Chiêm quan Bạch Long Vĩ

Chiêm quan Bạch Long Vĩ
TP - Ban ngày loanh quanh dọc ngang trên đảo hơn ba cây số vuông chả tốn mấy hột thời giờ và có cảm giác Bạch Long Vĩ (BLV) cũng chỉ là tầm cấp huyện.

>> Kỳ 1: Thử giải mã dự cảm của nhạc sĩ Huy Du

Kỳ II:  Đôi hồi bên phên dậu quốc gia

Nhưng tôi đâu biết rằng trong con mắt của các nhà địa chất, các nhà kinh tế tầm chiến lược, biển quanh bờ BLV nông trung bình khoảng 15 - 20m chứ không thẳm sâu đột ngột.

Đảo dốc nhanh về phía nam đông nam. Nếu tính độ sâu 20m thì diện tích đảo như bây giờ không phải là hơn ba km2 mà là hơn 50 km2. Nhiều ý kiến cho rằng đó là diện tích lý tưởng cho khai thác nguồn đặc lợi về kinh tế cũng như an ninh của đảo.

Đêm xuống, từ vị trí cao nhất đảo 62,33m lại chồng lên mấy tầng tháp của ngọn hải đăng BLV, bốn luồng ánh sáng lừ lừ quay quét xa 20 hải lý (gần 50 km) chừng như là thông điệp bao điều kim cổ về hòn đảo từng được mệnh danh là phên dậu quốc gia, từng bao năm đảm trách thế ỷ dốc cho Đại Việt. Còn nhiều cuốn hải hành của ngành biển thế giới từng xếp BLV là một trong những đối vật tối quan trọng cho người đi biển.

Vịnh Bắc Bộ là một trong những vịnh lớn của thế giới, có diện tích khoảng 126.250 km2 (36.000 hải lý vuông), chiều ngang nơi rộng nhất khoảng 310 km (176 hải lý), nơi hẹp nhất ở cửa Vịnh rộng khoảng 207,4 km (112 hải lý).

Bờ Vịnh Bắc Bộ thuộc 10 tỉnh, thành phố của Việt Nam với tổng chiều dài 763 km và bờ biển thuộc hai tỉnh Quảng Tây, Hải Nam của Trung Quốc với tổng chiều dài 695 km.

Vịnh có hai cửa: eo biển Quỳnh Châu nằm giữa bán đảo Lôi Châu và đảo Hải Nam với bề rộng 35,2 km (19 hải lý) và cửa chính của vịnh từ đảo Cồn Cỏ (Việt Nam) tới đảo Hải Nam (Trung Quốc) rộng 207,4 km (112 hải lý).

Phần vịnh phía Việt Nam có khoảng 2.300 đảo đá ven bờ, đặc biệt có đảo Bạch Long Vĩ (BLV) nằm cách đất liền Việt Nam khoảng 110 km, cách đảo Hải Nam Trung Quốc khoảng 130 km.

Phía Trung Quốc có một số ít đảo  nhỏ ở phía Đông Bắc vịnh như đảo Vị Châu, Tà Dương. Do bờ biển hai nước vừa kế cận vừa đối diện nhau, nơi rộng nhất không đến 200 hải lý, nên các vùng biển và thềm lục địa của hai nước trong vịnh đều bị chồng lấn lên nhau, cần được phân định để xác định rõ ràng biên giới lãnh hải cũng như ranh giới vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa giữa hai nước.

Ngày 25/12/2000, tại Bắc Kinh, Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam và Trung Quốc ký Hiệp định Phân định Vịnh Bắc Bộ, kết thúc cuộc đàm phán kéo dài chín năm giữa hai nước. 

Nguồn Bộ Ngoại giao

Thế kỷ thứ 10, nhà Lý thành lập trang Vân Đồn để quản lý vùng biển Đông Bắc. Sau này nhà Trần nâng trang Vân Đồn thành trấn Vân Đồn trực thuộc triều đình. Nhà Lê đặt tuần kiểm ở các cửa biển để quản lý biển, thu thuế các tàu thuyền nước ngoài. Do vậy chủ quyền Việt Nam trên các đảo vùng biển Đông Bắc được xác lập sớm.

Giở lại chính sử, bồi hồi cái nỗi, ông vua Lý khi mới lên ba tuổi ấy đã tham gia chấp chính, sau này tuổi còn rất trẻ mà có ý thức rõ rệt về chủ quyền của Đại Việt. Liền hai năm Tân Mão và Nhâm Thìn (1171, 1172), Vua Lý Anh Tông đích thân dầy công đi qua những vùng núi non hiểm trở quan sát sinh hoạt của dân tuần tra các hải đảo ngoài biển ở địa giới các phiên bang Nam, Bắc, tìm hiểu đường đi, ghi chép phong vật, sai vẽ bản đồ Đại Việt.

