Chuẩn phát triển trẻ 5 tuổi: Mờ nhạt kỳ vọng quốc gia

Chuẩn phát triển trẻ 5 tuổi: Mờ nhạt kỳ vọng quốc gia
TP - Dù được sử dụng với mục đích đánh giá như mong muốn của Bộ GD&ĐT hay chỉ tham khảo như những bài viết trả lời của các tác giả trong ban soạn thảo, bộ chuẩn cũng cần được viết lại.

>> Xem toàn bộ bài viết tại đây

>> Kỳ trước

Kỳ cuối: Nên biên soạn lại

Chuẩn phát triển trẻ 5 tuổi: Mờ nhạt kỳ vọng quốc gia ảnh 1
Ứng dụng CNTT tại trường mầm non Anh Đào (Tuy Hòa, Phú Yên)

Mục đích: Đánh giá hay tham khảo?

Theo ban soạn thảo, chuẩn phát triển trẻ không để đánh giá mà chỉ để tham khảo. Điều này rất thiếu rõ ràng. Đã là chuẩn thì đương nhiên là để đánh giá phân loại.

Trong khuôn khổ chuẩn phát triển trẻ với một loạt các chuẩn và chỉ số, ai cũng hiểu là chuẩn phát triển trẻ dùng để đánh giá trẻ theo hai mức đạt và không đạt.

Điều này cũng trình bày rõ trong dự thảo thông tư ban hành bộ chuẩn phát triển trẻ năm tuổi. Nếu chuẩn phát triển không dùng để đánh giá, xin hãy dùng tên gọi khác, ví dụ: Những vấn đề phát triển của trẻ năm  tuổi.

Cho dù vậy, giá trị tham khảo của chuẩn cũng thấp bởi chuẩn thiếu tính định lượng, vì chỉ chia làm hai mức đạt hoặc không đạt. Muốn tài liệu là thông tin tham khảo để có hoạt động giáo dục phù hợp, chuẩn phát triển trẻ  phải chia thành nhiều mức định lượng khác nhau từ thấp đến cao.

So sánh với 13 thang đánh giá những vấn đề phát triển trẻ của Anh, càng thấy sự yếu kém về tính định lượng của dự thảo chuẩn phát triển trẻ năm tuổi.

Kiến nghị

Sau khi phân tích và so sánh với khung chương trình giáo dục mẫu giáo của Singapore và những vấn đề phát triển trẻ của Anh, tác giả bài viết xin kiến nghị bốn điều sau:

1. Cần có sự rõ ràng về tên gọi, chức năng của chuẩn phát triển, rõ ràng về kì vọng đối với trẻ. Với những chỉ số về phát triển thể chất, cần có sự tham gia chính thức của Bộ Y tế để đảm bảo tính chính xác.

Nếu thấy cần thiết, có thể thay khái niệm chuẩn phát triển trẻ năm  tuổi bằng cẩm nang những vấn đề phát triển trẻ năm  tuổi để nhấn mạnh tính tham khảo của tài liệu này.

2. Biên soạn lại chuẩn phát triển trẻ sao cho phù hợp với những đòi hỏi của xã hội hiện đại và có giá trị cạnh tranh toàn cầu; sử dụng các tài liệu nghiên cứu của các nhà khoa học ở các nước có nền giáo dục mẫu giáo phát triển thay vì chỉ gói gọn trong số các nhà khoa học trong nước và Liên Xô (cũ) để đảm bảo tính khoa học, hiện đại của các quan điểm chỉ đạo trong quá trình biên soạn.

3. Thay vì bốn lĩnh vực phát triển, hãy mở rộng thành sáu, trong đó phát triển sáng tạo và phát triển kĩ năng tư duy và giải quyết vấn đề cần được tách thành hai lĩnh vực riêng để đáp ứng những đòi hỏi của nền kinh tế tri thức và cạnh tranh toàn cầu; nâng cao chất lượng các chỉ số, sắp xếp các chỉ số phù hợp hơn, chú trọng các chỉ số phát triển các giá trị cá nhân, phát triển sáng tạo và phê phán, phát triển lập luận, kĩ năng giải quyết vấn đề và khả năng học tập suốt đời; loại bỏ các con số cụ thể trong lĩnh vực phát triển thể chất để tránh tâm lý thất bại cho những trẻ không đạt chuẩn.

4. Xây dựng các thang đánh giá định lượng đi kèm với các chuẩn để tiện cho việc thu thập thông tin về mức độ phát triển của trẻ, từ đó có những điều chỉnh thích hợp trong việc nuôi dạy trẻ tương tự như các thang đánh giá trong những vấn đề phát triển trẻ của Anh. Thang đánh giá có thể dùng sáu mức A+, A, B, C, D, E để đo lường các mức phát triển khác nhau, theo đó:

- Mức E: Trẻ gặp khó khăn, cần hỗ trợ, quan tâm đặc biệt.

- Mức D: Trẻ cần phấn đấu để đạt yêu cầu phát triển.

- Mức C: Trẻ đạt yêu cầu phát triển ở mức tối thiểu.

- Mức B: Trẻ phát triển bình thường.

- Mức A: Trẻ phát triển tốt.

- Mức A+: Trẻ có năng khiếu, cần quan tâm bồi dưỡng.

Việc dùng các mức A+, A, B, C, D, E để đánh giá thay vì dùng điểm số sẽ tránh được tâm lý chạy đua lấy điểm cao vốn đang rất phổ biến ở Việt Nam hiện nay. 

MỚI - NÓNG