Anh hùng sông Gianh

Anh hùng sông Gianh
TP - “Cũng là dân sông nước từ bé, nhưng tôi chưa thấy ai can trường, kinh nghiệm và dám hy sinh như những người trên chuyến đò của anh Thắng hôm đó...”-  Bí thư Đảng ủy xã Quảng Hải (Quảng Bình) Cao Xuân Sơn nói.

“Trong thảm họa cũng còn có điều may. Nếu như không có anh Trần Quang Thắng, ông Luyện và hai thanh niên trên chiếc đò dọc ấy, Quảng Hải có thêm ít nhất 36 nấm mồ ở nghĩa trang làng”.

Ông Cao Xuân Sơn, Bí thư Đảng ủy xã Quảng Hải với 3.000 dân vùng cồn, nói sau khi xảy ra vụ đắm đò trên sông Gianh làm 42 người thiệt mạng cách đó năm ngày.

“Cũng là dân sông nước từ bé, nhưng tôi chưa thấy ai can trường, kinh nghiệm và dám hy sinh như những người trên chuyến đò của anh Thắng hôm đó...”.

Chúng tôi ngược đường 12 từ Ba Đồn lên Tuyên Hóa để tìm anh Thắng. Thạch Hóa (Tuyên Hóa) là một xã vùng núi nghèo, Trần Quang Thắng (SN 1982), người cầm lái con đò hôm đó, có hộ khẩu tại Thiết Sơn, thôn nghèo nhất của xã. Hỏi thăm nhà của Thắng ở đâu, dân nơi đây bảo Thắng không có nhà, không có đất định cư.

Nhà của Thắng chính là con đò nhỏ giúp các anh cứu 36 mạng người. Con đò ấy là toàn bộ cơ ngơi và gia sản của Thắng. Thắng cùng vợ và đứa con nhỏ 18 tháng lênh đênh mưu sinh trên đó, làm đủ nghề để sinh nhai mà chủ yếu là buôn hàng xén từ chợ Ông về chợ Ba Đồn và ngược lại...

Gặp Thắng trong ngôi nhà nhỏ của cụ thân sinh là ông Trần Văn Hợp. Ông Hợp bảo, từ nhỏ Thắng đã như rái cá. Chúng tôi gạn hỏi mãi, Thắng mới kể.

...Lúc đó, mới bảy giờ sáng. Mùa đông trên sông, trời sáng rất muộn. Em cùng với ba người nữa là em ruột Trần Quốc Hoàn (SN 1990) và bố con dượng của em là Mai Văn Luyện (SN 1966) và Mai Thanh Phong (SN 1992) dậy từ sáu giờ sáng. Chúng em chở hàng xuống bán ở chợ Ba Đồn và mua hàng ở đó lên bán ở chợ Ông.

UBND huyện Quảng Trạch tặng bốn thành viên đi trên con đò cứu người của anh Thắng mỗi người một triệu đồng. Sở GTVT, Bộ GTVT cũng đến thăm và tặng quà cho họ.

Theo anh Hồ An Phong, Bí thư Tỉnh Đoàn Quảng Bình, tổ chức đang làm hồ sơ đề nghị tặng các thành viên có thành tích xuất sắc trong việc cứu hộ cứu nạn vụ chìm đò kinh hoàng này danh hiệu “Tuổi trẻ dũng cảm”.

Chính quyền địa phương cũng đang hoàn tất hồ sơ tặng bằng khen cho các thành viên trên.

Thuyền gần đến cồn nổi Quảng Hải thì thấy một đò ngang đang chạy sang bờ Bắc sông Gianh. Lúc đó gió to và lạnh lắm. Em cầm lái. Bỗng dưng chiếc đò ngang xoay, chém sóng. Người trên thuyền nhốn nháo. 

Linh tính mách bảo đò ngang sẽ bị chìm. Em tăng ga. Đò ngang nghiêng hẳn. Mọi người trên đò bị hất trọn xuống sông. Lúc đó đò của em cách chiếc đò ngang phải hơn trăm mét.

Hàng chục người chới với, quẫy đạp. Những bàn tay đưa lên cầu cứu. Em hét to, bảo người trên thuyền của em chuẩn bị sào, phao và những gì có thể để sẵn sàng ứng cứu.

Thuyền của em xả hết ga đến khét lẹt miễn làm sao tiếp cận nhanh nhất nơi bị nạn. Em quát: “Em (Thắng) cùng với dượng Luyện ở lại trên đò vớt những người còn nổi. Còn Hoàn và Phong chuẩn bị lặn”.

Anh hùng sông Gianh ảnh 1
Lãnh đạo huyện Quảng Trạch trao quà cho Trần Quang Thắng và Trần Quốc Hoàn

Lạnh buốt. Vừa cởi quần áo, toàn thân của Hoàn và Phong tím cả lại. Mặc. Tay kéo, tay sào, em cùng dượng Luyện vớt hết người này đến người khác, miễn là họ đang nổi trên mặt nước.

Được chừng gần 15 người lên được đò thì trên mặt nước chẳng còn ai. Hoàn và Phong nhảy xuống. Hai anh em thả người chìm hẳn xuống đáy sông để thoát khỏi sự đeo bám của mọi người trong cơn tuyệt vọng. Đó là kinh nghiệm tối thiểu khi muốn cứu nhiều người bị đuối nước.

Lần lặn thứ nhất, Hoàn, Phong đưa lên đò thêm hai người. Lần lặn thứ hai, thêm hai người nữa. Cứ thế, sau 10 lần lặn, 20 người được đưa lên đò. Lần thứ 11, cả Phong và Hoàn không đưa thêm được người nào nữa.

Mặt sông lúc đó lặng phắc. Hoàng và Phong vịn tay vào mạn đò, hai hàm răng đánh vào nhau lập cập. Đò bọn em chạy vào bờ để thêm sự trợ giúp của người trên bờ, sơ cứu những người bị nạn.

Chúng em lại quay lại hiện trường, dùng sào rà khắp cả một vùng. Có lẽ nước đã đẩy trôi họ khỏi vùng bị nạn. Chúng em ở lại đó cho đến tối mịt đêm 30.

Chúng tôi quay trở về làng nổi Cồn Sẻ để gặp Phạm Văn Chung, người mà dân Quảng Hải, Quảng Bình cũng như lực lượng cứu hộ luôn nhắc đến trong việc tìm kiếm thi thể các nạn nhân. Chung là phó Bí thư Đoàn Xã Quảng Lộc.

Khi nạn xảy ra, Chung tập hợp ngay một đội thanh niên tình nguyện gồm 30 đoàn viên (ĐV). Với kinh nghiệm của người quen nghề sông nước, Chung đưa ra sáng kiến dùng lưỡi câu rà để tìm xác.

Hai thuyền chạy song song, căng ở giữa một dàn lưỡi câu và chạy ngược từ hạ du lên thượng nguồn. Phần lớn xác nạn nhân được tìm thấy bằng cách này.

Chung động viên đồng đội, khâm liệm, nhập quan hàng chục người. Mãi đến thời khắc giao thừa, người Chung vẫn ướt sũng. Anh chạy ngược chạy xuôi, cùng các ĐV khác đưa người xấu số ra nghĩa trang làng...

MỚI - NÓNG