Lái ô tô, cấm tiệt rượu bia

Lái ô tô, cấm tiệt rượu bia
TP - Từ 1/7/2009, người uống rượu, bia không được lái ô tô; người đi xe đạp máy phải đội mũ bảo hiểm; bộ hành, xe thô sơ không được vào đường cao tốc,... Luật Giao thông Đường bộ sửa đổi có thêm quy định.

Luật Giao thông Đường bộ mới có hiệu lực từ 1/7/2009 quy định chặt chẽ hơn với hành vi sử dụng đồ uống có cồn (rượu, bia..) của người điều khiển phương tiện giao thông.

Cụ thể, nghiêm cấm người điều khiển xe ô tô, máy kéo, xe máy chuyên dùng trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn; với người điều khiển mô tô, xe gắn máy, nồng độ cồn trong máu hoặc trong hơi thở không được vượt quá 50 miligam/100 mililít máu hoặc 0,25 miligam/ một lít khí thở.

Luật GTĐB mới gồm tám chương, 89 điều. Trong số 89 điều chỉ có ba điều được giữ nguyên nội dung và kết cấu; 68 điều bổ sung, sửa đổi và 18 điều mới.

Xe đạp máy được xếp vào loại xe thô sơ nhưng để bảo vệ tính mạng của người tham gia giao thông, Luật quy định người điều khiển loại xe này phải đội mũ bảo hiểm.

Luật sửa đổi quy định các đối tượng không được đi vào đường cao tốc, gồm, người đi bộ, xe thô sơ, xe gắn máy, xe mô tô và máy kéo; xe máy chuyên dùng có tốc độ thiết kế nhỏ hơn 70 km/h. Độ tuổi của trẻ em được chở thêm trên xe mô tô, xe gắn máy là dưới 14 tuổi và xe đạp là dưới bảy tuổi (Luật năm 2001 không quy định tuổi cụ thể).

Luật mới cũng cho phép xe ô tô của người nước ngoài (đăng ký tại nước ngoài) có tay lái nghịch được tham gia giao thông. Độ tuổi của người lái xe ô tô cũng được nâng lên.

Theo đó, tuổi tối thiểu của lái xe ô tô chở người từ 10-30 chỗ ngồi tăng từ 21 (Luật năm 2001) lên 24 tuổi; lái xe ô tô trên 30 chỗ ngồi tăng từ 25 lên 27 tuổi và nâng hạng giấy phép lái xe với người lái xe tải kéo sơ mi rơ móc (nâng từ hạng C –21 tuổi lên hạng FC-24 tuổi).

Bộ Công an có thẩm quyền tổ chức thu hồi đăng ký, biển số các loại xe cơ giới; Bộ GTVT được phép thu hồi đăng ký, biển số xe máy chuyên dùng.

Xe khách phải lắp hộp đen

Một quy định được xem có tính đột phá là phương tiện kinh doanh vận tải phải gắn thiết bị giám sát hành trình (một dạng hộp đen-PV) của xe, Chính phủ sẽ có quy định cụ thể phạm vi, đối tượng, lộ trình thực hiện phù hợp với tình hình thực tế.

Người kinh doanh vận tải phải chịu trách nhiệm về hậu quả mà người làm công, người đại diện gây ra do thực hiện yêu cầu của người kinh doanh vận tải trái quy định của Luật.

Các đơn vị thi công công trình trên đường bộ đang khai thác phải chịu trách nhiệm nếu để xảy ra tai nạn giao thông, ùn tắc giao thông, ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.

Trong trường hợp cần thiết theo quy định của Chính phủ, sẽ huy động các lực lượng cảnh sát khác và công an xã phối hợp với CSGT đường bộ tham gia tuần tra, kiểm soát trật tự giao thông. 

Bên lề hội nghị tổng kết công tác xây dựng và giới thiệu Luật GTĐB năm 2008, khi được hỏi về việc cấm tuyệt đối uống rượu, bia với người lái ô tô có ảnh hưởng tới tập quán của người dân trong những ngày tễ, tết... Bộ trưởng Giao thông – Vận tải Hồ Nghĩa Dũng nói: “Quy định này khi còn là dự thảo, lấy ý kiến được đa số nhân dân đồng tình ủng hộ”.

Về tập quán xe nhỏ bắt đền xe lớn khi gặp tai nạn giao thông, Bộ trưởng Dũng cũng cho biết, Luật đã quy định rất rõ và xe nào vi phạm sẽ bị xử lý; tuy nhiên, khi xử lý sự việc vẫn còn cảm tính.

Theo ông Dũng, các cơ quan chức năng đang xây dựng các văn bản dưới luật hướng dẫn các mức xử phạt theo Luật GTĐB mới cho kịp với thời điểm Luật có hiệu lực. Từ nay đến ngày 1/7, các mức xử phạt vẫn theo nghị định cũ.

MỚI - NÓNG