Bí mật hạt nhân của Triều Tiên - Kỳ 2

Bí mật hạt nhân của Triều Tiên - Kỳ 2
TP - Một quốc gia sở hữu bom nguyên tử trở nên nguy hiểm hơn khi đồng thời sở hữu cả tên lửa có khả năng mang đầu đạn hạt nhân.
Bí mật hạt nhân của Triều Tiên - Kỳ 2 ảnh 1
Máy ly tâm làm giàu uranium 235 ở Mỹ  Ảnh: Wikipedia

Thời kỳ trước 1997, Triều Tiên có công nghệ chế tạo tên lửa điều khiển tầm ngắn và tầm trung nhưng chưa có công nghệ chế tạo bom nguyên tử.

Trong khi đó, Pakistan thì ngược lại, sở hữu công nghệ vũ khí hạt nhân nhưng chưa đạt được trình độ công nghệ tên lửa điều khiển như Triều Tiên.

Thực hư về cuộc trao đổi

Nhiều người trên thế giới tin rằng, Bình Nhưỡng và Islamabad đã trao đổi bí quyết công nghệ tên lửa và hạt nhân để cả hai đều có vũ khí hạt nhân và loại tên lửa mang được đầu đạn hạt nhân đến mục tiêu.

Người thực hiện cuộc trao đổi này, được phía Pakistan thông báo, là Tiến sĩ Abdul Qadeer Khan - cha đẻ bom nguyên tử của Pakistan.

Tuy nhiên, Tiến sĩ Abdul Qadeer Khan, trong một cuộc trả lời phỏng vấn của truyền hình Mỹ ABC News ngày 30/5/2008 nói rằng, bản thân ông không liên quan gì đến việc tiết lộ bí mật hạt nhân cho Triều Tiên.

Tiến sĩ Abdul Q.Khan nói, sở dĩ trước đây ông khai nhận cung cấp bí quyết làm bom nguyên tử cho Bình Nhưỡng là do bị ép buộc dưới chính quyền Tổng thống Peverz Musharraf.

Tiến sĩ Khan cho rằng, bản thân ông hai lần cứu Pakistan. Lần thứ nhất chế tạo ra bom hạt nhân, lần thứ hai đứng ra nhận mình tiết lộ bí mật hạt nhân cho Bình Nhưỡng.

Tiến sĩ Khan nói, ông tự hào được làm “vật tế thần” để cứu nguy cho dân tộc Pakistan trước sự truy bức của phương Tây.

Tiến sĩ Khan từng đến thăm các cơ sở hạt nhân của CHDCND Triều Tiên, cho rằng, công nghệ hạt nhân của Bình Nhưỡng còn tân tiến hơn cả của Islamabad.

Thực hư quan hệ giữa Triều Tiên và Pakistan về công nghệ bom nguyên tử thế nào, đến nay, phía Islamabad vẫn còn trong tình trạng lúc thừa nhận khi phủ định.

Nếu Bình Nhưỡng nhận được chìa khóa công nghệ làm bom nguyên tử từ Islamabad, công nghệ đó vẫn thuộc loại cổ điển, tức làm giầu uranium bằng phương pháp ly tâm.

Làm giầu uranium

Ngày nay, với công nghệ thông tin bùng nổ, bất cứ ai sử dụng Internet cũng có thể tiếp cận được cách khai thác, chế biến, làm giầu uranium.

Khi chế tạo bom nguyên tử, người ta dùng uranium 235 được làm giầu đến nồng độ từ 80 phần trăm trở lên. Để có quả bom nguyên tử mà Mỹ ném xuống Hiroshima, Nhật Bản, năm 1945, người ta sử dụng  64 kg uranium 235 được làm giầu đến 80 phần trăm.

Muốn thu được uranium 235 chỉ có một cách tuyển lọc từ quặng uranium khai thác trong thiên nhiên. Hiện nay, trên thế giới, có ít nhất ba cách tuyển và làm giầu uranium 235 đến độ đủ để làm bom nguyên tử: ly tâm, khuyếch tán vật lý, và laser. Nhiều người tin rằng, CHDCND Triều Tiên đang áp dụng phương pháp ly tâm cổ điển.

Trong thiên nhiên, uranium tồn tại dưới dạng quặng hỗn hợp của hai chất đồng vị phóng xạ là uranium 235 có màu đỏ và uranium 238 màu xanh lam.

Trong quặng, chất đồng vị phóng xạ uranium 238 chiếm tới 99,284 phần trăm khối lượng, trong khi uranium 235 chỉ chiếm 0,711 phần trăm, và các tạp chất khác.

Để lấy được uranium 235, người ta phải tách được uranium 238 khỏi hỗn hợp quặng. Việc tách này không dễ dàng vì hai chất đồng vị phóng xạ này có tính chất hóa học gần giống nhau, khối lượng hai chất cũng tương tự nhau, trong đó uranium 235 nhẹ hơn uranium 238 chỉ có 1,26 phần trăm.

Lợi dụng sự khác nhau về khối lượng của hai chất đồng vị phóng xạ mà người ta tách các phân tử uranium 235 ra khỏi khối hỗn hợp với uranium 238.

Trước hết, quặng uranium được nghiền thành bột mịn, sau đó cho hòa tan trong dung dịch có nồng độ kiềm, acid đậm đặc để lọc uranium ra khỏi tạp chất. Hỗn hợp thu được ở thể rắn có nồng độ khá cao hỗn hợp uranium 235 và uranium 238 gọi là bánh vàng.

Trên thực tế, chất thu được chỉ có màu nâu hoặc đen nhưng vẫn gọi là bánh vàng vì đó là màu của chất được tạo ra trong giai đoạn đầu xử lý quặng tự nhiên. Bánh vàng được nung cho đến khi chuyển thành hơi.

Hơi hỗn hợp này được đưa vào các xi lanh hình trụ của máy ly tâm đặt song song nhau quay với tốc độ lớn dần. Dưới tác động của lực ly tâm, các phân tử uranium 235 do nhẹ hơn nên bám vào về phía bề mặt trục trong khi các phân tử uranium 238 nặng hơn văng ra, bám vào thành xi lanh.

Uranium 235 thu được đạt đến độ làm giầu 80 phần trăm trở lên thì có thể được đưa ra sử dụng làm đầu đạn hạt nhân hoặc bom nguyên tử.

MỚI - NÓNG
Công an Phú Yên dồn toàn lực đảm bảo an toàn cho Tiền Phong Marathon 2024
Công an Phú Yên dồn toàn lực đảm bảo an toàn cho Tiền Phong Marathon 2024
TPO - Trao đổi với PV báo Tiền Phong, Đại tá Nguyễn Khoẻ - Phó Giám đốc Công an tỉnh Phú Yên, cho biết: "Tất cả các lực lượng Công an tỉnh Phú Yên đã sẵn sàng làm nhiệm vụ nhằm đảm bảo an ninh trật tự, bảo vệ an toàn cho các du khách đến địa phương và vận động viên tham gia Giải Vô địch Quốc gia Marathon và cự ly dài Báo Tiền Phong lần thứ 65 - năm 2024".