Hành trình mang vốn đến với thanh niên

Hành trình mang vốn đến với thanh niên
TP - Từ Nà Đon, tiếng Tày có nghĩa là nhiều đồi núi và là thôn của xã Yên Phú (Bắc Mê, Hà Giang), có nhiều thanh niên vươn lên lập nghiệp, làm giàu nhờ nguồn vốn từ những tổ tiết kiệm và vay vốn (TK&VV) do Đoàn thanh niên quản lý.

Cách thị xã Hà Giang gần 60 cây số nhưng phải mất hơn hai giờ chạy ô tô, vượt hàng chục đoạn dốc khúc khuỷu mới đến xã Yên Phú của huyện Bắc Mê.

Bí thư Đoàn xã Nguyễn Đức Thỏm cho hay, ở xã heo hút này, nếu Đoàn không mang lại lợi ích cho thanh niên - chủ yếu là đồng bào các dân tộc Tày, Dao, Mông, Mường - thì khó nói chuyện với họ.

Bắt đầu từ năm 2005, tổ chức Đoàn ở các thôn tham gia quản lý sáu tổ TK&VV, do các bí thư chi đoàn thôn làm tổ trưởng. Xã có 15 thôn, đến nay có chín tổ TK&VV do Đoàn quản lý.

Triệu Văn Sảng là thanh niên điển hình trong phát triển kinh tế của thôn Nà Đon, với thu nhập hàng năm 40 triệu đồng. Cứ nhìn vào cơ ngơi nhà xây, xe máy, ti vi... của vợ chồng Sảng, những người Dao làng trên, xóm dưới tấm tắc khen và họ dạy con cháu phải biết làm giàu như anh.

Muốn gặp Sảng thì phải lên rừng mà gọi. Ba năm nay, anh trồng thêm ba hécta cây keo và mỡ. Tờ mờ sáng, anh dắt đàn dê hơn 30 con lên rừng trông nom, vừa chăm sóc cây và mở thêm đất hoang trồng cây công nghiệp. Chiều tối, vợ chồng trẻ tất bật với đàn trâu, bò, lợn…

“Ấy thế mà có những lúc khó khăn tưởng không trả được nợ đấy” - anh Sảng nói. Năm 1999, anh vay 10 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội nhưng chẳng biết trồng cây hay nuôi con gì. Đồng vốn cứ cạn dần vì tổ TK&VV lúc đó không phải do Đoàn quản lý nên chẳng ai tư vấn cho việc sử dụng vốn có hiệu quả.

Nhưng giờ khác rồi, vốn vay từ trước đã trả xong. Năm 2006, anh Sảng được tổ TK&VV do Đoàn TN thôn Nà Đon hướng dẫn vay thêm 15 triệu đồng mua cây giống trồng rừng và số lượng đàn gia súc, gia cầm của anh sau ba năm phát triển lên tới cả trăm con…

Anh Thỏm cho biết, Yên Phú hiện có 255 ĐVTN sinh hoạt ở các thôn và có 136 ĐVTN được vay vốn phát triển kinh tế tại địa phương, 12 nữ thanh niên được vay theo chương trình xuất khẩu lao động sang Malaysia làm tại các nhà máy may mặc, điện dân dụng, mỗi năm gửi về cho gia đình 60 – 70 triệu đồng…

Có vốn rồi, thôi ly hương

Triệu Văn Hồng, Bí thư Đoàn thôn Nà Đon cho hay, tối hôm trước chi đoàn vừa sinh hoạt với nội dung chăm sóc, chặt tỉa cây công nghiệp và các biện pháp phòng cháy rừng, thu hút đông đảo ĐVTN tham gia. Mỗi chuyên đề sinh hoạt hàng tháng được Hồng tìm hiểu kỹ từ nhu cầu nóng của ĐVTN là tập trung phát triển kinh tế.

Chi đoàn thôn Nà Đon cũng như các thôn khác phối hợp với cán bộ khuyến nông, khuyến lâm và đại diện chi nhánh Ngân hàng CSXH tại địa phương lần lượt hướng dẫn thanh niên kỹ thuật trồng, chăm sóc cây công nghiệp, cây lương thực; chăm sóc và phòng chữa bệnh cho gia súc, gia cầm hay sử dụng vốn hiệu quả…

“Trước kia, có người vay chỉ mua đồ dùng trong gia đình hoặc tổ chức cưới xin, ăn uống. Nay thanh niên trong thôn chủ yếu vay để đầu tư nuôi trâu, bò lấy thịt, khai hoang ruộng trồng ngô phục vụ chăn nuôi. Có vốn rồi, không ai đi làm xa nữa, họ tự tạo việc làm trên chính mảnh đất quê hương và hào hứng với các phong trào của Đoàn” – Hồng kể.

Để thu hút được ĐVTN đến với Đoàn, ngoài việc hướng dẫn thanh niên làm thủ tục vay vốn, Hồng đề xuất với ngân hàng chuyển thu lãi hàng tháng sang quý, tạo điều kiện thuận lợi và thời gian cần thiết để ĐVTN trả lãi đúng hạn.

Năm 2008, giải ngân qua chín tổ TK&VV của Yên Phú đạt hơn một tỷ đồng và thanh toán hết nợ quá hạn từ những năm trước. Nhờ Đoàn mang vốn và giúp thanh niên làm kinh tế mà ở Yên Phú, ngoài triệu phú trẻ Triệu Văn Sảng còn có Nguyễn Đức Bắc (thôn Nà Nèn 2) có thu nhập 50 triệu đồng/năm. Những triệu phú trẻ trong tương lai còn nhiều bởi những đàn gia súc, gia cầm, hàng trăm cánh rừng đang ngày càng nhiều ở Yên Phú… 

Riêng năm 2008, Hà Giang giải ngân hơn 81 tỷ đồng qua các tổ TK&VV do Đoàn quản lý (gấp 1,4 lần so với năm năm từ 2003 đến 2007 Đoàn TN triển khai thực hiện các chương trình ủy thác từ Ngân hàng Chính sách Xã hội) cho hơn 3.000 đoàn viên thanh niên; nâng tổng số dư nợ cho ĐVTN đến nay đạt gần 140 tỷ đồng, với gần 18 nghìn hộ ĐVTN được vay vốn. Số hộ ĐVTN nghèo giảm sáu phần trăm, hạ tỷ lệ hộ gia đình ĐVTN nghèo trong tỉnh từ 35 xuống còn 29 phần trăm... Một trong những yếu tố quan trọng để tổ chức Đoàn ở Hà Giang mang vốn đến cho thanh niên và giúp quản lý, sử dụng nguồn vốn vay có hiệu quả là cán bộ Đoàn, cụ thể là Bí thư Tỉnh Đoàn được bầu vào Hội đồng quản trị Ngân hàng Chính sách Xã hội Tỉnh Hà Giang.
MỚI - NÓNG
Cải tạo chung cư cũ: 'Hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi'
Cải tạo chung cư cũ: 'Hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi'
TPO - “Nếu cán bộ quan tâm đến công việc, hay như tôi nói ở hội nghị Ban Chấp hành là có tình yêu với Hà Nội thì tự khắc đứng dậy, khắc có trách nhiệm với nhân dân, khắc giải quyết các vướng mắc, tồn tại. Nếu cứ chung chung, hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi, không làm được” - Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng nói.