Loa phường, e-Phường và e-Government

Loa phường, e-Phường và e-Government
TPO - Xa quê hương, mỗi lần về thăm Thủ đô, anh bạn tôi rất thích khách sạn 33 Phạm Ngũ Lão trong khu vườn yên tĩnh. Sáng ra tiếng chim hót véo von, một sự thanh bình hiếm có còn lại. Nhưng sự tĩnh lặng xa hoa ấy cũng chả được bao lâu vì anh chợt nghe tiếng… loa phường.

>> e-phường

Loa phường, e-Phường và e-Government ảnh 1

Từ Loa phường...

Đất nước đã qua mấy thập kỷ đổi mới, nhưng loa phóng thanh có vẻ không khác trước. Dạo đầu bằng bài hát ít người nghe, giọng phát thanh viên khi trong, khi đục, đôi lúc ngẹn ngào bởi tiếng nhiễu loẹt xoẹt hay âm thanh hỗn độn của đường phố.

Thời chiến tranh hay bao cấp, loa phóng thanh báo máy bay sắp đánh phá, đề nghị xuống hầm trú ẩn, rồi mời bà con mang sổ gạo phường đóng dấu hay mang chai mua nước mắm phân phối. Đó là phương tiện cho cả khu phố biết những gì xẩy ra trong nước, trên thế giới và cả nơi đang sống.

Nhưng thế kỷ 21 này đã khác nhiều. Đài, báo, internet tràn ngập, tivi bật lúc nào cũng có tin. Thử hỏi còn bao nhiêu dân nghe tin trên cột điện. Một điều tra xã hội về tác dụng của phương tiện hiếm có này có thể đem lại kết quả thú vị.

Ai muốn cách truyền thông cổ lỗ này tiếp tục tồn tại cũng nên hiểu là còn người dân nào lắng tai, tiếp thu và thực thi mệnh lệnh trên loa. Khi đó, chính khách biết làm thế nào đối xử một cách văn hóa với những đôi tai của hàng chục vạn người.

... đến e-Phường và e-Government

Loa phường, e-Phường và e-Government ảnh 2
Trang thông tin điện tử Phường Khương Mai, Hà Nội

Khi có Chương trình 112 về chính phủ điện tử từ năm 2000 đã bao nhiêu hy vọng thiết tha. Một ngày nào đó, cư dân tại gia vào web tìm kiếm thông tin cần thiết vào bất kỳ lúc nào.

Tiếc thay, e-Government chả thấy đâu, mà chỉ biết tin buồn, ông Vũ Đình Thuần (nguyên phó chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, nguyên trưởng Ban đề án 112 Chính phủ) và mấy nhân viên phụ trách dự án tốn kém hàng nghìn tỷ đồng đang bị truy tố về tội “tham ô tài sản và lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ”.

Và loa trên cột điện đôi lúc vẫn cứ phải làm việc thay cho "Chính phủ điện tử".

Thật bất ngờ, VietnamNet (26/3/2009) đưa tin vui “Phường Khương Mai - khu phố nhỏ nằm trên các con đường mang tên những vị tướng Lê Trọng Tấn, Hoàng Văn Thái, Nguyễn Ngọc Nại, với dân cư chủ yếu là giới trí thức, cán bộ quân đội nghỉ hưu. Đến thăm khu dân cư này, người ta có thể dễ dàng bắt gặp những dòng chữ được chèn thêm "đầy tính quảng cáo" bên dưới mỗi bảng thông báo, giấy mời họp, panô, áp phích nội bộ...: "Trang thông tin điện tử Phường Khương Mai, http://www.phuongkhuongmai.gov.vn...”

Không biết phường này có được Chương trình 112 cho chút tiền nào từ hàng nghìn tỷ hay không, nhưng trang web của họ đã đi vào hoạt động. Xem phía dưới đã có hơn 800 ngàn lượt truy nhập.  Tin khá phong phú, từ thế giới đến trong nước. Rồi tin UBND phường, Công an phường Khương Mai tổ chức cung cấp nước sạch miễn phí cho nhân dân trong vùng ngập nước sau trận lũ lụt khủng khiếp hồi tháng 11 năm ngoái hay báo chuyển trụ sở làm việc từ ngày 16-2-2009 gần đây.

Tin của nhà báo “phường” Trần Văn Nghị viết về cụ Ngô Văn Nậm, sinh năm 1929, một người cha hết lòng vì con cháu, hàng ngày đi chợ cho gia đình, phục vụ người con trai ốm liệt giường làm người đọc cảm động vì tấm lòng của cụ già 80 tuổi.

Để cho trang web này hoạt động và nạp tin đều đặn, chắc hẳn nhiều người đã phải cố gắng và tận tâm. Việc đọc tin hàng ngày trên các trang báo khác và copy/paste về web phường cũng đòi hỏi nhiều công sức và trình độ lọc tin. Lãnh đạo phường biết đi trước thời đại, tấm lòng vì cộng đồng của nhiều người và công cụ internet giúp trang web thành hiện thực.

Nhìn qua menu của Khương Mai web dễ bị nhầm lẫn với một trang chuyên nghiệp vì có quá nhiều thông tin đăng tải. Có thể sự phong phú đó vượt quá khuôn khổ của một phường nhưng rõ ràng đây là điển hình tốt cho một chính quyền điện tử địa phương (e-Phường).

Sự xuất hiện trang web cấp phường đủ nói lên một e-Phường hay là e-Government địa phương. Người dân có thể trao đổi trực tiếp bằng email, xem các thủ tục trực tuyến với các số điện thoại hay địa chỉ giao dịch công khai. Nhiều văn bản pháp qui được đăng tải dễ truy nhập. Giấc mơ hội nhập còn phải tìm đâu xa.

Bàn luận về Chương trình Tin học 112, người viết bài này đã từng tâm sự “Để đợi cải tổ hành chính quốc gia thành công chắc còn lâu lắm. Chúng ta không nên ôm đồm thiết kế những dự án quá lớn vì thất bại sẽ ảnh hưởng khôn lường. Nên dừng lại việc xây dựng dự án quốc gia chung chung, chẳng liên quan gì đến chiến lược về cải cách hành chính. Xin một khoản tiền lớn để rồi “có tiền nên có quyền”, sinh ra chuyện “xin-cho”. Lãng phí và tham nhũng cũng từ đó mà ra. Nhiều thành công của CPĐT trên thế giới lại bắt đầu bằng các ứng dụng thí điểm nhỏ, các bước cải tiến dần dần từ nhiều phía trong một vùng địa lý hẹp để chứng minh tác dụng lớn của việc cải cách hành chính song hành với ứng dụng CNTT.”

Chủ tịch xã phường không phải là chính khách cao cấp nhưng nếu có hiểu biết đôi chút về xu hướng công nghệ, có tầm nhìn xa và đặt lợi ích cộng đồng lên trên thì sẽ làm được những việc "tầm quốc gia" về Chính phủ điện tử như Khương Mai. Chỉ có đổi mới tư duy trong lãnh đạo mới thay đổi được cách nghĩ “phát thanh oang oang trên cột điện” của thế kỷ trước, kẻ nói cứ nói, người ta có nghe hay không, diễn giả cũng chẳng quan tâm.

Chiếc loa phường đã đi theo số phận dân tộc trong vài thập kỷ. Không ai phủ nhận tiếng phát thanh ấy đã đóng vai trò trong những năm tháng thăng trầm của đất nước. Nhưng cái gì đã thuộc về lịch sử thì nên để vào lịch sử.

Thời đại internet thì “loa phường” cũng phải khác. Việc ít tốn kém nhưng lại hiệu quả lớn để có chính quyền điện tử “của dân, do dân và vì dân”, hãy bắt đầu bằng việc đưa chiếc loa vào viện bảo tàng, dành một chỗ xứng với tầm vóc lịch sử của nó. Thay vào đó là một e-Phường như Khương Mai. Khi đó một e-Government trong tương lai không xa sẽ hiện hữu.

Và người bạn về thăm Hà nội chỉ nghe thấy tiếng chim hót líu lo trong khu vườn của khách sạn 33 Phạm Ngũ Lão. Khi đó, tiếng loa phường sẽ còn như một hoài niệm đẹp.

Ý kiến của bạn về vấn đề này ?

Ý kiến bạn đọc

Một bạn đọc

Đọc thông tin về bài e-phường... của nhà báo Nguyễn Việt Hùng thấy rất thú vị. Tôi rất mong UBND thành phố Hà Nội, các cơ quan quản lý văn hóa nên quan tâm đến vấn đề này một cách thực sự nhằm có thể cải tiến phương tiện quản lý nhà nước ở cấp cơ sở. Đó còn là một phương tiện giúp ích cho việc xây dựng đời sống văn hóa cơ sở. Quan tâm đến nó cũng có nghĩa là cần quan tâm đến công sức và quyền lợi của nhữn gngwời hoạt động vì nó.

Câu chuyện về cái loa phường đã có rất nhiều người nói đến, "kêu" đến chán không muốn nói nữa. Chắc khi "thiết kế" phương tiện thông tin này, nhà thiết kế có ý tốt là giảm vất vả cho cán bộ phường đi từng nhà phổ biến các công việc, hoạt động, quyền lợi,.. của người dân trong phường. Song, thực tế, họ không hiểu được tâm trạng người nghe và thời gian để nghe? thật kinh khủng...

Vào sáng Chủ nhật - ngày nghỉ, muốn tự thưởng cho mình một ít phút ngủ muộn, vậy mà cái loa phường bỗng chốc làm giật thót mình bằng những tiếng ọt oẹt trước khi bật lên âm thanh của một bản nhạc dạo "có đầu mà không có cuối" để mở màn cho bản tin phường thông báo chuyện tiêm phòng, làm vệ sinh, mất trộm, ăn cắp vặt,... Một ngày nghỉ thư giãn vụt biến.

Chưa kể, bản nhạc dạo sớm mai ấy có khi bị ngắt giữa chừng, chẳng đúng "câu nhạc", nghe như bị đấm vào tai một lần nữa, như lúc nó bắt đầu. Đôi ngày, bản nhạc dạo mới bắt đầu được vài nốt, không biết làm sao lại chuyển từ nhạc ta sang nhạc tây?!

Những chiếc loa phường đều làm cho mọi người nghĩ đến các ngõ xóm làng quê. Người ta nói rằng, đô thị đã bị "làng hóa"... Không gian thôn quê tĩnh lặng, chỉ có tiếng loa phát thanh còn có thể chấp nhận được.

Ở thành phố với đủ các loại âm thanh, tiếng loa phường lúc thấy lúc không, cuối cùng thì cũng chẳng nghe được tin gì mà tai lại phải chịu đựng một sự ô nhiễm môi trường- tiếng ồn !!! Kính mong được chia sẻ....

Một công dân phường Khương Mai, email : ...n@gmail.com

Có lẽ đối với tôi, một người dân sống trên địa bàn phường, thật tự hào về những gì mà cán bộ đã năng động dám nghĩ, và đưa ý tưởng của mình vào ứng dụng các công việc nhỏ hàng ngày.

Chỗ tôi, phần lớn là các gia đình quân nhân hiện đang công tác hoặc đã nghỉ hưu, con cháu đều được học hành và thành đạt. Đời sống kinh tế không khó khăn lắm, công việc khá ổn định, nhiều người tuy đã nghỉ hưu nhưng vẫn nhiệt tình tham gia sinh hoạt tại phường và tổ dân phố.

Có thể nói, đối với người dân như tôi, ngoài công việc hàng ngày tôi còn được tham gia các phong trào, các cuộc vận động do phường và tổ dân phố phát động, như tham gia bàn luận về thực hiện đời sống văn hoá ở tổ dân phố, các phong trào văn hoá văn nghệ thể dục thể thao… và thực hiện đầy đủ nghĩa vụ công dân đối với địa phương.

Khi phường Khương Mai có trang thông tin điện tử, tôi thấy rất tự hào và khâm phục những người cán bộ cơ sở. Mặc dù khối lượng công việc nhiều, lương bổng không bao nhiêu mà lại còn dành nhiều thời gian để làm những việc như vậy. 

Từ nhiều tháng nay tôi có thường xuyên vào trang thông tin của phường, dù thông tin chưa nhiều, nhưng qua đó đã phần nào đáp ứng được những vấn đề mà người dân trong phường cần và tìm đến, ví dụ như họ biết làm gì khi ra phường xin giấy tờ, biết các hoạt động diễn ra hàng ngày của đảng, chính quyền, ngượi lại những ý kiến của chúng tôi đã được phường quan tâm và giải đáp kịp thời, thật là tiện lợi... 

Tôi mong rằng, trong thời gian tới với sự cố gắng, nỗ lực của các cán bộ trẻ, sự ủng hộ nhiệt tình của các cán bộ tổ dân phố và người dân trên địa bàn phường tích cực ủng hộ trang thông tin, bằng cách viết bài, tin tham gia thì trang thông tin của phường ngày càng phong phú.

Và khi đó ai cũng có thể tiếp cận đầy đủ thông tin cần thiết, và họ sẽ có sự lựa chọn cho mình một cách tiếp cận thông tin, khi đó chính họ sẽ quyết định sứ mệnh của hệ thống loa đài cồng kềnh không hiệu quả như hiện nay.

Một bạn đọc

Trong giai đoạn chiến tranh, bom đạn loạn lạc thì vai trò của chiếc loa truyền thanh phường trên từng nẻo đường, từng con phố là không thế phủ nhận. Nó cung cấp thông tin cho nhân dân về mọi mặt cuộc sống và dần trở thành một công cụ cập nhật thông tin không thể thiếu trong cuộc sống.

Nhưng đó là thời kì mà truyền hình, internet chưa ra đời và đưa thông tin một cách nhanh chóng như ngày nay. Liệu có mấy ai hiện nay trong chúng ngày nay hàng ngày lắng nghe thông tin từ loa phát thanh phường mà hầu hết là lướt web, đọc tin.

Tại sao chính sách thành lập chính phủ điện tử của nước ta không bắt đầu ngay từ cấp cơ sở mà tiêu biểu là UBND phường? Tại sao những chính sách không được đưa đến với người dân từ một cái mail?

Làm như vậy, sự phiền nhiễu của những âm thanh rè rè, lẹt xẹt từ những chiếc loa cũ không còn mà thay vào đó là sự tiện lợi cho người dân cũng như chính quyền các cấp. Mong sao Việt Nam sớm cải tổ và hòa cùng tiến bộ khoa học công nghệ của thế giới.

Phạm Thanh Bình, Email: ...binh@hn.vnn.vn

Đọc bài về loa phường, tôi rất thông cảm và chia sẻ ý nghĩ với người đã viết bài này. Nhà tôi ở trong một con ngõ nhỏ, gần cột điện có gắn chiếc loa phường, hàng ngày đều phải chịu đựng sự khó chịu về âm thanh quá to mà chiếc loa phát ra.

Nội dung chiếc loa này truyền đạt cũng không có gì mới và đặc biệt, lợi ích mà chiếc loa này mang lại thì ít hơn nhiều so với sự phiền nhiễu mà nó gây ra. Có lẽ chỉ ở nước ta mới có chuyện mắc loa phường như vậy. Tôi nghĩ chắc có nhiều người cảm thấy khó chịu về chiếc loa phường và muốn chính quyền xem xét và bỏ đi.

Long, Email: ...akt@yahoo.com

Các vị nói thì đúng thôi, nhiều lúc đúng là cái loa phường gây nhiều rắc rối thật, thế nhưng các vị có thấy rằng đấy là một điều đặc biệt mà không phải đâu cũng có không, tại sao không tận dụng, phát triển nó cho đến khi mà dân ta ai cũng có thể dùng thành thạo máy tính.

Cái gì cũng có cái tốt, cái xấu; cái loa phường chính là công cụ để kéo những người sống gần nhau lại...

Một bạn đọc

Tôi nghĩ chiếc loa phường đã và đang làm được chức năng của nó chuyển tải thông tin ngắn gọn cho tất cả mọi người; Có thể một ai đó tiến bộ hoặc một vài phường toàn cán bộ có trình độ, hoặc ở một nhà cao tầng nào đó toàn cán bộ ....nên hơi khó chịu với chiếc loa phường được phát vào 6h30 buổi sáng tối mỗi ngày.

Nhưng TP.Hà nội vẫn còn người thất học, mù chữ, vẫn còn nhiều chỗ mà người dân cần đến chiếc loa phường để nhận được thông tin về pháp luật, về quyền lợi và trách nhiệm của người dân Việt nam.

Tôi đề nghị TP Hà Nội cho rà xoát lại, cần thì nâng cấp cải tạo và đổi mới nội dung để chiếc loa phường phát huy tác dụng.

Quang, Email: ...nd@gmail.com

Nhà tôi hết khổ vì loa phường, nay lại đến vì loa... trường

Cách đây vài năm, nhà tôi đã bị một cái loa phường chĩa thẳng vào nhà. Cái loa này được mắc trên một cái cột điện bên kia đường. Và thế là cả nhà tôi đều thuộc bài "Tan Trường" một cách bất đắc dĩ. Mà khổ nỗi gu của người quản lý loa cũ quá nên toàn được nghe những bài hát đã hết thời lâu lắm rồi. Ơn trời, sau khi hành hạ gia đình tôi và những người xung quanh 3-4 năm thì tự nhiên họ chuyển chỗ đặt loa.

Nhà tôi gần một trường cấp 1 và 2, gần đến mức hồi bé mỗi lần bị muộn học là chúng tôi nhảy tường rào trước nhà vào trường. Mọi gia đình ở vùng này đều có con cái từng học ở đây. Và truyền thống của trường này và hầu hết các trường khác là một hệ thống loa (hệ thống nhé chứ không phải 1 cái) đặt bật hết cỡ.

Trước giờ học và sau giờ học hoặc mỗi khi có việc là chúng tôi được phổ biến tường tận mọi chủ trương của trường một cách bất đắc dĩ. Mà cường độ âm thanh thì to khủng khiếp. Chỉ khổ cho các em học sinh phải chịu đựng âm thanh như thế này.

Rồi vào dịp văn nghệ, các cháu thiếu nhi lên hát trên loa cũng bật hết cỡ. Rồi thỉnh thoảng, chúng tôi được thưởng thức tiếng hát của thày, cô giáo  cũng trên loa bật hết cỡ. Tôi không thể hiểu được, các thày cô là người truyền thụ kiến thức, đạo làm người cho học sinh nhưng vấn đề là tôn trọng sự yên tĩnh của rất nhiều người xung quanh dường như không được các cô để ý.

Chúng tôi đã chịu cảnh này gần 30 năm nay và còn không biết kéo dài đến bao giờ nữa. Những gia đình xung quanh như chúng tôi thì quá nể các thày cô nên đành cam chịu. Chúng tôi mong một thày cô nào đó mua nhà trong xóm chúng tôi thì mới hết được cảnh này chăng. Mà tôi ngờ rằng chính các thày cô chẳng bao giờ dám mua nhà chỗ chúng tôi cả. Buồn thay.

Cao Cuong, Email: ...1981@gmail.com

Tôi hoàn toàn tán đồng với bài viết về chiếc loa Phường, bản thân tôi phụ trách về chương trình phát thanh của Phường tôi cung rất băn khoăn nên phát gì cho dân nghe: thông báo, chỉ thị, khen thưởng, phạt..... là cả một vấn đề cho chúng tôi cần phải làm gì, phát gì để thông tin đến với người dân một cách hợp lý nhất, hiệu quả nhất.

Chiếc loa truyền thanh theo tôi chưa thể hoàn thành nhiệm vụ của nó trong gian đoạn hiện nay. Thành phố Hạ Long là một thành phố không phải giầu nhất nhì nước nhưng về trình độ dân trí như hiện nay thì tôi nghĩ không phải ai cũng vào internet hàng ngày mà xem thông tin của Phường mình ngày hôm nay hay tuần này UBND Phường triển khai làm được công việc gì., chế độ chính sách có những gì...

 Bạn  ...dhnvn@gmail.com nói rất đúng, chủ yếu cách làm, cách bố trí loa như thế nào và nội dung chương trình nhế nào là phù hợp vì hiện nay loa truyền thanh đã dùng hệ thống không dây. Thời lượng không cần đến 30 phút nhưng cần đưa thông tin cần thiết đến với nhân dân là đủ và không nên phát vào buổi sáng, chỉ cần phát vào buổi chiều là đủ.

Cổng thông tin của Phường là điều cần thiết trong tương lai gần , Chính phủ cũng nên quan tâm đối với việc này.

Hoàng hải, Email: ...4441@yahoo.com

Rất đồng tình với bài viết về loa phường, tôi vẫn mơ ước một ngày nào đó, những người có trách nhiệm ngồi nghe hết một buổi phát thanh của loa phường,để xem họ nghĩ gì về cách thông tin đó, và hiểu nỗi khổ của người phải hằng ngày được nghe loa phường...

Trần Hùng, Email: ...346@gmail.com

Theo tôi, chính quyền nên đáp ứng đòi hỏi chính đáng của người dân. Thử hỏi xem dân có cần loa phường không? Tại sao ông Phường cần loa? Có phải vì dân không? 

Thật khổ sở vì loa phường. Nếu hàng xóm nhà tôi mà tạo ra âm thanh đó, tôi có quyền kiện ra Phường và Phường sẽ đương nhiên cho dẹp đi để an dân. Vậy sao phường tự cho mình cái quyền gây ô nhiễm âm thanh?

Hiện các phương tiện nghe nhìn đã quá nhiều trong các gia đình. Nếu vẫn để loa phường, theo tôi, chỉ cần thông báo cần thiết, vắn tắt về cắt điện, cắt nước...

Còn hát ư? Ai cần nghe hát thì họ tự lo phương tiện để nghe. Có phải bài hát nào cũng đều được mọi người tán thưởng theo thị hiếu của loa phường đâu? Mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh sao lại bắt mọi người nghe hát inh tai nhức óc?

Thử hỏi, trong gia đình có người ốm nặng, thậm chí hấp hối mà loa phường cứ chĩa vào nhà gào to bài "Chưa có bao giờ đẹp như hôm nay..." thì quả là tội ác! Hãy nghe dân nói những gì dân muốn và làm theo vì nhà nước này là "Nhà nước của dân, do dân và vì dân".

Luu Bi, Email: ...95t@yahoo.com.vn

Nên bỏ hệ thống loa phường

Quá đúng, cái loa phường nên cho vào viện bảo tàng. Nhà tôi ở phường Giảng Võ - Hà Nội, cạnh cái loa phường, nó gây cho nhiều người cảm giác khó chịu, bực mình vì nhiều thứ: âm lượng quá to, thông tin linh tinh, kéo dài thời lượng, đã thế phát thanh viên lại hay ho khù khụ khi đọc tin nên càng chán.

Có nhưng tin cũ rích, có trên VOV rồi nhưng đài phường phát lại, chẳng ai buồn quan tâm. Muốn thông báo gì đã có các tổ trưởng dân phố rồi mà.

Hiện nay hết cái thời cưỡng ép thông tin rồi mà sao Thủ đô lại để hệ thống loa phường như vậy nhỉ? Không biết các lãnh đạo TP có biết gì về phản hồi của người dân không? Nếu biết mà không sửa thì không thực sự vì dân đâu!

Quang Vũ

Quê tôi, Loa công cộng họ mở từ 4h45' sáng. Những nhà ở cạnh Loa thì từ cụ già cho đến các em nhỏ cứ đến giờ đấy có muốn ngủ tiếp cũng đành chịu.

Những ai đi xe rồ ga, hoặc bấm còi inh ỏi thì bị phạt, thế mà cái loa cứ ra rả từ 4h45' thì chẳng bị phạt gì cả. Loa công cộng gây lãng phí cho nhà nước mà tuyên truyền không hiệu quả.

Nếu phát vào buổi sáng sớm thì gây ảnh hưởng đến sức khỏe, cuộc sống riêng tư của nhân dân. còn nếu phát vào giờ làm việc ban ngày thì tiếng ồn ào của xe cộ, đường phố át hết cả tiếng loa, nên loa có mở hết công suất thì cũng chẳng ai nghe thấy gì.

Theo tôi nếu nhà nước muốn tuyên truyền hiệu quả thì nên mắc cho mỗi gia đình một cái loa nhỏ (như tôi biết trước đây ở xã Xuân Bắc, Xuân Trường, Nam Định loa công cộng đã vào đến từng gia đình).

Người Hà Nội, Email: ...dhnvn@gmail.com

Chiếc loa phường còn cần không?

Tôi rất thích sự yên tĩnh. Nhưng trớ trêu thay nhà tôi ở lại khá gần với một cái loa phường. Ở quê, nhà bố mẹ tôi cũng gần một cái loa phường, nhiều lúc các cụ rất bực dọc vì loa phường mở quá to, chương trình rườm rà, nội dung không thiết thực, hát hò giọng "thuốc lào" vẫn đưa lên "đài'...

Tôi cũng hay dùng mạng trong công việc và để nắm bắt thông tin và rất mong chờ ngày 2 cái loa phường kia bị đưa vào bảo tàng. Song tôi e rằng lúc này mà bỏ cái loa phường thì hơi sớm. Loa phường sẽ đi vào bảo tàng, nhưng chưa phải bây giờ.

Lý do đơn giản là điều kiện để thay loa phường bằng trang web phường hôm nay là chưa chín muồi. Xin nêu vài lý do:

1. Dân trí của ta còn thấp, không phải ai cũng biết truy cập mạng, nhất là những người già, những người lao động giản đơn. Nhưng thông tin phường lại cần phổ biến đến mỗi người dân trong phường.

2. Cơ sở hạ tầng của ta còn thấp. Dân mình nhiều nhà còn nghèo, cơm ăn áo mặc còn chật vật, làm gì có điều kiện mua máy tính, nối mạng? Thử hỏi bao nhiêu phần trăm gia đình Việt Nam đã nối mạng internet. Liệu bỏ cái loa phường đi thì những thông báo của phường làm cách nào tới từng người dân. Hay là lúc đó cán bộ phường lại chạy đi từng nhà phát tờ thông báo hoặc lại triệu tập họp tổ dân phố liên miên? Ta có đủ tiền trả lương cho đội ngũ cán bộ "đưa tin" này không? Ta có thích họp tổ dân phố liên miên để nghe phổ biến tin của phường, trong khi chỉ cần nghe qua "đài phường" hay không?

Tóm lại, tôi nghĩ rằng hiện giờ chưa phải lúc dẹp cái loa phường kia, ngay cả ở Hà Nội, cho dù chúng ta, trong đó có tôi và cả bố mẹ tôi ở quê nữa, thấy khó chịu vì "loa phường".

Tôi nghĩ vấn đề là cần giải quyết hợp lý các vấn đề như:

- Bố trí loa ở đâu? (Tôi đề nghị, không để loa quá gần một nhà dân nào đó). - Phát thanh vào giờ nào, bao lâu? ( Tôi đề nghị nên phát vào giờ trước khi đi làm buổi sáng và sau khi đi làm về buổi chiều, thời lượng chỉ cùng lắm là 10 phút mỗi buổi" và không nên cố định thời lượng của một buổi, hết tin là thôi, để người tổ chức phát thanh khỏi phải nhét vào chương trình các bài hát "cây nhà lá vườn" hay các bài thơ tự biên tự diễn để "đốt thời gian cho hết").

 - Đưa thông tin gì lên loa phường? (Tôi đề nghị chỉ đưa những tin mà chính quyền phường thấy thật sự cần phải phổ biến đến từng người dân, không nên lạm dụng "loa phường". Nếu thông tin là thiết thực cho mình, dân sẽ lắng nghe.)

- Âm lượng của "loa phường" như thế nào? (Tôi đề nghị, nên điều chỉnh đủ nghe, không nên để loa phường trở thành nguồn "ô nhiễm âm thanh" cho dân.)

Minh Hùng, Email: ...hung1972@yahoo.com

Lúc trước nhà tôi cách cái loa phường khoảng 150m. Mỗi lần mở loa là mỗi lần tôi phát bực vì chương trình phát toàn là chương trình thời sự trong đài phát thanh của thành phố.

Thử hỏi nếu tôi muốn nghe thì tôi mở radio lên nghe chứ đâu cần nghe cái loa phát với âm lượng lớn đinh tai nhức óc,mà bây giờ thì ít ai nghe thời sự bằng radio lắm mà chủ yếu là xem chương trình tivi thôi ,có lẽ chỉ có nhà ai không có tivi mới nghe radio,thực sự nếu có phát thì chỉ nên phát thông tin của phường mình thôi chẳng hạn như thông báo chích ngừa cho trẻ em, lịch cúp điện của phường .....

Bình Nguyên, Email: ...0505@yahoo.com.vn

Đúng là người dân nội thành Hà Nội đã quá khổ vì tiếng loa phường! Nhiều khi những tác phẩm tự biên tự diễn của các "phóng viên đài phường" đã gây phản cảm, thậm chí gây strees cho nhiều người dân trong bán kính phóng thanh của loa phường.

Vào giờ cao điểm, những khi tắc đường... trong mớ âm thanh hỗn độn của đường phố, người tham gia giao thông cũng không ít lần chịu sự "tra tấn" của những tác phẩm tự biên đọc không đúng lúc...

Hiện nay trong đời sống đô thị, vai trò của đài phường nên dừng lại ở đây! Có chăng loa phường chỉ nên giới hạn ở việc phát đi những thông tin nhắc nhở, những thông báo nội phường về các vấn đề an ninh-xã hội, vào những thời giờ thích hợp...

Nguyễn Thùy Dương, Email: ...1234@yahoo.com

Tôi rất tâm đắc khi đọc bài chiếc loa phường, đã đến lúc phải thay thế nó bằng các phương tiện thông tin hiện đại hơn là Internet, bởi vì hiện nay nó đã được phổ cập hầu như đều khắp các nơi, nhất là tại các thành phố, mà tôi thấy các thành phố hiện nay vẫn còn tồn tại hệ thống loa phường này.

Tôi thấy cần nên chấm dứt để bớt đi một phần kinh phí tồn tại nó, để cho môi trường đỡ đi bị ô nhiễm vì tiếng ồn, để các cột điện đỡ phải bị treo lỉnh kỉnh những chiếc loa, dây nhợ vốn đã là một bức tranh rối rắm vô cùng phản cảm trong những thành phố văn minh hiện đại.

Nguyễn Xây Dựng

Công thông tin điện tử và cổng thông tin thời chiến

Tôi cảm thấy thật là bức xúc và khó chịu, nhiều khi nổi cáu vì chiếc loa phường. Đối với những người đi làm việc cả tuần, chỉ có ngày chủ nhật được ngủ muộn hơn chút thì đúng 6h00 sáng , loa phường đã rừng rực khí thế kêu gọi bà con ra đường làm tổng vệ sinh.

Nỗi bức xúc của người dân càng được gia tăng khi chiếc loa phường được treo trên cột điện với hàng tạ dây viễn thông và điện lực, với âm thanh cực đại.

Thế là không có được giấc ngủ trọn vẹn. Đó là chưa kể đến giọng của phát thanh viên. Tôi không hiểu trình độ dân trí của các cán bộ phườn đến đâu mà đề cử một phát thanh viên có trình độ tiếng mẹ đẻ đến như vậy, " Đã đến giờ tổng vệ sinh, đề nghị các gia đình chúng ta ra đường nàm vệ sinh..."

Nhiều khi họ còn đọc bản tin, đọc thơ mà ngọng líu ngọng lô đến trẻ con mới tập nói cũng phải buồn cười. Đã đến lúc chúng ta nên để cho bạn bè quốc tế thấy rằng đất nước chúng ta đang phát triển, phải xoá bỏ cách truyền thông như vậy, phải xây dựng hệ thống cổng thông tin điện tử.

Thử hỏi những cán bộ phường nghĩ sao khi chiếc loa của họ nằm rải rác khắp các cột điện và chĩa thẳng vào từng hộ dân mà đặc biệt là các khách sạn có khách nước ngoài đang nghỉ. Đất nước đã giải phóng được gần 40 năm rồi mà sao vẫn dùng cổng thông tin thời chiến.

Dung, Email: ...dung60@yahoo.com.vn

Tôi rất đồng tình với bài viết này. Tôi đi làm ca đêm về vừa đặt lưng xuống ngủ thì ông loa phường bắt đầu hoạt động. Trẻ em và ngưuời già bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi họ là những người ở nhà nhiều hơn cả.

Người Hà Nội, Email: ...10@yahoo.com

Tôi tán thành với ý kiến của tác giả Hiệu Minh về vấn đề loa phường. Trong thời đại công nghệ thông tin và với mức sống như của khu vực nội đô Hà Nội hôm nay, nhất thiết, các nhà quản lý cần phải xem lại mức độ hoạt động và hiệu quả của loa phường.

Gia đình tôi sống ở phường Nghĩa Đô, Quận Cầu Giấy, Hà Nội. Theo lệ, loa phường phát lúc 6h30 sáng và 17h00 hằng ngày với thời lượng 30 phút. Công suất loa bật khá to với hai phát thanh viên một nam một nữ.

Nếu loa chỉ phát đi các thông báo hoặc tình hình an ninh của phường hoặc vận động nhân dân tham gia các hoạt động xã hội có trọng điểm thì cũng không cần và cũng không thể có đủ thông tin để phát đi hằng ngày như vậy.

Do vậy, biên tập viên của đài phường phải đưa vào các "chuyên mục" khác mà những cái đó, người dân hoàn toàn có thể tiếp cận bằng các phương tiện thông tin khác.

Mức độ âm lượng (dB) của các loa được phát đi cũng là một vấn đề. Thông thường các loa chỉ được bố trí ở các trục phố, ngõ chính do vậy công suất loa phải bật khá to để toàn khu phố nghe thấy. Nhưng chính vì vậy những gia đình ở gần loa thì bị nghe quá to còn các gia đình ở xa thì có khi nghe không rõ hoặc bị tiếng vang của các loa làm "nhiễu".

Thật không may cho các gia đình có cháu nhỏ chưa tới tuổi đi học mẫu giáo mà nhà ở gần loa phường bị đánh thức lúc 6h30 sáng. Với những lý lẽ trên, tôi đề nghị nên có sự điều chỉnh về việc phát thanh trên các loa phường.

Hà Nội đã không được yên tĩnh bởi tiếng động cơ và còi của các phương tiện giao thông, chúng ta đừng làm mất thêm thời gian yên tĩnh của Hà Nội.

Tuan Hoang, Email: pham...@gmail.com

Thật mệt mỏi mỗi khi đi làm về hay mỗi khi dậy sớm phải nghe cái thứ âm thanh oang oang, rè rè. Đây là cách tuyên truyền kém hiệu quả nhất, và lỗi thời. Đây là những ý kiến của người dân chúng tôi, mong rằng các cấp chính quyền nên xem xét lại loại phương tiện này.

Lê Ngọc Thắng, Email: ...173@Yahoo.com

Quê tôi Mễ Sở, Văn Giang, Hưng Yên, họ thậm chí còn bật loa cả ngày đến tối ( Ngày Lễ hội và Tết ! ) làm ô nhiêm môi trường về âm thanh gây rất phản cảm và ảnh hưởng rất nhiều đến mọi người đặc biệt là người già và các cháu nhỏ trong việc học hành nghỉ ngơi, bây giờ đâu có còn là những năm đói thông tin hay vì lý do này khác mà "tra tấn" nhau quá !

Phường Khương Mai làm vậy được thì tốt quá, cả Hà Nội nên làm theo !

Nguyễn Thanh Hoa, Email: ...hoa@hotmail.com

Thưa toà soạn, tôi hoàn toàn đồng ý với bài viết . Chiếc loa phường đã hoàn thành nhiệm vụ của nó và đến lúc cho nó được nghỉ và nhiều lúc không biết phải nói thế nào khi phải nghe những bài tự sáng tác của người phụ trách loa phường về vấn đề nào đó. Cảm ơn !

Lê văn Linh, Email: ...79@yahoo.com

Bài viết về cái loa phường và E-phuong này quá hay và đúng! Hãy cho loa phường vào bảo tàng lịch sử, hãy làm như phường Khương Mai.

>> Tiếp tục cập nhật...

MỚI - NÓNG