Thầy giáo tí hon

Thầy giáo tí hon
TP - Về Trung tâm Bảo trợ Nạn nhân Chất độc Da cam & Trẻ em Bất hạnh TP Đà Nẵng (113 - Nguyễn Như Hạnh- quận Liên Chiểu) hỏi Nguyễn Ngọc Phương thì không ai không biết.
Thầy giáo tí hon ảnh 1
Phương "tí hon" đang dạy nghề

Chín năm trước, 18 tuổi với thân hình tí hon, đứng cao ngang mặt bàn, Phương rời quê nghèo ở Quế An (Quế Sơn, Quảng Nam) vào Nam học việc. Bố mẹ sửng sốt, lo lắng, nhưng cản mãi không được, đành chạy vay mượn được gần triệu bạc để Phương lên đường.

"Hôm đi mẹ dặn, nếu hết tiền thì về, coi như con đi chơi một chuyến" - Phương nhớ lại.

Là con thứ ba trong gia đình sáu anh em, bố là bộ đội chiến đấu ở chiến trường Bình Trị Thiên, ngay từ khi lọt lòng Ngọc Phương mang trên mình dị tật do chất độc da cam với những khối u trên người và thân hình bé nhỏ. Lên đến lớp hai Phương nghỉ học phụ giúp gia đình.

14 tuổi, Phương hàng ngày đi bộ hơn năm kilômét ra thị trấn xin học nghề vô gas máy lửa. Nghề này chết dần, Phương chuyển sang sửa đồng hồ. Nhưng thu nhập cùng không đủ giúp cha mẹ và các em nên quyết định Nam tiến. 

Vào TPHCM đến đâu người ta cũng lắc đầu. Cuối cùng một chủ tiệm sửa xe máy thấy Phương tàn tật nhưng có chí nên nhận về dạy nghề. Sau hơn sáu tháng Phương có thu nhập hơn 1,2 triệu đồng/tháng.

Thầy của những trẻ tật nguyền

Tháng 3/2008, sau hơn tám năm, Phương về Đà Nẵng mở cửa hàng sửa xe để tiện chăm sóc em gái cũng bị nhiễm chất độc da cam. Gom góp vốn liếng, Phương mướn nhà mở quán sửa chữa xe máy mang tên Phương Tín trên đường Âu Cơ - quận Liên Chiểu (Đà Nẵng) và nhận hai bạn nhỏ lang thang về để dạy nghề.

Tháng 9/2008, một lần đến Trung tâm Bảo trợ thăm em gái, Phương gặp những em nhỏ nhiễm chất độc da cam ở đây và đề nghị được dạy nghề cho các em. Một lớp học gồm 10 em được mở ngay tại trung tâm. Ngày hai buổi không kể nắng mưa Phương đều tận tình đến lớp.

"Nỗi đau da cam hơn ai hết mình là người hiểu nhất!" - Phương tâm sự. Ngoài dạy nghề, Phương còn cố gắng tạo việc làm tại chỗ và liên hệ xin việc làm cho các em. "Nếu đủ vốn, sắp tới mình sẽ mở rộng cửa hàng sửa xe máy để nhận các em về. Nhiều em bị dị tật nặng khó xin được việc làm ở nơi khác", Phương nói.

Sáng qua, 95 thanh niên có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn TP Đà Nẵng được đào tạo nghề miễn phí khóa Đào tạo và phát triển nghề theo định hướng thị trường (Labs) lần thứ 12 do Hội LHTN TP Đà Nẵng và tổ chức phi chính phủ Plan tài trợ.

Mỗi khoá bốn tháng, với các nghề: bán hàng và chăm sóc khách hàng; đồ họa trên máy vi tính; phục vụ bàn, bar.

Anh Nguyễn Thuận (Giám đốc Trung tâm Dạy nghề & Giới thiệu việc làm Thanh niên, Phó Ban Quản lý Dự án Plan tại Đà Nẵng) nói: "Khoảng 85 phần trăm học viên có việc làm ngay khi hoàn thành khóa học. Số còn lại sẽ được trung tâm tiếp tục giới thiệu việc làm".

Chiều cùng ngày, 86 học viên khóa 11 được cấp chứng chỉ nghề. Đến nay, Labs đã cấp chứng chỉ nghề miễn phí và giới thiệu việc làm cho khoảng 900 thanh niên nghèo tại Đà Nẵng.

MỚI - NÓNG
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
TPO - Chiều 23/4, Đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, đã tiếp xúc cử tri chuyên đề lấy ý kiến vào dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trước Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV.