Giá điện theo giờ cao điểm: Doanh nghiệp kêu khó !

Giá điện theo giờ cao điểm: Doanh nghiệp kêu khó !
TPO – Theo ông Bùi Ngọc Huyên, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng GĐ Cty cổ phần ô tô Xuân Kiên Vinaxuki, việc tính giá điện theo giờ cao điểm khiến chi phí giá điện của doanh nghiệp đội lên tới 15%.

Trao đổi với Tiền phong bên lề Hội nghị của UBND TP Hà Nội với các doanh nghiệp nhằm tháo gỡ những khó khăn, phát triển sản xuất kinh doanh, góp phần ngăn chặn suy giảm kinh tế, ông Huyên cho biết trước đây ngành điện tính từ 9h30 đến 11h và từ 17h đến 18 giờ chiều là thời điểm tính giá điện bình thường.

Với cách tính mới, các quãng thời gian trên được đưa vào là giờ cao điểm với mức giá điện  tăng gấp đôi so với giờ bình thường thì mỗi ngày, số giờ cao điểm sẽ tăng thêm 2,5 giờ so với trước đây.

“Tính một bài toán tổng thể thì giá điện sẽ không phải tăng 8,92% như công bố mà phải tăng trên 15%. Có thể nói đây là cách tính độc quyền của ngành điện và EVN đã “lách” rất giỏi trong việc tăng giá này”- Ông Huyên nói.

Đại diện một đơn vị có 3 nhà máy sản xuất lớn trong lĩnh vực động cơ xe máy, ống nhựa công nghiệp và phụ tùng xe máy có trụ sở trên địa bàn Hà Nội cũng cho biết với cách tính tiền điện trước đây, mỗi tháng doanh nghiệp này phải trả từ 300 đến 400 triệu đồng, với cách tính giá điện mới, dù sắp xếp lại sản xuất theo hướng tận dụng thời gian sản xuất vào giờ thấp điểm, chi phí cũng tăng thêm bình quân trên 10%.

“Trong lúc khó khăn này, do đầu ra chậm, phần lớn các doanh nghiệp đều không sản xuất 3 ca liên tục. Vì vậy họ có thể tính toán điều chỉnh và giảm thiểu các chi phí trong sản xuất. Tuy nhiên mức chi phí do tăng giá điện cũng ở mức 10%. Việc tăng giá này sẽ được đưa vào trong giá thành sản xuất”- Ông này cho biết. 

Bà Nguyễn Thị Xuyên, Giám đốc Công ty TNHH Cơ Điện Đại Dương có trụ sở tại Thanh Oai, Hà Nội cho biết chi phí sử dụng điện chiếm hơn 10% trong cơ cấu giá sản phẩm của công ty.

Việc giá điện tăng trong thời điểm kinh doanh khó khăn buộc doanh nghiệp phải tính toán rất kỹ lưỡng mọi chi phí để tiết kiệm tối đa. Thời gian sản xuất cũng được điều chỉnh linh hoạt để tận dụng giá điện rẻ.

“Cũng may là giá xăng dầu đã giảm so với trước đây chứ nếu cộng cả tăng giá điện vào nữa thì doanh nghiệp sẽ không thể chịu nổi. Giá điện tăng cũng kéo theo giá thành sản xuất tăng khoảng 10% nữa. Việc cạnh tranh sẽ rất khó khăn”- Bà Xuyên cho biết.

Tăng giá điện thì dứt khoát là không thiếu điện

Liên quan đến việc nhiều doanh nghiệp có ý kiến về việc tăng giá điện làm ảnh hưởng đến chi phí sản xuất, Thứ trưởng Bộ Công Thương Bùi Xuân Khu cho biết hiện đang thừa điện nhưng Thủ tướng vẫn quyết định tăng giá điện vì nếu không tăng giá thì những năm tới sẽ thiếu điện. Hơn nữa nếu để giá điện thấp sẽ khó thu hút được đầu tư vào lĩnh vực này.

Cũng theo ông Khu, nếu các doanh nghiệp tính toán thấy việc áp dụng giá điện vào giờ cao điểm, thấp điểm với cách tính chưa phù hợp thì có thể kiến nghị lên Bộ Công Thương để xem xét từng trường hợp cụ thể. Còn những trường hợp khác phải thực hiện theo mức giá Thủ tướng đã phê duyệt.

“Đã tăng giá điện rồi thì dứt khoát là không thiếu điện. Tôi cũng đề nghị các doanh nghiệp, các cơ quan phải giám sát và lập biên bản đối với những trường hợp cắt điện không báo trước, gây phiền hà, vòi vĩnh doanh nghiệp. Những trường hợp này Bộ sẽ đứng ra xử lý” - Thứ trưởng Bùi Xuân Khu tuyên bố.

Ý kiến của bạn về vấn đề này ?

MỚI - NÓNG