Góp ý sửa đổi Bộ luật Tố tụng Hình sự:

Giảm oan sai, tăng dân chủ

Giảm oan sai, tăng dân chủ
TP - Khi mở tòa xét xử, nếu thấy chứng cứ cột tội không vững chắc, hồ sơ có nhiều vi phạm không đảm bảo khách quan, công tố viên tranh tụng không thỏa đáng, HĐXX cần tuyên “bị cáo không phạm tội” thay vì trả hồ sơ yêu cầu điều tra bổ sung.
Giảm oan sai, tăng dân chủ ảnh 1
Các phiên tòa đang dần trở thành diễn đàn pháp lý dân chủ

Trong ba vụ án Công an TP Yên Bái khởi tố liên quan đến ông Lê Quốc Nguyên (đã được Tiền Phong phản ánh), thủ trưởng cơ quan điều tra (CQĐT) đều ký quyết định khởi tố bị can và lệnh tạm giam ông Nguyên.

Thời điểm ấy, Bộ luật TTHS vừa được sửa đổi theo hướng tăng thẩm quyền cho cơ quan kiểm sát; việc khởi tố, bắt giam ông Nguyên không được Viện KSND TP Yên Bái phê chuẩn, vì vậy không thực hiện được.

Về sau cả ba vụ án CQĐT đều không chứng minh được hành vi vi phạm pháp luật của ông Nguyên, gọi nôm là án thối. Dù phải chịu nhiều sức ép, Viện KSND TP Yên Bái đã thực hiện tốt chức năng, quyền hạn, không để xảy ra việc bắt non dẫn đến làm oan cho người bị tình nghi.

Tuy nhiên, không phải vụ án nào kiểm sát viên cũng thực hiện tốt chức năng, quyền hạn của mình. Vụ án “trộm cắp cổ vật” ở Bắc Giang (đã nói ở số báo trước) là ví dụ điển hình.

Ngay tại tòa, những người bị oan tố cáo họ bị điều tra viên (ĐTV) bức cung, nhục hình trước mặt kiểm sát viên, song kiểm sát viên không can thiệp. Trong lời xin lỗi mới đây của Viện KSND tỉnh Bắc Giang, người ta không thấy lời xin lỗi của chính những kiểm sát viên giám sát điều tra và thực hành quyền công tố tại tòa, cũng không thấy nói họ bị kỷ luật như thế nào.

Theo hướng cải cách tư pháp, thời gian qua, ngày càng nhiều phiên tòa trở thành diễn đàn pháp lý dân chủ, nơi công tố viên phải chứng minh chứ không phải kết luận máy móc theo kiểu “án tại hồ sơ”.

Tuy nhiên, vẫn còn nhiều phiên tòa việc tranh luận, đối đáp chưa thỏa đáng. Những vụ án sau đó xác định làm oan cho người vô tội, người ta thấy công tố viên chỉ chăm chăm bảo vệ quan điểm của bản cáo trạng (do sếp của họ ký), mặc dù tại tòa rất nhiều tình tiết mới xuất hiện.

Trong dịp góp ý sửa đổi Bộ luật TTHS lần này, nhiều ý kiến cho rằng cần tăng thẩm quyền của kiểm sát viên, giao cho họ ký cáo trạng thay vì viện trưởng hoặc phó viện trưởng - những người chỉ nghe báo cáo chứ không trực tiếp nghiên cứu hồ sơ.

Không chỉ giúp kiểm sát viên tăng trách nhiệm khi giám sát điều tra, xây dựng cáo trạng, việc này còn giúp họ chủ động thực hành quyền công tố tại tòa. Dĩ nhiên, thẩm quyền phải đi đôi với trách nhiệm. Khi tòa án tuyên một người không phạm tội, cùng với ĐTV đã ký lệnh khởi tố, bắt giam, kiểm sát viên đã ký cáo trạng phải là người liên đới trách nhiệm trong việc xin lỗi, bồi thường cho người đó.

