Xóm công nhân muộn chồng

Xóm công nhân muộn chồng
TP - Chưa có việc, lo. Có việc rồi, chưa chắc sướng. Đầu tắt mặt tối, không cơ hội giao lưu, tìm kiếm một nửa của đời mình. Rồi đây, tương lai của những nữ công nhân trẻ này ra sao? 
Xóm công nhân muộn chồng ảnh 1
Trang, Hương công nhân khu công nghiệp Nam Thăng Long tâm sự với phóng viên

Hai chị em Trần Thị Trang, Trần Thị Hương chuyển về khu xóm trọ thôn Tây Bầu, xã Kim Chung, huyện Đông Anh (Hà Nội) được gần hai tháng. Trang và Hương làm công nhân tại Cty Canon đã lâu. 

 Xóm trọ trên dưới 20 phòng, đường vào nước chảy lênh láng, đất nhão nhoét. Căn phòng trọ của hai chị em tối tăm, ẩm thấp, chưa đầy 6 mét vuông. 12 giờ trưa, Trang, Hương vẫn ngủ, bù cho ca đêm hôm trước. Hiếm lắm mới có khách lạ đến chơi, hai chị em niềm nở kể đủ chuyện. Song, hỏi tình yêu, hai cô có vẻ buồn.

Tuổi băm chưa một mảnh tình

“Có ai yêu nổi chứ? Làm ngày chưa đủ, tranh thủ làm đêm. Với lại khu công nghiệp này, lao động chủ yếu là con gái...”.

Cô chị sinh năm 1979, cô em sinh năm 1982. Cả hai đều thú nhận “chưa có một mảnh tình vắt vai. Ở quê nam thanh niên cũng đi làm ăn xa hết”.

“Bố mẹ có giục chuyện chồng con?”. Trang cười: “Bố mẹ nói mãi rồi cũng chán. Hoàn cảnh đưa đẩy nên bọn mình đành chịu thôi. Em gái út ở quê sinh năm 1990 đã cưới chồng, sinh con rồi”. Nói đoạn, hai chị em Trang, Hương lục tìm album ảnh khoe đứa cháu trai gần một tuổi.

Cùng xóm trọ với Trang, Hương, Nguyễn Thị Thái (sinh năm 1979, quê Tuyên Quang) cũng chung cảnh ngộ. “Làm công nhân quen rồi, thành ra ngại về quê lội bùn, cấy lúa. Mà ở mãi đây thì chẳng ai yêu. Xóm em còn nhiều người xấp xỉ đầu ba chưa chồng. Lúc buồn, rảnh rỗi mấy chị em ngồi nhìn nhau. Mấy dãy trọ xung quanh đây thôi cũng có trên chục người bằng tuổi, hơn tuổi rồi”- Trần Thị Trang nói.

Bảy giờ tối, chúng tôi theo chân Nguyễn Thị Hà (công nhân Cty Vải sợi May mặc Miền Bắc) tan ca về nhà trọ tại xóm giãn dân, Vĩnh Tuy (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội). Đường vào nhà trọ men dọc mương nước chợ Vĩnh Tuy tối tăm. Nhà trọ ẩm thấp.

Xóm Hà ở toàn công nhân nữ, chủ yếu làm tại các công ty may mặc dọc trục đường Minh Khai (quận Hai Bà Trưng) như Cty dệt 10 - 10, Cty TNHH Nhà nước Một thành viên Dệt 8/3, Cty Dệt kim Đồng Xuân...

Sau giờ tan ca, ai nấy phờ phạc, mệt mỏi. Quạt bếp than tổ ong khói cay xè mắt, chị Hà nói: “Xóm có 15 người đều đang ế cả đây”.

Nói rồi chị Hà chỉ chúng tôi sang dãy trọ bên cạnh có chị sinh năm 1968 cũng chưa chồng. Chị Hoa 41 tuổi, quê ở Thọ Xuân (Thanh Hóa) kể: “Hồi trẻ cũng có mấy người đến nhưng chắc mình công nhân lương thấp lại không xinh nên họ cũng đi. Giờ già rồi, cũng chả nghĩ gì nữa”.

Trâu đi tìm cọc cũng khó

Ngày bình thường làm tám tiếng, cao điểm làm 12 tiếng một ngày. Phần lớn không có tổ chức Đoàn, hoặc có nhưng quanh năm chẳng sinh hoạt. Họ gần như chẳng có cơ hội giao lưu, tìm kiếm bạn đời. Cô nào xinh xắn, được trai làng để ý là may.

Năm dãy nhà trọ liên tiếp nhau ở xóm giãn dân Vĩnh Tuy phần đa là công nhân nữ thì có vài chục chị em đã trên, dưới tuổi 30. Mỗi người một hoàn cảnh, một Cty khác nhau nhưng họ ở trọ đây từ lâu. Cuộc sống quanh quẩn từ phòng trọ đến Cty chừng mấy cây số.

Hỏi sao chị em không chủ động đi tìm hạnh phúc, Lê Thị Lanh (Cty Dệt kim Đồng Xuân): “Công ty tôi làm việc có đến hàng ngàn nữ công nhân, về nhà trọ cũng hàng chục chị em trọ cùng khu, nhìn đâu cũng toàn nữ. Cũng thèm được yêu thương nhưng cọc đi tìm trâu còn không ra, lấy đâu trâu tìm cọc”.

Ở những xóm muộn chồng này, câu chuyện phụ nữ có chồng, sinh em bé trở thành mơ ước của nhiều chị em. Bốn chị em hai thế hệ 7X, 8X quê cùng ở Hạ Hoà (Phú Thọ) chung nhau một phòng trọ cạnh khu công nghiệp Nam Thăng Long.

Cô chị Nguyễn Thị Hồng sinh năm 1978, sau ba năm làm công nhân trở về quê ăn tết may mắn được một thanh niên trong xã đem lòng yêu rồi làm đám cưới.

Một tháng ở nhà cùng chồng, chị Hồng lại khăn gói xuống Cty Hoya làm việc. Tin vui có bầu loan nhanh khắp xóm trọ khiến ai cũng hồ hởi. “May về quê mới lấy được chồng chứ ở đây thì khó lắm” - Chị Hằng nói.

Đến các xóm trọ cạnh khu công nghiệp, nhà máy chúng tôi nghe nhiều công nhân nữ chia sẻ kế hoạch: Đi làm đến 25 - 26 tuổi rồi nghỉ việc về quê. Dù phải làm ruộng, làm rẫy cũng phải về vì “ở lại chẳng lấy được chồng!”.

Kỳ sau: Cạm bẫy

* Tên một số nhân vật trong bài đã được thay đổi.

MỚI - NÓNG
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
TPO - Ông Phan Văn Mãi giữ nhiệm vụ Chủ tịch Hội đồng đánh giá Đề án thí điểm chính sách khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung thực hiện Kết luận 14 của Bộ Chính trị.