Hoãn cưới để đi bộ

Bộ hành xuyên Việt đòi công lý da cam

Bộ hành xuyên Việt đòi công lý da cam
TP - Cờ đỏ sao vàng choàng trên người, mũ tai bèo, ba lô nặng trĩu trên chiếc áo xanh đẫm mồ hôi, cán bộ Đoàn 8X Nguyễn Tuấn Linh bách bộ từ thành phố Biên Hòa (Đồng Nai), dọc dài đất nước thẳng tiến Hà Nội.

>> Tòa Tối cao Mỹ bác vụ kiện chất độc da cam

Hoãn cưới để đi bộ

Trưa 28/2, đúng ngày thứ 26 của cuộc hành trình bách bộ 2.000 km từ Nam ra Bắc, Nguyễn Tuấn Linh có mặt tại Đà Nẵng.

Sáng 3/2, đúng ngày thành lập Đảng, anh em Thành Đoàn Biên Hòa đứng giăng ở cổng, cùng bắt tay tiễn Tuấn Linh (SN 1980) bắt đầu cuộc hành trình đi bộ xuyên Việt với mục đích kêu gọi ủng hộ các nạn nhân CĐDC, ký tên cho cuộc đấu tranh vì công lý.

“Thầy giáo tí hon” Nguyễn Ngọc Phương: “Hơn ai hết, mình cảm nhận được nỗi đau đớn của nạn nhân da cam. Mong rằng, đi bất cứ nơi đâu, anh Linh cũng đón nhận được tình cảm nồng ấm và thu về nhiều chữ ký ủng hộ nạn nhân chất độc da cam".

Bắt tay anh em, Tuấn Linh  hứa sẽ kịp tới đền Hùng (Phú Thọ) đúng vào ngày 10/3 âm lịch để gửi lại nắm đất thiêng mà anh mang theo từ nghĩa trang liệt sĩ TP HCM. Và rồi  dọc theo QL 1A, chàng cán bộ Đoàn độc hành thiên lý ra Bắc với vô vàn gian truân trắc trở phía trước mà chính anh cũng không thể lường được.

Nguyễn Tuấn Linh kể về nguyên cớ của cuộc đi bộ đặc biệt: “Hồi đi học, thấy bạn là Phạm Văn Học bị mù mắt bẩm sinh vì chất độc dioxin, mình luôn bị ám ảnh. Rồi đến năm 2004, khi mình vào sống cùng anh trai trên mảnh đất Đồng Nai, chứng kiến những mảnh đời bất hạnh vì chất độc da cam, mình ấp ủ hoài dự định sẽ làm được một cái gì đó, dù nhỏ thôi, để góp phần an ủi, xoa dịu nỗi đau, đặc biệt là những đứa trẻ”.

Linh làm việc quần quật, âm thầm tích lũy để có một khoản tiền. Một chuyện bất ngờ xảy ra với Linh: Yêu! Trong những lần hoạt động Đoàn ở Hàm Thuận (Bình Thuận), anh và cô đoàn viên của Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Hàm Thuận cảm mến nhau.

Đến ngày 16/6/2008, đôi bạn trẻ đã làm lễ đính hôn, với dự định cuối năm 2008 làm đám cưới. Lúc này, sau bốn năm làm việc, Nguyễn Tuấn Linh tích luỹ được 12 triệu đồng, và đó là số tiền chi phí cho ngày trọng đại của cuộc đời.

Suy tính mãi, cuối cùng anh đánh bạo nói thẳng ý định với bạn đời chưa cưới. Thật không ngờ, vị hôn thê không những không ngăn cản mà còn lên tiếng ủng hộ anh thực hiện ước mơ. Vậy là, đám cưới phải hoãn.

“Lúc đầu nhiều người cũng phản đối dữ lắm, nhất là cha mẹ của hai đứa. Sau rồi ai cũng thông cảm. Không được làm những gì mình thích thấy bức bí lắm”. Linh kể, khi  biết anh dùng tiền đám cưới để thực hiện chuyến đi bộ, nhiều người, kể cả bạn bè thân đều bảo anh khùng.

