Cuộc chơi lớn "Oan khuất một thời"

Cuộc chơi lớn "Oan khuất một thời"
TP - NSƯT Xuân Hanh - Phó Giám đốc Nhà hát Chèo Hà Nội, nhận định Nguyễn Trãi sẽ hiện tượng hơn Sita khi ông nói về vở chèo vừa hoàn tất "Oan khuất một thời", tái hiện vụ án Lệ Chi Viên.
Cuộc chơi lớn "Oan khuất một thời" ảnh 1
Quốc Anh vào vai Nguyễn Trãi

Nghệ sỹ Xuân Hanh nói, vở Nàng Sita vừa phục dựng năm ngoái đã có hợp đồng biểu diễn lên tới 100 triệu đồng, ròng rã diễn ở Hà Nội hơn một tuần, sau đó lưu diễn khắp nơi.

“Còn Oan khuất một thời chắc chắn sẽ hơn thế. Đại lễ 1.000 năm Thăng Long đang đến gần, chúng tôi có nhiều vở để lựa chọn diễn trong dịp đại lễ: Chiếu dời đô, Thái úy Lý Thường Kiệt, Oan khuất một thời… Chúng tôi chưa biết chọn vở nào”.

Đạo diễn, NSND Doãn Hoàng Giang - người dàn dựng vở này cho biết: “Oan khuất một thời là cuộc chơi lớn của Nhà hát Chèo Hà Nội và cá nhân Giang”.

Sân khấu lộng lẫy hoành tráng đến mức chọn đi chọn lại, thấy rạp nào, nhà hát nào cũng rúm ró. Chỉ Nhà hát Lớn thỏa mãn điều kiện diễn ra mắt. Mười cột nghê xanh ngậm hồng ngọc lừng lững trên sàn, phục trang được đầu tư kỹ bằng cách mời nhà thiết kế Sỹ Hoàng từ TPHCM bay ra tạo mẫu, may đo.

“Trước đến nay, chúng ta thường nhờ một ông thợ may nào đó làm cho, rất xanh đỏ cua đồng. Riêng vở này, tiền phục trang lên đến gần bốn trăm  triệu”, NSND Doãn Hoàng Giang nói.

Dàn ánh sáng cũng do một công ty mang từ phía Nam ra nên, lâu lắm, sân khấu mới có đèn laser. Khổ nỗi, những cột nghê đá bị khán giả khen: “Đền cẩu nhi đẹp quá!” Có người lại bảo: “Xung quanh Nguyễn Trãi thật nhiều chó!” Doãn Hoàng Giang: “Người ta nghĩ thế cũng tốt. Đấy là một ý hay”.

Theo vị đạo diễn ngoại thất tuần, ông và Nhà hát Chèo Hà Nội dám chơi cuộc này, bất chấp lãi hay lỗ, để xứng đáng với Nguyễn Trãi- nhân vật có số phận thảm khốc nhất trong lịch sử Việt Nam.

Nhà hát Chèo Hà Nội cho biết, vở Oan khuất một thời sẽ diễn tại Nhà hát Lớn tối 18-19/3 và bốn buổi vào đầu tháng Tư. Sau đó, lưu diễn phía Nam cùng Nàng Sita.

Hơn chục năm trước, Doãn Hoàng Giang bị cho là người phá chèo hăng hái. Nay, ông phản biện: Khi làm chèo, tôi quan niệm hơi khác. Tôi là người hiện đại làm chèo chứ không phải ông Trùm Thịnh, ông Năm Ngũ, bà Dịu Hương làm chèo.

Tôi thường đọc: Suốt ngày khoe những cha ông/Thì đời con cháu chắc không có gì. Chúng ta hướng về cha ông nhưng học hỏi, sử dụng cha ông được bao nhiêu là chuyện khác.

Những người chung thủy với chèo truyền thống có cái lý của họ khi lên tiếng về Oan khuất một thời cũng như họ từng phê phán Nàng Sita, vì những đoạn hát đều xuất hiện với tần suất khá thưa thớt.

Theo NSƯT Xuân Hanh, các bài hát vặt đều bị lược bỏ. Nhiều đoạn bị bỏ đi cho phù hợp thời lượng- từ ba tiếng xuống còn hơn hai tiếng đồng hồ, khiến cả đoàn xót xa.

Bù lại, khán giả được nghe những đoạn chèo chắt lọc hơn, hay hơn. Chẳng hạn màn Nguyễn Trãi đồng ẩm than nỗi đau đời cùng các thi nhân trong tư dinh của ông và vợ là Lễ nghi Học sỹ Nguyễn Thị Lộ, màn Nguyễn Trãi bên những ché rượu cuối cùng trước khi bị tru di tam tộc.

Một lần nữa lại thấy sự xuất sắc của Quốc Anh, diễn viên đa năng. Mới bôi mặt xanh đỏ, lập cập đóng Bá Kiến trong đĩa hài Tết, thoắt cái thành Nguyễn Trãi uyên bác, ưu tư. Giọng hát vang, ấm, thể hình tốt và khả năng nhập vai của Quốc Anh đem lại một hình tượng Ức Trai khó quên.  

“Các nhà hát đều nói anh Giang nghĩ ít thôi bởi một chút lóe sáng ý tưởng trong óc đạo diễn có thể tốn hàng trăm triệu. Chị Thúy Mùi thì bảo anh cứ nghĩ đi, nhà hát đáp ứng hết. Chơi là thế! Có thể khủng hoảng nọ khủng hoảng kia nhưng các nhà hát không được phân trần với khán giả. Hãy để sân khấu luôn là thánh đường”, đạo diễn Doãn Hoàng Giang nói, “Tôi không khoác áo mới cho chèo để làm hỏng chèo”.
MỚI - NÓNG