Kỷ niệm 50 năm ngày mở đường Trường Sơn huyền thoại:

Trường Sơn kí sự

Trường Sơn kí sự
TP - Chúng tôi theo đường 12A nhằm hướng Tây thẳng tiến. Khe Ve-La Trọng đã lùi lại phía sau. Phía trước, ở km 28-29 của con đường này là địa danh Bãi Dinh, một tọa độ lửa ác liệt nhất trên tuyến đường này của thời đánh Mỹ.

>> Bài 1: Con chim đầu đàn ngày ấy

Bài 2: Đêm Cha Lo

Từ đây đi thêm chừng tám km nữa là trận địa pháo nức tiếng với khẩu lệnh vang vọng suốt cả cuộc chiến của chính trị viên Nguyễn Viết Xuân: “Nhằm thẳng quân thù mà bắn”...

Đồng đội của anh còn nhớ như in, trưa 18/11/1964, hàng tốp máy bay Mỹ trút bom và bắn rốc két vào trận địa pháo cao xạ. Bom nổ rung núi. Lửa khói mịt mù. Trong tiếng bom rền đinh tai nhức óc ấy, trận địa vẫn vang rõ mồn một lời của chính trị viên Nguyễn Viết Xuân:  “Trả thù cho anh Trỗi. Phản lực Mỹ không có gì đáng sợ. Nhằm thẳng quân thù mà bắn!”.

Bốn giờ đồng hồ, chính trị viên Nguyễn Viết Xuân bám từng khẩu đội, thăm hỏi anh em bị thương nặng, động viên các pháo thủ giữ vững trận địa. Về vị trí chỉ huy, anh bị trúng đạn, gãy nát đùi phải, máu chảy đầm đìa. Biết tin anh hy sinh, cả trận địa hô vang khẩu lệnh mà anh từng hô: “Nhằm thẳng quân thù mà bắn”.

Trận địa Nguyễn Viết Xuân ngày nào, giờ người ta quen gọi là đồi 37. Dấu tích một thời đạn lửa nay không còn. Cánh rừng biếc xanh bời bời sức sống. Cận đồi 37 là Cha Lo, Mụ Dạ, Cổng Trời, những địa danh mà ngày đó chỉ cần nghe thôi người ta đã hình dung được cái tàn khốc của cuộc chiến...

Bây giờ con đường 12A trải nhựa phẳng lỳ. Khi làm con đường này để mở cửa khẩu quốc tế Cha Lo thông thương với nước bạn Lào, vì muốn bảo vệ di tích lịch sử Cổng Trời, ngang qua đây, con đường 12A được nắn vòng đi một đoạn ngắn.

Có lẽ vì thế, nên rất nhiều người muốn tìm về Cổng Trời khi đến đây đều chững lại vì không thấy Cổng Trời đâu. Chúng tôi cũng vậy, Không biển báo. Không chỉ dẫn. Một tấm bia nhỏ tí cùng với phía trước là một cái am nhỏ lạnh lẽo khói hương...

Ngày đó của hơn 40 năm trước, nhằm cắt đứt tuyến chi viện cho Trung-Hạ Lào và đánh vào tổng kho K2, là kho trung chuyển của Đoàn 559, không lực Hoa Kỳ không tiếc đạn bom trút xuống nơi đây với kỳ vọng đánh sập Cổng Trời, đồng nghĩa với việc chặt đứt tuyến đường độc đạo này.

 Bồi hồi thắp một nén nhang trong hoàng hôn đang xuống tím sậm dãy Giăng Màn. Chỉ còn một chặng đường ngắn nữa thôi là chúng tôi đến Đồn Cha Lo anh hùng, đến với Khu kinh tế Cha Lo thời hội nhập.

Ngày còn bé, tôi đã nghe “Đêm Cha Lo” với:...”Ơi Cha Lo, nơi rừng núi miền tây tổ quốc, bừng sáng lung linh một vì sao”... Ước có một đêm như thế ở đồn Biên phòng Cha Lo anh hùng. Và tôi đã toại nguyện. 50 năm qua, đồn nằm sát ngay con đường 12A, phía trước là dãy Giăng Màn sừng sững.

Thượng tá Trần Thanh Phong, Đồn trưởng nói về một vùng biên giới mênh mông với 28 km đường biên, với bốn dân tộc anh em là Khùa, Mày, Sách và Kinh sinh sống rải rác trên 13 bản. Từ ngày cửa khẩu Quốc tế Cha Lo thông thương, nhiệm vụ của đồn nặng nề hơn gấp bội. Lưu lượng người và hàng hóa qua cửa khẩu, chảy về đường 12 ngày càng tăng. Khách du lịch của hơn 30 nước qua lại cửa khẩu này...

Thượng tá Phong trầm ngâm, nhiều vụ động trời diễn ra ngay tại vùng biên này như vụ vận chuyển 199 bánh heroin năm 2004, vụ gần 6.000 viên ma túy tổng hợp và gần 54 kg ma túy trong năm 2008.

Thượng tá Nguyễn Văn Huân, chính trị viên của đồn với nước da mái xanh, gương mặt gầy, góc cạnh, đôi mắt thâm quầng trũng sâu: Tôi từng qua các đồn biên giới phía Bắc, đến bây giờ mới được đậu lại Cha Lo. Gắn bó với vùng biên, nên con gái  tôi đặt tên là Biên Thùy. Giờ được ở đồn quê hương mình nhưng vẫn cứ biền biệt. Vài ba tháng mới “hạ sơn” một lần tranh thủ thăm nhà...

Vẫn lãng đãng sương giăng. Chúng tôi ngược đường 12A huyền thoại để trở về xuôi. Những chuyến xe chở nặng hàng nối đuôi nhau từ cửa khẩu cũng đang lăn bánh xuôi về. Có mấy ai trong số họ khi ngang qua Cổng Trời, Bãi Dinh, Khe Ve, La Trọng... nhấn một hồi còi như thể ngày xưa những đoàn xe nối nhau ra tiền tuyến nhấn một hồi còi cám ơn những TNXP đã thông đường thông tuyến... Ca từ trong bài hát Đêm Cha Lo mà thượng tá Huân hát đêm qua giờ tôi nghe thật rõ... “Có chúng tôi đây vững vàng nơi miền Tây”...

Đã nghe tiếng gà rừng từ chân núi xa vọng lại. Khoảnh sân trước đồn mịt mờ sương núi lạnh. Dãy Giăng Màn sừng sững kia biến mất trong màn sương khói ấy. Nghe thật rõ những bước chân tuần tra, đổi gác...

(Còn nữa )

MỚI - NÓNG