Tiết lộ của người phát hiện hang động lớn nhất thế giới

Tiết lộ của người phát hiện hang động lớn nhất thế giới
TP - Đó là vào một ngày mùa đông năm 1991. Trời rét căm căm. Mưa rừng cứ rả rích. Chúng tôi, những người đi tìm trầm trong ngút ngàn của rừng nguyên sinh Phong Nha-Kẻ Bàng đã hoàn toàn lạc nhau...

>> Kể chuyện phát hiện hang động lớn nhất thế giới

Tiết lộ của người phát hiện hang động lớn nhất thế giới ảnh 1
Một góc trong hang Sơn Đoòng (Ảnh do Hội Hang động Hoàng gia Anh cung cấp)

Toán của chúng tôi bốn người, đều là thanh niên ở làng Phong Nha này, mới mười chín đôi mươi, cuộc sống chủ yếu dựa vào rừng. Thị trường rộ lên thứ hàng gì là chúng tôi lao vào rừng kiếm thứ hàng đó. Bất chấp hiểm nguy miễn là bán được tiền. Đó là thời PN-KB chưa là Di sản TNTG.

Tôi mồ côi cha từ năm 12 tuổi, là con trai út trong nhà có sáu anh chị em. Vào rừng PN-KB kiếm sống từ khi mới 16 tuổi. Đến khi bị lạc nhau này tôi đã có thâm niên đi xuyên rừng được gần sáu năm.

Một mình trong rừng thẳm, trời chạng vạng tối. Khu vực Đoòng ngày đó ít người qua lại. Theo những thợ săn lão luyện, nơi đây là lãnh địa của hổ, báo, bò tót. Có con hổ ba chân vùng này khét tiếng hung dữ trong một thời gian dài.

Cánh thợ săn cũng không mấy khi vào vùng này hành nghề vì lành ít dữ nhiều. Xung quanh núi rừng hoang vu, mưa và hơi lạnh từ đá khiến cho vùng Đoòng mù đặc. Tôi không còn xác định ra phương hướng nữa. Giá như lúc đó còn le lói ánh sáng mặt trời thì có khả năng tìm được lối. Tôi hú gọi đồng đội cùng đi đến khản đặc tiếng và bất lực.

Đêm xuống rất nhanh. Bản năng sinh tồn mách bảo tôi phải tìm một chỗ ẩn nấp. Men theo mép đá, tôi leo lên một nơi cao chừng vài chục mét. Thật bất ngờ, trước mắt tôi hiện ra một cửa hang rộng. Chừng mươi mét thôi, thì gió ở đâu như từ lòng đất thổi ù ù mạnh đến nghiêng người. Lúc đó, chọn cho mình một chỗ an toàn, không dám mạo hiểm vào sâu, tôi mong trời sáng để tìm bạn cùng đi...

Sáng hôm sau, tôi rời cửa hang tụt xuống và cắt đường quay ngược theo hướng mặt trời, lại hú tìm anh em. Chúng tôi gặp được nhau và tiếp tục biền biệt trong rừng mươi ngày nữa mới về đến nhà.

Quyết tâm tìm hang

Vào một ngày trong năm 2006, tôi không còn nhớ rõ, ông Hồ Phong, người trong làng giới thiệu tôi với đoàn thám hiểm Hoàng gia Anh. Ông Phong lăng xê rằng tôi là người thuộc rừng PN-KB như lòng bàn tay, nên có thể giúp đoàn đi khám phá hang động. Ở nhà không có việc làm. Hai vợ chồng cùng ba đứa con chỉ trông chờ vào một sào ruộng.

Tiết lộ của người phát hiện hang động lớn nhất thế giới ảnh 2

Anh Khanh tiết lộ:

Ngoài việc phát hiện ra hang Sơn Đoòng lớn nhất thế giới, đợt thám hiểm này anh còn giúp họ phát hiện một hang mới nữa, hang Thái Hòa (tên con của anh).

Hang này cũng được anh tình cờ phát hiện khi đi khai thác cây kim tuyến. Vì không còn thời gian nên đoàn đã không kịp thám sát hang này.

Theo anh Khanh thì đây là một hang mà anh ấn tượng nhất. Họ (đoàn thám hiểm) bảo, vì chưa đủ phương tiện, nên để dành hang này cho đợt sau, được dự kiến vào năm 2011.

Thời gian còn lại không vào rừng, ai thuê gì làm việc đó từ phụ nề đến bốc vác. Tôi nhận lời đi cùng đoàn với tiền công một ngày 250 ngàn đồng. Chuyến thám hiểm của họ lần đó chủ yếu vào lại ba hang cũ mà họ phát hiện trước đây. Chúng tôi gùi hàng giúp và dẫn đường cho họ thôi.

Trong một lần ngồi nghỉ giữa rừng, tôi chợt nhớ lại lần bị lạc đường năm 1991 và kể chuyện gặp một hang rất lớn cho cả đoàn nghe.

