Người chín lần vô địch việt dã

Người chín lần vô địch việt dã
TP - Giữ kỷ lục với chín lần vô địch Việt dã Tiền Phong, ở tuổi cổ lai hy, ông Bùi Lương vẫn gắn bó với đường chạy và tiếp tục phát hiện, dẫn dắt học trò trở thành những vận động viên điền kinh hàng đầu Việt Nam và Đông Nam Á.

Bắt đầu từ đường chạy phong trào, học sinh Bùi Lương cao 1,62m trở thành một trong những vận động viên xuất sắc nhất Việt Nam trên đường chạy cự ly dài.

Ông giữ kỷ lục quốc gia ở nội dung marathon, kể từ năm 1968. Năm 2003, Nguyễn Chí Đông - học trò của ông - mới xô đổ kỷ lục này.

Ông là học sinh miền Nam, tập kết năm 1955. Tháng 6/1958, Hải Phòng phát động đợt rèn luyện vì sức khoẻ. Bùi Lương tập chạy được vài tháng thì Hải Phòng tổ chức giải chạy toàn thành phố. Ông tham gia và giành giải ba.

Tháng 11/1958, giải Việt dã báo Tiền Phong lần thứ nhất được tổ chức. Trong màu áo đội Hải Phòng, Bùi Lương về thứ nhì, sau vận động viên Hoàng Viết Mông.

Năm 1974, ngành thể dục thể thao tổ chức cuộc thi chạy 50km, ông về nhất với thành tích 3 giờ 17 phút. Tiếc rằng cuộc thi này là độc nhất vô nhị nên không biết có thể gọi đó là kỷ lục quốc gia hay không.

* Ông là người đang giữ kỷ lục về số lần giành chức vô địch Việt dã Tiền Phong (chín lần). Ngoài chín chức vô địch, ông còn năm lần về nhì (1958, 1959, 1960, 1962, 1963), một lần về thứ ba (1964). Ông từng lập kỷ lục quốc gia các cự ly 5.000m, 10.000m, marathon (42,195km).

"Hoàng Viết Mông là người dân tộc Tày, cao lớn, rất dẻo dai. Bám được anh ấy và về nhì, tôi rất tự hào. Lúc đó tôi mới nghiệm ra là mình có khả năng chạy dài và tôi miệt mài tập luyện. Thành tích của tôi tăng dần, hai giải Việt dã Tiền Phong tiếp theo tôi đều về nhì và giải lần thứ tư (1961) tôi về nhất"  - Ông Bùi Lương nhớ lại.

Hết lớp chín, Bùi Lương nhập ngũ. Ra quân, Bùi Lương về phân xưởng động lực Nhà máy Xi măng Hải Phòng và trở thành hạt nhân tập luyện tại đây.

"Từ khi ở trường học sinh miền Nam đến khi tôi là công nhân nhà máy xi măng Hải Phòng, mọi người giúp đỡ tôi rất nhiều. Người cho giày, người cho đường, sữa".

Hàng tháng tổ sản xuất tài trợ một hào, phân xưởng tài trợ hai hào, nhà máy tài trợ bốn hào, liên hiệp công đoàn thành phố tài trợ bốn hào, ngành TDTT tài trợ bốn hào, cộng với lương chính (một đồng tám hào bảy xu) được ba đồng ba hào bảy xu.

Ngày 15/3/1965, ông Bùi Lương được gọi lên trường huấn luyện TDTT T.Ư, nơi tập trung những vận động viên xuất sắc nhất miền Bắc và được tập luyện với chuyên gia Trung Quốc.

Thời gian này thể thao Trung Quốc đang áp dụng đại vận động lượng trong tập luyện. Ông cùng các vận động viên trong nhóm chạy cự ly trung bình và dài được  chuyên gia thường xuyên cho xơi món này.

Ông kể: "Buổi sáng tôi thường dậy rất sớm, chạy chừng 10km rồi về ăn sáng. Sau đó tập hai buổi chính với chuyên gia, tối lại tự tập một giờ trong nhà tập".

Trong ba năm (1965 -1967) Bùi Lương lập kỷ lục quốc gia các nội dung chạy 5.000m, 10.000m. Năm 1968, kỷ lục quốc gia cự ly 5.000m của Bùi Lương là 15 phút 33, 10.000m là 32 phút 44.

Mười sáu năm sau, hai kỷ lục quốc gia này mới bị phá bởi VĐV Nguyễn Văn Thuyết.

Cũng năm 1968 ấy, trong cuộc chạy marathon (42km195) tổ chức tại Hà Nội có nhà vô địch Olimpic Zatopec (Tiệp Khắc) tham gia, Bùi Lương về nhì và lập kỷ lục quốc gia với thành tích 2 giờ 33 phút.

Mãi đến SEA Games 22, Nguyễn Chí Đông mới phá kỷ lục này tại SEA Games 22.

---------------------

(Còn nữa)

MỚI - NÓNG
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
TPO - Chiều 23/4, Đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, đã tiếp xúc cử tri chuyên đề lấy ý kiến vào dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trước Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV.