Quốc hội thông qua, sẽ hợp nhất ngay "sổ hồng", "sổ đỏ"

Quốc hội thông qua, sẽ hợp nhất ngay "sổ hồng", "sổ đỏ"
TP - “Giấy chứng nhận mới giữ lại linh hồn của sổ đỏ và gồm cả nội dung của sổ hồng. Nếu Quốc hội thông qua sẽ triển khai thực hiện ngay” - Bộ trưởng Bộ Tài nguyên & Môi trường Phạm Khôi Nguyên cho biết.
Quốc hội thông qua, sẽ hợp nhất ngay "sổ hồng", "sổ đỏ" ảnh 1
Bộ trưởng Phạm Khôi Nguyên. Ảnh: PV

Theo Bộ trưởng Nguyên, Bộ này thiết kế xong mẫu giấy chứng nhận mới có thể cấp cho cả đất và tài sản gắn liền với đất (nhà ở, nhà xưởng, trường học, rừng cây...).

Với giấy chứng nhận mới, có thể ghi các nội dung biến động về nhà đất, ghi nhận cả chủ sở hữu tài sản và chủ sử dụng đất (trên cùng một mảnh đất).

Bộ cũng đề nghị khi cấp đổi giấy chứng nhận mới, Nhà nước sẽ miễn toàn bộ phí và thuế cho dân. Các loại giấy chứng nhận trước đây vẫn có giá trị, nếu người dân không có nhu cầu đổi giấy chứng nhận mới.

Thảo luận tổ ngày 29/5 về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật liên quan đến đầu tư xây dựng cơ bản, Đại biểu Ngô Thị Doãn Thanh (Hà Nội) đề nghị Bộ Tài nguyên & Môi trường cần minh bạch điều kiện, quy trình cấp đổi giấy chứng nhận mới theo hướng có lợi và thuận tiện nhất cho dân.

“Không nên để dân phải đi lại nhiều lần, phải kê khai nhiều loại thủ tục phức tạp, không cần thiết” - Bà Thanh nói.

Trả lời đại biểu Thanh, Bộ trưởng Nguyên cho biết, thông tin về nhà đất ghi trên giấy chứng nhận đã được quản lý bằng mạng máy tính. Đại biểu Đinh Xuân Thảo (Kiên Giang) cho rằng, nên giao một cơ quan quản lý và thực hiện việc cấp giấy chứng nhận.

“Giao Bộ Tài nguyên & Môi trường quản lý chung, còn địa phương thì giao UBND cấp tỉnh và UBND cấp  huyện thực hiện” - Ông Thảo đề nghị.

Cùng với việc cấp thống nhất một giấy chứng nhận trong thời gian tới, Bộ trưởng Phạm Khôi Nguyên còn cho biết, theo lộ trình đến năm 2015, sẽ thí điểm cấp thẻ điện tử thay vì cấp giấy chứng nhận như hiện nay.

Băn khoăn chỉ định thầu

Dự thảo Luật sửa đổi quy định chỉ định thầu với một số loại công trình. Đại biểu Phạm Thị Loan cho rằng, điều kiện để chỉ định thầu như tính cấp bách, vì lợi ích quốc gia là rất chung chung.

“Công trình nào chẳng vì lợi ích quốc gia, nếu không quy định cụ thể dễ bị lạm dụng, chỉ định thầu tràn lan. Cần luật hóa mức chỉ định thầu” - Bà Loan đề nghị.

Đại biểu Vũ Hồng Anh băn khoăn vấn đề khác: “Để phòng chống tham nhũng, lãng phí, cần siết lại các quy định về đầu tư xây dựng cơ bản. Luật sửa đổi quy định theo hướng rất mở, như vậy có phù hợp không?”.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Hà Văn Hiền, lý giải, các dự án đầu tư xây dựng cơ bản thường chậm tiến độ, hiệu quả sử dụng công trình bị ảnh hưởng. Nguyên nhân là do các luật chồng chéo, quy định không rõ ràng, dẫn đến cách hiểu khác nhau.

“Các quy định phải được sửa theo hướng đơn giản hóa thủ tục, giảm bớt thời gian cấp phép. Ví dụ, một số loại dự án cho chậm nộp báo cáo đánh giá tác động môi trường, chỉ phải nộp báo cáo này trước khi khởi công” - Ông Hiền nói.

Một số đại biểu cho rằng, giá đền bù đất khi giải phóng mặt bằng thấp là vấn đề bức xúc chứ không phải là việc nhập hay không nhập sổ đỏ, sổ hồng.

Đại biểu Nguyễn Tấn Tuân (Khánh Hoà) nêu thực tế bất cập nhiều năm qua: “Đất nông nghiệp đền bù với giá rất thấp nhưng chỉ cần một con đường đi qua, giá lại đội lên cao gấp hàng chục lần giá đền bù”.

MỚI - NÓNG