Trí thức trẻ tương lai trước vận hội đất nước

Trí thức trẻ tương lai trước vận hội đất nước
TPO - Sinh viên Việt Nam sẽ “học tập-sáng tạo-hội nhập-phát triển” ra sao, sẽ “rèn đức, luyện tài” thế nào trước đòi hỏi lớn lao của đất nước? Những trăn trở, hoài bão và khát vọng của họ đã được chia sẻ tại Bàn tròn trực tuyến trên Tiền Phong Online chiều nay.

Trước thềm Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Sinh viên Việt Nam lần thứ VIII diễn ra tại thủ đô Hà Nội (13-16/2), đại diện lãnh đạo T.Ư Đoàn TNCS HCM, T.Ư Hội SVVN, cùng các đại biểu sinh viên ưu tú trong và ngoài nước đã tới làm khách mời của Bàn tròn trực tuyến trên Tiền Phong Online với chủ đề “Trí thức trẻ tương lai trước vận hội đất nước”. 

Khách mời của Tiền Phong Online:

- Trần Ngọc Oanh: Nghiên cứu sinh năm thứ hai chuyên ngành tài chính bất động sản – Đại học Paris Dauphine – Cộng hòa Pháp, Tổng Thư ký Hội Sinh viên Việt Nam tại Pháp.

- Nguyễn Xuân Tú: Cử nhân kinh tế quốc tế trường Fontys Unversity of Applied Sciences – Hà Lan, Phó Chủ tịch Hội Sinh viên Việt Nam tại Hà Lan.

- Chu Lê Trung: Chủ tịch Hội Sinh viên Trường ĐH Thăng Long, Hà Nội; Giải vàng cuộc thi Thắp sáng Tài năng Kinh doanh Trẻ năm 2008.

- Hoàng Hà Phương: Sinh viên Đại học Dược Hà Nội, bốn năm liền có thành tích xuất sắc trong học tập và NCKH của trường.

-  Phạm Yên Khang: Sinh viên Đại học Sư phạm – Đại học Huế; Giải thưởng Sao Tháng Giêng năm học 2007 – 2008; Giải nhì Olympic Hóa học Sinh viên Toàn quốc năm 2008.

- Trần Vĩnh Sơn: Sinh viên ĐH Khoa học Tự nhiên, ĐHQG TPHCM; Giải thưởng Sao Tháng Giêng 2007; Giải nhất Olympic Vật lý Sinh viên Toàn quốc.

- Vũ Thanh Mai : UV Thường vụ BCH TƯ Đoàn, Phó Chủ tịch thường trực TƯ Hội Sinh viên Việt Nam

Trí thức trẻ tương lai trước vận hội đất nước ảnh 1
Anh Đoàn Công Huynh – Tổng Biên tập báo Tiền Phong (trái) và anh Vũ Thanh Mai - UV Thường vụ BCH TƯ Đoàn, Phó Chủ tịch thường trực TƯ Hội Sinh viên Việt Nam, tại Bàn tròn trực tuyến trên Tiền phong Online.

Mở đầu chương trình giao lưu trực tuyến, anh Đoàn Công Huynh – Tổng Biên tập báo Tiền Phong nói:

Đại hội Đại biểu toàn quốc Hội Sinh viên Việt Nam lần thứ VIII được đông đảo các bạn trẻ quan tâm. Báo Tiền Phong cũng rất quan tâm đến đại hội. Nhân dịp này, Báo Tiền Phong tổ chức bàn tròn trực tuyến. Thay mặt Ban Biên tập báo, tôi xin hoan nghênh, chào mừng các bạn đến dự chương trình giao lưu hôm nay.

Hy vọng, chúng ta sẽ có cuộc trao đổi cởi mở, chân tình, qua đó bày tỏ những tâm tư, tình cảm, trao đổi những vấn đề thiết yếu của tuổi trẻ tinh hoa.

Xin cảm ơn và chúc chương trình giao lưu thành công tốt đẹp

Trí thức trẻ tương lai trước vận hội đất nước ảnh 2
Anh Vũ Thanh Mai
Anh Vũ Thanh Mai: Thay mặt ban tổ chức ĐH VIII – Hội Sinh viên Việt Nam xin trân trọng cảm ơn các cấp ủy Đảng, chính quyền, Đoàn Thanh niên đã quan tâm chỉ đạo, tạo điều kiện cho Hội SV chuẩn bị tốt công tác tổ chức ĐH hội SV các cấp tiến tới ĐH Đại biểu toàn quốc Hội Sinh viên Việt Nam lần thứ VIII.

Xin cảm ơn các cơ quan thông tấn báo chí đã tích cực tuyên truyền về Đại hội tới đông đảo sinh viên và các tầng lớp nhân dân trong và ngoài nước; Cảm ơn ban biên tập báo Tiền phong đã tạo điều kiện để cán bộ Hội, sinh viên tiêu biểu được giao lưu, trao đổi với sinh viên trong và ngoài nước thông qua buổi giao lưu trực tuyến ngày hôm nay

Bạn Trần Ngọc Oanh: Tôi xin trân trọng cảm ơn báo Tiền Phong đã mời tôi tới dự cuộc giao lưu trực tuyến hôm nay để được gặp gỡ giao lưu với các bạn trẻ trong và ngoài nước.

Tôi đi du học Pháp là vì muốn được tiếp nhận một nền giáo dục chất lượng cao. Về chất lượng đào tạo, Cộng hòa Pháp rất có uy tín, cởi mở với du học sinh các nước.

Hàng năm, sinh viên Việt Nam sang Pháp học tập, nghiên cứu rất đông, chủ yếu học chương trình Thạc sĩ trở lên. Số lượng sinh viên Việt Nam tại Pháp tăng khá nhanh, từ khoảng 500 sinh viên năm 2005 lên tới gần 6000 trong thời điểm hiện tại.

Trí thức trẻ tương lai trước vận hội đất nước ảnh 3
Bạn Trần Ngọc Oanh
Theo quan sát của tôi, đa số các bạn du học sinh ở Pháp chủ yếu học xong về Việt Nam công tác, số này chiếm khoảng 2/3 du học sinh Việt Nam tại Pháp. Một số bạn làm việc ở Pháp sau tốt nghiệp nhưng thường lên kế hoạch ở lại để tích lũy kinh nghiệm để vài năm sau quay về phục vụ đất nước.

Đây là một tư tưởng tiến bộ, bởi không có nghĩa học xong về Việt Nam ngay mới là yêu quê hương đất nước, quan trọng là những việc làm thiết thực của mỗi người.

Về dự đại hội, mình sẽ nêu ý kiến về vấn đề làm thế nào để tập hợp, đoàn kết sinh viên Việt Nam ở nước ngoài. Sau khi đã tập hợp lại, họ làm được gì cho cộng đồng và đất nước?

Bên cạnh đó, du học sinh Việt Nam ở Pháp sẽ đẩy mạnh việc tương tác, đoàn kết Hội Sinh viên Việt Nam và Hội Sinh viên Việt Nam ở nước ngoài, từ đó học hỏi lẫn nhau.

Trần Vĩnh Sơn (TPHCM): Tại TPHCM sinh hoạt khá đắt đỏ. Sinh viên tại đây là những bạn đến từ các miền khác nhau trên đất nước nên cũng gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống. Tuy nhiên, các bạn cũng vượt qua được những cản trở để học tốt hơn.

Công tác học tập, nghiên cứu cũng gặp nhiều khó khăn. Ví dụ như trong việc hướng dẫn và hỗ trợ kinh phí nghiên cứu. Ngoài ra, sau khi các bạn nghiên cứu thì các đề tài cũng không được ứng dụng vào cuộc sống nhiều,  điều này gây ra sự lãng phí chất xám cũng như công sức của sinh viên và thầy cô.