Ba lô làm gối

Bộ hành xuyên Việt đòi công lý da cam ảnh 1
Ký tên ủng hộ cùng HS trường PTCS Nguyễn Khuyến

Trước khi khởi hành sáu tháng, Linh bắt đầu luyện tập sức khỏe bằng cách dậy lúc 5 giờ sáng mỗi ngày, dành một tiếng đi bộ, buổi chiều, tập chạy. Đến thời điểm này, Tuấn Linh thực hiện được một nửa chặng đường.

Trong chiếc ba lô nặng trĩu, ngoài nắm đất linh thiêng, là những nước ngọt, mì tôm, lương khô, thuốc cảm, dầu gió, võng, tăng, quần áo... Linh hành quân như một người lính thực thụ. “Trời đang xuân nhưng đã nắng nóng khủng khiếp.

Năm 2004, Nguyễn Tuấn Linh vào Đồng Nai làm công nhân. Những ngày ở trọ tại phường Trảng Dài (Biên Hòa), Linh thành lập CLB đoàn viên xóm trọ công nhân và hoạt động năng nổ. Cũng từ đó, anh được lãnh đạo công ty tạo điều kiện cho hoạt động Đoàn. Một năm sau, anh được phân công công tác ở Thành Đoàn Biên Hòa.

“Trước chuyến đi bộ này, một số doanh nghiệp muốn tài trợ với điều kiện mặc áo in logo của họ. Tôi không chấp nhận. Tự tôi bỏ tiền túi để thực hiện hành trình đi bộ. Thứ mà tôi cần là tinh thần chứ không phải vật chất” - Tuấn Linh nói

Đói thì ăn, khát uống, mệt nghỉ. Không chấp nhận bỏ cuộc hoặc leo lên xe máy, xe đạp hay ô tô dù chỉ là một phút” – Linh nói. Đoạn khắc nghiệt nhất trong chặng đường từ Sài Gòn ra tới Đà Nẵng phải kể đến huyện Bắc Bình (Bình Thuận), một quãng đường dài gần 30km không một bóng cây, xung quanh trắng xóa một màu sa mạc cát.

Giữa trời nắng chang chang, khi nước hết, Linh gần như kiệt sức vì mệt, đói và khát. Bỗng một chiếc xe tải từ sau lưng chờ tới, bác tài mời Linh lên xe qua đoạn này.

“Không hiểu sao bác tài lại biết tên mình.  Trước khi lái xe đi, bác còn bỏ lại một chai nước với lời chúc vững bước tiếp và không bỏ cuộc. Thú thật. buổi trưa hôm đó chân mình tê cứng, đầu nhức như búa bổ dưới nắng cháy. Đó là thời điểm rất dễ nản lòng. Nhưng có chai nước và lời động viên của bác ấy, chỉ với một lời chúc thôi” - Linh kể.

Ngày đi đêm ngủ 26 ngày qua, khi bước chân Linh trải qua các tỉnh từ Đồng Nai, Bình Thuận đến Bình Định, Quảng Nam, Đà Nẵng..., khổ ải nhọc nhằn dần bỏ lại sau lưng “Gặp đêm tối ở những nơi không có nhà trọ, ngoài những lần xin ngủ nhờ nơi chùa chiền hoặc nhà dân, có bốn đêm mình phải mắc võng ngủ trên rừng. Lần thứ nhất ở Bắc Bình (Bình Thuận), sau đó là Đại Lãnh (Phú Yên), đèo Cù Mông (Phú Yên) và Bình Sơn (Quảng Ngãi). Thật may là những đêm đó trời không mưa”.

