Vụ sập dầm cầu Chợ Đệm: Chỉ là rủi ro?

Vụ sập dầm cầu Chợ Đệm: Chỉ là rủi ro?
TP - Theo ông Đỗ Ngọc Dũng - Phó Ban Quản lý Dự án Mỹ Thuận (chủ đầu tư), sự cố tại hai dầm cầu số 9 và 10 đơn thuần là tai nạn lao động, rủi ro chứ không phải sai sót do bản vẽ hay lún trong quá trình thi công.

>> Rơi dầm cầu vượt sông Chợ Đệm
>> Sập dầm cầu Chợ Đệm do sơ suất thao tác thiết bị nâng hạ
>> Cầu Chợ Đệm từng bị rút ruột

Vụ sập dầm cầu Chợ Đệm: Chỉ là rủi ro? ảnh 1
Hiện trường vụ sập dầm cầu Chợ Đệm. Dự kiến hôm nay (12/3) nhà thầu thi công sẽ bắt đầu thu dọn khơi thông luồng tuyến

“Bê tông rất giòn. Nếu hai đầu cẩu nâng lên bị vênh, sự cố lập tức xảy ra. Tuy nhiên, chúng tôi sẽ cho thử tải, giám định lại toàn bộ chất lượng cầu sau khi công trình hoàn thành” - ông Dũng khẳng định.

Về phương án khắc phục, ông Dũng cho biết, các bên lập phương án dọn dẹp hiện trường và sẽ vừa khắc phục vừa thi công. Trước mắt, chủ đầu tư yêu cầu nhà thầu thi công lập phương án thu dọn hiện trường, khai thông luồng lạch theo chỉ đạo của UBND TPHCM.

Sáng 11/3, Đoàn công tác Bộ Giao thông Vận tải, các ngành chức năng của TPHCM và cơ quan cảnh sát điều tra Công an thành phố đã tiến hành phong tỏa hiện trường vụ sập cầu Chợ Đệm thuộc dự án đường cao tốc TPHCM – Trung Lương để tập trung khảo sát, khám nghiệm tìm nguyên nhân và lập phương án trục vớt dầm cầu khai thông tuyến giao thông đường thủy qua khu vực này.

Trong thời gian chờ hoàn tất công tác khám nghiệm, giải phóng hiện trường, các tàu thuyền qua lại đều bị cấm lưu thông qua khu vực hiện trường. Theo đại diện Cục Đường thủy Nội địa, sau khi sự cố xảy ra, đơn vị đã cắm chốt phân luồng tại hai đầu tuyến sông là chốt khu vực Bến Lức (Long An) và chốt Bình Điền (Bình Chánh).

Ông Lê Hải Sơn - Trạm trưởng Trạm Quản lý đường thủy nội đại Phú An - Đoạn quản lý đường thủy nội đại số 10, cho biết sự cố này nghiêm trọng không kém sự cố sập cầu Bình Điền vào năm 1998.

Hằng ngày, đoạn sông Chợ Đệm này có 150 tàu lớn qua lại, chưa kể các tàu thuyền nhỏ. Cơ quan chức năng phải phân luồng cho tàu thuyền từ các tỉnh miền Tây lên TPHCM và ngược lại đi qua kênh nước mặn, vào sông Cần Giuộc và bến Phú Định. Việc giao thông qua sông Chợ Đệm sẽ tạm ngưng đến khi nào công tác khám nghiệm điều tra kết thúc.

Nhiều vụ trộm cắp vật tư

Ngày 4/2, Công an xã Lợi Bình Nhơn, thị xã Tân An (Long An) bắt quả tang một đối tượng đang vận chuyển 100 cây sắt dài 3 m - 3,5 m, nặng khoảng một tấn bán cho một vựa phế liệu.

Chủ vựa khai toàn bộ số sắt mua của Nguyễn Văn Thắng và Nguyễn Văn Vị là công nhân đang thi công công trình đường cao tốc TPHCM-Trung Lương. Sau khi hai công nhân bị bắt giữ, ông Nguyễn Minh Thiên, Phó đội trưởng Đội thi công công trình cầu cạn thuộc hạng mục cầu Tân An, hối lộ cho Trưởng Công an xã Lợi Bình Nhơn 500.000 đồng và bị lập biên bản.

Tại Long An, công an các huyện Bến Lức, Thủ Thừa và thị xã Tân An bắt sáu vụ trộm vật tư từ dự án đường cao tốc TPHCM-Trung Lương, khởi tố 13 đối tượng là công nhân đang thi công và người tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có.

Phần lớn vật tư bị trộm là sắt thép đặc chủng dùng làm cầu vượt sông, cầu cạn, cầu vượt. Tại tỉnh Tiền Giang, tháng 12/2008, Công an huyện Châu Thành (Tiền Giang) ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và bắt tạm giam Nguyễn Minh Phi, Trương Văn Việt và Nguyễn Văn Thắng, công nhân xây cầu Tân Hương thuộc gói thầu HM6-37 dự án đường cao tốc TPHCM - Trung Lương.

Tang vật thu giữ là 323 cây sắt lớn trị giá hơn 50 triệu đồng. Đối tượng Trần Minh Phi còn khai nhận đã thực hiện trót lọt ba lần lấy trộm sắt để bán thu lợi bất chính gần 30 triệu đồng.

MỚI - NÓNG