Giảm oan sai, tăng dân chủ - Kỳ 4

Giảm oan sai, tăng dân chủ - Kỳ 4
TP - Trong dịp sửa đổi Bộ luật Tố tụng Hình sự (TTHS) lần này, nhiều ý kiến cho rằng cần đưa vào nguyên tắc suy đoán vô tội, nguyên tắc này phải được nhấn mạnh ngay từ trong các giáo trình của các khóa đào tạo chức danh tư pháp.

>> Kỳ trước

Kỳ 4: Nguyên tắc suy đoán vô tội

Giảm oan sai, tăng dân chủ - Kỳ 4 ảnh 1
Các bị cáo này chưa thể bị xem là có tội, vì chưa có bản án có hiệu lực pháp luật

Có thể bị can không phạm tội

Người viết bài này từng đặt câu hỏi với một điều tra viên (ĐTV) cao cấp của Bộ Công an (ông từng tham gia điều tra những vụ án phức tạp, trong đó có những vụ cơ quan điều tra (CQĐT) cấp tỉnh làm không thỏa đáng dẫn đến khiếu nại kéo dài và cuối cùng minh oan được cho người bị tình nghi):

 “Bộ luật TTHS có nhiều quy định khá chặt chẽ để phòng chống làm oan người vô tội, vì sao vẫn “lọt” những vụ án oan?”. ĐTV này thẳng thắn: “Trong nhiều vụ án, anh em điều tra chúng tôi còn nặng suy diễn chủ quan, chỉ chú ý cột tội, chưa chú ý cởi tội cho đối tượng tình nghi”.

Việc mớm cung, bức cung, nhục hình - những hành vi bị nghiêm cấm nhưng rất khó có được bằng chứng xác đáng để xử lý - khó có thể nói không còn xảy ra trong hoạt động điều tra.

Được hỏi về việc này, ĐTV của Bộ Công an trên đây trả lời: “Quan điểm của riêng tôi, dùng đến nhục hình chứng tỏ chứng cứ còn non, hoặc năng lực của anh em điều tra còn yếu, lại thêm nóng vội, muốn nhanh có kết quả”.

Khi người bị khởi tố, tạm giữ, tạm giam không thừa nhận có hành vi vi phạm pháp luật, cần quy định họ được viết đơn kêu oan, được quyền đề nghị cung cấp hoặc thu thập vật chứng, triệu tập nhân chứng có lợi cho lời kêu oan của mình.

CQĐT phải tham khảo ý kiến kiểm sát viên, người bào chữa trong việc đánh giá chứng cứ, trước khi kết luận vụ án; lời kêu oan của bị can, ý kiến của kiểm sát viên, người bào chữa cần được CQĐT đưa vào hồ sơ vụ án.

Khi nhận thấy các chứng cứ cột tội do ĐTV thu thập thiếu thuyết phục (nói theo ngôn ngữ điều tra là 50/50), khi thời hiệu điều tra (kể cả gia hạn) đã hết mà việc điều tra không có được chứng cứ mới, Thủ trưởng CQĐT cần áp dụng nguyên tắc “suy đoán vô tội” để ra quyết định đình chỉ điều tra đối với bị can.

Tương tự, khi vụ án được đưa ra xét xử, nếu thấy các chứng cứ cột tội yếu, thiếu khách quan, nặng về suy diễn, bồi thẩm đoàn cần áp dụng nguyên tắc “suy đoán vô tội” để tuyên bị cáo không phạm tội.

Đổi mới văn bản luận tội

Theo Bộ luật TTHS hiện hành, mới chỉ bản án được quy định khá chi tiết về cách trình bày. Các văn bản mang tính tổng hợp khác như kết luận điều tra, cáo trạng hoặc quyết định đình chỉ vụ án vẫn còn thiếu quy định chặt chẽ, thống nhất.

Đọc bản kết luận điều tra vụ án, người ta có cảm giác mọi tình tiết của vụ việc đều đã rõ ràng, người đọc buộc phải thừa nhận kết luận cuối cùng của CQĐT mà chưa thấy được quá trình chứng minh để đi đến kết luận ấy.

Bị can, bị cáo chưa bị tòa án kết luận “có tội”, thậm chí họ đang kêu oan, song kết luận điều tra hoặc cáo trạng lại trình bày theo cách để người ta thấy “tội” của họ là quá hiển nhiên, chỉ còn thiếu mức hình phạt mà thôi!

Bổ sung nguyên tắc suy đoán vô tội để đảm bảo quá trình tố tụng phải tôn trọng quyền con người, quyền và lợi ích hợp pháp của công dân; quy định chặt chẽ các thủ tục điều tra, biện pháp thu thập, đánh giá chứng cứ; tôn trọng và đảm bảo quyền đưa ra chứng cứ, đưa ra yêu cầu của bị can, bị cáo, người bào chữa và những người tham gia tố tụng khác.

 (nguồn: Viện KSNDTC)

Cách trình bày văn bản tố tụng như vậy rõ ràng chưa thể hiện được các quy định cơ bản của Bộ luật TTHS như “CQĐT, viện kiểm sát, tòa án phải áp dụng mọi biện pháp hợp pháp để xác định sự thật vụ án một cách khách quan, toàn diện và đầy đủ, làm rõ những chứng cứ xác định có tội và những chứng cứ xác định vô tội”; “không ai bị coi là có tội khi chưa có bản án kết tội của tòa án có hiệu lực pháp luật”.

Dễ thấy các văn bản luận tội như vậy gây bất lợi cho bị can, bị cáo, bất lợi cho việc tranh tụng tại tòa - nơi mà về lý thuyết, công tố viên rất có thể sẽ thay đổi quan điểm đánh giá vụ án, đưa ra những kết luận có lợi cho bị cáo.

Theo nguyên tắc “suy đoán vô tội”, nhiều người cho rằng Bộ luật TTHS cần quy định cụ thể cách trình bày các văn bản luận tội như kết luận điều tra và cáo trạng, chúng phải thể hiện được sự việc đang trong quá trình chứng minh, không phải đã có kết luận cuối cùng.

Với bản án, nhiều ý kiến cho rằng văn bản này phải thể hiện đầy đủ những diễn biến tại tòa, ý kiến của phía cột tội và cả phía cởi tội, và phải nêu bật được những căn cứ quan trọng nhất để hội đồng xét xử dựa vào đó đưa ra phán quyết.

(Còn nữa)

MỚI - NÓNG
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
TPO - Trong ngày trọng đại, Chu Thanh Huyền và Quang Hải được gia đình nhà gái và nhà trai trao tặng nhiều quà cưới. Theo ghi nhận, cặp đôi nhận được những món quà giá trị từ gia đình 2 bên gồm nhiều kiềng vàng và nhẫn.