Qua phiên dịch, ông Haward Limbirt rất quan tâm đến câu chuyện của tôi, nhưng ông cũng tỏ ra nghi ngờ về sự tồn tại một hang lớn ngoài trên 100 hang được phát hiện tại đây. Nhưng rồi sau đó ông yêu cầu tôi dẫn đường đến đó.

15 năm kể từ lần lạc đường đó, cánh lâm tặc chúng tôi không có lần nào đi vào vùng đó nữa. Không hề thất vọng, ông Haward khi kết thúc chuyến thám hiểm, nhắc với tôi rằng, nếu có thể thì hãy cố nhớ lại và tìm đường đến đó để lần sau đi cùng đoàn.

Năm 2008, tôi chọn lúc thời tiết thuận lợi và nói với vợ chuẩn bị lưong thực cho một tuần trong rừng và một mình đi tìm hang. Lần theo trí nhớ, tôi cứ lang thang ở vùng Đoòng. Hết ngày thứ nhất vẫn không tìm thấy miệng hang của 17 năm trước đâu. Sáng ngày thứ hai, tôi mở rộng bán kính tìm kiếm, nhưng vô vọng.

Đến lúc 2 giờ chiều của ngày thứ hai, tôi phát hiện ở phía trước có một luồng gió thổi ra mát lạnh. Linh cảm mách bảo mình đi đúng hướng. Tôi đi về phía đó và leo lên. Một miệng hang mở ra trước mặt. Đúng là miệng hang mà tôi gặp trước đây. Tôi lần vào sâu trong hang. Hai bên vách dựng đứng. Đi vào mới 50 m thôi đã nghe tiếng nước chảy như thác đổ. Vào sâu thêm nữa, gió mát lạnh và thổi vù vù.

Chợt ớn lạnh vì theo dân bản địa trong vùng, hang sâu thường là nơi trú ngụ của thuồng luồng, hà bá. Tôi không dám mạo hiểm thêm.

Lần này (2009) trở lại thám hiểm hang động ở PN-KB, quan điểm của ông Haward chủ yếu là đi thám hiểm lại các hang cũ. Đoàn chia làm bốn nhóm, có bốn nhóm trưởng người bản địa dẫn đường gồm tôi (Hồ Khanh), Hồ Phong, Ngô Thắng và Phạm Du.

Ba ngày đầu tập trung làm việc ở các hang động do nhóm Ngô Thắng phát hiện. Đại bản doanh của cả đoàn đặt tại hang Én. Sau đó ông Haward quyết định tách đoàn đưa một bộ phận cùng với tôi đi vào hang mà tôi nói đã tìm được đường dù vẫn đầy nghi ngờ.

Từ hang Én đến hang mà tôi phát hiện dài bằng một giờ đi bộ. Các thành viên cùng đi, không có ông Haward, đã đến cửa hang. Một thành viên vào sâu chừng 30 mét gặp gió mạnh quay trở ra và phấn khởi thông báo: OK. Nhóm này liên tục làm việc tại hang này sáu ngày trời. Cứ sáng đến làm cho đến tối mịt mới quay về hang Én. Tiếp bốn ngày nữa, thành viên của đoàn được tăng cường thêm các chuyên gia chuyên ngành. Khi các tư liệu về hang này hòm hòm, ông Haward mới chính thức đến đây thêm ba ngày nữa.

Mới đứng ở ngoài cửa hang thôi, ông đã gọi tôi và bảo đoàn đặt tên cho hang này là hang Hồ Khanh, người đầu tiên phát hiện ra nó. Nhưng đến khi vào nhìn thấy tầm vóc của hang quá hoành tráng, ông ấy bảo nên lấy tên của vùng đất này đặt cho nó mới tương xứng. Ghi trên bản đồ hang động, ông ghi hang Sơn Đoòng (Tên của vùng đất này từ xưa)...

Kỷ niệm những chuyến đi

Tôi đi cùng họ và giúp họ tìm được 12 hang hoàn toàn mới, Hồ Khanh kể tiếp. Mỗi lần phát hiện được một hang mới, họ cho phép người đầu tiên tìm được chọn tên. Tên của mình, của vợ, của con rồi đến tên của bạn thân...Tên của vợ và con tôi đã được dùng đặt tên cho các hang đó như hang Nghĩa, hang Thái Hòa, hang Văn Hòa (đều là con của anh Khanh).

Tôi nhớ mãi lần chinh phục hang Thắng trong chuyến thám hiểm này. Đây là hang rất hiểm trở, sâu hun hút, vách núi hai bên dựng đứng, cao gần 180 m. Chuyên gia mở đường bỏ ra mấy ngày khoan núi căng dây. Đến khi thành viên đầu tiên chuẩn bị bám dây đi xuống, các thành viên trong đoàn đứng nghiêm trang đọc kinh cầu nguyện như mặc niệm đến cả 15 phút. Những mép núi như vậy họ khuyên chúng tôi nên ở lại chỗ an toàn. Họ bảo, họ đã mua bảo hiểm, còn chúng tôi đến đó chỉ mua nguy hiểm thôi...

MỚI - NÓNG