'Tôi vẫn chưa dừng đấu tranh'

'Tôi vẫn chưa dừng đấu tranh'
“Tôi không chỉ chiến đấu chống tiêu cực cho riêng mình, mà còn cho những người chỉ vì sự thật mà bị trù dập. Tôi đã rơi nước mắt chứng kiến cảnh hàng ngàn công nhân phải thất nghiệp, hàng ngàn gia đình rơi vào cảnh đói khổ vì sự quản lý yếu kém lẫn tiêu cực của các cán bộ lãnh đạo. Cuộc chiến đấu này của tôi cũng là vì họ...”.
'Tôi vẫn chưa dừng đấu tranh' ảnh 1
“Tôi không đấu tranh cho riêng mình” - Ảnh: Quốc Việt (Tuổi trẻ)

Đó là lời tâm tình của chị Phạm Thị Hồng Hoa - nguyên kế toán trưởng Tổng công ty Mía đường 2, người đã dũng cảm đối đầu với tiêu cực của một số lãnh đạo tổng công ty.

* Chị nghĩ sao khi bị một số người gọi là “kẻ gây rối”?

- Tôi không phải là kẻ gây rối hay phá hoại. Tôi chỉ muốn sự việc được trong sạch, tốt đẹp hơn. 22 năm làm việc, tôi từng làm nhân viên dưới bốn đời tổng giám đốc, ba kế toán trưởng và trải qua nhiều biến động từ cơ quan quản lý thuần túy đến tổng công ty có chức năng đầu tư sản xuất, kinh doanh. Nếu là “kẻ chuyên gây rối”, làm sao tôi gắn bó được với cơ quan mình lâu thế?

* Nếu sự việc này không liên đới đến chị, mà cụ thể là bị cách chức và cho nghỉ việc, thì chị có “chiến đấu” đến cùng như vậy không?

- Từ khi là nhân viên, tôi đã hay có ý kiến thẳng thắn và đụng chạm. Làm thành viên đoàn nghiệm thu của tổng công ty, tôi cũng từng nhiều lần quyết liệt không ký nhận nghiệm thu không đúng mặc kệ mất lòng ai.

Sự trù dập thật khủng khiếp. Khi tôi bị cho nghỉ việc, hơn 20 người cũng liên lụy theo. Những người dám đứng lên bênh vực tôi trong cuộc họp bị cho nghỉ việc đã đành, ngay cả người chỉ hay nói chuyện với tôi cũng bị liên lụy. Thậm chí người thân của họ cùng làm trong công ty cũng bị đuổi việc. Sau đó nhiều người đã lâm vào khó khăn. Còn một số người muốn trò chuyện với tôi phải bí mật đổi cả số điện thoại.

Tôi buồn cho tôi, cho danh dự gia đình tôi một thì buồn cho những người liên đới bị trù dập này đến ba lần. Thật đau xót khi chứng kiến có những lãnh đạo ngành này tiêu hàng chục triệu đồng tiếp khách mỗi tháng, trong khi hàng ngàn công nhân của họ phải thất nghiệp. Tôi đấu tranh không chỉ vì tôi.

* Những lá đơn tố cáo đầu tiên trong cuộc đấu tranh của chị được gửi đi như thế nào?

- Từ giữa năm 2006, tôi đã gửi hàng trăm đơn tố cáo đến nhiều cơ quan trung ương. Sau đó nhiều đơn đã rơi vào im lặng. Còn những đơn khác thì ngược trở lại tổng công ty. Thậm chí tổng giám đốc lúc đó đã cầm những lá đơn này tố cáo ngược lại là tôi ăn tiền. Còn một lãnh đạo khác trong ngành gọi điện cho tôi: “Có gì mà em ầm ĩ thế? Thôi để anh sắp xếp ba mặt gặp nhau để giải quyết êm thấm vấn đề cho em rút đơn lại nhé...”. Tôi rất thất vọng. Tôi nghĩ mình sẽ không thể làm được. Thậm chí có người còn rỉ tai tôi rằng họ có tiền, có quyền và quan hệ rộng. Tôi chỉ là châu chấu đá xe thôi!

Tin ở con người

* Và chị có sợ hãi, mất niềm tin?