Chu Lê Trung- Chủ tịch Hội sinh viên trường Đại học Thăng Long, Hà Nội:

Là đại biểu tham dự đại hội với tư cách là Chủ tịch Hội sinh viên trường ĐH Thăng Long, Hà Nội và Ủy viên thư ký của Hội Sinh viên thành phố Hà Nội, em nhận thấy sinh viên Việt Nam hiện nay đang đứng trước những vấn đề nóng bỏng của đất nước, trong đó có vấn đề hội nhập.

Trong khuôn khổ buổi giao lưu hôm nay, trong tâm thế sẵn sàng giao lưu với bạn đọc, chúng ta sẽ cùng trao đổi thẳng thắn. Tại đại hội, thay mặt cho hội SV Hà Nội, tôi cũng có bài tham luận về sinh viên học tập và nghiên cứu khoa học. Hy vọng qua cuộc trao đổi này, chúng ta sẽ cùng chia sẻ một số quan điểm và đề xuất một số ý kiến.

Hoàng Hà Phương- Sinh viên Đại học Dược Hà Nội:

Khi đọc chủ đề của cuộc bàn tròn trực truyến, điều đầu tiên mà em nghĩ đến là làm sao để sinh viên VN có thể phát triển toàn diện cả về kiến thức và kỹ năng để có thể đáp ứng điều kiện hội nhập hiện nay. Đặc biệt, khi em là sinh viên của một trường kỹ thuật, nơi sinh viên thường chỉ chú tâm vào học tập, không quan tâm nhiều lắm đến các hoạt động xã hội.

Mọi người vẫn thường nói: "Nhất Y, nhì Dược", điều này không chỉ ý nói  đến điểm thi đầu vào mà còn về cường độ công việc. Khi nhắc đến sinh viên các trường y dược, mọi người thường nghĩ đó là những con mọt sách, chỉ biết có học tập. Em muốn làm thay đổi quan điểm đó. Sinh viên các trường kỹ thuật hoàn toàn có thể tham gia các hoạt động xã hội và đưa khoa học vào cuộc sống. Khi đó, những "con mọt sách" sẽ trở thành "những con ong".

Vấn đề trăn trở thứ hai của em là phương pháp thu hút và tập hợp sinh viên. Đó cũng chính là chủ đề tham luận mà em đem đến đại hội sinh viên lần này.

Một vấn đề khác, hiện nhiều người nghĩ rằng, sinh viên hiện nay mắc vào nhiều tệ nạn vì thiếu diện tích vui chơi. Nhưng em nghĩ, đó chỉ là cách đổ lỗi cho khách quan. Vì với một diện tích nhỏ, khi bạn đầu tư công sức và sự sáng tạo, vẫn có thể có rất nhiều hoạt động thú vị.

Quãng đời sinh viên chỉ có 4-5 năm, chúng ta không có nhiều thời gian để kêu ca về những thiếu thốn hiện nay. Trong thời gian chờ đợi những thay đổi, cần tìm cách thích nghi và tận dụng tối đa những gì đang có.

Về sự khác nhau giữa cách học tập của sinh viên Việt Nam và sinh viên thế giới, ai cũng nhận thấy, các bạn sinh viên quốc tế thường chủ động hơn trong học tập, tích cực tự học và đọc sách tham khảo.

Ở Việt Nam, sinh viên không có thói quen này, một phần là do bản thân sinh viên, phần khác là do thiếu nguồn sách tham khảo cập nhật, giờ mở cửa thư viện thì rất hạn chế (đóng, mở cửa quá sớm và chỉ có trong giờ hành chính). Những bạn đam mê nghiên cứu thực sự thường phải xoay xở nhiều cách để có được e-book cập nhật để đọc tại nhà.

Trí thức trẻ tương lai trước vận hội đất nước ảnh 4
Nguyễn Xuân Tú
Nguyễn Xuân Tú: Xin chào các bạn, mình vinh dự được đại diện cho sinh viên Việt Nam ở Hà Lan về dự đại hội lần này.

Ở Hà Lan, phần lớn sinh viên Việt Nam nghiên cứu chương trình thạc sĩ và tiến sĩ. Các sinh viên thường sống ở các thành phố khác nhau, chi phí đắt, ít đi lại nên Hội Sinh viên tại đây tổ chức họp online hai tháng một lần để trao đổi thông tin.

Sinh viên Việt Nam ở Hà Lan tổ chức nhiều hoạt động, dù mới thành lập được hơn 1 năm (hoạt động từ tháng 10/2007).

Mỗi năm, Hội Sinh viên Việt Nam tổ chức hai hoạt động chính: thể thao (đá bóng) và học tập (tổ chức đại hội việc làm, tìm kiếm việc làm sau tốt nghiệp). Đây là gợi ý của các công ty của Hà Lan vì họ biết sinh viên Việt Nam rất chăm chỉ.

Sinh viên Việt Nam hòa nhập rất nhanh, cởi mở, cố gắng giao lưu với sinh viên quốc tế chứ không giới hạn trong nhóm. Hàng năm, Hội sinh viên phối hợp với Đại sứ quán để vinh danh những người tốt nghiệp xuất sắc.

Hội Sinh viên tại Hà Lan sẽ đẩy mạnh gắn kết giữa các sinh viên ở nhiều nước để giúp đỡ nhau trong học tập, tìm việc làm. Nếu có sự liên kết của sinh viên toàn châu Âu, sẽ rất dễ trong việc tìm kiếm cơ hội thực tập cũng như công việc.  

Trí thức trẻ tương lai trước vận hội đất nước ảnh 5
Anh Vũ Thanh Mai
Tôi thấy hiện nay sinh viên rất năng động, rất quan tâm đến tình hình kinh tế của đất nước. Tuy nhiên tình hình chính trị chưa được sinh viên quan tâm nhiều. Liệu chúng ta có thể làm gì để cải thiện vấn đề này? (Phạm Tân Khoa, 29 tuổi, P14, Tân Bình, TPHCM)

Anh Vũ Thanh Mai : Dưới sự lãnh đạo của Đảng, công cuộc đổi mới của đất nước đã đạt được những thành tựu quan trọng, thanh niên, học sinh, sinh viên là những trí thức trẻ tương lai của đất nước, có nhiều cơ hội được học tập và cống hiến, được khẳng định mình.

Có thể khẳng định rằng các bạn sinh viên ngày nay rất năng động và sáng tạo, quan tâm tới nhiều vấn đề để góp phần xây dựng đất nước.

Các bạn sinh viên ngoài học tập nâng cao trình độ chuyên môn cũng đã tích cực tham gia các hoạt động Đoàn hội, các hoạt động xã hội, chung sức cùng cộng đồng, như hoạt động Tiếp sức mùa thi, Sinh viên tình nguyện…, và cũng đã được xã hội ghi nhận, đánh giá cao.

Thông qua các hoạt động Đoàn, Hội, nhiều đoàn viên SV đã trưởng thành, được tổ chức Đoàn thanh niên giới thiệu với các cấp Ủy đảng để xem xét kết nạp. Sinh viên được đứng trong hàng ngũ của Đảng tăng dần theo các năm học.

Vì vậy, đối với mỗi bạn sinh viên, theo tôi cần nỗ lực trong học tập và rèn luyện, đồng thời tích cực tham gia các hoạt động Đoàn, Hội và các họat động xã hội để trở thành người sinh viên vừa “hồng” vừa “chuyên”, đáp ứng yêu cầu sự phát triển của đất nước.

Thưa anh Vũ Thanh Mai, tôi thấy hiện nay, phần lớn các SV tự vận động cho tương lai của bản thân họ, còn vai trò của Hội không được thể hiện một cách rõ rệt. Sắp tới là ĐH Hội SV, xin anh cho biết, Hội SVVN có những hành động gì cụ thể để khuyến khích, huy động sinh viên tham gia trực tiếp và hết mình vì vận hội đất nước? (Thành An, 20 tuổi, SV - Hà Nội)

Anh Vũ Thanh Mai : Trong những năm qua, Hội SV các cấp đã tổ chức nhiều hoạt động nhằm thu hút, tập hợp sinh viên, đồng thời hỗ trợ các bạn sinh viên trong học tập và rèn luyện.

