Khi 'Trăng nơi đáy giếng' sánh cùng 'Huyền thoại bất tử'

Khi 'Trăng nơi đáy giếng' sánh cùng 'Huyền thoại bất tử'
TP - Bỏ phiếu cho "Cú và chim se sẻ" nhưng báo chí hẳn không ngạc nhiên nếu Trăng nơi đáy giếng đoạt Cánh Diều Bạc (giải vàng thì khó). Việc Huyền thoại bất tử đứng trên bốn phim còn lại và ngang hàng Trăng nơi đáy giếng thì nghe cứ như huyền thoại!

Dư âm vụ scandal "Áo lụa Hà Đông" bất đồ vọt lên đoạt đồng Cánh Diều Vàng 2006 còn đó.

Khi 'Trăng nơi đáy giếng' sánh cùng 'Huyền thoại bất tử' ảnh 1
Đoàn làm phim Trăng nơi đáy giếng và Huyền thoại bất tử cùng nhận Cánh Diều Bạc

Những trường hợp kỳ lạ của Cánh Diều 2008

Thể loại phim truyện nhựa

Cánh Diều Vàng: Không có.

Cánh Diều Bạc: Trăng nơi đáy giếng, Huyền thoại bất tử.

Đạo diễn xuất sắc nhất: Lưu Huỳnh.

Biên kịch xuất sắc nhất: Châu Thổ (phim Trăng nơi đáy giếng).

Nữ diễn viên chính xuất sắc nhất: Hồng Ánh.

Nam diễn viên chính xuất sắc nhất: Dustin Nguyễn.

Nữ diễn viên phụ: Kathy Uyên.

Nam diễn viên phụ: Trần Bảo Sơn.

Diễn viên triển vọng: Phạm Thị Hân.

Quay phim: Nguyễn Ka Linh (Huyền thoại bất tử).

Họa sĩ: Mã Vi Hải (Trăng nơi đáy giếng).

Âm thanh: Phạm Viết Thanh (Giải cứu thần chết).

Nhạc sĩ: Đức Trí (Huyền thoại bất tử).

Phim hợp tác với nước ngoài thành công nhất: Cú và chim sẻ.

Giải của khán giả: Chuyện tình xa xứ.

Giải lý luận phê bình: Những vấn đề lý luận kịch bản phim của Đoàn Minh Tuấn.

Trong một phim mà nhân vật chính là người thiểu năng, khuyết tật, đạo diễn càng cần cao tay ấn.

Người mưa, Tôi là Sam, Forest Gumt, nhân vật chính thiểu năng nhưng xem phim thấy tâm hồn thanh lọc, thấy sự đủ đầy của triết lý, kinh nghiệm sống. Còn "Huyền thoại bất tử" định lấy Long khùng để gây dựng huyền thoại, rốt cuộc gây cảm giác về sự thiếu hụt.

Trong khi triển khai ý đồ ca ngợi tình cảm gia đình - Long yêu thương mẹ, muốn đưa tro cốt mẹ sang Mỹ đặt cạnh cha, đạo diễn lại chạy sang tuyến hoàn toàn khác- cuộc chiến của Long để giải cứu cô gái bị lừa vì chat chit trên mạng.

Đạo diễn có vẻ thích thú bạo lực đến nỗi ngoài chuyện đá, đấm, đâm ê hề trong phim, ngay cả cảnh bọn ma cô thản nhiên đập tan lọ tro trên tay Long cũng khó khiến khán giả căm giận hay thương cảm, mà chỉ run sợ trước một tình huống bạo lực không đáng có.

Lại bảo hãy đừng so sánh với phim tây, phim Mỹ. Nhưng chính đạo diễn đã vay mượn chi tiết thả tro lên trời giống như Forest Gumt thả chiếc lông chim ở cuối phim. Vay mượn hình ảnh đứa trẻ chỉ tay lên bóng và bảo đó là cha- trong Thiếu phụ Nam Xương…... Vay mượn và chắp vá nhiều.

