Chuẩn phát triển trẻ 5 tuổi: Cần sát thực tế

Chuẩn phát triển trẻ 5 tuổi: Cần sát thực tế
Những chỉ số mà Bộ GDĐT vừa đưa ra trong Dự thảo bộ chuẩn phát triển trẻ 60-72 tháng tuổi đang dấy lên nhiều luồng dư luận khác nhau.
Chuẩn phát triển trẻ 5 tuổi: Cần sát thực tế ảnh 1
Minh họa: Choai.

Trong đó, số người ủng hộ đổi mới với quan điểm những quy chuẩn của Bộ cũng "có lý" và đó là mục tiêu cần đạt được. Song, luồng ý kiến phản biện lại những chuẩn này cũng không phải ít...

Chuẩn cần sát thực tế

Dự thảo Bộ chuẩn phát triển trẻ 5 tuổi bao gồm bốn lĩnh vực, có 29 chuẩn và 125 chỉ số.

 Ví dụ như ở lĩnh vực phát triển thể chất có các chỉ số như: Chạy liên tục 150m không tính thời gian; đi giật lùi được ít nhất 5m theo hướng thẳng; cài và mở được cúc áo... Lĩnh vực  phát triển tình cảm và quan hệ xã hội: Biết mình là trai hay gái và có ứng xử phù hợp; cố gắng kiềm chế những cảm xúc tiêu cực...

Theo những người soạn thảo, thì mục đích bộ chuẩn là cơ sở giúp giáo viên mầm non điều chỉnh kế hoạch, nội dung giáo dục, lựa chọn biện pháp tổ chức các hoạt động giáo dục phù hợp; căn cứ cho việc điều chỉnh và phát triển chương trình giáo dục mầm non, chương trình đào tạo, bồi dưỡng giáo viên mầm non, xây dựng các tài liệu có liên quan đến sự phát triển toàn diện của trẻ; đánh giá chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ 5 tuổi của các cơ sở giáo dục mầm non; và giúp các bậc cha mẹ nâng cao nhận thức, kỹ năng chăm sóc, giáo dục trẻ và chuẩn bị cho trẻ vào lớp một; góp phần xây dựng các chương trình giáo dục cộng đồng có liên quan.

Căn cứ vào nội dung từng chỉ số của bộ chuẩn, giáo viên đánh giá sự phát triển của trẻ. Cuối mỗi học kỳ, giáo viên báo cáo kết quả đánh giá sự phát triển của trẻ với ban giám hiệu, làm căn cứ đánh giá chất lượng chăm sóc, giáo dục của từng lớp và nhà trường. Kết quả đánh giá của từng trẻ được lưu trong hồ sơ cá nhân của trẻ.

Tuy nhiên, xung quanh bộ chuẩn này có nhiều ý kiến chưa đồng thuận. Chị Nguyễn Thị Hồng Vân - GV Trường Mầm non X - Q. Phú Nhuận, cho biết: Một số chuẩn đưa ra là chưa sát thực.

Cụ thể, với quy định một trẻ 5 tuổi phải đi giật lùi được ít nhất 5m theo hướng thẳng cần phải xem lại. Bởi, điều này nghe ra tưởng dễ thực hiện, nhưng trong thực tế không phải đứa trẻ nào ở độ tuổi này cũng làm được.

Ngoài ra, cũng theo Bộ GDĐT thì quy định này có 4 mục đích. Trong đó có mục đích là giúp giáo viên mầm non điều chỉnh kế hoạch, nội dung giáo dục, chọn lựa biện pháp tổ chức các hoạt động giáo dục phù hợp... Song, thử hỏi hiện nay trình độ của giáo viên mầm non trong cả nước ta có thống nhất và đạt được một chuẩn chung nào chưa để mà giáo viên có thể "tự đưa ra nội dung giáo dục, lựa chọn biện pháp..." thích hợp để dạy cho các cháu.

Dược sĩ Lệ Thu - chủ nhà thuốc trên đường Đinh Tiên Hoàng - TPHCM nói: Con tôi vẫn được cho là phát triển tốt so với những đứa bé cùng tuổi. Song, nếu so với chuẩn mà dự thảo của bộ vừa đưa ra thì vẫn có những điểm không đạt. Ví dụ, bé không có thói quen bước bậc thang luân phiên theo từng chân mà thường là cứ hai chân lên một cầu thang rồi mới tiếp tục hai chân lên bậc kế tiếp.