ĐH VIII Hội SVVN sẽ quyết định những quyết sách quan trọng trong công tác hội và phong trào sinh viên nhiệm kỳ 2009-2013, dự kiến Hội SVVN sẽ triển khai trong sinh viên hai cuộc vận động: Cuộc vận động Sinh viên 5 tốt -với các nội dung cụ thể: đạo đức tốt, học tập tốt, thể lực tốt, kỹ năng tốt, hội nhập tốt và Cuộc vận động sinh viên xây dựng môi trường giáo dục thân thiện, lành mạnh.

Trong nhiệm kỳ tới, hội SV dự kiến thực hiện đồng bộ 5 Chương trình- là giải pháp cơ bản hỗ trợ cổ vũ, động viên, tạo điều kiện, môi trường để sinh viên phấn đấu thi đua đạt danh hiệu sinh viên 5 tốt: Chương trình SV rèn luyện đạo đức, tác phong; Chương trình sinh viên học tập, sáng tạo; Chương trình Tư vấn hỗ trợ sinh viên; Chương trình sinh viên tình nguyện; Chương trình xây dựng Hội sinh viên VN vững mạnh.

Câu hỏi cho bạn Trần Ngọc Oanh: Mình được biết vừa qua hội sinh viên VN tại Pháp đã tổ chức rất thành công chương trình Miss Xuân. Là một thành viên trong BTC, bạn cho biết bí quyết nào mà các bạn có thể tổ chức thành công một chương trình có quy mô lớn như vậy?(T.H, 28 tuổi, Fontenay)

Trần Ngọc Oanh: Cuộc thi người đẹp sinh viên Việt Nam ở Pháp (Miss Xuân 2009) là nội dung chính của chương trình Chào Xuân 2009.

Thành công của chương trình, theo mình, là ở sự nhiệt tình, năng động, sáng tạo và đoàn kết của tất cả các thành viên ban tổ chức và của các bạn thí sinh tham gia chương trình.

Trí thức trẻ tương lai trước vận hội đất nước ảnh 6
Nguyễn Xuân Tú (ngoài cùng bên phải)
Câu cho bạn Nguyễn Xuân Tú: Nếu sau này, khi học xong về nước mà bạn chỉ được nhận một mức lương bằng 1/5 so với môi trường làm việc ở nước ngoài thì bạn có về nước làm không? Bạn sẽ về Việt Nam làm vì điều gì? (Đỗ Đức Đăng, 19 tuổi, ĐH Bách Khoa)

Nguyễn Xuân Tú: Đối với mình, điều quan trọng nhất là sự thu hút từ công việc và môi trường làm việc, nếu cho mình làm một công việc có mức lương cao nhưng không phù hợp với sở thích của mình thì mình sẽ từ chối.

Vì vậy, nếu có học xong về nước mà chỉ với một mức lương bằng 1/5 ở môi trường làm việc nước ngoài, nhưng công việc này mình yêu thích và có cơ hội phát triển trong tương lai, thì mình vẫn sẽ quyết định về nước làm việc.

Hỏi bạn Trần Vĩnh Sơn: Bạn vừa học giỏi lại hoạt động đoàn tích cực, vừa được mọi người yêu mến, lại sắp được kết nạp Đảng nữa. Mình thấy tốn rất nhiều thời gian. Vậy làm sao bạn có thể sắp xếp được kế hoạch và làm tốt mọi thứ được như vậy?

Điều đầu tiên để các bạn có thể hoạt động tốt trong mọi lĩnh vực thì các bạn phải có sự sắp xếp thời gian cho phù hợp và tách biệt các công việc riêng rẽ để có thể từng bước giải quyết một cách khoa học.

Cụ thể phải có những kế hoạch riêng cho việc học tập và tham gia các công tác xã hội phù hợp với từng giai đoạn. Đồng thời cũng phải có quyết tâm hoàn thành tốt các công việc và kế hoạch đã đề ra.

Trí thức trẻ tương lai trước vận hội đất nước ảnh 7
Anh Vũ Thanh Mai
Hỏi anh Vũ Thanh Mai: Là lãnh đạo của Hội SV, theo anh, SVVN hiện nay còn thiếu phẩm chất gì để có thể nắm được "vận mệnh đất nước" trong tương lai? (Hoàng Hà, 24 tuổi, TPHCM)

Dưới ngọn cờ vẻ vang của Đảng, để góp phần cùng toàn Đảng, toàn dân thực hiện thắng lợi sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, vì mục tiêu Dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh, các bạn sinh viên cần ra sức học tập, rèn luyện, sống có lý tưởng Cách mạng, xây dựng ước mơ, hoài bão, có khát vọng vươn lên, chiếm lĩnh đỉnh cao khoa học-công nghệ, tích cực tham gia các hoat động Đoàn, Hội, bồi dưỡng những phẩm chất tốt đẹp, tinh thần vì cộng đồng, tương thân, tương ái, giúp đỡ, chia sẻ để cùng nhau học tập tốt, rèn luyện tốt.

Chào Khang, giáo viên không phải là một nghề "mốt" trong xã hội hiện nay, tại sao bạn lại lựa chọn công việc này? Ngoài ra, giáo dục VN hiện có rất nhiều vấn đề, như bệnh thành tích, những sự thay đổi trong lối sống của giới trẻ. Nếu là một giáo viên, bạn sẽ làm gì để góp phần vào nền giáo dục nước nhà?(Hà, 30 tuổi, TPHCM)

Trước hết phải khẳng định rằng, bất cứ một nghề nào trong xã hội cũng có vai trò quan trọng. Riêng nghề sư phạm còn có một vai trò vô cùng quan trọng, đó là đào tạo ra những con người phải toàn diện cả đức và tài. 

Hiện nay nhu cầu nguồn nhân lực qua đào tạo để phục vụ cho sự nghiệp CNH-HĐH đất nước là rất lớn, và giáo dục đào tạo đã và đang thực hiện trọng trách to lớn đó.

Với mong muốn được góp sức nhỏ bé của mình vào sự nghiệp trồng người, mình quyết định chọn nghề sư phạm. Đến bây giờ, mĩnh vẫn khẳng định rằng đó là một sự lựa chọn đúng đắn và mình đang quyết tâm theo đuổi nghề mà bạn cho là không "mốt".

Trí thức trẻ tương lai trước vận hội đất nước ảnh 8

Bạn Trần Vĩnh Sơn đặt câu hỏi cho Trần Ngọc Oanh: Theo bạn, điểm khác biệt giữa sinh viên Việt Nam và sinh viên quốc tế là gì?

Bạn Trần Ngọc Oanh: Điểm khác biệt giữa SVVN và SV Pháp có lẽ là ở phương pháp học tập và ý thức học tập. Cách làm việc của SV Pháp rất khoa học và hiệu quả. Ý thức học tập trên giảng đường của họ rất cao, có lẽ vì khối lượng kiến thức trong mỗi buổi học là rất lớn.

Sau giờ học chính, đa số SV Pháp  làm việc rất chăm chỉ trên thư viện, ở trung tâm nghiên cứu. Các bạn SV Pháp có thói quen đọc sách tham khảo và nghiên cứu mở rộng theo gợi ý của giáo viên trên lớp.

Một phần vì các bạn có nhiều sách tham khảo, một phần vì các bạn được giáo viên hướng dẫn nghiên cứu tài liệu tham khảo. Có lẽ đây cũng là một phương pháp học tập và giảng dạy tốt có thể áp dụng sâu rộng ở Việt Nam.

Trí thức trẻ tương lai trước vận hội đất nước ảnh 9
Bạn Phạm Yên Khang
Bạn Phạm Yên Khang trao đổi với Ngọc Oanh: Xin hỏi bạn Ngọc Oanh, giáo dục ở Pháp và Việt Nam có sự khác nhau như thế, vậy làm thế nào để học có hiệu quả?

