56 ngày đêm và câu chuyện sau 55 năm

56 ngày đêm và câu chuyện sau 55 năm
TP - Trên hành lang sâu hun hút đi vào nghĩa trang Điện Biên đồi A1, người lính già lặng lẽ dắt đứa cháu nội bằng cánh tay còn lại đi đến từng ngôi mộ thắp nhang viếng những người đồng đội năm xưa.

“Các anh ơi, 55 năm rồi các anh không có tên, liệu các anh còn nhớ đến tôi?”.

Trong làn hương khói tỏa, đứa cháu nội tròn xoe đôi mắt nhìn ông: “Ơ kìa, sao ông lại khóc”. 

56 ngày đêm và câu chuyện sau 55 năm ảnh 1
Lính Điện Biên ngày gặp mặt (trong ảnh, ông Phạm Văn Ngân (trái)  và ông Phan Văn Đạm)

Điểm hẹn đồi A1

Người lính già đó là một cựu chiến sĩ Điện Biên, ông Phạm Văn Ngân, 79 tuổi, đang ở TP Điện Biên, nguyên là chiến sĩ thuộc đơn vị E174, sư đoàn 316.

Trong trận đánh bộc phá trên đồi A1 - trận quyết định chiến thắng Điện Biên Phủ lịch sử mùa hè 1954, ông Ngân chỉ còn lại một cánh tay. Trong 644 ngôi mộ, chỉ có bốn anh hùng liệt sĩ Trần Can, Tô Vĩnh Diện, Phan Đình Giót và Bế Văn Đàn có tên; còn lại là liệt sĩ vô danh.

Nghĩa trang đồi A1 trở thành điểm hẹn của nhiều cựu chiến sĩ Điện Biên. Tại chân đồi A1, chỉ mấy ngày trước, đang chuẩn bị dắt xe đạp ra khỏi cổng nghĩa trang, ông Ngân bắt gặp một người trạc tuổi ông và có ánh mắt quen thuộc lắm mà không nhận ra ai.

Bất chợt người đó quay lại: “Ngân phải không?”. Ông Phan Văn Đạm, 82 tuổi, người Ninh Bình, rưng rưng gặp lại đồng đội sau 55 năm bặt tin nhau. Họ ôm nhau, miệng cười đôi mắt đỏ hoe. Hai đứa cháu đi cùng cũng rơi nước mắt.

Mít tinh trọng thể kỉ niệm 55 năm chiến thắng Điện Biên Phủ

Sáng nay, 7/5, Tỉnh ủy, UBND Tỉnh Điện Biên và hàng vạn nhân dân hai tỉnh Điện Biên và Lai Châu kỉ niệm trọng thể chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2009) với một loạt hoạt động như diễu binh, diễu hành, giao lưu văn hóa văn nghệ...

Tối cùng ngày, chương giao lưu nghệ thuật với chủ đề “Điện Biên cất cánh” sẽ được tường thuật trực tiếp trên sóng Đài Truyền hình Việt Nam (VTV1) lúc 20g.

Giữa trưa 4/5 chang chang nắng, nhiều cựu chiến sĩ Điện Biên khác không hẹn mà gặp cùng đến đồi A1 để thắp hương cho đồng đội đã nằm xuống. Ông Đường Văn Nghĩa, cán bộ quản lý nghĩa trang đồi A1, nói chỉ trong mấy ngày có hàng ngàn người đến thắp hương viếng các chiến sĩ Điện Biên.

“Có  cụ phải chống gậy. Có cụ đi trên đôi nạng gỗ. Có cụ hai cánh tay chỉ còn lại đôi vai. Nhiều cụ bật khóc khi dò dẫm tìm tên đồng đội trên tấm biển ghi danh chung” - Ông Nghĩa kể lại.

Cựu binh hiến kế

Sáng 4/5, có cuộc gặp mặt 221 cựu chiến sĩ Điện Biên đang sống tại tỉnh nhà do tỉnh ủy, UBND tỉnh Điện Biên tổ chức. Ông Ngân dậy và cọc cách đạp xe đi 10km đến tượng đài chiến thắng từ lúc gà chưa gáy.

Trong cuộc gặp mặt này, nhiều cựu chiến sĩ Điện Biên đề nghị không nói nhiều về chiến thắng nữa mà thẳng thắn đề nghị cùng nhau hiến kế, làm sao để kinh tế và đời sống dân Điện Biên cất cánh nhanh nhất.

Khi lãnh đạo TP và tỉnh Điện Biên nói về việc quy hoạch và phát triển tỉnh nhà, nhiều cựu chiến binh cho rằng không thể để Điện Biên cứ lẹt đẹt mãi và “không thể sống dựa mãi vào sự trợ cấp của trung ương”.

“Điện Biên có tiềm năng về nông nghiệp, có sân bay Mường Thanh, có nhiều điểm du lịch tại sao không bám vào đó để phát triển? Đã đến lúc Điện Biên phải vươn mình đứng dậy” – Hơn 80 tuổi, ông Vũ Đình Biên, một cựu chiến sĩ Điện Biên đang sống tại TP Điện Biên thẳng thắn như anh bộ đội ngày nào.

Một cựu chiến sĩ Điện Biên khác nói: “Nếu muốn Điện Biên phát triển nhanh hơn cần trừ tận gốc nạn tham quan, nhất quyết không để xảy ra những việc tương tự như vụ tiêu cực trong việc xây dựng tượng đài Điện Biên trong thời gian vừa qua. Chiến thắng Điện Biên Phủ có được là do Đảng và Bác Hồ biết dựa vào sức dân. Nếu lãnh đạo tỉnh và TP muốn làm được thế, phải để dân tin bằng những việc thiết thực nhất”.

Trao đổi với Tiền Phong, ông Đinh Tiến Dũng, Phó Bí thư Tỉnh ủy - Chủ tịch UBND Tỉnh Điện Biên cho biết, tỉnh đang cải cách thủ tục hành chính, tăng cường tiếp xúc giữa chính quyền - doanh nghiệp, thu hút đầu tư.

Cũng theo ông Dũng, riêng năm 2008, Điện Biên có 12 dự án được cấp phép đầu tư với tổng số vốn 3.176,79 tỷ đồng. Trong đó, bảy dự án thủy điện quy mô từ 8,1 đến 48MW; Nhà máy Xi măng Điện Biên công suất 1.000 tấn/ngày; Nhà máy Sản xuất Bao bì Điện Biên, quy mô 25 triệu bao/năm.... năm 2009, tỉnh vẫn có gần 30 dự án lớn kêu gọi đầu tư trên 10.000 tỷ đồng.

MỚI - NÓNG
Khởi tố vụ cán bộ CSGT tông chết người ở Gia Lai
Khởi tố vụ cán bộ CSGT tông chết người ở Gia Lai
TPO - Cơ quan Cảnh sát Điều tra Công an tỉnh Gia Lai đã khởi tố bị can, bắt tạm giam ông Nguyễn Hồng Phong (41 tuổi, cán bộ Đội Cảnh sát Giao thông – Trật tự, Công an huyện Chư Prông) để điều tra về hành vi "Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ”.