Từ Vân Đồn, đức vua ngự thuyền rồng, tất nhiên rồi, nhưng không biết bằng loại gì để mà ra tận Bạch Long Vĩ.  Bâng khuâng nghĩ đến thời tít tắp ấy, trên lọn sóng biếc giữa ngàn trùng khơi kia, từng thấp thoáng bóng hoàng bào lặn lội ra tận đây để xác lập chủ quyền. Vua ấy nên mới có tôi ấy tức là Tô Hiến Thành, khi vua yếu, được giao trọng trách Thái phó Bình chương Quân quốc Trọng sự.

Tôi chợt nhớ cuộc gặp với một chuyên gia địa chất từng biết rồi từng nằm ở BLV trong những năm đã xa. Chuyện của những người chuyên ăn cơm dương gian làm việc âm phủ dường như mang một sắc thái lãng mạn lẫn ma lực bởi sự hấp dẫn của nó... Ngạc nhiên xiết bao khi được biết vào cái kỷ kiến tạo sông băng tít mù hàng triệu triệu năm trước, đảo BLV có diện tích đến hàng trăm km2.

Ông chuyên gia ấy còn dẫn ra nhiều tài liệu, trong đó có luận điểm của chuyên gia địa chất nước ngoài khẳng định hiện trạng địa chất qua bản đồ địa chất miền Bắc Việt Nam và Vịnh Bắc Bộ, về tuổi trầm tích và mối quan hệ khăng khít về cấu trúc giữa đảo BLV và hạ lưu sông Hồng. BLV là điểm nối dài của mạch kiến tạo vô tư và dằng dặc nhiều tỷ năm như thế.

Ngay từ năm 1955, các nhà khoa học Việt Nam và nước ngoài phát tín hiệu về dầu khí ở Bạch Long Vĩ. Khoáng sản BLV có mangan, sắt, phốt phát, đá silic khuê tảo và đặc biệt là bitum (Atfantit). Trong những lớp thủy sa thạch do những con sông đồng bằng Bắc Bộ tạo ra sự kết tầng độc đáo này, thường xuất hiện những túi dầu túi khí. Bitum BLV là sản phẩm của dầu khí được đưa từ dưới sâu âm ti lên bị ôxy hóa ngưng kết lại trong các lỗ hổng và khe nứt của cát kết thành dạng hạt cỡ từ 1-2mm.

Nhìn mắt thường Atfantit có màu vàng nâu ánh nhựa. Đem phân tích thì có nhiều thứ quý giá trong đó dầu cỡ 20 phần trăm, nhựa benzen 13,7 phần trăm, nhựa cồn bezen 54,7 phần trăm, bitum cồn benzen vv...

Dấu hiệu dầu khí khu vực đảo BLV đã có. Chừng ấy thôi cũng đủ để nghĩ để chia ở thì tương lai một sắc diện hồng hào cho những cô, cậu bé con cái của thế hệ TNXP Hải Phòng từng làm cái việc khai sơn phá thạch trên đảo Thanh Niên.

Tôi có cảm giác trong vô số tất tả lẫn nhiêu khê, người thì yên tâm cho con học hết chương trình lớp ba lớp bốn ngoài đảo rồi mới cạy cục gửi ông nội bà ngoại trong đất liền, người thì cẩn thận hoặc có điều kiện cho con bắt đầu từ chương trình phổ thông ở đất Hải Phòng. Hình như họ đang chuẩn bị đang sắm sửa cho đất nước một thế hệ dầu khí Bạch Long Vĩ, đang sắm sanh tài sản cho huyện đảo này hòa nhập vào ngôi nhà CNH, HĐH?

Theo Hiệp định, Việt Nam được hưởng 53,23 phần trăm diện tích vịnh và Trung Quốc được hưởng 46,77 phần trăm diện tích vịnh. Đường phân định đi cách đảo Bạch Long Vĩ 15 hải lý, tức đảo BLV  được hưởng lãnh hải rộng 12 hải lý, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa ba hải lý (25 phần trăm hiệu lực).

Đảo BLV lại nằm gần như ở giữa Vịnh Bắc Bộ (cách bờ biển Việt Nam khoảng 110 km, cách bờ đảo  Hải Nam - Trung Quốc khoảng 130 km), tạo ra một hoàn cảnh đặc biệt nên, theo luật pháp và thực tiễn quốc tế, chỉ được hưởng một phần hiệu lực hạn chế trong phân định.

Đảo Cồn Cỏ cũng là một đảo nhỏ nhưng nằm gần bờ của Việt Nam hơn (cách bờ khoảng 13 hải lý) nên được hưởng 50 phần trăm hiệu lực trong việc phân định vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa tại đường đóng cửa vịnh.

Đây là một kết quả công bằng đạt được trên cơ sở luật pháp và điều kiện cụ thể của vịnh (ta có nhiều đảo trong vịnh, đặc biệt có đảo BLV nằm gần chính giữa vịnh).

Trích trả lời phỏng vấn của nguyên Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Dy Niên ngày 01/7/2004 nhân dịp Việt Nam và TQ chính thức trao đổi thư phê chuẩn Hiệp định Phân định Vịnh Bắc Bộ.

--------------------

Kỳ III: Để yêu Bạch Long Vĩ

MỚI - NÓNG