Bạn Trần Ngọc Oanh: Thực ra không có bí quyết gì nhưng do khối lượng công việc lớn nên phải chăm chỉ làm việc. Ở Việt Nam, mình đã làm quen với môi trường làm việc ở Pháp qua công việc tại Phòng Công nghiệp và Thương mại Pháp tại Hà Nội. 

Đó là một bước tập dượt và hình thành dần thói quen. Ở Việt Nam, có thể ngủ trưa nhưng sang Pháp là không còn thói quen đó nữa.

Bạn Phạm Yên Khang: Ý kiến của bạn về vấn đề "chảy máu chất xám" hiện nay ?

Bạn Trần Ngọc Oanh: Nói về vấn đề chảy máu chất xám, theo mình, khái niệm này có lẽ cần phải xem xét lại. Máu chảy đi rồi không thể lấy lại được. Nhưng chất xám của SVVN được đào tạo ở nước ngoài vẫn là chất xám của Việt Nam nếu mình có các chính sách thu hút tốt.

Chất xám như một dòng chảy, luôn chảy đến nơi có nhu cầu và nơi chất xám đó được đánh giá đúng mức. Tại sao rất đông SVVN sau khi được đào tạo xong ở Pháp đã và đang quay về Việt Nam làm việc? Lí do không phải vì các bạn ấy không thể tìm được việc làm tại Pháp.

Tìm việc làm tại Pháp đối với sinh viên nước ngoài có thể khó, nhưng không phải là không thể. Lí do chủ yếu là các bạn du học sinh VN nhận thấy cơ hội và tiềm năng ở Việt Nam hiện nay. 

Trí thức trẻ tương lai trước vận hội đất nước ảnh 10
Chu Lê Trung
Anh Chu Lê Trung ơi, theo anh, hoạt động tình nguyện ngoài sự nhiệt huyết còn cần những tố chất gì? (Nguyễn Hoàng Minh, 18 tuổi, Cam Chính-Cam Lộ-Quảng Trị)

Chu Lê Trung: Nhiệt huyết là điều kiện cần của các hoạt động tình nguyện. Tuy nhiên đó chưa phải là tất cả. Mình cũng là một sinh viên tình nguyện, hoạt động tình nguyện ngay từ năm thứ nhất, chính vì vậy mình hiểu rất sâu sắc điều này.

Một hoạt động tình nguyện muốn hiệu quả, đạt được những kết quả mong muốn thì ngoài nhiệt tình ra chúng ta cần một sự định hướng chính xác từ người lãnh đạo, một mục tiêu cụ thể và thích hợp của bản thân, và các phương án tiếp cận một cách hợp lý thì chắc chắn sẽ thành công.

Theo các bạn, thanh niên Việt Nam cần ưu tiên rèn luyện những phẩm chất gì để không lạ lẫm với sân chơi hội nhập? Xin cảm ơn!(Nguyễn Văn Huỳnh, 26 tuổi, Hà Nội)

Chu Lê Trung: Để có thể hội nhập thì đòi hỏi rất nhiều kỹ năng. Kiến thức là điều bắt buộc, tuy nhiên những công cụ để giúp chúng ta có thể hội nhập tốt hơn đó chính là ngoại ngữ và trình độ tin học tốt.

Trí thức trẻ tương lai trước vận hội đất nước ảnh 11
Trần Vĩnh Sơn
Chào Sơn, "Sống là cho đâu chỉ nhận riêng mình" - bạn có phương châm sống rất ấn tượng, nó khiến mình nghĩ đến một thế hệ sẵn sàng "gánh đất nước trên vai". Bạn có thể kể cho mọi người nghe một hành động cụ thể về việc bạn đã làm, đã "cho", được không? - Phương Đông, 23 tuổi, Nhật bản

Trước hết, mình xin cảm ơn bạn đã có sự đồng cảm với mình về quan niệm sống như vậy. Một việc mà mình đã làm và mình nghĩ là mình đã "cho", đó là chuyến đi "Tình nguyện mùa hè xanh" năm 2007. Khi đó, mình về tỉnh An Giang. Ở đó, mình đã dạy cho các em nhỏ niềm yêu thích khoa học và cung cấp kiến thức cơ bản về tin học cho các em có hoàn cảnh khó khăn.

Chuyến đi đó để lại cho mình rất nhiều ấn tượng, nhưng mình chỉ "cho" một phần rất nhỏ trong khi đó lại "được" rất nhiều điều, đó là tình cảm của các em nhỏ, người dân địa phương. Qua đó, mình cũng học được rất nhiều điều từ cuộc sống, rằng trên đất nước này cũng còn rất nhiều hoàn cảnh khó khăn cần cả xã hội chung tay giúp đỡ. Và hy vọng ngọn lửa tình nguyện ấy sẽ lan tỏa nhiều hơn.

Trí thức trẻ tương lai trước vận hội đất nước ảnh 12
Phạm Yên Khang
Chào Khang, mẹ bạn cũng là một giáo viên, có phải vì thế mà bạn chọn theo nghề này. Mẹ bạn có ảnh hưởng như thế nào đến con đường nghề nghiệp của bạn?(Ngọc Cương, 23 tuổi, Hà Nội)

Đó cũng là một lý do nhưng không phải là lý do chủ yếu.

Đối với mình, mẹ là một người đã rất cố gắng để tạo điều kiện cho mình được học tập đến ngày hôm nay. Có những lúc gia đình gặp nhiều khó khăn, mẹ đã động viên để mình vượt qua. Mẹ luôn dõi theo những bước tiến của mình để có những chỉ bảo kịp thời...

Chính vì vậy, mình luôn an tâm để tập trung học tập tốt hơn nữa, đáp lại công lao to lớn của mẹ và gia đình. Con hứa sẽ cố gắng học tập, rèn luyện thật tốt như mẹ từng mong ước.

Em đi du học ở Pháp, có kiến thức rồi em có về nước ngay để cống hiến cho đất nước không? Em có tự hào vì mình là người Việt Nam không? Khi thành tài, em nghĩ tới điều gì đầu tiên? (Nguyen Van Thanh, 34 tuổi, Ve An - TP Bac Ninh)

Bạn Trần Ngọc Oanh: Quả thực là em đã may mắn được học bổng đi du học Pháp. Sau khi kết thúc việc học ở Pháp, em dự định làm việc ở Pháp vài năm trước khi về Việt Nam. Kiến thức thu được trong quá trình đào tạo ở Pháp sẽ giúp cho chính bản thân em trong quá trình công tác sau này.

Em cũng hi vọng rằng, những thành công trong công tác sau này có thể được gọi là một “cống hiến cho đất nước”.

Niềm tự hào là người Việt Nam thì vẫn luôn thường trực trong tâm tưởng em và chắc chắn không khi nào phai nhạt. Phấn đấu học tập và làm việc cũng chỉ mong được thành tài và một khi đạt được một ước mơ gì đó, điều em nghĩ đến đầu tiên bao giờ cũng là các thầy cô và gia đình mình, những người tạo điều kiện cho em được thành tài.

Trí thức trẻ tương lai trước vận hội đất nước ảnh 13
Trần Vĩnh Sơn

Xin được hỏi bạn Trần Vĩnh Sơn: Gia đình và bạn bè là động lực rất lớn giúp chúng ta cố gắng hoàn thiện bản thân mình. Bạn gái cũng vậy nữa đúng không?

Vậy ngoài thời gian dành cho gia đình và bạn bè, thời gian dành cho bạn gái bạn sẽ như thế nào? (nếu như bạn có bạn gái rùi). Còn nếu chưa có thì mẫu người mà bạn Sơn nghĩ tới là người như thế nào nhỉ?(Hoàng Anh, 20 tuổi, Thủ Đức, TP.HCM)

Thật lòng thì mình cũng không có nhiều thời gian dành cho bạn gái, nhưng rất là may mắn người đó cũng cảm thông và chia sẻ với những gì mình đang làm. Đó cũng chính là động lực để mình có thể hoàn thành tốt các công việc, học tập.

Tiết lộ với bạn là thỉnh thoảng, chúng mình cũng có thời gian riêng tư bên nhau, dạo phố, mua sắm... Chỉ tiếc rằng, ngày mai (Valentine) mình không thể ở bên người ấy!!!

Bạn làm sao để hoạt động của Hội Sinh viên không mờ nhạt, cùng sinh viên đối mặt với thách thức để học tập, sáng tạo, hội nhập và phát triển trong xây dựng đất nước trong giai đọan này? (Le Thượng Phúc, 28 tuổi, Tp HCM)

Anh Vũ Thanh Mai : Nhìn chung sinh viên luôn mong muốn được học tập, rèn luyện trong một môi trường giáo dục lành mạnh, hiện đại, chất lượng cao; được định hướng nghề nghiệp và có việc làm phù hợp sau đào tạo, do đó Hội SV cần thực sự chăm lo đến nhu cầu, lợi ích chính đáng của SV. Đây vừa là mục tiêu, vừa là động lực, vừa là cơ sở vững chắc để xây dựng tổ chức hội SV vững mạnh.

Để các hoạt động của Hội không mờ nhạt thì các phong trào, hoạt động của Hội phải bắt nguồn từ chính nhu cầu của sinh viên; Hội viên, sinh viên thực sự là nhân vật trung tâm trong hoạt động của Hội. Bên cạnh đó, các bạn sinh viên cần tích cực, chủ động tham gia các hoạt động của Hội, đóng góp các ý kiến xây dựng tổ chức Hội, đề xuất các chương trình hoạt động, tạo môi trường để phát huy khả năng của mỗi sinh viên.

Hỏi bạn Chu Lê Trung: Qua báo chí và cảm nhận, tôi nghĩ bạn là người giỏi và rất tự tin. Nhưng hiện nay ở nhiều cơ quan, lãnh đạo không thích người trẻ giỏi. Bạn suy nghĩ gì về điều này và làm thế nào để bạn có thể thích nghi ngay cả với môi trường như vậy. (DUC LONG, 27 tuổi, Cong ty RMITA)

Chu Lê Trung: Tôi không đồng ý với quan điểm của anh, theo tôi thì lãnh đạo thích những người có khả năng.

Còn những lãnh đạo như anh nói thì đó không phải là số nhiều và không phải là một lãnh đạo tốt, những người đi theo họ sẽ không nhiều.

Trí thức trẻ tương lai trước vận hội đất nước ảnh 14
Nguyễn Xuân Tú
Cho em hỏi anh Nguyễn Xuân Tú và chị Oanh: Ở nước ngoài, phải học như thế nào mới có hiệu quả?(Thu Hương, 19 tuổi, Hà Nội)

Bạn Nguyễn Xuân Tú: Chào bạn. Theo mình câu hỏi này còn phụ thuộc vào ngành học bạn lựa chọn. Đối với mình, hiện tại mình đang theo học ngành cử nhân kinh tế quốc tế ở Hà Lan. Với ngành học này, theo mình nghĩ, có cách học hơi khác so với các ngành học khác. 

Ngành học này đòi hỏi bạn phải rèn luyện kĩ năng nhiều hơn là chỉ nghiên cứu trên sách vở, bởi vì sau khi tốt nghiệp xong bạn sẽ gặp rất nhiều vấn đề trong công việc mà những kiến thức từ sách vở chưa chắc đã giúp bạn giải quyết được, mà cần phải có những kĩ năng, kinh nghiệm trong cuộc sống.

Vì vậy, lời khuyên của mình là hãy tự tích lũy cho bạn những kĩ năng cần thiết để trở thành một nhà kinh doanh giỏi. Những kĩ năng này ví dụ như là cách giao tiếp; kĩ năng làm việc nhóm (cái này rất quan trọng khi bạn hoc tập ở nước ngoài), kĩ năng sẵn sàng hòa nhập với những nền văn hóa khác nhau..v.v..

Khi có được những kĩ năng quan này rồi, mình nghĩ bạn sẽ dễ dàng đương đầu với những khó khăn trong cuộc sống cũng như công việc của bạn sau này.

Những kĩ năng này tồn tại và diễn ra trong cuộc sống thường ngày, với một chút chịu khó quan sát và tích lũy dần dần, cố gắng nắm bắt lấy nó, học hỏi từ bạn bè, thày cô, mình nghĩ là không khó để đạt được những kĩ năng này.

Hi vọng rằng với chút ít kinh nghiệm mình vừa chia xẻ ở trên sẽ giúp ích được bạn. Chúc bạn đạt được thành công trong học tập và công việc trong tương lai.  

Trí thức trẻ tương lai trước vận hội đất nước ảnh 15
Trần Ngọc Oanh

Bạn Trần Ngọc Oanh: Từ Việt Nam ra nước ngoài học tập, mình có một sự thay đổi môi trường rất lớn.

Phương pháp học có thể nói là khác rất nhiều. Khối lượng kiến thức phải học, phải xử lý khi mình học ở nước ngoài nói chung là cao hơn rất nhiều so với ở Việt Nam.

Bí quyết học tập hiệu quả vẫn là ở sự chăm chỉ và quyết tâm. Mình quyết tâm theo đuổi mục tiêu đạt kết quả cao thì mình phải chăm chỉ học tập. Khi đó, mình quan sát các bạn nước ngoài ở trong lớp trong trường học thế nào thì mình học như thế.

Các bạn ghi chép lời thầy giảng, các bạn học tập nghiêm túc trên thư viện, các bạn đọc sách tham khảo, các bạn chủ động thảo luận và trao đổi ý kiến… mình cũng làm như vậy. Cộng với tố chất thông minh của người Việt Nam, chắc chắn mình sẽ thành công.

Chị Phương ơi, làm thế nào để chị có thể nhận được 3 giấy báo nhập học ở 3 trường "chẳng liên quan đến nhau" thế? Em đang ôn thi ĐH, chị có thể chia sẻ bí quyết cho em được không?(Hà Giang, 17 tuổi, Vinh - Nghệ An)

Hoàng Hà Phương: Chị được giải quốc gia môn Địa lý, nên được tuyển thẳng vào Học viện báo chí và tuyên truyền. Sau đó, chị thi tiếp hai khối A và D, nên đỗ vào hai trường đại học nữa.

Chị nghĩ em nên tập trung vào một khối và một trường mà em thích nhất vì không còn nhiều thời gian nữa. Dù chọn khối nào, nếu em thực sự quyết tâm và nỗ lực, em sẽ thành công.

Chúc em sẽ trở thành sinh viên vào tháng 9 này nhé.

Sinh viên Việt Nam ngày nay có còn chiêm ngưỡng vẻ đẹp của quan họ Bắc Ninh, câu hò ví dặm, điệu hò khoan Lệ Thuỷ, hay chỉ say sưa với những điệu nhảy hiphop bốc lửa?(Trần Ngọc Nam, 32 tuổi, Sở Tài chính Quảng Bình)

Anh Vũ Thanh Mai: Những truyền thống văn hóa của dân tộc là nền tảng, là động lực để đất nước phát triển. Trong thời kỳ hội nhập kinh tế quốc tế và thời đại công nghệ thông tin, sinh viên được tiếp xúc với nhiều loại hình văn hóa khác nhau trên thế giới. Đây cũng là thách thức đối với mỗi người sinh viên trong việc tiếp thu, lựa chọn cho bản thân.

Tôi cũng tin tưởng rằng với tài năng và trí tuệ, trách nhiệm của bản thân đối với đất nước, mỗi sinh viên sẽ biết phải làm thế nào để cùng nhau giữ gìn và phát huy, quảng bá, tô đậm truyền thống văn hóa dân tộc, tiếp thu những tinh hoa văn hóa của nhân loại, đồng thời loại bỏ những trào lưu nhất thời, không phù hợp.