- Ngoài chuyện bị phản tố hăm đưa tôi vào tù, có tin còn hăm dọa tôi phải coi chừng đụng xe, axit hay giang hồ thanh toán. Nhưng tôi chỉ cẩn thận chứ không sợ, vì nhiều bạn bè ủng hộ tôi. Sự thật là tôi khủng hoảng trong một giai đoạn, nhưng tôi không mất niềm tin. Chẳng lẽ chỉ người có tiền, có quyền là duy nhất đúng? Sự thật và công lý phải chiến thắng chứ.

* Chị đã chọn phương pháp nào để đấu tranh chống tiêu cực?

"Bố tôi là đại tá về hưu, 87 tuổi, ở Hà Nội. Tôi sợ ảnh hưởng sức khỏe ông nên giấu vụ việc. Nhưng ông đọc báo biết và gọi tôi từ TP.HCM ra ngay. Câu đầu tiên ông hỏi tôi: “Con có gì sai trái không?”. Tôi nhìn thẳng vào mắt bố tôi và trả lời: “Bằng danh dự gia đình, con khẳng định không có gì sai phạm”. Ông mỉm cười động viên tôi cứng rắn và tin tưởng chiến thắng. Còn con tôi cũng rất quan tâm mẹ. Cháu sẽ tiếp tục đấu tranh nếu tôi có mệnh hệ gì"

- Đầu tiên tôi phẫn uất gửi đơn tố cáo khắp nơi. Sau đó tôi lấy lại bình tĩnh, củng cố chặt chẽ chứng cứ nội dung tố cáo. Thậm chí tôi còn gửi chứng cứ tố cáo nào trước, cái nào thủ sau để đảm bảo điều tra. Tôi cũng bảo mật thông tin bạn bè đã cung cấp chứng cứ. Tôi rút luôn điện thoại nhà để không bị phân tâm trước quá nhiều lời ủng hộ lẫn hăm dọa. Tất cả thư tố cáo đều được tôi gửi phát chuyển nhanh có hồi báo, để biết thư của mình đã đến được nơi cần gửi.

Tôi đã bay hàng chục chuyến đêm TP.HCM - Hà Nội để gặp những cá nhân muốn gặp. Chi phí này làm tôi rất khó khăn, vì tôi không còn việc làm, thu nhập, lại nuôi con đang học. Tuy nhiên, điều này cũng tạo ấn tượng ở người gặp tôi. Họ thấy sự quyết tâm ở tôi.

* Ai đã tiếp thêm niềm tin cho chị trong cuộc chiến đấu này?

- Ngoài bạn bè, tôi cũng gặp nhiều nhà báo dũng cảm, sẵn sàng đến cùng sự thật. Thấy nhiều báo phanh phui tiêu cực này, có người vu khống tôi “lót tiền” phóng viên. Tôi khẳng định không hề có chuyện này. Những nhà báo đều trong sáng, không vụ lợi đồng bạc nào khi đến với tôi. Thậm chí họ còn hỏi tôi rõ ràng “là kế toán trưởng, chị có liên đới đến tiêu cực này?”. Tôi biết ơn những nhà báo đó. Họ tiếp thêm cho tôi sức mạnh...

Mới bắt đầu

* Đã từng gõ cửa hàng chục cơ quan, gặp gỡ rất nhiều quan chức có trách nhiệm giải quyết đơn thư tố cáo của người dân. Chị có nhận xét gì?

- Tướng Nguyễn Việt Thành ở văn phòng Ban chỉ đạo phòng chống tham nhũng lúc đó trực tiếp gặp tôi hai lần. Tôi rất ấn tượng vị tướng này. Ông nói nhẹ nhàng nhưng dứt khoát: Tự xem xét lại mình có gì vi phạm? Không được che giấu cái sai, nhưng cũng không được tố cáo sai sự thật. Còn đã đấu tranh chống tham nhũng thì phải đến cùng. Kết quả có thể chậm, nhưng công lý sẽ chiến thắng... Tuy nhiên cũng có những cơ quan đã làm tôi mệt mỏi. Tôi đã trình bày chi tiết vụ việc bằng văn bản nhưng họ vẫn bắt tôi ngồi viết lại nội dung đó từ đầu, rồi lần sau viết lại.