Giảm kiểu xử cố đấm ăn xôi

Thực tế công tác xét xử sơ thẩm án hình sự nhiều năm qua cho thấy vai trò của các hội thẩm rất mờ nhạt. Không chỉ trình độ pháp luật hạn chế, các hội thẩm hầu như không nghiên cứu hồ sơ, việc xét hỏi của họ tại tòa cũng rất sơ sài.

Nhiều người cho rằng đã đến lúc xóa bỏ chế độ hội thẩm, thay bằng chế độ bồi thẩm (hội đồng xét xử không có hội thẩm, chỉ có các thẩm phán). Xu hướng này phù hợp với cải cách tư pháp, với hội nhập quốc tế, giúp làm tăng chất lượng xét xử sơ thẩm.

“Số vụ trả hồ sơ điều tra bổ sung hằng năm giữa các cơ quan tiến hành tố tụng còn chiếm tỷ lệ đáng kể, làm kéo dài việc giải quyết vụ án. Số vụ tòa án tuyên không phạm tội có giảm dần nhưng vẫn còn xảy ra, mỗi năm khoảng 50 trường hợp, trong đó có nhiều trường hợp oan, sai nghiêm trọng”.

 (Nguồn: Viện KSNDTC)

Để không làm oan người vô tội, trách nhiệm, bản lĩnh của thẩm phán rất quan trọng, nó được thể hiện ngay từ khi thẩm phán tiếp nhận hồ sơ. Chưa cần mở tòa, qua nghiên cứu hồ sơ, nhiều thẩm phán đã yêu cầu điều tra bổ sung, qua đó giúp các cơ quan tố tụng giai đoạn trước phải nhìn nhận lại, không thể cố đấm ăn xôi, có thể sẽ làm oan cho bị cáo.

Có thể nêu ví dụ án Nguyễn Văn Tốn ở Quảng Ninh. Qua những bài điều tra trên Tiền Phong, bạn đọc đã biết ông Tốn bị Công an TX Uông Bí khởi tố với tội danh “lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”, sau đó chuyển Công an tỉnh Quảng Ninh điều tra tiếp.

Công an tỉnh xác định không ai “lạm dụng” hay “chiếm đoạt” gì cả, đây chỉ là vụ việc dân sự. Công an TX Uông Bí lại quay sang kết luận ông Tốn “giả mạo tài liệu”.

Khi vụ án được chuyển sang TAND TX Uông Bí, thẩm phán trả hồ sơ, bởi thấy các cơ quan tố tụng trước đó chưa làm rõ được ai đã giả mạo tài liệu; còn nếu quy trách nhiệm cho ông Tốn, thì cũng không thể xử lý hình sự. Rốt cục vụ án được Viện KSND TX Uông Bí đình chỉ.

Từ khi cải cách tư pháp, các phiên tòa đang chuyển biến theo hướng tăng cường dân chủ, những chứng cứ cởi tội có cơ hội được trình bày, được tranh luận trước tòa.

Những phiên tòa theo hướng tranh tụng là cơ hội thực sự để giải oan được cho những người vô tội chẳng may lâm vòng lao lý. Tuy nhiên, nhiều vụ án chỉ được đình chỉ sau khi tòa trả hồ sơ nhiều lần (vụ án Nguyễn Minh Hoàng ở Trà Vinh, vụ án “trộm cắp cổ vật” ở Bắc Giang đều như vậy).

Để người bị oan không bị thiệt thòi kéo dài, có ý kiến cho rằng thẩm phán chỉ yêu cầu điều tra bổ sung khi đang nghiên cứu hồ sơ. Còn khi đã mở tòa xét xử công khai, nếu nhận thấy chứng cứ cột tội không vững chắc, hồ sơ có nhiều vi phạm tố tụng, công tố viên tranh tụng không thỏa đáng, bồi thẩm đoàn cần tuyên “bị cáo không phạm tội” thay vì trả hồ sơ như hiện nay.  

(Còn nữa)

MỚI - NÓNG