20 năm tới, chỉ nên có một bộ SGK

20 năm tới, chỉ nên có một bộ SGK
TP - Nhiều bộ sách giáo khoa tốt, giáo viên chứ không phải học sinh, lại càng không phải các vị giám đốc sở GD & ĐT, tự do lựa chọn - là ước mơ đẹp, nhiều nước có nền giáo dục tiên tiến lâu đời đã thực hiện được.
20 năm tới, chỉ nên có một bộ SGK ảnh 1

Nhà giáo ưu tú  Vũ Thế Khôi: “Chỉ nên có một bộ sách giáo khoa trong 15-20 năm tới”. Ảnh: Phạm Yên

Thế nhưng ở ta, trong 15 – 20 năm tới, tôi ủng hộ phương án một bộ sách giáo khoa chuẩn cho bậc giáo dục phổ thông trong cả nước.

Những điều kiện cụ thể của ta hiện nay, mà có thể làm méo mó, thậm chí làm hỏng một cách nguy hại ý tưởng tốt đẹp về quyền tự do lựa chọn SGK, GS Nguyễn Minh Thuyết đã nêu rồi, xin không lặp lại.

Chỉ xin cảnh báo: tôi thực sự rợn tóc gáy khi được biết người ta định trao cái quyền lựa chọn có ý nghĩa quyết định tương lai của con cháu chúng ta cho các ông giám đốc sở GD & ĐT, không phải vì cho rằng các vị này không tương xứng cương vị giám đốc sở.

Tôi thông cảm sự sốt sắng đề xuất kiến nghị nhiều bộ SGK của lãnh đạo mới trong Bộ GD & ĐT. SGK kém chất lượng từ lâu đã trở thành nỗi bức xúc không còn chịu nổi nữa rồi.

Tuy nhiên, nguyên nhân chủ yếu của chất lượng SGK kém không phải do cơ chế một bộ SGK thống nhất mà do cách tổ chức - quản lý biên soạn thiếu dân chủ, không tôn trọng người tài, phần nhiều được thực hiện theo đường dây - xin dùng chữ của GS - TSKH Hồ Ngọc Đại - trong đó, đầu mối thường nằm trong cơ quan quản lý tối cao của ngành GD&ĐT.

Chừng nào Bộ như bên A còn dính dáng, có đi có lại với bên B, hoặc thậm chí vừa đá bóng vừa thổi còi, chừng đó chỉ có thể cho ra nhiều bộ sách SGK kém chất lượng mà thôi.

SGK là công trình khoa học thực sự, phải do một hội đồng giáo dục gồm những nhà khoa học uy tín đầu ngành. Tôi dùng chữ uy tín đầu ngành chứ không dùng các chức danh viện sĩ, giáo sư, tiến sĩ khoa học - cùng các nhà giáo dạy giỏi, bất kể tại chức hay hưu trí, chỉ đạo biên soạn và thẩm định.

Hội đồng này do Bộ trưởng GD & ĐT hay Thủ tướng, Phó Thủ tướng đứng đầu là tùy. Nhưng trong bối cảnh cải cách giáo dục như ở ta hiện thời thì nên là Thủ tướng, Phó Thủ tướng. Chính phủ Trần Trọng Kim từng có một hội đồng như vậy do GS Bộ trưởng Giáo dục Hoàng Xuân Hãn đứng đầu.

Chính phủ Hồ Chí Minh sau Cách mạng Tháng Tám cũng từng có một hội đồng cố vấn học chính gồm những học giả đông học, tây học đáng kính nể. Hai bộ SGK duy nhất được những hội đồng này duyệt từng được dùng thống nhất trong cả nước đâu có kém chất lượng.

Theo thiển ý của tôi, trong điều kiện của ta 15 – 20 năm tới, nên đầu tư nhân tài của quốc gia và tiền bạc của nhân dân vào biên soạn một bộ chương trình chuẩn với một quỹ đề thi chuẩn kèm theo, một bộ SGK chuẩn, được duyệt dùng thống nhất trong cả nước.

Đồng thời nên khuyến khích các nhà khoa học và các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân có điều kiện dựa trên bộ chương trình chuẩn biên soạn những bộ SGK song song, nếu được hội đồng giáo dục thẩm định và duyệt, Bộ cho phép dùng làm sách tham khảo. Nếu như chất lượng những bộ SGK này tốt hơn sách chuẩn thì có thể dùng thay cho sách chuẩn. Tôi quan niệm đây là bước đầu tiên trên hành trình tiến tới thực hiện ước mơ về quyền tự do lựa chọn SGK.

Ngay sau Cách mạng Tháng Tám, Bộ Quốc gia Giáo dục (QGGD) của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà non trẻ nêu kiến nghị chỉ dùng tiếng Việt làm chuẩn ngữ trong toàn bộ hệ thống giáo dục từ vỡ lòng đến đại học.

Trước đó Đông Kinh Nghĩa Thục năm 1907 làm cách mạng tư tưởng cho việc thay chữ Hán bằng quốc ngữ. Ba chục năm sau Thượng thư Bộ Học Phạm Quỳnh trong triều đình vua Bảo Đại, quy định dùng tiếng Việt dạy ở bậc tiểu học.

Hai chục năm sau nữa, tháng 3/1945 Bộ trưởng Hoàng Xuân Hãn trong Chính phủ Trần Trọng Kim quy định dùng tiếng Việt ở cả bậc trung học. Mặc dù đã có cả một quá trình cải cách như vậy, Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn thận trọng hỏi lại Bộ trưởng Bộ Quốc gia Giáo dục: “Có vội quá không? Đã chuẩn bị kỹ chưa?”. Chỉ sau khi được nghe báo cáo cụ thể, Người mới cho phép thực hiện.

Trong giáo dục, nếu thực sự có lương tri và trách nhiệm, không được phép làm theo phương pháp “thử - sai - sửa” mà những người có chút kiến thức về khoa học tâm lý – giáo dục thừa biết đó là phương pháp của ai. Xin hãy thêm một lần nữa hết sức thận trọng vì con cháu chúng ta.

Bài góp ý xin gửi về Ban Khoa giáo, Báo Tiền Phong, 15 Hồ Xuân Hương, Hà Nội, hoặc qua địa chỉ email: tienphong02@vnn.vn)

MỚI - NÓNG