lớn mạnh, chính sách thu mua và giá cả hợp lý đã kéo được nông dân về với mình.

Tại xã Phù Đổng (Gia Lâm, Hà Nội), hai trạm thu gom lớn nhất là hộ anh Hoàng Hướng Dương và Vũ Văn Thực vốn đã là người nhà của Vinamilk từ gần chục năm, nhưng từ đầu năm 2008, do giá mua của Vinamilk quá thấp, chênh lệch một 1.000 đồng/kg so với giá thu mua của Hanoimilk.

“Chúng tôi không chuyển sang bán cho Hanoimilk thì nông dân nuôi bò bỏ chúng tôi”- Anh Dương nói. Việc hàng loạt nông dân chuyển sang bán sữa nguyên liệu cho Hanoimilk thay vì Vinamilk như đòn trời giáng đối với doanh nghiệp thu mua sữa lớn nhất cả nước này.

Đang trong thế đi xin nông dân bán lại sữa cho mình, Vinamilk bỗng trở thành người ban phát việc thu mua sữa cho nông dân tại các vùng nguyên liệu cũ. Điều này, cũng lý giải vì sao khi đại diện Văn phòng Chính phủ, Cục Chăn nuôi, Sở NN&PTNT Hà Nội đều đề nghị Vinamilk đứng ra mua giúp sữa ứ đọng cho nông dân Hà Nội, Vĩnh Phúc, công ty này từ chối khéo.

Đại diện Vinamilk còn nói: “Tôi sẽ kiến nghị lãnh đạo mua nếu nông dân giảm giá”. (Giá sữa thế giới cuối năm 2008 đã giảm hơn 60% , sữa bột nguyên kem nhập về quy đổi ra sữa tươi chỉ ở mức 4.000 đồng/kg, là  lý do Vinamilk không thể sớm dang tay cứu nông dân).

Vinamilk vốn là doanh nghiệp nhà nước từng được ưu đãi khá nhiều, nay phải chăng vì đã cổ phần hóa mà không còn trách nhiệm của một anh cả trong ngành sữa Việt Nam? Dư luận đang chờ mong một động thái rõ ràng, thể hiện trách nhiệm của một doanh nghiệp lớn không bỏ mặc nông dân.

MỚI - NÓNG