Tom Hanks, diễn viên đóng Forest Gumt nói: “Chúng ta hay áp đặt cái tôi, để cho nhân vật dại nói như người khôn và ngược lại”. Người khôn tiếng nói cũng khôn mà.

Long của đạo diễn Lưu Huỳnh là người dại, chủ yếu nói năng hành xử ngu ngơ thật - với một số câu thoại cố định nhưng đó là sự ngô nghê kiểu hiện thực trần trụi, phản cảm, dẫn đến triết lý của bộ phim cũng trụi trần, chỉ là nói và nói: “Phật dạy phải yêu thương nhau”, “Mẹ Long bảo có nhân có quả”, “Có võ là để tự vệ không phải để đánh nhau”.

Khi phim có vấn đề, ngồi rạp xem phim, khán giả dễ bị chống chếnh, khiếm khuyết theo.

Ấy thế mà đạo diễn kiêm tác giả của bộ phim có kịch bản giả, xử lý loạng quạng, thông điệp không đến được người xem lại là đạo diễn xuất sắc nhất! Phim hay nhất! Đạo diễn xuất sắc nhất là Nguyễn Vinh Sơn mới phải. Với "Trăng nơi đáy giếng", anh chỉ không hơn chính anh; còn thì không có phốt nghề nghiệp nào.

Từ đầu đến cuối bộ phim "Đẹp từng centimet:, Ngô Đồng (Tăng Thanh Hà đóng) - cô gái mơ ước thành sao - cứ trợn mắt, chu miệng, nhíu mày. Cởi áo cũng nhíu mày, đọc sách cũng nhíu mày.

Nếu có giải Cánh Diều ngược cho diễn viên, có lẽ không ai xứng đáng hơn Tăng Thanh Hà - Lương Mạnh Hải (mà có người xưng tụng là cặp “tiên đồng ngọc nữ” của điện ảnh Việt Nam).

Có vẻ một số diễn viên, đạo diễn tưởng cứ teen là phải mắt chữ O miệng chữ A cho nó trẻ trung. Minh Hằng vai An An - phim "Giải cứu thần chết" cũng thế, mắt trợn miệng há, chỉ không đến nỗi như Tăng Thanh Hà.

Trên báo mạng, đạo diễn Nhuệ Giang tố cáo: “Phim Tết vừa qua của Vũ Ngọc Đãng và Nguyễn Quang Dũng đều có các tình huống giống cơ bản một số phim nước ngoài.

Phim của Đãng, ý tưởng, câu chuyện y như một phim của Hàn Quốc, có khác là đặc điểm thoại bất tận tự nhiên chủ nghĩa kiểu phim truyền hình - đặc sản của Đãng.

Phim của Dũng thì nhiều tình huống nhái lại một số phim teen của Mỹ. Vậy mà không báo nào lên tiếng, các đạo diễn vẫn ngang nhiên lấy và hưởng. Nhà sản xuất thì tự hào phim thu hút khán giả”.

Về việc phim của ai đó nhái phim của ai đó, không phải không người nào nhận ra nhưng có lẽ khán giả phim Tết (lấy vui làm trọng) coi như trường hợp Hồ Biểu Chánh ngày xưa- văn chương hay kịch bản đều cố tình mạ lại của nước ngoài chăng. Có một dòng văn học - điện ảnh đặc biệt xưa và nay chăng.

Chị Giang nói: “Nghệ thuật phải cực đoan”, có lẽ muốn nói cực đoan về mặt sáng tạo.

“Trường hợp kỳ lạ của Benjamin Button” chỉ có trong phim giả tưởng. Nhiều trường hợp (chưa thống kê đầy đủ) ở giải Hội Điện ảnh cũng chỉ có thể là đặc sản điện ảnh nội. Ví dụ, lựa chọn của giám khảo phim nhựa 2008 cho Huyền thoại bất tử.