Nguyễn Xuân Tú: Theo em nghĩ là cả hai, ngày nay, các nhạc sĩ đã chuyển soạn vẻ đẹp quan họ ra nhiều hình thức như nhạc không lời, nhạc giao hưởng. Một số làn điệu nổi tiếng đang truyền tay trong sinh viên, chẳng hạn như Bèo Dạt Mây Trôi chuyển soạn cho đàn ghi ta và Saxophone, hay Người ơi người ở đừng về, Ngồi tựa mạn thuyền .v..v. rất du dương, mang âm hưởng dân gian và đi vào lòng người.

Vì vậy không thể nói là sinh viên Việt Nam đã quên mất những vẻ đẹp của quan họ Bắc Ninh, mà là họ thưởng thức nó và thậm chí đang chơi nó dưới một hình thức khác.

Còn hiphop là một loại hình đa nghệ thuật, rất có lợi cho sức khỏe của người tập nó. Tại sao sinh viên không thể ngày tập hiphop, đêm thưởng thức những bản giao hưởng trữ tình mang âm hưởng dân tộc.

Vĩnh Sơn: Cuộc sống hiện nay làm cho các bạn sinh viên trở nên năng động hơn. Đồng thời các bạn cũng có sự hội nhập của nhiều nền văn hóa khác nhau, chính vì thế các bạn thường hay mong muốn, giải trí (nhạc) với những gì ngắn, gọn, nhanh, dễ thuộc và sôi động. Chính vì thế, những dòng nhạc trẻ được đa số các bạn yêu chuộng hơn.

Tuy nhiên, bên cạnh đó, những nét văn hóa truyền thông dân tộc như bạn nêu vẫn có chỗ đứng trong lòng các bạn trẻ và sinh viên hiện nay. Song để có thể cho những nét đẹp này có thể tồn tại và phát huy thì những dòng nhạc này cũng cần có sự thay đổi cách tiếp cận để phù hợp với giới trẻ trong xã hội hiện đại.

Yên Khang: Đúng là trong thời kỳ hội nhập hiện nay, chúng ta tiếp xúc với nhiều luồng văn hóa khác nhau, trong đó có những cái mới, cái tốt đẹp cần phải học hỏi.

Theo mình biết, hiphop có sự hấp dẫn đối với bạn trẻ, và nhiều người đã "mê" nó. Tuy nhiên, chúng ta không được quên rằng dân tộc VN có nền văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc và điệu hát quan họ, điều hò ví dặm, hò khoan Lệ Thuỷ là những ví dụ.

Điều quan trọng chúng ta vừa giữ gìn, phát huy, giới thiệu bản sắc văn hóa VN cho bạn bè thế giới, vừa biết chọn học những nét văn hóa đẹp, tinh túy từ các nước để làm cho đời sống văn hóa giới trẻ và sinh viên phong phú hơn.

Hoàng Hà Phương: Không thể phủ nhận rằng hiphop đang ngày càng được giới trẻ yêu thích. Bên cạnh đó, vẫn còn nhiều bạn quan tâm đến nhạc đỏ cũng như dân ca.

Bằng chứng là ngày càng có nhiều tác phẩm kết hợp giữa phong cách dân ca và hiện đại được các bạn trẻ yêu thích. Nếu có nhiều hơn các hoạt động giới thiệu và phát triển văn hóa dân tộc, mình tin rằng, giới trẻ sẽ không hề thờ ơ.

Trí thức trẻ tương lai trước vận hội đất nước ảnh 16
Hoàng Hà Phương
Chào Phương, nghề báo có vẻ thú vị hơn nghề dược, lại có thể nổi tiếng nữa. Sao bạn không chọn nó làm nghề tay phải nhỉ?(S. Bách, 22 tuổi, Hà Nội)

Hoàng Hà Phương: Mình quyết định chọn trường Dược vì khi làm dược sỹ, mình vẫn có thể viết báo, nhưng làm một nhà báo thì rất khó có thể hướng dẫn sử dụng thuốc.

Hơn nữa, ngành nào cũng cần có những người viết tốt và biết cách đưa kiến thức vào cuộc sống thông qua những bài báo. Và mình không bao giờ hối hận vì sự chọn này.

Thưa chị Hà Phương, những chuyến đi tình nguyện có giúp cho chị nhiều trong cuộc sống và học tập?(Thu Hường, 18 tuổi, Mai Lâm-Đông Anh- Hà Nội)

Hoàng Hà Phương: Qua những chuyến đi tình nguyện, mình hiểu hơn về cuộc sống ở những vùng khó khăn. Vì thế, mình biết quý trọng hơn những gì đang có và càng muốn làm được nhiều hơn nữa để chia sẻ với đồng bào mình.

Ngoài ra, các hoạt động tình nguyện của trường mình thường gắn với chuyên môn. Đó là dịp để mình vận dụng kiến thức và hiểu về thực tế sử dụng thuốc ở những vùng miền khác nhau.

Mình nhớ nhất là chuyến đi phát thuốc ở Hà Giang, có một bệnh nhân phải nằm cáng cả một ngày đường mới tới được nơi phát thuốc. Nhưng các bác sỹ trong đoàn đều hiểu rằng, bệnh đã ở giai đoạn cuối và mọi người không thể làm được gì hơn. Cả đoàn hôm đó rất buồn và mong sao hệ thống y tế có thể tới được những vùng này sớm hơn và thường xuyên hơn.

Trí thức trẻ tương lai trước vận hội đất nước ảnh 17
Hoàng Hà Phương
Với nhiều thành tích nổi trội trong NCKH, bao nhiều đề tài của Phương đã được đưa vào sử dụng/áp dụng thực tiễn và hiệu quả thế nào? (ThuanND, 34 tuổi, Vinh)

Hoàng Hà Phương: Anh hỏi đúng điều mà em đang rất băn khoăn và trăn trở.

Hiện nay em đang tham gia một đề tài duy nhất, nhưng để có được kết quả ứng dụng trong thực tế thì em cần thêm nhiều thời gian và công sức. Những giải thưởng mà em đạt được chủ yếu là dành cho kết quả học tập.

Em vẫn đang tiếp tục nỗ lực để hoàn thành công trình nghiên cứu khoa học của mình về giám sát sử dụng kháng sinh tại một khoa của bệnh viện Bạch Mai. Đây là một đề tài được đề xuất từ thực tế của Việt Nam và so sánh với thế giới. Tuy nhiên, sự thiếu thốn về con người, kinh phí sẽ là những hạn chế cho việc áp dụng đề tài này.

Bạn có nghĩ "lên rừng hái củi và ra đồng" sau giờ học và đạp xe 10km đến trường như câu chuyện của bạn có thể xem như một câu chuyện cổ tích thời hiện đại?(Huyền Thương, 23 tuổi, ĐH KHXH & NV HÀ NỘi)

Phạm Yên Khang: Theo mình mỗi người có một hoàn cảnh riêng. Với mình, đây là một việc bình thường của một người học sinh, sinh viên. Điều quan trọng là mình phải biết nỗ lực cố gắng để xứng đáng với công sức mà mình bỏ ra.

Mình được biết có nhiều bạn học sinh sinh viên còn gặp nhiều khó khăn hơn mình, nhưng họ đã vượt lên và đạt được thành công đáng khâm phục. Ví dụ như những người tàn tật, hoàn cảnh gia đình khó khăn, mồ côi... nhưng vẫn học tốt và có chỗ đứng trong xã hội.