Trong cuốn nhật ký đi đường của Linh, tôi đọc được những dòng thơ do anh sáng tác trong đêm ngủ rừng trên đèo Cù Mông: “Hôm nay giữa chốn thiên đường/Ba lô làm gối, võng là nệm êm/Sương giăng tựa dải lụa mềm/ Làm chăn ta đắp giấc nồng thêm say”. Ở Quảng Ngãi, khi xin ngủ ở một ngôi chùa, Linh được nhà sư trụ trì cùng ngồi đàm đạo, sau đó tặng anh cuốn kinh Phật.

“Mình không mong muốn thay đổi tức khắc được điều gì to lớn. Chỉ muốn qua cuộc hành trình này, mọi người cùng chung sức lại với nhau, hiểu, cảm thông và chia sẻ nhiều hơn với những nạn nhân dioxin”. Qua 26 ngày đêm, đi đến tỉnh thành nào, Linh cũng có thể cảm nhận được sự đón tiếp thân tình và nồng hậu. Và ở những nơi đó, Linh có cơ hội được thổ lộ tâm tư và quyên góp những chữ ký vì công lý cho cuộc đấu tranh với 37 công ty hóa chất của Mỹ.

Khi tôi thức dậy để viết bài này cũng là lúc đồng hồ điểm chuông 5 giờ sáng. Còn chưa tỏ mặt người, giờ này, Linh bắt đầu vượt đèo Hải Vân - đệ nhất hùng quan quanh co khúc khuỷu nhất miền Trung.

Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký VAVA - Trần Xuân Thu:

Sẽ kiện đến cùng

Trước thông tin Tòa án Tối cao Mỹ công bố quyết định không xem xét đơn của các nạn nhân chất độc da cam người Việt Nam, ngày 3/3, ông Trần Xuân Thu - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Nạn nhân Chất độc Da cam/Dioxin (VAVA), cho biết, sẽ tiếp tục đấu tranh đòi công lý cho nạn nhân chất độc da cam ở Việt Nam.

Theo ông Thu, Tòa án Mỹ còn bác bỏ hai đơn kiện khác của các cựu binh Mỹ đòi các Cty Mỹ bồi thường thiệt hại. Đơn kiện của các nạn nhân chất độc da cam Việt Nam và Mỹ trước đó cũng bị Tòa Thượng thẩm New York bác bỏ.

Ông Thu bày tỏ bất bình trước quyết định của Tòa án Tối cao Mỹ và cho rằng, phán quyết của tòa án Mỹ trái với thực  tiễn về hậu quả chiến tranh hóa học tại Việt Nam, nhất  là đối với người Việt Nam. Tòa án ở Mỹ dựa trên cơ sở không đúng đắn, cho rằng chất độc da cam dioxin chỉ là chất diệt cỏ, không tác động đến sức khỏe con người.

Quân đội Mỹ và phía Mỹ đã sử dụng chất độc tại Việt Nam, đánh vào hàng chục nghìn làng mạc. Thay  mặt cho VAVA, ông Thu kêu gọi những người có lương tri trên thế giới hãy giúp đỡ nhân dân Việt Nam, giúp đỡ các nạn nhân Việt Nam trong việc đấu tranh đòi công lý.

Theo ông Thu, VAVA tiếp nhận thông tin và đang chuẩn bị thực hiện các bước tiếp theo cho vụ kiện trong thời gian tới. “Chúng tôi quyết tâm đến cùng và sẽ thực hiện nhiều biện pháp để tiếp tục đấu tranh đòi công lý cho nạn nhân”- Ông Thu nói. 

MỚI - NÓNG
Tấm biển đá có lỗi kỹ thuật đã được cơ quan chức năng di dời.
Ngành chức năng thông tin về tấm biển ghi 'Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch Thanh Hoá'
TPO - Ngày 20/4, Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) Thanh Hoá cho biết, đã có báo cáo gửi UBND tỉnh Thanh Hóa kết quả kiểm tra, rà soát lại toàn bộ sự việc liên quan đến tấm biển đá ghi "Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thanh Hóa" ở di tích lịch sử Quốc gia nghè Vẹt, xã Vĩnh Hùng, huyện Vĩnh Lộc.