* Khi nhận tin các đối tượng mình tố cáo bị bắt, chị có cảm xúc gì?

- Tôi nghĩ rằng đó chỉ mới bắt đầu. Và tôi vẫn chưa dừng lại cuộc đấu tranh của mình. Tôi đang chờ đợi phán quyết của pháp luật.

* Nếu được phát biểu tại hội nghị phòng chống tham nhũng, chị gửi gắm điều gì?

- Phải có cơ chế, biện pháp cụ thể để bảo vệ và khuyến khích người tố cáo tham nhũng. Họ đấu tranh đã rất mệt mỏi và đối đầu với nhiều vấn đề phức tạp. Hãy giúp đỡ họ để công lý luôn được chiến thắng.

Theo Quốc Việt
Tuổi trẻ

Từ năm 2006, chị Phạm Thị Hồng Hoa đã tố cáo một số lãnh đạo Tổng công ty Mía đường 2 vi phạm lừa đảo có tổ chức để chiếm đoạt tiền đền bù giải tỏa của Nhà nước, cố ý làm trái trong đầu tư gây lãng phí và hậu quả nghiêm trọng cho Nhà nước, quản lý sử dụng đất công sai, vi phạm quy chế dân chủ...

Sau đó, các cơ quan thanh tra, điều tra đã vào cuộc. Ngày 20-2-2008, nguyên chủ tịch hội đồng quản trị kiêm tổng giám đốc Lê Minh Diện, nguyên phó tổng giám đốc Nguyễn Cao Hùng và nguyên chánh văn phòng Đỗ Hải Triều đã bị Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ khởi tố bị can, bắt tạm giam.

Đêm trước ngày ra Hà Nội dự hội nghị biểu dương các cá nhân có thành tích phòng chống tham nhũng (hôm nay 18-3 - NV), chị Phạm Thị Hồng Hoa vẫn ngồi cặm cụi sắp xếp hồ sơ đi kiện. Khác với hình dung của tôi về một phụ nữ dũng cảm, chị trông nhỏ nhắn, hiền lành và rất kiệm lời. Ngôi nhà mái tôn xập xệ mà chị đang ở cũng nhỏ bé, chẳng có gì giá trị ngoài chiếc máy tính và tủ đựng hồ sơ...

Tôi cố tìm một đặc điểm ấn tượng về người phụ nữ 49 tuổi, từng bị gọi là “kẻ quấy phá, chia rẽ tập thể” này, nhưng chẳng thấy gì đặc biệt ngoài đôi mắt luôn nhìn thẳng. Tốt nghiệp Đại học Tài chính - kế toán Hà Nội, chị Hoa rời gia đình, một mình đi tìm “miền đất hứa” trong Nam. Năm 1986, chị vào làm ở Liên hiệp Mía đường 2 (sau đổi thành Tổng công ty Mía đường 2). Từ nhân viên kế toán bình thường, chị âm thầm gắn bó suốt 22 năm ở cơ quan này. Mãi gần đây, chị mới được bổ nhiệm làm phó phòng kế toán, rồi chưa ngồi nóng chiếc ghế kế toán trưởng đã bị cho nghỉ việc vì chính cuộc chiến chống tiêu cực của mình...

Sự việc bắt đầu từ khi chị Hoa có trách nhiệm tiếp cận với các công việc, dự án lớn của Tổng công ty Mía đường 2. Chính vì không chịu bịt tai, nhắm mắt trước những việc làm sai trái mà chị dần bị cô lập. Mâu thuẫn ngày càng gay gắt và bùng nổ sau khi chị báo cáo về hóa đơn tiếp khách giả của một lãnh đạo tổng công ty lúc đó. Chỉ ngay sáng hôm sau, chị đã phải nhận quyết định đình chỉ công tác với lý do “vi phạm luật kế toán, nguyên tắc làm việc và nội quy bảo vệ bí mật nhà nước của tổng công ty” do chính tổng giám đốc lúc đó ký. Năm ngày sau, chị lại tiếp nhận một quyết định cách chức và cho nghỉ việc...

MỚI - NÓNG