Trí thức trẻ tương lai trước vận hội đất nước ảnh 18
Trần Ngọc Oanh
Theo các bạn thì khó khăn chung của sinh viên Việt Nam khi sinh sống và học tập ở nước ngoài là gì?(Bích Ngọc, 22 tuổi, Hà Nội)

Bạn Trần Ngọc Oanh: Mình học ở Pháp và có liên lạc với một số bạn ở các nước lân cận như Đức, Anh, Hà Lan, Bỉ… Khó khăn chung của các du học sinh Việt Nam ở nước ngoài là về ngôn ngữ, về hòa nhập văn hóa, về tài chính…

Khó khăn về tài chính thì có thể tự khắc phục được vì nếu mình sắp xếp thời gian hợp lý thì ở nước ngoài có nhiều cơ hội làm thêm nghiêm túc cho sinh viên.

Khó khăn về ngôn ngữ có thể giải quyết được bằng cách học tốt tiếng từ trước khi đi du học, hoặc chăm chỉ học tập và thực hành ngôn ngữ với những người sống xung quanh.

Riêng khó khăn về việc hòa nhập văn hóa xã hội thì đặc biệt hơn, đòi hỏi mình phải mạnh dạn, đi tới với các bạn quốc tế để làm quen, để giới thiệu các kiến thức văn hóa, kinh tế, chính trị… liên quan đến nước mình, nước bạn và cả thế giới, vì đó là những chủ đề được sinh viên quốc tế quan tâm.

Bạn Nguyễn Xuân Tú: Khó khăn đầu tiên là sự sốc văn hóa. Bạn nên chuẩn bị tốt cho mình về mặt tinh thần trước khi sống trông môi trường có nền văn hóa mới.

Khó khăn thứ 2 có lẽ là vấn đề ngôn ngữ. Bạn nên chuẩn bị cho mình một vốn ngôn ngữ tốt trước khi đi học ở nước ngoài. Nếu không bạn sẽ mất rất nhiều thời gian để làm quen với ngôn ngữ ở một môi trường mới.

Cuối cùng là vấn đề mức sống. Mức sống ở nước ngoài chênh lệch khá nhiều với ở Việt Nam. Đặc biết ở các nước Châu Âu, mức sống khá đắt đỏ. Bạn nên chuẩn bị cho mình một kế hoạch chi tiêu thật hợp lí và tiết kiệm.

Với những thành tích đã đạt được, ngay sau khi tốt nghiệp có rất nhiều cơ hội việc làm, liệu các bạn có chấp nhận vào làm cho 1 cơ quan hay doanh nghiệp Nhà nước với mức thu nhập thấp hơn nhiều nếu các bạn làm bên ngoài? (Ngoài lề: Tôi nguyên là Sinh viên Trường ĐH Nông nghiệp Hà Nội, là Thủ Khoa xuất sắc HN năm 2006 và thủ khoa Việt Nam năm 2007, hiện tôi vừa tốt nghiệp sau ĐH và đang làm việc cho 1 doanh nghiệp Nhà nước) -Hoàng Văn Quang, 27 tuổi, Minh Khai - Từ Liêm - Hà Nội.

Vĩnh Sơn: Mình không quan trọng làm ở đâu, Nhà nước hay tư nhân. Điều quan trọng là bạn làm được những gì, và điều đó góp phần như thế nào vào sự phát triển của đất nước. Ở đâu mình được phát huy hết tất cả khả năng thì mình sẽ tham gia.

Ví dụ: khi bạn làm việc trong công ty có yếu tố nước ngoài, công ty đó kinh doanh tốt thì cũng đã đóng thuế rất nhiều cho nhà nước. Đó cũng là góp phần xây dựng đất nước, mình nghĩ vậy.

Gửi Sơn: Mình vừa mới tốt nghiệp ĐH, mình rất ấn tượng về quan niệm sống và hoài bão của bạn. Nhưng bạn có nghĩ đó chỉ là lý thuyết... và người ta thường nói đến từ "cuộc sống" chứ không chỉ đơn giản là "sống".(Lê Thanh Hà, 24 tuổi, Cầu Giấy)

Nói thì bao giờ cũng dễ hơn làm. Trong cuộc sống, con người ta hay có hoài bão để làm mục đích sống và vươn tới.

Mình cũng vậy, vẫn biết là cuộc sống chứa đựng rất nhiều yếu tố, chính vì thế mình tự đặt ra mục tiêu để thực hiện và cũng rất mong muốn cuộc sống cho thêm nhiều khó khăn để thử thách khả năng của mình.

Cống hiến cho đất nước đôi khi đòi hỏi sự hi sinh, Các bạn nghĩ sao? Có dám dũng cảm vì vận hội của đất nước không?(Nguyễn Thuận, 27 tuổi, ĐH BKHN)

Yên Khang: Theo mình, cống hiến cho đất nước đòi hỏi sự hy sinh. Chúng ta nên hiểu sự hy sinh ở đây có thể là về thời gian, công sức, tiền bạc và nhiều lúc là cơ hội.

Ví dụ như, có nhiều bạn trẻ đã từ chối lời mời hấp dẫn của các công ty nước ngoài để làm việc trong các cơ quan nhà nước. Đó cũng là sự hy sinh cơ hội, vật chất của họ.

Chúng ta là trí thức trẻ tương lai của đất nước, là những người có sức khỏe, trí tuệ, vì vậy cần nhận thức được vai trò, trách nhiệm, vị trí của mình. Và dũng cảm vì vận hội đất nước cũng là đang thực hiện trách nhiệm của một người chủ tương lai của nước mình. 

Hỏi Hoàng Hà Phương: Chào em, rất vui được biết và trò chuyện cùng em qua mạng. Là một học sinh giỏi xuất sắc tại trường Dược, em có những dự định gì cho tương lai? Em có thể chia sẻ bí quyết thành công của em? Hôm nay thứ sáu ngày 13, không biết là em có mê tín không? Theo em, để thành công, may mắn chiếm bao nhiêu phần trăm? Cám ơn em nhiều. (Thanh Nga, 22 tuổi, Ha Noi)

Hoàng Hà Phương: Chắc nhìn trong ảnh, bạn Nga thấy mình trẻ quá hay sao (cười). Mình đã 23 tuổi rồi đấy, xưng "mình" nhé. Hiện nay mình có rất nhiều dự định, nhưng gần nhất mình muốn được trở thành thành viên Hội sinh viên của chị Oanh ở Pháp và tiếp tục học sâu hơn về ngành dược lâm sàng mà mình đã chọn.

Mình cũng hơi mê tín một chút, cũng sợ thứ sáu ngày 13. Nhưng hôm nay, hình như lại là ngày may mắn của mình vì mình được đến Báo Tiền phong để trò chuyện cùng các bạn. Trong cuộc sống, may mắn cũng chiếm tỉ lệ khá cao trong thành công, nhưng cũng có nhiều may mắn chỉ đến sau khi bạn đã nỗ lực hết mình.

Em muốn hỏi là với du học sinh muốn xin gia nhập và trở thành hội viên Hội SVVN thì cần phải liên hệ với đơn vị và quy trình cụ thể là như thế nào ạ? Điều kiện để đăng kí tham dự đại hội TW Hội SVVN hàng năm. Cũng như các hoạt động TW Hội SVVN có tổ chức thường niên hàng năm ạ? Xin cảm ơn!(Venus Le Nguyen, 22 tuổi, LM8QT INTERNATIONAL VIETNAM)

Anh Vũ Thanh Mai: Điều lệ Hội SVVN quy định: Sinh viên là công dân VN đang học bậc Đại học, Cao đẳng ở trong và ngoài nước tán thánh điều lệ Hội, tự nguyện gia nhập Hội thì được kết nạp vào Hội SVVN. Tổ chức Hội SVVN được thành lập trong sinh viên VN ở nước ngoài.

Với bạn, là sinh viên VN đang học tập ở nước ngoài, cần liên hệ với tổ chức Đoàn, Hội SVVN tại nước sở tại để đăng ký tham gia.

Đại biểu tham dự Đại hội đại biểu toàn quốc Hội SVVN là cán bộ Hội, hội viên, sinh viên tiêu biểu được hiệp thương bầu, giới thiệu từ các cấp bộ Hội trong và ngoài nước.

Đại Hội VIII Hội SVVN với sự tham gia của 650 đại biểu được hiệp thương bầu, giới thiệu từ 394 trường ĐH, CĐ trong tòan quốc, trong đó có 7 bạn sinh viên tiêu biểu từ 7 nước trên thế giới, đại diện cho các bạn sinh viên VN đang học tập tại nước ngoài.

Hàng năm Hội SVVN sẽ triển khai các hoạt động theo chương trình công tác năm học trên cơ sở cụ thể hóa phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp được thông qua tại Đại hội đại biểu toàn quốc. 

Gửi chị Trần Ngọc Oanh: "Thưa chị, phong trào sinh viên Việt Nam ở Pháp có gì khác với ở Việt Nam không?" (Minh Hiển, 20 tuổi, Hưng Yên)

Trần Ngọc Oanh: Sinh viên ở đâu thì cũng năng động, nhiệt tình nhưng hoàn cảnh mỗi nơi một khác. Theo mình, phong trào SVVN ở Pháp nói riêng và ở nước ngoài nói chung khác nhiều so với phong trào SV ở Việt Nam.

Thứ nhất, đội ngũ SV tham gia hoạt động của phong trào SV ít hơn nhiều so với ở VN. Lí do là các bạn phải tập trung tối đa cho việc học tập của bản thân, do đặc thù du học thường trong thời gian ngắn.

Thứ hai, cách thức hoạt động, tụi mình không có nhiều thời gian gặp nhau nên họp hành rất ít, chủ yếu làm việc qua email, YM! Messenger.

Thứ ba, về nội dung các hoạt động, các hoạt động rất gần với cuộc sống và nhu cầu của sinh viên (có ca hát nhảy múa, có thể thao vui chơi, có hội thảo trao đổi kinh nghiệm học tập, nghiên cứu…).

Ngoài ban chấp hành và tổ chức phân công công việc như một công ty tổ chức sự kiện (có bộ phận truyền thông lo quảng bá chương trình; có bộ phận tài chính lo thu – chi, xin tài trợ; có bộ phận hậu cần, bảo vệ… ).

Câu hỏi dành cho bạn Trần Ngọc Oanh: Mình thật sự khâm phục bạn... Bạn đã yêu bao giờ chưa? Valentine năm nay bạn làm gì để gây ấn tượng với người mình yêu? Thanks! (Vu Duc Nghia, 27 tuổi, Cam Pha - Quang Ninh)

Trần Ngọc Oanh: Sau khi học xong đại học, mình đã tìm được một nửa của mình. Cũng bất ngờ đó lại là một người bạn học cùng mình từ cấp hai đến hết cấp 3.

Valentine năm nay gọi là “Valentine xa bồ” rồi, vì một nửa của mình đang ở Bruxelles, Bỉ. Một ngày trước Valentine… mình vẫn chưa biết cách nào để gây ấn tượng với người mình yêu. Có lẽ là một lời yêu thương qua skype chăng.

Nếu sau này Phương tốt nghiệp ra trường mà có 1 công ty của nước ngoài trả lương cao và phải ra nước ngoài làm việc thì Phương có chọn hay không?(Hai thanh, 40 tuổi, Ngoc Khanh - HN)

Hoàng Hà Phương: Điều này còn tùy thuộc vào nhiều yếu tố. Quan trọng là công việc đó có thực sự phù hợp với sở thích và năng lực của em hay không.

Em nghĩ, làm việc ở nước ngoài không có nghĩa là không đóng góp gì cho quê hương. Nếu sau một khoảng thời gian làm việc, mình có thể đem kinh nghiệm và kiến thức về nước thì cũng là việc nên làm.

Các bạn sinh viên tài năng - thế hệ trí thức trẻ tương lai của đất nước - suy nghĩ gì khi có một so sánh hàm lượng chất xám trong các sản phẩm xuất khẩu của các quốc gia, đại loại như sau : Cùng một giá trị khoảng 500 USD thì sản phẩm của Mỹ như Microsoft nặng bằng 0 (phần mềm), chip Intel chỉ nặng 1g; TV của Nhật Bản - 10kg; còn gạo của VN nặng hàng tấn. (Vũ Hoàng, 35 tuổi, Hà Nội)

Chu Lê Trung: Chúng ta vẫn biết Việt Nam là một trong những nước nằm thấp nhất trong chuỗi giá trị toàn cầu. Tuy nhiên, chúng ta cũng nên nhìn vấn đề ở góc độ toàn diện hơn, nếu so sánh 1 sản phẩm của Microsoft, 1 sản phẩm của Intel, 1 sản phẩm của GE, hay 1 tấn nông sản của Mỹ thì tôi nghĩ con số đó cũng rất chênh lệnh.

Ở Việt Nam chúng ta hiện nay cũng đã có nhiều sản phẩm có hàm lượng chất xám cao nhưng về cơ bản nước chúng ta vẫn là một nước nông nghiệp, xuất phát điểm còn thấp cho nên chúng ta gặp nhiều khó khăn. Nhưng tôi tin trong thời gian tới Đảng và nhà nước sẽ có những chính sách hợp lý để đưa đất nước phát triển ở tầm cao mới.

Vĩnh Sơn: Chúng ta xuất phát là nước nông nghiệp nên chính vì thế việc sản xuất nông nghiệp vẫn là chính yếu. Bạn chỉ so sánh về giá cả, nhưng để sản xuất ra được một phần mềm, một con chíp hay một chiếc TV thì các nhà sản xuất phải đầu tư rất lớn về nghiên cứu và sản xuất.

Trong khi đó, phí đầu tư vào sản xuất lúa gạo của chúng ta thấp và hàm lượng chất xám chưa đựng trong đó không nhiều nhưng chúng ta vẫn có lợi nhuận.

Tuy nhiên, chúng ta phải đầu tư hơn vào nghiên cứu sản xuất, bảo quản và phân phối các loại nông sản... Cho bạn một ví dụ, một quả thanh long nếu được bán ở Mỹ khoảng 10 USD trong khi ở VN chỉ khoảng vài ngàn đồng.

Yên Khang: Mình cũng có chung ý kiến với Sơn, nhưng mình cũng bổ sung thêm: mọi sự so sánh đều khập khiễng. Chúng ta phải xét mình đang đứng ở đâu để có thể so sánh với các nước.

Chúng ta biết phát huy lợi thế so sánh để có thể cạnh tranh được với các nước trên thế giới. Vì dụ như chúng ta vẫn là một trong những nước xuất khẩu hàng đầu về gạo, cà phê, hạt điều... 

Trần Ngọc Oanh: Trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, mỗi nước cần phát huy tiềm năng và thế mạnh của mình. Để so sánh sản phẩm xuất khẩu của các quốc gia thì có lẽ phải sử dụng nhiều tiêu chí, chứ không chỉ “hàm lượng chất xám trong các sản phẩm xuất khẩu”.

Thế mạnh xuất khẩu của Việt Nam là các sản phẩm nông nghiệp, mình cứ phát huy thế mạnh của mình để tăng nguồn thu cho đất nước, từ đó có điều kiện mà phát triển các ngành kỹ thuật để sản xuất và xuất khẩu các sản phẩm được đánh giá có hàm lượng chất xám cao hơn (như các thiết bị, linh kiện điện tử…).

Bên cạnh đó, với trí tuệ của cả dân tộc, việc đi tắt, đón đầu sẽ nhanh chóng đuổi kịp các nước phát triển trong các lĩnh vực công nghệ cao.

-----------------

Do thời gian đã hết, Bàn tròn trực tuyến với chủ đề "Trí thức trẻ tương lai trước vận hội đất nước" xin khép lại tại đây. Xin trân trọng cám ơn sự tham gia nhiệt tình của các vị khách mời và bạn đọc.

MỚI - NÓNG