Quốc Anh cười trên sân khấu, khóc sau cánh gà

Quốc Anh cười trên sân khấu, khóc sau cánh gà
TP - “Ngông” như đạo diễn Doãn Hoàng Giang cũng phải thừa nhận Quốc Anh là “diễn viên đa năng”. Bi kịch hay hài kịch vào tay Quốc Anh đều “ngọt”, nhưng anh tự thú: “Con đường của tôi chông gai chứ không nhiều may mắn đâu”.

Phía sau cuộc vui

“Đời tôi nhiều bi kịch nhưng cứ phải diễn hài”, nghệ sỹ tâm sự.

Cách đây 4 - 5 năm, Quốc Anh bắt đầu quay vở “Râu quặp” cùng Xuân Bắc, Vân Dung, Hán Văn Tình… thì được tin bố bị ung thư. Mua vui cho thiên hạ xong, trở về với thực tại, anh khóc cho nỗi đau quá lớn.

Với Quốc Anh, cha mẹ là nơi nương náu tinh thần, cả khi anh đã trưởng thành, va vấp. Nhiều năm nay, cứ đến tết anh lại hối hả về quê, ngưng chạy “sô”, ngưng kiếm tiền.

Những ngày tết, anh muốn về nhà thắp nén nhang cho cha, dành thời gian cho mẹ, cho các anh em của mình: “Có Quốc Anh bây giờ công sức bố mẹ lớn lắm. Bố mẹ làm lụng tiết kiệm từng tí cho con đi học. Có hôm từ Hà Nội về, bố bảo con ơi hết tiền rồi, còn mỗi thế này thôi, con cầm đi, lấy tiền tàu xe. Nhà bảy anh em, bố mẹ lo cho từng đứa một. Hy sinh tất cả nên các cụ chẳng còn lại gì”.

Anh quay sang hỏi tôi: “Em có nhớ một câu rất nổi tiếng của anh Vũ (Lưu Quang Vũ) không: Sau cuộc vui bao giờ cũng cảm thấy buồn tẻ và trống rỗng. Câu ấy rất đúng với tôi.

Sau những cuộc vui, soi lại mình, thấy thiếu hụt, thấy cái gì đó lâng châng. Nhiều đêm chẳng ngủ được, cứ hút thuốc tận 5 - 6 giờ sáng, suy nghĩ mông lung sự đời”.

Gập ghềnh danh hiệu

Quốc Anh cười trên sân khấu, khóc sau cánh gà ảnh 1Lưu Quang Vũ nói: “Sau cuộc vui bao giờ cũng cảm thấy buồn tẻ và trống rỗng”. Câu ấy rất đúng với tôiQuốc Anh cười trên sân khấu, khóc sau cánh gà ảnh 2

Có một thời, trong làng chèo, nhiều người ghen tỵ với “cặp” Minh Thu - Quốc Anh, họ thật “xứng đôi vừa lứa”. Hạnh phúc rạng rỡ ấy rồi cũng tan.

Cuộc chia tay không nước mắt nhưng để lại vết thương lòng cho hai con người nhạy cảm. Đường đời nổi nênh, đường sự nghiệp cũng trúc trắc gập ghềnh.

Tiếng tăm như ai, giải thưởng như ai, nhưng điều ngỡ ngàng là: “Mãi năm vừa rồi, tôi mới được phong tặng danh hiệu nghệ sỹ ưu tú”. Năm nay, anh tròn 50, cái tuổi mà nghệ sỹ biện bạch “chưa đến mức già” nhưng rõ ràng, không còn trẻ.

Chuyện cái danh hiệu phong tặng muộn mằn ấy được anh kể vắn tắt, kèm lời khẳng định: “Chuyện này không hề “mông má”.

Hồi ấy, tôi vẫn sống với vợ cũ (NSƯT Minh Thu). Người ta họp xét danh sách NSƯT, xét vợ xong rồi, được rồi, thì đến lượt tôi, có ý kiến trong hội đồng nghệ thuật cho rằng: Thôi hai vợ chồng, vợ được rồi thì chồng để đợt sau.

À, mà trong khi đó, tôi đã sở hữu năm cái huy chương vàng của sân khấu chuyên nghiệp, thừa ba cái, tiêu chuẩn của NSƯT chỉ cần hai cái thôi. Chuyện này xảy ra ngót chục năm rồi”.

Có người so sánh Quốc Anh với Xuân Hinh, nhưng Quốc Anh bảo: “Tôi không so sánh với Xuân Hinh hay nghệ sỹ chèo nào khác. Điều tôi quan tâm là làm sao cho những vai diễn của mình sâu hơn, sinh động hơn”.

Với Quốc Anh, danh hiệu không quan trọng, quan trọng là được khán giả đón nhận, song dẫu sao sự vô lý trong câu chuyện đã qua cũng làm người nghệ sỹ đôi lúc chạnh lòng.

Trăn trở cùng chèo

Trong khi sân khấu tuồng im ắng, sân khấu chèo gần đây đã “cựa” mình, với những chiêu chịu chơi của Nhà hát Chèo Hà Nội. Vở “Oan khuất một thời” nghe nói đầu tư hơn một tỷ đồng, riêng phần phục trang được long trọng giao cho nhà thiết kế nổi danh Sỹ Hoàng. Báo chí viết phục trang ngốn mất của Nhà hát Chèo Hà Nội trên 300 triệu đồng nhưng người trong cuộc, Quốc Anh đính chính: trên 500 triệu đồng!

Chọn mặt gửi vàng, vai Nguyễn Trãi được đạo diễn Doãn Hoàng Giang giao cho Quốc Anh. Xem “Oan khuất một thời”, nhiều người cảm thấy nghệ sỹ tuổi 50 nhập vai rất nhẹ nhàng. Trong phút chốc, người ta quên đi gương mặt ấy từng gắn với Thằng Cuội, Lý lác, Thầy Bói già…, chỉ còn lại một Quốc Anh đầy thuyết phục trong hình tượng Nguyễn Trãi.

Quốc Anh cười trên sân khấu, khóc sau cánh gà ảnh 3
Trong vai hài kịch "Tiền ơi"

Anh tâm sự: “Tôi mất ăn mất ngủ vì vai diễn quan trọng này. Có đêm thức trắng để tập trung suy nghĩ về vai”.

Hỏi anh: “Nhiều người bảo Doãn Hoàng Giang “phá” chèo, thí dụ cái kiểu đưa những màn gợi cảm vào trong chèo chẳng hạn?”, Quốc Anh trả lời: “Tôi thấy Doãn Hoàng Giang “phá” chưa hết. Cái mà người ta bảo sex trong chèo ấy thì ăn thua gì. Chả có gì là sex cả. Nếu là tôi, tôi sẽ đẩy lên nữa”.

“Chạy “sô” nhiều, đi nhiều, anh có thấy thương cho diễn viên chèo đời sống còn chật vật?”.

Nghệ sỹ bỗng sôi nổi: “Ở Sài Gòn, sân khấu cải lương sống tốt vì cải lương được ưu ái, được đẩy lên. Điều đó phụ thuộc vào truyền thông đại chúng. Muốn chèo sống tốt thì truyền hình phải vào cuộc.

Tôi từng nói với một ông bạn có trách nhiệm làm ở Đài truyền hình: Phải có sân khấu riêng cho ngành chèo, ở kênh 1 hoặc kênh 3 gì đó, hô nhà tài trợ vào, kéo các nghệ sỹ nổi tiếng của các đoàn chèo từ T.Ư tới địa phương tham gia. Có thế chèo mới lên được”.

Và lại bức xúc: “Cái khó là truyền thông đại chúng chưa vào cuộc. Những vở chèo dựng với kinh phí eo hẹp, có hăm mấy triệu một vở diễn hai tiếng đồng hồ, mời các diễn viên mới ra trường tham gia. Các diễn viên đó sự nghiệp chưa đâu vào đâu nhưng lại thích lên truyền hình. Thế nên, các vở diễn truyền hình bây giờ không có vở nào ra hồn”.

Quay sang, anh hỏi như chất vấn: “Em thấy các vở chèo trên ti vi có ai xem không nào?”.

Khơi đúng mạch, nên Quốc Anh hăng hái, giọng cao hẳn: “Khán giả quay lưng lại với chèo vì những vở diễn không chất lượng trên truyền hình, tôi phải nói như thế. Những vở diễn tôi xem xong không thể chịu được. Thế thì làm sao khán giả ưu ái nghệ thuật chèo cho được?

Hôm rồi, tôi vừa xem “cái” chương trình làng nghề trên truyền hình, thấy mấy chị ở quê hát chèo chối lắm, đóng Thị Màu như thế, hát thì phô (nhăn mặt).

Tất nhiên, người ta muốn tôn vinh cái đại chúng, mới đưa người quê hát chèo lên. Nhưng họ đã nhầm. Điều họ làm thì tốt, song phản tác dụng. Đó là một buổi bêu xấu chèo, không tôn trọng chèo”.

Quay sang chuyện thu nhập của diễn viên chèo, Quốc Anh rầu rầu: “Các đoàn ở tỉnh vất vả lắm, họ không sống được với nghề đâu, tôi biết. Đi biểu diễn bây giờ vẫn bồi dưỡng 15 - 20 ngàn, đủ bát phở, sao họ chịu được?

Họ đi diễn ăn bát phở xong rồi về, hôm sau con họ không có gì mà ăn? Nhưng yêu nghề nên vẫn theo. Nhà hát chỗ tôi năng động hơn nhưng nói chung vẫn eo hẹp lắm, những nghệ sỹ, những diễn viên chính của chúng tôi cũng chỉ đủ ăn, không thể nói dư dật”.

* * *

Hỏi Quốc Anh: “Anh không rung rinh trước nhan sắc và tuổi trẻ hay sao mà “bà xã” hiện tại chỉ kém anh 4 tuổi?”.

Trả lời: “Nhìn thấy cô gái đẹp ngoài đường cũng để ý, vì cái đó tạo hóa sinh ra, cái trời cho phái mạnh, vẻ đẹp của họ thì mình phải nhìn, ngắm, thưởng thức nhưng lấy vợ thì chỉ cần hiểu, hợp, thông cảm cho nhau thôi”.

Gần đây, Quốc Anh tìm thấy niềm vui trong cuộc sống riêng. Anh đã có “tổ ấm” mới, “bà xã” không cùng ngành nhưng yêu nghệ thuật. Với hai đứa con riêng của vợ, anh coi như bạn và cũng yêu thương chúng hết lòng. Thỉnh thoảng, anh lại gọi điện dặn thằng lớn đang công tác ở Sài Gòn: “Uống ít thôi nhé”.

Anh bảo: “Nếu chúng nó nghĩ về bố mười phần thì chắc cũng nghĩ về tôi 8 - 9 phần”.

Mấy năm nay, có tin đồn Quốc Anh đi buôn đất. Anh cười lớn: “Theo bà xã tập tành tí xem sao. Mua một ngôi nhà mà “đắp chiếu” suốt hơn năm trời mới bán được. Tôi không có duyên với đất cát, chỉ có duyên với nghề thôi.

Chèo ngấm vào máu rồi, ngấm vào từng hơi thở. Kể cả mình lấn sang kịch trường, phim truyện thì cũng không bao giờ bỏ chèo, dù gập ghềnh chông gai, dù khán giả có thờ ơ với chèo”.

Không sinh ra trên đất chèo, Quốc Anh là người xứ Thanh, giấc mơ thời trẻ cũng là nghiệp cầm ca nhưng thích nhạc mới. Dòng đời đưa đẩy anh đến với chèo và đã giữ anh ở lại.

MỚI - NÓNG
Kiểm toán Nhà nước cảnh báo dấu hiệu mất an toàn tài chính tại một số doanh nghiệp
Kiểm toán Nhà nước cảnh báo dấu hiệu mất an toàn tài chính tại một số doanh nghiệp
TPO - Kiểm toán Nhà nước (KTNN) chỉ ra những thiếu sót, bất cập, đồng thời đưa ra khuyến nghị giúp các tập đoàn, tổng công ty nhà nước hoàn thiện, nâng cao hiệu quả quản lý tài chính công, tài sản công. Đáng chú ý, KTNN cũng cảnh báo một số doanh nghiệp có dấu hiệu mất an toàn về tài chính.
Năm học 2023-2024, Hà Nội được bổ sung 2.648 biên chế giáo dục.
Hà Nội thiếu hơn 16.000 biên chế giáo dục
TPO - Số biên chế sự nghiệp giáo dục của thành phố Hà Nội thiếu so với định mức do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định là 16.004 người. Năm học 2023- 2024, thành phố đề nghị được giao thêm 8.939 biên chế khối giáo dục nhưng chỉ được bổ sung 2.648 biên chế.