Hậu tái định cư Dung Quất: Đi rồi lại muốn về

Hậu tái định cư Dung Quất: Đi rồi lại muốn về
TP - Bà con xã Bình Đông (huyện Bình Sơn, Quảng Ngãi) mấy tuần gần đây bỗng liên tiếp gửi đơn thư lên chính quyền địa phương phàn nàn chuyện cuộc sống ở nơi định cư mới. 
Hậu tái định cư Dung Quất: Đi rồi lại muốn về ảnh 1
Ông Vương Tấn Thọ với chuyến đi biển hiếm hoi

Ngày 6/3 vừa rồi, tại cuộc đối thoại trực tiếp với nhân dân xã Bình Đông (huyện Bình Sơn), Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Nguyễn Xuân Huế chỉ đạo thành lập tổ tiếp nhận đơn thư của dân đặt tại xã ngay từ ngày 7/3 và, đến nay, đã có 268 lá đơn được gửi...

Tỉnh làm, dân níu áo huyện

Trong số đơn khiếu nại, phần lớn được thu thập kể từ sau ngày 22/2 - ngày chào mừng dòng sản phẩm đầu tiên của Nhà máy lọc dầu Dung Quất. Phó Chủ tịch Huyện Bình Sơn, ông Huỳnh Duy Việt, cho biết:

“Trong số 268 lá đơn của dân các xã gửi lên, tập trung ba vấn đề gồm giá cả đền bù thấp, nhà cửa hạ tầng nơi tái định cư xây dựng kém và không hiệu quả, thiếu đất sản xuất, đề nghị hỗ trợ; đất đai còn ở quê chưa được đền bù, bị người khác chiếm dụng; và đề nghị giải quyết việc làm...”. 

Tổ tiếp nhận đơn thư do Phó Chủ tịch Tỉnh Lê Quang Thích trực tiếp chỉ đạo, có nhiệm vụ trực tiếp nhận tất cả đơn thư kiến nghị của các hộ dân để xem xét, giải quyết và trả lời từng trường hợp cụ thể bằng văn bản theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, trách nhiệm chính về hoạt động của tổ này lại thuộc về chính quyền và các ban ngành huyện Bình Sơn. 

Ông Huỳnh Duy Việt thẳng thắn: Theo Luật Khiếu nại tố cáo, cấp huyện đứng ra giải quyết cho dân, nhưng trong những chuyện dân thắc mắc khiếu nại này, nguyên nhân lại bắt đầu từ tỉnh chứ đâu phải huyện!

Như chuyện nhà ở xây dựng kém, đất đai sản xuất xấu và thiếu, rồi giá đất đền bù giải tỏa chênh nhau, không hợp lý, thiếu kiên quyết, sai vị trí, thì huyện làm gì có quyền quyết. Trách nhiệm của huyện bây giờ là phân loại nội dung đơn, chứ tiền, đất đâu mà hỗ trợ, chỉ còn cách là tuyên truyền vận động.

Dân đánh cá bằng thuyền thúng. Nếu không bỏ thúng lên thuyền lớn nhờ chạy ra biển, chỉ còn cách úp lên bờ. Dân biển ở đây thu nhập chưa bằng một nửa so với lúc ở quê cũ.

Tỉnh hứa giải quyết trong 30 ngày, kể từ ngày gặp dân trước làm lễ mừng sản phẩm dầu. Tính đến ngày 18/3 này là hết hạn. Tỉnh làm, nhưng dân lại níu áo huyện.

“Hàng ngàn người đang thất nghiệp. Khi nhà máy đi vào vận hành, lao động thủ công bị không còn việc, huyện có cách nào giúp không?”. Ông Việt than phiền, lao động của ta phần lớn chưa qua đào tạo, chuyện này giờ đang thực sự bí. 

Tìm đường về

Thôn Đông Thuận (xã Tịnh Hòa, huyện Sơn Tịnh) là nơi  tập trung gần 200 hộ dân đầu tiên từ các xã Bình Thuận và Bình Đông (Bình Sơn) đến tái định cư từ tháng 5/1998. Đây cũng là nơi có nhiều người gửi đơn kiến nghị.

Ông Vương Tấn Thọ - một ngư dân gốc Bình Thuận, nói: “Cả xã làm nghề biển. Hồi còn dưới đó, đi biển với gần 10 loại lưới (mỗi loại lưới làm theo từng thời điểm khác nhau trong năm - PV), nên có việc quanh năm. Lên đây không có lưới, lại ở quá xa biển, nên chỉ làm bảy tháng thôi. Khổ một nỗi những tháng biển yên (tháng Sáu đến tháng Tám) thì phải nằm nhà vì không có lưới”.

Lúc ở quê, ông còn chèo thuyền thúng ra kiếm ít cá, phụ nữ xuống bãi phụ với chồng. Bây giờ biển ở cách xa hơn ba cây số, chỉ biết đến đứng ngó.

Hậu tái định cư Dung Quất: Đi rồi lại muốn về ảnh 2
Trường tiểu học ở Đông Thuận đóng cửa vì ít học sinh (học sinh nhập học chung với trường khác)  Ảnh : T.V

Chỗ ở mới ban đầu, nước uống là giếng đào, bị nhiễm phèn, sau phải nộp 150 ngàn đồng/hộ, mới có nước sạch kéo về. Dân bên Đồng Lớn, vốn là người Bình Đông, chủ yếu làm ruộng. Nay họ lại trở về quê làm ăn, bởi đất nơi mới toàn đá cục, cuốc không nổi.

Ông Vương Đức, một ngư dân, thở dài: “Chúng tôi là những người ra đi đầu tiên, lại chịu thiệt thòi hơn cả. Ai ở lỳ đi sau thì được đền giá cao. Con đường dẫn vào thôn đã kiến nghị 10 năm, không ai giải quyết. Nếu đến đây mùa mưa thì chỉ có cách xắn quần lội bùn. Lại thêm xe lớn chạy vào nhiều nên đường bị phá nát hết. Bờ kè sát sông sạt lở. Sợ trận lụt năm nay lại phải chạy thôi”.

Trạm y tế xây lên không có y, bác sĩ. Trường tiểu học mới xây cũng đóng cửa vì ít học sinh, nên dồn hết qua bên trường cũ của địa phương. Chợ cá Tịnh Hòa, nói như ông Đức, không phải là chợ bởi chợ phải có lều quán, đằng này chỉ có sân phơi cá, không ai thèm vào nên để bò đứng.

Thanh niên bỏ xứ vào Nam kiếm sống. Người già ở đây làm nghề biển từ nhỏ, giờ đành bó tay thúc thủ. Bí quá, bán bớt đất để ăn như hộ các ông  bà Bùi Phỉ, Nguyễn Thị Sen, Phùng Mô, Trần Sang…

Bây giờ, dạo một vòng quanh xóm tái định cư Đông Thuận, thấy nhan nhản nhà đóng cửa im ỉm, trước nhà nguệch ngoạc mấy chữ bằng sơn: “Bán đất và nhà”. Một cặp vợ chồng trẻ lên đây, lập gia đình, tách hộ, nhưng xã không có đất để cấp. Đành phải thuê, giá 500 ngàn đồng/tháng.

Chị Phan Thị Hiền, vốn ở Bình Thuận, lên đây từ năm 1998, kể: “Hồi mới lên, Nhà nước cho vay không thế chấp 10 triệu/hộ. Làm nhà, sắm phương tiện, lo ăn cũng chỉ trông vào chừng ấy. Đến giờ vẫn chưa trả được nợ”. Nay Chương trình vốn vay ưu đãi 120 của Chính phủ cho người nghèo, những hộ như chị Hiền không được vay bởi vay lần trước rồi.

Hơn nửa hộ tái định cư có mức sống giảm       

Qua khảo sát, điều tra sơ bộ ở 771 gia đình thuộc diện di dời, tái định cư ở Khu Kinh tế Dung Quất, được biết, có trên nửa số hộ có mức sống giảm so với nơi ở cũ. Về nhà ở, có 25 hộ xây dựng nhà kiên cố, 648 hộ có nhà bán kiên cố và 78 hộ có nhà cấp 4.

Về mức sống, số hộ có đời sống khá hơn nơi ở cũ chiếm tỷ lệ 18 phần trăm, bằng nơi ở cũ 25 phần trăm và có mức sống giảm so với nơi ở cũ chiếm 56 phần trăm.

Từ khi có KKT Dung Quất đến nay, tỉnh Quảng Ngãi thực hiện 215 phương án bồi thường, thu hồi 2.300 ha đất, tổ chức di dời và bố trí tái định cư cho 1.700 hộ dân, 30.000 mồ mả các loại với tổng kinh phí chi trả trên 400 tỷ đồng. Trong đó, từ đầu năm 2008 đến nay đã chi trả trên 83 tỷ đồng.

MỚI - NÓNG