Paris thời "đói kém"

Paris thời "đói kém"
TP - Đi Pháp mùa này, thấy khách du lịch vẫn đông nhưng đa số chỉ ghé qua các cửa hiệu để... ngắm, ít người dám móc hầu bao. Ngay dưới chân tháp Eiffel, vẫn có những cảnh đời khổ sở, đa số trong đó là dân nhập cư.

“Thiên đường là cuộc sống/Đó là sự thật, đừng có ảo tưởng”, một nghệ sỹ đường phố chuyên đọc thơ kiếm tiền dưới chân đồi Montmartre diễn nôm bài thơ cho tôi nghe.

Tôi bỏ hai euro (khoảng 50 nghìn đồng) vào chiếc mũ trước mặt ông. Ý thơ này, tôi nghe nhiều nhưng thỉnh thoảng vẫn quên.

Thời buổi khó khăn, người đọc thơ như ông dù đã khản cổ nhưng trong mũ cũng chỉ có vài chục cent. Trong khi, ở Pháp hay nhiều nước Châu Âu, mỗi lần đi toilet cũng mất toi 50 cent rồi.

Louis Vuitton của những kẻ lắm tiền kém hiểu biết

Có người ví đại lộ Champs Elysees ở thủ đô nước Pháp, nơi dẫn tới Khải Hoàn Môn như cái hàn thử biểu để đo sức mua của cả thế giới. Nói như thế cũng không ngoa, bởi dọc hai bên đại lộ này là những cửa hiệu thời trang lừng danh thế giới như Louis Vuitton, Lacoste, Pierre Cardin…, những nhà hàng sang trọng.

Giá thuê mặt bằng trên đại lộ này cũng đắt đỏ nhất trên thế giới. Mỗi năm phải có đến hàng chục triệu du khách từ khắp nơi ghé qua đại lộ này để chiêm ngưỡng và mua sắm. Chính vì thế, nếu hàng hoá trên đại lộ này bán chạy, chứng tỏ nền kinh tế có “thể trạng tốt”.

Champs Elysees những ngày này, khách du lịch vẫn đông nhưng đa số chỉ ghé qua các cửa hiệu thời trang nổi tiếng để... ngắm, ít người dám móc hầu bao.

Cửa hiệu thời trang Louis Vuitton toạ lạc tại một góc toà nhà bảy tầng nổi bật trên Champs Elysees gần Khải Hoàn Môn. Nhãn hiệu này là niềm say mê với nhiều chị em, dù giá của mỗi sản phẩm đều ở trên…trời.

Án ngữ ngay cổng vào cửa hiệu là hai vệ sỹ cao lớn có gương mặt Châu Á. Mới đầu, tôi khá bất ngờ trước sự hiện diện này. Hoá ra, không chỉ hai ông vệ sỹ này mà có rất nhiều người bán hàng cũng gốc Á.

Cửa hàng trang trí đơn giản nhưng cách bài trí tôn vinh mỗi sản phẩm như một kiệt tác. Bản thân những người mua hàng bước vào cửa hiệu này, luôn được phục vụ khiến có thể lầm tưởng đẳng cấp của mình được nâng lên.

Ngoài vệ sỹ gác cửa, bên trong cũng luôn có những vệ sỹ mặc complet giám sát, nhắc nhở khách có ý định chụp ảnh.

Cửa hàng có khá nhiều người vào nhưng chủ yếu chỉ ngắm. Tôi hỏi một nhân viên bán hàng về sự có mặt của nhiều người gốc Á phục vụ cho cửa hiệu thì được biết, điều này do người mua hàng chủ yếu là Nhật Bản, Trung Quốc…

Nghe tôi thắc mắc, bà Magret - một người Pháp nheo mắt nhìn về hướng cửa hiệu có hai chữ L và X lồng vào nhau rồi nói: Dân Châu Âu giờ ít người chuộng loại này. Louis Vuitton hiện chỉ là niềm say mê của những người lắm tiền nhưng kém hiểu biết.

Hơn nữa, theo bà Magret, khủng hoảng kinh tế toàn cầu cũng khiến dân Châu Âu lo cho miếng ăn hơn là chuyện mặc, chuyện diện.

Nói về túi xách Louis Vuitton, nhiều người Việt Nam am tường vẫn luôn nhắc nhau cần thận trọng khi mang túi có nhãn hiệu này sang Paris. Bởi vì, cảnh sát Pháp thường để mắt tới những người gốc Á mang túi Louis Vuitton để kiểm tra hàng giả.

Có người tậu được một chiếc ở Quảng Châu (Trung Quốc) sang Pháp bị phát hiện hàng nhái và mất một khoản tiền không nhỏ vì tội tiếp tay sản xuất hàng giả.

Paris thời "đói kém" ảnh 1
Khu “đèn đỏ” ở Paris. Ảnh: Đình Thắng 

Kiếm ăn dưới chân Khải Hoàn Môn và tháp Eiffel

Đang tìm đường lên từ bến tàu điện ngầm đến chân tháp Eiffel, bỗng nhiên tôi gặp cảnh hoảng loạn. Nhiều thanh niên da đen tay xách, nách mang các mô hình tháp Eiffel chạy toán loạn, khi hai cảnh sát phóng xe đạp tới.

Nick vừa thở hổn hển, vừa cố mời tôi mua hàng. Đồ lưu niệm này do người Trung Quốc sản xuất nên giá bán rong cũng khá rẻ.

Nick nói, đến từ Nigeria. Paris với Nick là thiên đường cho những người nhập cư, dù hàng ngày phải chạy lông nhông bán rong đồ lưu niệm. Nếu bị cảnh sát tóm sẽ phải nộp phạt nặng.

Cả khu vực dưới chân tháp Eiffel ra tới Bảo tàng con người - nơi có góc chụp ảnh tháp đẹp nhất, dường như là địa bàn của những người đồng hương Nigeria như Nick làm ăn.

Nick nói: Bây giờ, người ta không thích mô hình tháp Eiffel nữa nên những người nhập cư như tôi bán thêm cả đồ chơi khác cho trẻ con.

Vợ con Nick vẫn ở trong nước, do đó, mỗi tháng, bằng mọi cách, người thanh niên này phải kiếm đủ một nghìn euro (tương đương 24 triệu đồng) gửi về.

Ở thành phố đắt đỏ bậc nhất thế giới, một bát phở Việt Nam cũng gần 10 euro thì những người như Nick nhọc nhằn lắm mới đủ sống. Nick cũng cho biết thêm, một số đồng hương không chịu được “nhiệt” còn đi làm càn.

Nhiều du học sinh Việt Nam tại Pháp vẫn nhắc nhở đề phòng bị cướp giật khi đi dạo trên phố vắng. Từng xảy ra chuyện bọn cướp phi xe máy phân khối lớn, thò tay qua cửa kính ô tô, giật máy ảnh, túi xách của khách du lịch.

Không riêng gì ở Pháp, tôi đã từng chứng kiến cảnh một thanh niên da đen trà trộn vào khách sạn ở Bỉ rồi bất ngờ cướp đồ.

Paris thời "đói kém" ảnh 2
Đồi Montmartre. Ảnh: Đình Thắng.

Dưới chân Khải Hoàn Môn, ngay gần một cửa hiệu bán đồng hồ Cartier nổi tiếng, người đàn ông gốc Thổ Nhĩ Kỳ ngồi bệt một góc cùng với đàn chó con. Mấy vị khách người Châu Âu đang ngó nghiêng những chiếc đồng hồ trị giá hàng chục nghìn euro ra điều thương cảm đàn chó con đang bú chó mẹ nên quẳng vào mũ mấy đồng xu lẻ.

Những ngày ở Pháp, cảnh tượng này không phải hiếm gặp. Một số người Thổ Nhĩ Kỳ nhập cư có cách khơi gợi sự hảo tâm bằng cách đánh vào lòng trắc ẩn của người Châu Âu - những người yêu động vật.

“Mô hình” người đàn ông đang chải chuốt, vuốt ve cho đàn chó con xuất hiện trên cả những cây cầu bắc qua sông Seine, gần Nhà Thờ Đức Bà Paris. Nhưng xem ra, thời buổi khó khăn, kiểu “làm ăn” này cũng không kiếm được mấy.

Cả tiếng đồng hồ quan sát, tôi chỉ thấy đàn chó con mới chỉ “xin” được vài euro. Gương mặt người đàn ông gốc Thổ Nhĩ Kỳ méo xệch. Trên đầu ông ta, tượng của những chiến binh cơ bắp trên Khải Hoàn Môn vẫn nở nụ cười chiến thắng.

Mùa Xuân ở Pháp đẹp mê hồn, các thiếu nữ tóc vàng má ửng hồng đi phơi nắng nhưng tháp Eiffel thì có dáng vẻ chán nản. Ban ngày, nhìn Eiffel như cột sắt han gỉ dựng giữa những công trình kiến trúc mang đậm dấu ấn Gothic và Phục Hưng. Chiều hôm, tôi gặp những người da đen nhập cư từ Nigeria nói bập bẹ vài câu Tiếng Anh bán tháp Eiffel lưu niệm nhập từ Trung Quốc, bóng họ dựa vào thành cầu còn dài hơn cả cây tháp sắt kia.

Từ bến tàu điện ngầm gần Khải Hoàn Môn, tôi cũng được chứng kiến những người ăn xin vạ vật bên cạnh những quầy hàng tạp phẩm. Hầm tàu điện ngầm gió thốc hun hút, họ nằm ngủ vùi bên chiếc khay trống rỗng.

Tôi hơi ngạc nhiên vì đó là những gương mặt Châu Âu thứ thiệt. Vừa giơ máy ảnh lên chụp, bỗng một toán người mặc thường phục rút thẻ cảnh sát ra yêu cầu không được chụp và bắt xoá ảnh.

Tôi nói, tôi là khách du lịch, muốn chụp ảnh về cuộc sống đời thường ở Paris. Toán cảnh sát kia lắc đầu “No”. Hoá ra, nước Pháp dân chủ là thế nhưng họ cũng không muốn du khách lưu giữ những hình ảnh không đẹp về họ.

Lạ nhất, cách bến tàu điện ngầm Pigalle (gần đồi Montmartre) một đoạn, biển tên quán ăn to tướng “Chào Bà” nằm trên ngã tư đường phố. Tôi vào quán gọi một ly cocktail. Có nhiều món ăn do chủ quán sáng tạo và đặt bằng tên Việt Nam.

Bên trong quán trang trí chủ yếu là những pa-nô, áp-pích của Việt Nam thời kháng chiến chống thực dân Pháp với những dòng khẩu hiệu kiểu như “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”, với hình ảnh chiến sỹ cách mạng ôm bom ba càng.

Thực khách ngồi tại quán này có thể hình dung không khí sôi sục yêu nước một thời của nhiều thế hệ Việt Nam. Không biết chủ quán tự chế hay mang từ Việt Nam sang, nhưng trông những pa-nô, áp-pích này đều có dấu ấn thời gian. Hỏi mới biết, chủ quán là người Pháp.

Từ sân bay Charles de Gaulle vào Paris, những cánh đồng hoa cải vàng rực chạy dài hai bên đường, thi thoảng trên vệ cỏ ven đường như được đính thêm những bông hoa dại li ti.

Tôi cũng thấy những chiếc xe caravan (xe thùng giống nhà lưu động) của người lang thang bên cạnh những đống rác to. Có thể, tôi lại gặp họ trong ngày công đoàn nước Pháp tổ chức biểu tình phản đối một số chính sách xã hội về vấn đề người nhập cư ngày 1/5 vừa qua.

Không hiểu sao, hình ảnh bà giáo già người Pháp nghỉ hưu, ngồi thảnh thơi uống cà phê Starbucks ở hiệu ăn nhỏ trong Bảo tàng Louvre, tự hào kể về những lâu đài cổ, cứ ám ảnh tôi.

Tôi nói, tôi không phải người Nhật hay người Trung Quốc như bà tưởng và cà phê Việt Nam - nơi tôi sống - không nhạt hoét như loại cà phê bà đang uống.

MỚI - NÓNG