Khám phá Iran

Khám phá Iran
TP - Iran trong chuyến hành trình của phóng viên The Times, BBC (Anh) khác với những gì mà Mỹ và phương Tây cảnh báo.

Cánh cửa sắt trước giáo đường Do Thái mở ra và một cậu bé chạy tới. Cậu nhìn trân trân vào ba người, trong đó có hai người rõ ràng không phải dân Iran. Cậu dẫn chúng tôi bước vào giáo đường. Một phụ nữ bước tới phía chúng tôi, mỉm cười: “Các bạn là người Do Thái?”. “Xin lỗi, không phải”, tôi đáp.

Tôi và bạn gái tên là Annette bước vào trong, qua chiếc bàn chất đầy thức ăn cho buổi lễ Vượt qua của người Do Thái và ngồi xuống phía sau khi một cụ già đang đọc kinh Torah trước tám người khác.

Tôi không bao giờ hình dung lần đầu tiên mình đến giáo đường Do Thái lại ở Tehran. Tuy nhiên, vùng đất này còn nhiều điều ngạc nhiên khác. Nhiều người phương Tây cho rằng người Iran tuyệt đối tuân theo giáo lý.

Tuy nhiên, hầu hết trong 65 triệu dân của Iran lại sinh ra sau cuộc cách mạng Hồi giáo 1979 khi nhà lãnh đạo lưu vong Ayatollah Khomeini trở về nước và họ khác xa so với những gì được miêu tả trên các bản tin của phương tây. Họ là những người thân thiện và hiếu khách nhất mà tôi gặp trong hơn 20 năm đi khắp thế giới. 

Chuyến hành trình mười ngày của chúng tôi khởi hành từ Tehran xuôi về phía nam 600 km, qua dãy núi Zagros để tới Shiraz và khu dinh thự tráng lệ đổ nát ở Persepolis do Darius I xây dựng năm 515 trước Công nguyên (CN) và bị phá hủy bởi Alexander Đại đế năm 330 trước CN.

Sau đó chúng tôi trở về thủ đô Tehran ở phương bắc qua Esfahan và vùng đất thánh Qom, gần cơ sở hạt nhân gây tranh cãi Natanz, trông giống như một nhà máy sản xuất ô tô.

Người hướng dẫn viên của chúng tôi, anh Sassan, lúc nào cũng nở nụ cười, hiểu biết sâu rộng và luôn sẵn sàng với những điều mới mẻ. Sassan đưa chúng tôi qua 3.000 năm lịch sử của Iran với cả những câu chuyện buồn về sự ra đời, sụp đổ của các đế chế; kẻ xâm lược đến rồi đi.

Sassan cũng nói những câu chuyện về tình yêu, lòng ghen tuông, quyền lực, sự phản bội, lưu vong và chết chóc đều có cả. Sassan tỏ ra rất sành sỏi khi mang về cho chúng tôi ít hoa quả lấy từ các cửa hàng. “Hàng mẫu đấy, họ không phiền lòng đâu”, Sassan giải thích.  

Tại Shiraz, sau khi tới thăm mộ của nhà thơ cổ điển Sadi và Hafez - giống như Shakespeare đối với người Anh, Sassan cho chúng tôi thưởng thức món kem có hương vị hoa hồng tuyệt vời nhất ở địa phương.

Thủ đô Tehran là thành phố lớn nhất và đông dân cư nhất ở Trung Đông với trên 15 triệu dân. Chúng tôi có thể mua nước trái cây từ người bán hàng rong, bị mê hoặc bởi mùi thơm thoang thoảng của xôi nếp và thịt nướng khi đi trên đường phố...

Tuy nhiên, ấn tượng nhất là giao thông bát nháo ở Tehran. Cũng có đèn xanh, đèn đỏ, bên trái, bên phải, nhưng dường như nhiều người đi trên đường không tuân theo qui tắc nào.

Tổng thống Iran Mahmoud Ahmadinejad khi còn là Thị trưởng Tehran từng ra qui định khắt khe về quản lý giao thông, nhưng dường như chưa có kết quả.

May mắn là chúng tôi không phải lái xe ở Tehran. Người lái xe ôtô của chúng tôi đúng là tài năng như tay đua Michael Schumacher khi luồn lách qua mọi nơi trong thành phố.

Kỳ II: Nực cười thay cho vũ khí

D.H
Theo The Times, BBC

MỚI - NÓNG
Hà Nội: Một quận có tới 12 trường ngoài công lập
Hà Nội: Một quận có tới 12 trường ngoài công lập
TPO - Ở bậc THPT, Hà Nội hiện có hơn 100 trường tư thục. Trong đó, Quận Nam Từ Liêm có số lượng nhiều nhất với 12 trường. Mức học phí các trường từ 1,8 triệu đồng/ tháng đến gần 600 triệu đồng/ tháng. Tuy nhiên, năm học 2024-2025, chỉ có 9 trường được Sở GD&ĐT Hà Nội giao chỉ tiêu tuyển sinh lớp 10. 
Cảnh báo 'sốt ảo' đất vùng ven Hà Nội, hành vi chiếm đất bị phạt đến 1 tỷ đồng
Cảnh báo 'sốt ảo' đất vùng ven Hà Nội, hành vi chiếm đất bị phạt đến 1 tỷ đồng
TPO - Đất nền vùng ven Hà Nội tăng giá, chuyên gia cảnh báo 'sốt ảo'; Chủ đầu tư dự án bất động sản nợ thuế, loạt lãnh đạo bị tạm hoãn xuất cảnh; Lãnh đạo 'xộ khám', loạt dự án bất động sản thay tên đổi chủ; Chiếm đất, hủy hoại đất bị phạt đến 1 tỷ đồng... là những thông tin hot về BĐS đáng chú ý tuần qua.