Bài 1: Tồn kho

Đề tài trẻ : chết yểu !

Đề tài trẻ : chết yểu !
TP - Nhiều công trình khoa học có tính ứng dụng cao, thậm chí được đánh giá có tính đột phá, vẫn chỉ nằm trong kho hoặc máy tính cá nhân.

Giang Thiên Phú - một trong 10 gương mặt trẻ tiêu biểu Việt Nam 2007 được biết đến với rất nhiều giải thưởng từ cuộc thi sáng tạo thanh thiếu niên nhi đồng toàn quốc.

Năm 2005, Phú đạt giải nhất với công trình “Máy vệ sinh trại gà”, năm 2006 đạt giải ba với công trình “Mô hình máy bay điều khiển từ xa”, năm 2007 đạt giải nhất đồng thời giành Huy chương Vàng của Tổ chức Sở hữu Trí tuệ Thế giới (WIPO) với công trình “Kính hiển vi điện tử cải tiến từ webcam”.

“Tôi từng nhờ các bác trong ban tổ chức cuộc thi giúp đỡ nhưng chỉ nhận được lời hứa”, Phú tâm sự.

Giải thưởng của Phú là một khoản tiền nhỏ cùng giấy chứng nhận.

Ngoài ra không được sự hỗ trợ nào của ban tổ chức để phát triển công trình. Tất cả những công trình đó đều chưa được ứng dụng.

Sao không tìm một doanh nghiệp để hợp tác? Phú lắc đầu: “Không có sự khích lệ sau khi đoạt giải tôi đành bỏ đó”.

Ví dụ, đề tài kính hiển vi điện tử cải tiến từ webcam có thể làm thành sản phẩm và kinh doanh tốt. Kính hiển vi này khi kết nối với máy tính, trên màn hình có thể dễ dàng quan sát các vi sinh vật cực bé, quan sát được các hình ảnh cấu tạo vi mô của các phiên bản thực vật.

Với kính hiển vi này, chỉ đặt vật cần quan sát ở gần tiêu điểm thấu kính hội tụ (sử dụng loại kính có tiêu cự cực ngắn) sẽ có hình ảnh rất lớn trên màn ảnh của webcam, chuyển hình ảnh thành tín hiệu để truyền về máy tính, chiếu lên màn hình rộng, hàng trăm người cùng theo dõi.

Phú nói: “Học môn sinh học, để nhìn rõ các tế bào phải dùng kính hiển vi nhưng mua được kính hiển vi rất đắt và khó, sản phẩm kính hiển vi điện tử có thể chụp lại hình ảnh các tế bào và đưa vào máy tính phân tích, độ chính xác cao, nét, dễ sử dụng. Đối tượng hướng tới là học sinh thực hành môn sinh học và sinh viên trường y với giá bán dự kiến chỉ 400.000 - 500.000 đồng/chiếc”. Nhưng hiện tại, tất cả đều nằm trong ý tưởng, dự định.

Đề tài này của Phú cũng nằm trong danh sách được hỗ trợ trong đăng kí bản quyền nhưng đến nay chưa thực hiện.

Đừng hỏi bao giờ ứng dụng

Cùng chung số phận, năm 2006 hai anh em sinh đôi Phạm Văn Lượng - Phạm Văn Đại (học sinh Trường THPT Đồ Sơn - Hải Phòng) từng được mọi người đặc biệt chú ý với đề tài “Robot hót rác trên mặt nước”.

Robot gồm hai phao nổi hai thân, một sàn công tắc được nối giữa hai thân phao, một thùng lưới khung cứng để chứa rác được đặt trên sàn, cơ cấu lái và dẫn nằm ở đuôi phao, một cào quay phối hợp với cào cố định vớt rác trên mặt nước lên thùng lưới… được điều khiển từ xa. Trên cơ sở robot này có thể chế tạo tàu vớt rác nổi.

“Robot hớt rác trên mặt nước” giành Huy chương Vàng tại Triển lãm Quốc tế về Sáng tạo dành cho học sinh tổ chức tại Seoul (Hàn Quốc) từ ngày 20 đến 24/7/2006. Trước đó, đề tài đạt giải nhất cuộc thi Sáng tạo thanh thiếu nhi 2006. Lúc mới nhận giải, cả Đại và Lượng đều hào hứng mơ ước “phát triển đề tài lên thành một sản phẩm ứng dụng được trong thực tế để biển Đồ Sơn quê em được xanh, sạch đẹp hơn”.

Ba năm trôi qua, cả hai thành sinh viên năm thứ ba Đại học Công nghiệp Hà Nội, nhưng đề tài khoa học trên vẫn nằm trong máy tính. Hỏi về việc triển khai đề tài, Lượng dè dặt:

“Sẽ thực hiện đề tài trong một tương lai gần. Còn hiện tại, tôi không bàn luận gì”. Hỏi có được sự hỗ trợ nào từ những cơ quan có trách nhiệm, Lượng lắc đầu: “Ngoài ít tiền thưởng từ các cuộc thi, triển lãm, còn lại, muốn thực hiện, chúng tôi phải bỏ tiền túi ra”.

Còn nhiều sản phẩm nằm trong tủ như Kính hiển vi quang học của Nguyễn Tân Khải (sinh năm 1994 - Gia Lai), Bộ thí nghiệm tĩnh điện của Nguyễn Trọng Hải (sinh năm 1991 - Hà Tĩnh), Máy phát hiện và xử lý tôm ngạt khí (Nguyễn Văn Tuấn, sinh năm 1991 - Nghệ An), Máy mát xa thư giãn đầu óc dành cho mọi thành viên trong gia đình (Thái Huy Nguyên sinh năm 1990 tại Nghệ An);

Sản phẩm Ngôi nhà thông minh của Dương Viết Cường (sinh năm 1991 - Hà Đông - Hà Nội) giải nhất cuộc thi Sáng tạo thanh thiếu niên nhi đồng toàn quốc năm 2006 - 2007; Nguyễn Ngọc Châm (sinh năm 1989, Lạng Giang - Bắc Giang) đạt giải ba cuộc thi Sáng tạo thanh thiếu niên nhi đồng toàn quốc 2005 khi đang là học sinh lớp 10 với mô hình Robot đồ chơi Jupiter, lớp 12 rinh về giải nhất với công trình Robot thực hành hóa học… Hiện các sản phẩm, đề tài trên vẫn xếp xó.

Bài cuối: Vì sao xếp xó?

MỚI - NÓNG