Gặp "Táo Thoát nước"

Gặp "Táo Thoát nước"
TP - Chương trình Táo quân 2009, phát sóng trên VTV đêm Giao thừa vừa qua, "Táo Thoát nước" Tự Long đã mang đến cho khán giả những màn cười nghiêng ngả cùng những thông điệp nhiều ý nghĩa.
Gặp "Táo Thoát nước" ảnh 1
Nghệ sĩ Tự Long

Năm mới, niềm vui lớn nhất mà nghệ sĩ Long chèo có được là gì?

Niềm vui lớn nhất mà Tự Long có được chính là tạo được dấu ấn và sự động viên, cổ vũ của khán giả với vai Táo Thoát nước trong Táo quân 2009.

Chất liệu để diễn trong vai Táo Thoát nước là do chính anh sáng tạo ra?

Tất nhiên là mình sáng tạo ra và cộng với cả gom nhặt từ cuộc sống nữa chứ. Dựa trên kịch bản “xương sống”, nghệ sĩ tìm ra cách diễn và sáng tạo, cộng với ngẫu hứng sân khấu để tạo ra tiểu phẩm hài.

Cũng có những cái cố định như bài hát cuối cùng của Táo Thoát nước trong kịch bản đã có sẵn rồi. Còn lại các kiểu hát, cách hát, một số bài hát làm sao cho nhân vật của mình sinh động hơn, phải do mình nghĩ. Sau đó đạo diễn, rồi anh em nghệ sĩ góp ý để cho hay hơn.

Các anh phải tập luyện bao lâu?

Tổng số buổi tập là 10. Vai của tôi mất khoảng ba đêm. Nói chung năm nào tập cũng vất vả. Gặp nhau Cuối năm là sự sáng tạo tập thể. Cứ người này ngồi xem rồi đắp thêm cho người kia.

Vân Dung học hát chèo lồi cả mắt, Minh Hằng học hát xẩm khản cả cổ. Vất vả nhất là Nam Tào - Xuân Bắc, Bắc Đẩu - Công Lý và Ngọc Hoàng – Quốc Khánh. Họ phải có mặt ở tất cả các buổi tập chứ không tự tập riêng như các Táo được.

Anh thấy vai Táo Thoát nước của mình năm nay có gì thú vị hơn mọi năm?

Lúc làm, tôi thấy cũng bình thường, không có gì là ghê gớm cả. Nói một cách nghiêm túc Táo Thoát nước năm nay có vẻ hơi khác một chút so với các Táo khác. Nói như Ngọc Hoàng thì đó là vai Táo lạ. Các Táo năm nay ít điều để nói, để diễn nên Táo Thoát nước có cơ hội tung hoành hơn với trận mưa lụt lịch sử của năm cũ.

Khán giả lại nhớ đến anh và thích thú khi nghe anh hát trên sân khấu hài hơn!

Tôi là diễn viên chèo, hát là lợi thế của tôi và phải tận dụng chứ. Tội gì không hát nhỉ. Bản thân khi xem lại, tôi thấy vai diễn sinh động hơn và làm cho khán giả có cảm giác khác màu đi một chút trong các màn nói của các bạn diễn khác.

Mà phải hát thế nào cơ. Chỉ là hát một câu chèo ngọt ngào, một câu hát then, hay đổ một câu cải lương mùi mẫn thì dễ lắm. Nhưng hát mà phải chuyển tải được nội dung mình muốn nói mới là điều khó.

Không dùng giọng hát của mình để tạo nét riêng và làm cho vai diễn hay hơn thì phí lắm. Nếu có ai đó bảo tôi diễn hài không hay, mà hát hay, tôi vẫn hạnh phúc như thường.

Xem anh tập hay hơn khi biểu diễn!

Thường thường bao giờ tập cũng hay hơn là khi biểu diễn. Có những khi tập xong, có nhiều cái hay lắm, tự nhiên nghĩ ra, cảm thấy rất được. Nhưng tập nhiều quá, cứ lướt lướt đi. Đến lúc quay về, thì đôi khi lại không tìm được cái mình sáng tạo. Một tiểu phẩm hài luôn luôn có sự ngẫu hứng và cảm xúc khác nhau. Để mang lại được tiếng cười cho khán giả tôi nghĩ còn khó hơn là lấy được nước mắt của họ.

Xem lại trên truyền hình, anh còn thấy tiếc điều gì mình chưa làm được?

Điều tiếc nhất của tôi chính là thời gian tập cho chương trình không nhiều. Nếu có thêm thời gian, Táo quân 2009 sẽ còn hay hơn nữa. Không riêng gì tôi mà các Táo năm nay cũng không có nhiều đòn, nhiều chiêu xuất sắc để tung ra. Bản thân kịch bản năm nay cũng không có nhiều vấn đề để diễn.

Hơn nữa đúng là vấn đề nổi cộm nhất năm vừa rồi chỉ là khủng hoảng kinh tế, giá cả và lụt lội. Nên anh em ít chiêu để tung ra. Như Táo Tiêu dùng Vân Dung kêu suốt là chẳng có gì để diễn.

Nàng này đòi thay đổi nhiều nhất đấy. Và một điều nữa, vai Táo Thoát nước tương đối dài đấy, nhưng bị cắt cũng nhiều. Nguyên nhân là vấn đề thời lượng. Cũng hơi tiếc.

Cảm ơn anh về cuộc trò chuyện thú vị này. 

Ngọc Đinh
thực hiện

MỚI - NÓNG
Kiểm toán Nhà nước cảnh báo dấu hiệu mất an toàn tài chính tại một số doanh nghiệp
Kiểm toán Nhà nước cảnh báo dấu hiệu mất an toàn tài chính tại một số doanh nghiệp
TPO - Kiểm toán Nhà nước (KTNN) chỉ ra những thiếu sót, bất cập, đồng thời đưa ra khuyến nghị giúp các tập đoàn, tổng công ty nhà nước hoàn thiện, nâng cao hiệu quả quản lý tài chính công, tài sản công. Đáng chú ý, KTNN cũng cảnh báo một số doanh nghiệp có dấu hiệu mất an toàn về tài chính.
Năm học 2023-2024, Hà Nội được bổ sung 2.648 biên chế giáo dục.
Hà Nội thiếu hơn 16.000 biên chế giáo dục
TPO - Số biên chế sự nghiệp giáo dục của thành phố Hà Nội thiếu so với định mức do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định là 16.004 người. Năm học 2023- 2024, thành phố đề nghị được giao thêm 8.939 biên chế khối giáo dục nhưng chỉ được bổ sung 2.648 biên chế.