Tương tự,  khá nhiều quy chuẩn khác mà dự thảo nêu, tôi cho rằng không hợp lý bởi trẻ con có lúc như thế này, nhưng cũng có lúc bé thế khác. Bên cạnh đó, tôi cho rằng việc phải ghi nhận tất cả những điểm chuẩn này vào hồ sơ học bạ của trẻ mỗi học kỳ là điều không nên làm.

Có thể nói, dù là ủng hộ hay "phản biện" thì các luồng dư luận hiện nay cũng cho rằng việc Bộ GDĐT đưa ra chuẩn để phấn đấu là điều cần thiết. Nhưng Bộ GDĐT cần phối hợp với các cơ quan nghiên cứu về sức khỏe, dinh dưỡng và tâm sinh lý trẻ để đưa ra những con số  khảo sát thực tế, từ đó đưa ra một số chỉ tiêu mang tính tổng quát chứ không nên  đưa ra một dự thảo với chuẩn quá chi tiết như hiện nay rất rườm rà và rối rắm, mà không sát với thực tế.

Phức tạp hay đơn giản?

Ông Văn Đình Ưng - Phó Chánh Văn phòng Bộ GDĐT cho biết, bộ chuẩn đã được tiến hành xây dựng từ năm 2005. Để đưa ra được dự thảo này, bộ đã tổ chức các hội thảo, tham khảo các dự án, đề án của nước ngoài. Bộ GDĐT đưa ra mong muốn nhận được sự đóng góp ý kiến của dư luận xã hội. Và bộ sẽ sớm có câu trả lời chính thức về cơ sở khoa học, quá trình xây dựng dự thảo bộ chuẩn.

Cô Trần Thị Oanh - với kinh nghiệm 17 năm đứng lớp, nhận xét thể chất của HS 5 tuổi ngày trước không được như bây giờ, các cháu chỉ từ 17 - 22kg, nay trẻ 5 tuổi đã phát triển hơn nhiều, thông minh hơn, nhận thức nhanh hơn...

Hiện nay bộ vẫn có các yêu cầu cần đạt ở mỗi lứa tuổi mầm non, nếu như cách đây chục năm thì những yêu cầu đó là mức trung bình thì khoảng 2 - 3 năm trở lại đây thì thấp so với các cháu nên ngay trong quá trình dạy, các cô đã nâng một số yêu cầu lên để kích thích tư duy.

Tuy nhiên, trong các chỉ số của dự thảo có những chỉ số quá đơn giản đối với trẻ 5 tuổi như "Cầm bát, thìa xúc ăn gọn gàng, không làm rơi vãi" hay như chỉ số "Biết mình là trai hay gái và có ứng xử phù hợp"... Bên cạnh đó, có những tiêu chí khá khó để đánh giá như "không đi theo và nhận quà của người lạ...";  hay yêu cầu biết địa chỉ hay số điện thoại nhà riêng thì điều này còn phụ thuộc vào phụ huynh có dạy cho các cháu không, chứ cô giáo khó mà làm được.

Cô Phan Thị Tâm - Hiệu trưởng Trường Mầm non thực hành Hoa Sen nhận xét: Có những chỉ số được nâng lên như "Chạy liên tục 150m không tính thời gian (không bỏ cuộc giữa chừng)" - trước đây mới chỉ cho các cháu chạy 120m chạy chậm và 80m chạy nhanh, bây giờ tăng thêm chắc cũng không phải quá cao đối với các cháu. ...

Theo cô Tâm, thực hiện đánh giá khách quan có cái lợi là giáo viên và phụ huynh sẽ biết rõ về trẻ. Tuy nhiên, dù sao cũng có những trẻ có thể chất, tư duy không bằng các bạn, vì vậy nếu để chữ "chuẩn" thì phụ huynh sẽ lo lắng, con không đạt sẽ lại áy náy, chịu áp lực. Có lẽ nên dùng chữ "yêu cầu mong đợi" thì sẽ nhẹ hơn.

Cũng theo cô Tâm, nếu để đánh giá theo đúng 125 tiêu chí này thì đây là việc khá mất thời gian. Nếu giáo viên có năng lực, tâm huyết thì ngay trong quá trình dạy đã có sự quan sát, nhận xét để khi thực hiện đánh giá sẽ nhanh hơn. Nếu đơn vị không quá đông, các cô có thời gian thì cũng làm được. Còn nếu đông quá, nhiều khả năng sẽ không đánh giá thực chất nữa vì có một số chỉ số phải đo trực tiếp trên trẻ.

Theo Hạnh Ngân - Linh Lan
Lao động

MỚI - NÓNG