Khi 'Trăng nơi đáy giếng' sánh cùng 'Huyền thoại bất tử' ảnh 2
Hồng Ánh - Nữ diễn viên chính xuất sắc nhất  Ảnh: Hồng Vĩnh

Định mức khuây khỏa

Một số giải Cánh Diều Vàng

Phim Khoa học: Không khí và sự sống (đạo diễn Trần Phi, Hoàng Ngọc Dũng); Phim truyện video: Khí phách anh hùng (đạo diễn Hồ Ngọc Xum); Phim tài liệu video: Người bạn thầm lặng của Bác (đạo diễn Hà Toàn); Phim tài liệu nhựa: Đám mây không dừng lại (đạo diễn Đào Bá Sơn); Phim truyền hình dài tập:  Chạy án 2 (đạo diễn Vũ Hồng Sơn).

Xem "Cú và chim se sẻ", nhiều người hỏi nhau: “Cô bé này ở đâu ra?”. Có lẽ không quá 10 tuổi, Phạm Thị Hân diễn ra chất của một đứa trẻ đanh rắn vì bươn chải sớm, đồng thời vẫn trong sáng nhân hậu.

Ba con người xa lạ Thủy - Hải - Lan có điểm chung cô đơn và tấm lòng nhân ái, khao khát mái ấm gia đình, gặp nhau trong một bộ phim nhân văn. Thủy của Hân đóng tốt nhất.

Rốt cuộc, phim có tốc độ quay chóng mặt và lối dẫn chuyện khá rời rạc này vẫn chinh phục số đông nhà báo để bỏ số phiếu cao hơn Trăng nơi đáy giếng.

Kathy Uyên, diễn viên Việt kiều vào vai Tifany người yêu của Khang, trong "Chuyện tình xa xứ" có lối diễn lạnh kiểu Mỹ. Vẻ đẹp lạ, diễn xuất chững chạc của cô nâng tầm bạn diễn Bình Minh và góp phần làm bộ phim trở nên dễ xem.

Bình Minh nay có thể yên tâm theo con đường điện ảnh sau khi là người mẫu sáng giá. Những câu thoại dí dỏm, hành động nghịch ngợm đặt vào Minh như cá trong nước. Giá anh tiết chế hơn nữa, có lẽ sẽ chinh phục tất cả!

Thầy giáo Phương, chồng cô giáo Hạnh (Trăng nơi đáy giếng), cũng là vai để nhớ. Nếu đạo diễn Vinh Sơn không dám về quê, có lẽ Hoàng Cao Đề tội to không kém trong việc lột tả một ông chồng Huế phản diện.

Trong khi nhân vật của Vũ Ngọc Đãng thường bỗng dưng đòi cởi, bỗng dưng hôn hít khắp trong nhà ngoài phố, Victor Vũ với những bối cảnh rất đáng có sex và sexy (hai chuyện tình trong một phim, diễn viên trẻ đẹp) lại đầy tỉnh táo.

Còn lỗi biên tập nhưng "Chuyện tình xa xứ" cho thấy dù sống trong nước hay nước ngoài, nếu biết khai thác sở trường, thì có cơ vừa ăn khách lại vừa tự nâng tầm. Phim sau hẳn sẽ hơn phim trước.

Huyền thoại bất tử ra rạp dịp Tết lỗ thảm thương, nhà sản xuất Phước Sang (chính là nhà sản xuất Áo lụa Hà Đông, còn Lưu Huỳnh cũng đạo diễn phim này) phát biểu đại ý, chúng tôi bỏ mười mấy tỉ làm phim, lỗ thế này sau đây chắc không làm gì nữa...

Có độc giả tỏ thương cảm trên diễn đàn “Anh Phước Sang không biết có phá sản không nhỉ”. Nay có lẽ nhà sản xuất khuây khỏa phần nào khi phim lại vươn được lên cùng "Trăng nơi đáy giếng", thành phim hay nhất năm, dù có người ác ý bình việc đặt hai phim ngang nhau chẳng khác gì so bồ hóng với vôi, so ngọc với đá... 

MỚI - NÓNG